Quê hương trong trí nhớ
* tùy bút
Phủ Giày, nơi thờ mẫu Liễu Hạnh. (Nguồn:
Internet)
Tối hôm đó nàng cầm tay tôi hỏi, “Anh biết sáng mai là ngày gì
không?” Tôi khựng lại hơi có chút e dè. Nàng mỉm cười, “Sáng sớm mai
là ngày anh mở mắt chào đời. Ngủ đi với mộng đẹp.” Tôi vùi đầu vào
chiếc gối êm. Những hạt bụi thời gian của một thành phố cũ chợt rơi
xuống quanh tôi.
Hồ Vị Xuyên là một phần còn lại của sông Vị
xưa đã được nhắc đến trong tác phẩm Sông lấp của cụ Tú Xương.
(Nguồn: Internet)
Tôi chạy tung tăng về thành Nam Định. Hai bên đường có những câu hò
gieo mạ và hàng cây long lanh sương mai. Con sông Vị chập chờn, nước
chảy uốn éo ôm đôi chân xinh của cô gái giặt lụa. Bến đò có hai ông
cháu hát xẩm. Họ ngồi co ro gõ nhịp cất tiếng than khóc cho mối tình
trầu cau. “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu? Kìa sông sâu dòng
êm reo như gợi mối sầu”… Những con thuyền xam xám nhấp nhô lên xuống
theo nhịp sóng. Trên đỉnh cột buồm có con chim trắng đậu cô đơn như
chờ đợi ai. Tôi đi ngang qua một cửa tiệm bán thuốc lào. Trước cửa
tiệm có đặt một bình điếu bằng gỗ rất to. Tôi chạy về trường học.
Hai con thạch lân trước cổng trường Saint Thomas nhảy đùa khúc khích
với lũ học trò mới lớn. Tôi đến sân nhà thờ Đức Bà tập đi xe đạp và
ăn kẹo kéo. Đứng dưới sân nhìn lên tháp chuông cao, tôi thấy thấp
thoáng bóng anh gù nhảy múa kéo chuông ở bên trong. Theo âm vang của
tiếng chuông, tôi bay xuống phố Hàng Giấy vào trường tiểu học thăm
cô bạn gái cùng lớp thuở nào. Cô là con gái của chủ rạp ciné… tên gì
là nhỉ? Rạp ở bên cạnh chợ Rồng. Cô chính là Esmeralda đẹp kiêu sa.
Cô khiến tất cả con trai trong lớp trở thành những anh gù.
Nhà thờ lớn Nam Định tháng 12-2010. (Nguồn:
Internet)
Rồi trong hơi sương lạnh chớm Thu, tôi dắt em tôi lên phi trường xem
phi cơ cất cánh. Tôi cầm tay em tôi ngẩng nhìn chiếc phi cơ từ từ
lên cao rồi biến mất trong mây. Tôi cảm thấy tay của em lạnh và nhỏ.
Em tôi nay đã ra người thiên cổ. Chiến tranh đã có lần xảy ra trên
quê hương tôi. Tưởng rằng có ngày mình có thể viếng mộ cám ơn những
người nằm xuống. Nhưng nghĩa địa đã bị khai quang không còn dấu vết.
Thành Nam Định cũng chỉ còn là vết tích xa mờ… Có phải tất cả là lỗi
tại tôi, bởi vì tôi đã lớn. Thời gian qua rồi, không bao giờ trở
lại.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 232-2011)
|