|
Món ngon quê nhà: bánh chưng nước
tro Tân An
* tạp bút
Một hôm chợt nhớ các em học trò Kiến Tường da
diết, Ngô Vàng tôi nhớ nhau bằng cách gửi về nơi yêu thương ấy một
món quà đặc sản chỉ ở thành phố Tân An này mới có: Bánh chưng nước
tro Tân An. Chủ quán phở Dương Tấn Lương và nhạc sĩ Phạm Định ở Mộc
Hóa được nhận nhiệm vụ đón xe hàng gửi và phân phối lại món quà Tình
thương này đến cho các bạn mình. Ngay buổi chiều hôm ấy, phản hồi từ
vùng Đồng Tháp Mười vọng về: Ngon quá "khứ" thầy ơi! Con bé Hoài
Hương thì thiệt thà bày tỏ: Ngon quá nên con ăn hết nguyên cái và
kết quả là… ngán quá trớn thầy à! Ô hô, thì ra trong lúc quảng bá
món bánh ngon nổi danh này, tôi lại quên phéng đi mất cái câu kinh
điển bắt buộc phải ghi trong gói hàng: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng
trước khi… "cháp"! Hèn gì con bé "dùng" quá liều cho nên ngán là
phải! Rút kinh nghiệm này, lần sao nhớ dùng cho đúng liều lượng thì
mới tận hưởng được cái ngon "hết ý" này nhé con gái của thầy.
Thoạt nhìn thoáng qua hình dạng của chiếc bánh này, ta sẽ dễ bị lầm
tưởng đây là chiếc bánh chưng miền Bắc thu nhỏ lại! Không, có thể là
người đầu tiên sáng tạo ra chiếc bánh này đã lấy ý tưởng về hình
dạng bên ngoài của chiếc bánh chưng của Lang Liêu ngày xưa dâng tặng
vua cha và được trúng giải "đặc biệt": Nối ngôi vua cha trị vì đất
nước. Lá gói bánh bắt buộc phải là những chiếc lá dong hay có thể
thay thế bằng lá củ mì tinh họăc lá chuối nước, vì kích thước chiếc
bánh nhỏ hơn bánh chưng thuần tuý [và cũng là bí quyết để nói sau].
Nếp chọn lưa phải là nếp một ngâm nước tro một đêm để cho hột nếp
thục ra. Nước tro để ngâm nếp không phải là loại tro tàu bình thường
mà ta hay dùng. Tro ở đây là phải kỳ công tìm cho ra những vỏ chuối
sứ phơi khô rồi đốt thành tro mới đem dùng. Nối tiếp công đoạn là
nếp ngâm xong một đêm đem gói trong lá dong, đặt ở giữa nhóm nếp là
nhưn "đỗ xiêng" xào đường cát trắng nấu chín nghiền nhuyển ra [“đỗ
xiêng” là tiếng kỵ húy nói trại, sợ làm đại huynh Đỗ Xanh giựt mình
trách sao hiền đệ cắc cớ đem “đại huynh” ra… xào!] Bánh gói xong đem
bỏ vào nồi to để nấu hơn 8 giờ đồng hồ mới chín. Màu đỏ tươi của
chiếc bánh có được là do trong công đoạn nấu khoảng 4 giờ đồng người
ta bỏ măng khô vào nồi bánh đang sôi úng ục. Tác động hóa được màu
đỏ là nhờ vào lá dong + nước tro vỏ chuối + măng khô [có người "ăn
gian" bằng cách bỏ phẩm màu vào cho giá thành được rẻ tiền nhưng kết
quả là bánh chỉ có màu... nhèn nhẹt, nhờn nhợt, không biết gọi là
cái màu quái gì?!]
Có thể sáng sớm điểm tâm, buổi trưa tráng miệng, buổi xế lót lòng.
Đi giỗ quảy nhà người mang theo biếu tặng. Tất cả đều làm hài lòng
người cho và nhận. Bánh ăn vào dễ tiêu hoá, mùi hơi ngai ngái nồng
thơm, ngon tựa… bánh bao. Màu đỏ thẫm vui mắt người già, em trẻ. Và,
no lòng cho tất cả những ai đã từng chung một mái trường, chung
hướng nhìn về cõi hướng thiện, yêu thương.
Xin kính mời tất cả thành viên Gia đình THKT dùng với Ngô Vàng bánh
chưng nước tro Tân An cho vui nhé. Cháp! Cháp!
ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 30-4-2011)
|
|