Sự quan trọng của hướng nhìn nhận
thức
* Luận đề
(Lời thưa trước.
Lời nói thường ngày khi đổi qua ngôn ngữ triết thường mang ý nghĩa
mới. Để tránh ngộ nhận, khi gặp một chữ có nghĩa hàm hồ, tôi xin ghi
chú thêm tiếng Anh, để nghĩa được chính xác hơn.)
Buổi sáng thức dậy, mở mắt ra, ta thấy một cái
gì đó, óc ta tư tưởng một việc gì đó. Vậy điểm đầu tiên của đời sống
là sự nhận thức (consciousness). Nhận thức tạo ra tư tưởng. Tư tưởng
tạo ra hành động. Suy ra muốn sống thật, trước hết chúng ta nên biết
rõ bản chất của nhận thức.
* Nguồn minh họa: Internet.
Nhận thức
Triết học cho rằng nhận thức bắt nguồn từ giác
quan (senses), qua kinh nghiệm (experience), và qua khả năng tổng
hợp của não bộ (brain). Thí dụ tôi ý thức có bông hoa hồng trong
vườn vì tôi thấy nó (thị giác-sense) và tôi nhớ nó được mọi người
đặt tên là hoa hồng (kinh nghiệm-experience). Nhưng tôi chỉ nhận
thức được điều này nhờ trí óc (brain) tổng hợp những dữ kiện trên.
Rồi toàn thể những nhận thức thu nhận được đã tạo nên kiến thức
(knowledge) của tôi.
Triết học cho biết nhận thức được biểu lộ qua
những phạm trù (category). Quan niệm về phạm trù khá phức tạp, chúng
ta hãy tạm dùng hệ thống Aristote. Triết gia Aristote cho rằng tất
cả mọi nhận thức đều phải nằm trong 10 phạm trù:1) chủ từ, 2) lượng
tính, 3) phẩm tính, 4) hành động, 5) thụ động, 6) tương quan, 7) tùy
thuộc, 8) không gian, 9) thời gian, 10) tình trạng. Thí dụ ta nói:
“Kiến Đen (chủ từ) được yêu cầu (thụ động) họa (hành động) vài bài
thơ Đường (lượng tính) nhân ngày sinh nhật (thời gian) của thầy Võ
Xuân Sơn (tương quan).” Rõ ràng nhận thức này phải trải ra trong
những phạm trù.
Nói cho cùng, bản chất của nhận thức là sự thu
nhận (reception). Nó thu lượm rồi cung cấp cho ta những dữ kiện
(data) về sự vật. Chính nó đã dẫn đường đưa tới những tri thức để
khai sáng ra những ngành khoa học (scientism). Dĩ nhiên nếu không có
quan sát và óc tổng hợp thì làm sao có khoa học.
Vô thức (Unconsciousness)
Nhận thức chỉ có khi trí não (mind) có khả năng
tổng hợp. Suy ra muốn hiểu nhận thức, điều cốt yếu là phải hiểu hoạt
động của não bộ. Nói đến hoạt động não bộ là nói đến các luồng tín
điện (electrical signal) chuyển đi qua vỏ dây thần kinh (neuron) và
diễn tiến (process) của hệ thần kinh. Tôi đã có dịp nói đến điều này
trong bài “Huyền
diệu” (Website THKT 4-1-2011), nên không nhắc lại ở đây.
