dnnp - ngô vàng

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:

Tình cờ ta lại gặp nhau

 

* tạp bút 


Có người tò mò hỏi: Mối tình đầu cũa Ngô Vàng bây giờ ra sao? Và biết trả lời sao khi cuộc sống cùa mình vẫn đang ngàn bộn, trăm bề âu lo cho tuổi về già phải cảnh "Nhất kiểng tứ quê": Ở quê vợ, ít nhiều cũng sợ người đời cho mình: Thực lộc chi thê như cá trê ăn…"ấy". Về đất tổ Vên Vên thì đâu còn ai thân thuộc nữa! Theo con cả, xuôi cuối trời Nam địa cầu để được nhấm nháp món thịt Kangaroo nướng than hồng chấm sốt cà chua thì con gái út buồn lòng so tị: Sao ba mẹ về Nam mà không ở trời Tây với tụi con để thưởng thức món "hoa xương rồng chưng với honey" thật bổ? Biết trả lời sao!


Rồi một hôm vào net đọc được bài "Chuyện vô duyên ở bến đò" của thầy Đỗ Xanh như lời gợi nhắc về một bến cũ tình xưa. Và ký ức thuở nảo nào nao như bỗng ùn nhau kéo về diễn lại khúc phim: Ơi con sông quê, bên lở bên bồi. Ơi con đò nhỏ, với Alìn tảo tần xuôi ngược phố chợ, bến sông! Và như để cho mình tự thú với lòng mình: Vì sao ngày đó ta ra đi mà không một chút nhớ gì cho mảnh tình khờ khạo! Ơi hỡi trời, tình lang bội bạc là ta đây sao?

 

Nguồn: Internet.


Tôi vẫn nhớ:


Chuyện xảy ra hơn ba mươi năm về trước. Nhân dịp nhà trường nghỉ hè, tôi rủ người bạn gái về thăm quê nhà tôi cho biết, cùng sẵn dịp này tôi giới thiệu nàng với anh chị của mình [ba mẹ tôi đã mất sớm khi tôi còn ngồi ghế nhà trường trung học]. Lòng hớn hở, tay trong tay chúng tôi luôn nhìn nhau mỉm cười trong ánh mắt long lanh tràn đầy hạnh phúc. Xe đò chở khách từ Sài Gòn về đến Vên Vên dừng lại ngoài quốc lộ, chúng tôi phải đi bộ qua một quãng đường đất gồ ghề không xa lắm để đến bến đò Bà Lụa rồi ngồi ghe máy qua sông Vàm Cỏ Đông mới đến nhà. Vì đến sớm, đò còn trống nên hai đứa tôi lên đò tìm chỗ ngồi ở tận sau đuôi ghe cho thoáng mát và tiện nhìn ngắm cảnh vật hai bên bờ sông. Khách sang sông lần lượt mỗi lúc một đông. Không mấy chốc chiếc đò đầy chỗ, nhưng khốn nỗi, chú tài công còn bận đi đâu đó nên chưa thấy mặt. Tôi bảo Ngọc Hạ [bạn tôi]:


- Mình đến đây cũng như là mình tới nhà rồi, em cứ tha hồ ngắm cảnh đất trời cho thỏa thích và cũng để hiểu biết thêm thế nào là nơi quê chồng tương lai của em.


Nàng nguýt mắt nhìn tôi thẹn thùng vì sợ người ngồi xung quanh chú ý nhưng rồi nàng cũng gật đầu cười hớn hở, mắt ngắm nhìn phong cảnh hai bên bờ sông trong trời chiều nhàn nhạt nắng. Gió lồng lộng trên sông làm sóng lao xao vỗ mạn đò kêu oành oạch! Tiếng người cười nói, cãi cọ nhau để chen lấn xuống đò bắt đầu ồn ào nhặng xị cả lên, thế mà bóng dáng của ông lái đò còn biền biệt nơi đâu? [Chiêu này, tôi rất rành vì mình sống ở vùng sông nước Đồng Tháp khá lâu rồi: Ông ta cố ý đậu lâu để chờ vớt thêm cho hết khách do bởi đây là chuyến đò ngang chót trong ngày mà!]


Bỗng trước mũi đò có tiếng kêu thét vang lên:


- Ê, thằng già mắc dịch, tao để ý nãy giờ cha nội cọ quẹt tao hai ba lần rồi à nhe? Mưu tính cái gì hả? Tính dê hả? Đừng tưởng đàn bà góa dễ "ma xát"à nghen cha?


