Thế kỷ 20, họa sĩ Lê Phổ được nhiều người biết tới như
một cây đại thụ trong hội họa Việt Nam. Tên tuổi ông
thường được nhắc cùng với những họa sĩ tên tuổi khác như
Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái... và theo như tôi được biết
thì họa sĩ Lê Phổ cùng với các họa sĩ kể trên đã học
cùng một khóa ở trường Mỹ thuật Đông Dương. Khác với các
bạn, ông đã sớm từ giã Việt Nam để sang đất Pháp sinh
sống, ông mất tại đây ngày 12/12/2001 thọ 94 tuổi.
Cũng vì lý do này, Việt Nam tuy là nơi sinh ra ông nhưng
không có nhiều tác phẩm của ông để lưu giữ tại các bảo
tàng mỹ thuật. Nhưng mới đây, tại Nam Định người ta phát
hiện còn có một bức tranh quý.
Bức tranh nạm vàng và ngọc
Nhà danh họa Lê Phổ |
Gần đây, giới mỹ thuật xôn xao về bức tranh
Thiếu phụ
- một trong số rất ít tranh của Lê Phổ còn ở Việt Nam.
Bức tranh sơn mài, khung bằng ngà voi này do nhà sưu tập
- KTS mê hội họa - Nguyễn Quốc Cường sở hữu, được đánh
giá là đắt nhất trong vô số món đồ quý đang được trưng
bày tại Nhà triển lãm Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).
Đọc được thông tin này, chợt nhớ ra cách đây không lâu
tôi đã được chiêm ngưỡng một bức tranh khác của họa sĩ
Lê Phổ. Bức tranh có tên
Kim Vân Kiều.
Một số nhà nghiên cứu hội họa cho biết, bức tranh này có
thể ra đời vào khoảng những năm 1932 - 1935 là loại
tranh sơn mài có khảm, sử dụng nhiều chất liệu quý giá
như: ngà voi châu Á, hổ phách, ngọc bích và vàng mười
miêu tả một cảnh lãng mạn trong
Truyện Kiều
của đại thi hào Nguyễn Du, xuất phát từ câu thơ:
Chàng Vương quen mặt ra chào
Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa |
Nhìn vào bức tranh chúng ta có thể thấy rõ bối cảnh ba
chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Vương Quan đi tảo mộ, đang
lúc chuẩn bị ra về (sau khi gặp Đạm Tiên) thì gặp Kim
Trọng đứng bên kia chiếc cầu nho nhỏ được nạm vàng. Thực
tế Kim Trọng là bạn học của Vương Quan nên đã biết Thúy
Kiều và Thúy Vân từ lâu, bởi vậy chỉ có
Chàng Vương quen mặt ra chào
còn
Hai Kiều thìe lệ nép vào dưới hoa.
Hoa trong bức tranh cũng được nạm vàng và chất liệu ngà
rất sinh động, hai Kiều chẳng những nép vào dưới hoa mà
còn đứng ngay dưới tán cây tùng cũng được nạm vàng lộng
lẫy không kém. Quan sát kỹ hơn nữa, chúng ta có thể thấy
phía bên trái cầu, chàng Kim Trọng đội mũ ngọc bích,
trang phục bằng ngà voi, khuôn mặt và phần chân là hổ
phách. Phía bên phải cầu, Vương Quan đội mũ ngọc bích,
trang phục hổ phách. Thúy Vân đứng trước, trang phục,
khăn áo, khuôn mặt đều bằng ngọc bích, phần chân là ngà
voi, Thúy Kiều trang phục ngà voi, dải khăn và phần chân
bằng đá ngọc. Con ngựa đang bình thản gặm cỏ thì được
làm bằng hổ phách, yên ngựa được làm bằng ngà voi. Toàn
bộ cây lá, hoa cỏ đều là vàng mười.
Toàn cảnh bức tranh, họa sĩ không chỉ tài tình thể hiện
cốt truyện bằng những nét vẽ mà còn rất công phu tới
từng chi tiết. Với tôi thì bức nào của họa sĩ Lê Phổ
cũng đều giá trị cả, nhưng bỗng nhiên tôi có ý so sánh
với bức
Thiếu phụ
đã được giới thiệu vừa qua với bức tranh
Kim Vân Kiều.
Nếu so về mặt vật chất, thì bức
Thiếu phụ
chỉ có khung bằng ngà voi, còn nội dung tranh đơn thuần
là sơn mài, còn bức tranh tôi đang nói đến thì nội dung
hầu hết được nạm tỉ mỉ bằng cả ngà voi, vàng và ngọc. Rõ
ràng, để đạt thành công một bức tranh sinh động như thế
này, chắc chắn họa sĩ Lê Phổ phải tốn công sức hơn
nhiều.
Kim Vân Kiều, bức tranh quý của Lê Phổ
|
Theo như thông tin của ông Lại Văn Chức - hiện là Chủ
tịch Câu lạc bộ Cổ vật Thiên Trường (tỉnh Nam Định),
đồng thời là Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Nam Định cung
cấp thì bức tranh này đầu tiên thuộc về một gia đình
Thượng thư Bộ Lễ của triều đình Huế thời Bảo Đại. Gia
đình này có gốc gác từ Nam Định nên khi về hưu, họ đem
theo cả bức tranh về quê.
Bức tranh đã ở đất Nam Định kể từ đó cho đến khi con
cháu của vị Thượng thư Bộ Lễ bán lại cho ông Lại Văn
Chức, ước chừng khoảng gần 70 năm.
Cho đến năm 2010, qua bài báo
Nghề chơi cũng lắm công phu
do
tôi viết đăng trên báo
Người cao tuổi,
ông Lại Văn Chức tìm được ân nhân của mình chính là ông
Vũ Toán - nhân vật chính trong bài viết sở hữu rất nhiều
cây quý thì ông quyết định tìm đến ông Vũ Toán để tặng
ông bức tranh
Kim Vân Kiều
nhân dịp hội thảo kỷ niệm 245 năm ngày sinh và 195 ngày
mất Nguyễn Du.
Được tặng bức tranh quý, ông Vũ Toán bèn gia cố, lau
chùi đánh bóng lại, cố gắng tối đa bảo vệ nguyên bản bức
tranh gốc là không có khung nẹp xung quanh thay vì có
nẹp như khi ông Lại Văn Chức đem tặng. Hiện tại, bức
tranh
Kim Vân Kiều
có kích thước 1,2m x 0,7m đang được lưu giữ cẩn thận tại
phòng khách nhà ông Vũ Toán, số nhà 20A, ngõ 9 Đặng Thai
Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Tôi tin rằng, đây chính là một phát hiện thêm về một số
hiếm hoi những bức tranh quý của họa sĩ Lê Phổ hiện còn
ở Việt Nam.
Thủy Hướng Dương