Dựa vào những khám phá mới nhất của phân tâm
học (psychoanalysis), người ta biết rằng ngoài nhận thức thường
nghiệm còn có vô thức (unconscious). Gọi là vô thức vì chúng ta
không thể nào nhận diện để có ý thức về nó. Vô thức lưu trữ những dữ
kiện tạo bởi những ấn tượng (sensory) khắc sâu vào (engrain) bộ nhớ
(memory) của não bộ. Chẳng hạn có người ôm ấp một nỗi lo lắng, cảm
giác này tạo ra luồng tín điện và được thần kinh chuyển vào vùng bí
ẩn nào đó. Cảm giác lo sợ, một cảm giác suông, không có hình ảnh đi
kèm. Rồi nhân một cơ hội kích động, vô thức chuyển tin hiệu lo sợ
vào trí óc. Trí óc bèn lấy trong kho trí nhớ một hình ảnh bậy bạ
nào đó cho hợp với cái cảm giác lo sợ. Nó phóng hình ảnh ấy ra trong
giấc mơ hay trong nhận thức. Thí dụ tôi có cảm giác sống trong nỗi
cô đơn. Tôi nằm mơ thấy mình đi lạc. Đi lạc là ảo ảnh (illusion) vì
thực ra tôi chẳng hề đi lạc, nhưng cảm giác bơ vơ khi bị lạc ngẫu
nhiên cùng cường độ với sự cô đơn. Cũng vậy, vô thức có thể uốn nắn
nhận thức của ta mà ta không biết. Có khi tôi ghét người đó chẳng
phài vì anh ta bất lương, nhưng chì vì màu da của anh ta. Như vậy
trí óc là một computer rất tốt nhưng nó không phận biệt được ảo ảnh
là thật hay hư.
Diễn tiến này mang đến một hậu quả rất đáng
ngại. Xin đưa ra hai sự kiện cụ thể để làm chứng cứ:
Sự kiện 1: Trong câu chuyện “Huyền diệu” mà tôi
nhắc đến ở trên, bà mẹ cảm thấy sung sướng vì nhìn thấy đứa con mới
sinh của bà. Cảm giác sung sướng này có được nhờ những tín điện kích
động (stimuli) vào trung khu thần kinh. Ta tạm gọi hiện tượng này là
diễn tiến thuận chiều. Bây giờ hãy nhìn vào diễn tiến nghịch chiều.
Người ta đã thí nghiệm bằng cách tạo ra những tin điện y hệt như tín
hiệu bà mẹ nhìn thấy đứa con. Bà mẹ cũng cảm thấy sung sướng cũng y
hệt như khi bà thấy con mình, mặc dù em bé không có ở đó. Câu hỏi
đặt ra là, như vậy sự hiện hữu của em bé có cần thiết hay không?
Sự kiện 2: Một người bị thôi miên và nhận được
lệnh là trời đang rất lạnh. Ngay lúc ấy trời đang nóng, nhưng anh ta
vẫn cảm thấy lạnh. Lý do vì trí óc anh nhận được những tin điện tạo
ra cảm giác lạnh.
Như vậy trí óc tuy có tiềm năng (potential) đa
năng nhưng vẫn có thể bị đánh lừa vì nó không phân biệt được hư hay
thật. Nói cách khác nhận thức rốt cuộc phải chăng chỉ là hiện tượng
tác động của các chất hóc môn (hormon) trong não bộ. Những người
uống thuốc lắc hay hút cần sa hiểu rõ vụ này hơn ai hết.
Nhận thức siêu nghiệm (Transcendental
consciousness)
Thế còn những đối tượng mà ta không thể có cảm
giác, hay có kinh nghiệm, hay có kiến thức về nó thì sao? Thí dụ vấn
đề Thượng đế (hay Đạo) chẳng hạn. Có ai ngửi thấy mùi vị hay nhìn
thấy Thượng đế bao giờ chưa? Vậy nhận thức về Thượng đế thuộc loại
nhận thức nào?
Triết gia Kant cho rằng có hai nguồn nhận thức:
nhận thức thường nghiệm và nhận thức siêu nghiệm. Nhận thức thường
nghiệm phải dựa vào những đối tượng mà ta có thể kinh nghiệm. Những
gì ta tri thức về đối tượng chỉ là những gì trí óc ta nhận ra nó.
Còn thật sự bản thể đối tượng là gì trí óc không thể nào biết được.
Trái lại, nhận thức siêu nghiệm có khả năng suy tư không cần cảm
nhận của giác quan. Thí dụ tôi suy niệm về bản ngã. “Tôi là ai?”
Nhận thức này chỉ là tư tưởng (thinhking) thuần túy, nó khác với tri
thức (knowledge). Nhận thức siêu nghiệm giúp ta tư tưởng những vấn
đề vô vật chất như Thượng Đế, toán học, ý niệm tánh không
(emptiness)…
Các ngả đường nhận thức
Tới đây chúng ta đã thấy mình không thể hoàn
toàn trao sinh mạng mình cho nhận thức của trí óc. Nếu thành thật
trả lời, ta có dám chắc ta không bị điều khiển bởi vô thức qua những
gì gia đình đã nhồi sọ (hay thôi miên), hay bởi một định kiến, một
tôn giáo, một chủ nghĩa nào đó. Vậy trước hết ta phải giải thoát trí
não của mình để có tự do trong nhận thức. Giải thoát trí óc bằng
cách tự vấn (self conciousness) chính mình. Chẳng hạn ta tự hỏi,
“Tôn giáo mà tôi đang theo là di sản gia truyền từ thủa ấu thơ, hay
tôi thật sự hiểu tôn giáo này?” Nếu cứ nhắm mắt theo tập tục, ta có
khác gì kẻ mê tín và nô lệ. Nhưng nếu ta bỏ công tìm hiểu và suy
nghĩ về tôn giáo ta đang theo, rồi ta thật lòng chấp nhận, khi ấy ta
mới có một nhận thức tự do đầy ý nghĩa.
Có cái gì khác nhau giữa hai hướng nhìn: “cái
ly có một nửa bia” và “cái ly có một nửa trống”. Cả hai nhận thức
đều nói lên sự thật. Bạn có thể thấy cô bán chè đẹp, nhưng cô hàng
bia kế bên thấy cô ta xấu. Điều này chúng ta kinh nghiệm hằng ngày.
Đây là điểm chính của vấn đề mà tôi muốn nói: chúng ta nhận thức qua
lăng kinh của trí óc. Lăng kính có rất nhiều góc cạnh. Đàng khác nó
còn bị ảnh hưởng của vô thức. Tuy nhiên ta vẫn có một ý chí tự do
nằm bên ngoài trí óc. Do đó, trong ý thức tự do, ta phải chọn cho
mình một hướng nhìn làm nền gốc trước khi đi xa hơn.
Nếu ta chưa có tự do để chọn một hướng đi nhận
thức, ta nhảy ngang vào cuộc thảo luận của các bậc trí giả, ta sẽ bị
lạc lối, hoặc là sẽ bị họ dẫn dụ. Nếu bạn hỏi Sigmund Freud (có
hướng đi là phân tâm học) về Thượng đế. Freud bảo bạn Thượng đế chỉ
là ảo ảnh do con người tạo ra bởi ẩn ức sợ hãi. Nếu hỏi Peter
Russell (có hướng đi tâm lý học (psychology) và thiền), ông ta bảo
chính bạn là Thượng đế. Cũng vậy Đức giáo hoàng Benedict sẽ nói về
thần học Thiên Chúa giáo, Dalai Lama nói về giáo lý Phật giáo,
Francis S. Collins nói về cấu trúc DNA (Human Genome), Hugh Ross (có
hướng đi là thiên văn (astrology)) sẽ bàn về vũ trụ, còn Nietzsche
thì nói không bận tâm (“why bother”) vì ông là người vô thần.
Tư tưởng của các vị này không sai. Họ chỉ có
hướng nhìn khác nhau. Nếu ta không có sẵn hướng đi, ta sẽ không có
khả năng tổng hợp. Ta sẽ bị thôi miên, ta nhảy qua nhảy lại giữa các
hướng nhìn rồi trở thành mâu thuẫn với chính mình. Suy ra cái căn
gốc của hướng nhìn nhận thức là cái quan trọng. Nó giúp mình đi lang
thang thu góp kiến thức để bổ túc cho nhận thức của mình rồi quay về
với ý thức chính của mình. Đồng thời mình không có ác cảm với những
người có hướng nhìn khác mình.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 3-5-2011)
|