Tiếng người đàn ông đốp chát lại:


- Ai thèm mẹ nái xề ơi. Chuyện đi đò chật chội có cọ qua quẹt lại cũng là chuyện bình thường ở huyện. Mập béo gì mà ỏm tỏi cho lớn "chiện" vậy? Bà mập lù ngồi chiếm ghế người ta gần hết mà còn chảnh chẹ? Thấy phát ghê!


Không vừa, mụ đàn bà la ong ỏng:


- Mập ốm kệ cha tui. Yêu cầu ông nghiêm chỉnh lại. Lần sau còn nhúc nhích gian ý thì đừng trách sao tui không nhịn à nha.


Thấy mụ quá dữ, gã đàn ông nín thinh quay mặt ra sông nhìn lục bình trôi cho… đỡ quê, miệng lầm bầm: Ai thèm chấp chi mấy con mẹ buôn bán đường dài. Cả chuyến đò ai cũng quay nhìn gã đàn ông "ham kỳ cục" và họ cười rần rần lên như đang xem vở hài kịch thật vui.


Nãy giờ bận cãi cọ với gã cố ý giả bộ như vô tình… be he nên bà mập kia có vẻ đói bụng, bà ta moi trong chiếc giỏ xách bàng ra một quả bắp nếp rồi lanh lẹ lột vỏ quăng xuống sông. Bà thản nhiên đưa trái bằp vào miệng cạp lấy cạp để như chưa từng được cạp, những hạt bắp mồ côi không kịp vào mồm thì cứ tự động mà dính lấm tấm vào hai bên má bà ta! [Nhìn thấy thèm quẹt cho rớt mấy hột bắp này cho rồi và cũng để cho mắt mình phần nào đỡ... khó chịu!].


Chứng kiến cảnh cãi cọ nãy giờ,Ngọc Hạ cười khúc khích, nàng khều nhẹ vai tôi rồi nói nhỏ:


- Đàn ông ai cũng như vậy hết hả anh?


Tôi bật cười biết nàng chọc mình, nhưng vì tự ái của người cùng phái nên tôi cũng vẫn đính chính:


- Đâu phải đàn ông nào cũng vậy.Tùy theo loại máu A, B…D gì đó của mỗi người.


Hai đứa nhìn nhau cười vì đã hiểu lòng nhau từ lâu.


Tiếng chân người đi kêu lộp cộp trên mui đò, chú tài công đã về và chuẩn bị nổ máy để quay mũi đò tách bến sang sông. Chú cất tiếng to vang trong nắng chiều sắp tắt trên sông:


- Chuẩn bị sang ngang nghe bà con, cô bác. Ai có quên gì thì nhớ lấy lên đò giùm. Đò chạy rồi là hỗng có vụ quành lại à nghe.


Rồi bổng chợt ông ta chồm người lên phía mũi đò chỗ bà mập ngồi hỏi to:


-Ê, A Lìn, bữa nay bà có mua giùm cái cặp ba lô cho thằng nhỏ tui hông vậy bà A Lìn?


Bà mập quay xuống trả lời:


- Dặn gì có nấy, sáng mai qua tiệm tui lấy, nhớ mang theo 30 ngàn trả tui.


Ông tài công nhăn mặt:


- Bà làm như tui thiếu bà dai lắm vậy.


Nói xong, ông cúi xuống quay máy vù vù, tiếng máy bắt đầu kêu tành tạch và cuối cùng thi đã nổ dòn dã. Đò quay mũi về phía bên bờ sông lở hướng nhà tôi.


Cúi đầu nhìn đuôi ghe thấy chân vịt ghe vẹt hai vệt nước rẽ sóng băng băng. Ngước mắt lên trời thấy một cánh cò trắng lẻ loi chao nghiêng về phương mặt trời lặn. Nhìn ngang mình, Ngọc Hạ cười vu vơ hồn nhiên trong sắc đậm trời chiều dần tắt nắng. Hướng về trước mũi đò: một nửa hồn đau thương cho duyên số một con người còn ngồi đó.


Đâu đó trong tôi văng vẳng tiếng ai hát bài Tìếng hát chim đa đa của nhạc sĩ Võ Đông Điền nghe sao buồn ơi là buồn:


"Tình cờ ta gặp lại nhau, đi chung trên một chuyến đò. Đò chiều đưa khách sang sông..."

ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 26-3-2011)

 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage