CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG
Chuyện một người hoang tưởng
* tạp văn
Trời tháng 5 miền Nam đang chan chát nắng, bỗng
mây đen không biết từ đâu kéo về, rồi cơn mưa sầm sập đổ xuống.
Trong phút chốc sân trường loang loáng đầy nước ngập. Hàng cây còng
già trước 2 dãy lớp học như ủ rũ, oằn mình cho lá cành thêm buồn
thêm thảm! Lại một buổi dạy học trong cái thời tiết thất thường,
nhưng đoan chắc tình cảm thầy trò của chúng tôi vẫn luôn luôn không
bao giờ thay đổi: Nghiêm trang mà không xa cách, giáo khoa mà gần
gũi tựa đời thường. Cầm trong tay xấp bài kỳ thi đệ nhị lục cá
nguyệt mà tôi tình nguyện gác thi giùm cho cô giáo họ Lâm nào đó đã
có quyết định về trường dạy học mà mãi cho đến hôm nay chưa một ai
được biết dung nhan của cô! Tôi ngồi xề bên cô Tô Ngọc Thạnh [kế
toán kiêm thủ quỉ của nhà trường] mà than oán:
- Chị Bảy ơi, hai hôm rồi gác thi giùm cho cô Lâm, em cũng hơi oải
rồi! Cái oải này chỉ tan biến đi khi nào em gặp được mặt cô ấy mớí
chịu thôi!
Rồi vô duyên nhập hồn, tôi thỏ thẻ:
- Mà cô ấy phải đẹp à nghen!
Và, nhỏ giọng hơn nữa, tôi thì thầm vào tai cô để dễ bề nịnh bợ:
- Chị Bảy à, sao bỗng dưng hôm nay em thấy chị đẹp lộng lẫy hơn ngày
hôm qua nhiều lắm? Chị có xức dầu gì hay không mà em ngửi thoang
thoảng trong văn phòng mình thơm lừng lựng vậy chị?
Chưa đợi cô Bảy Thạnh trả lời, tôi gấp gáp xuống "xề' cho nghe ra
thêm não nuột:
- Chị à, mai em về Sài Gòn thăm nhà rồi. Có thể nào chị mở lượng hải
hà cho em được... ứng trước tiền dạy giờ của em tháng này không chị
nhỉ?
Cô Bảy Ngọc Thạnh trề miệng nhìn tôi rồi nói:
- Ông có soi gương chưa mà nói chuyện nghe hay quá hén? Mới giữa
tháng mà đã làm reo rồi lại yêu sách người đẹp! Nhưng thôi, nể tình
chị em và tiền bạc gì gì thì cũng phải chịu khó chờ chút nữa rảnh
rỗi chị mới tính toán được. Việc trước mắt là bây giờ "ông mãnh" nhà
mình hãy chịu khó giao bài thi này lại cho cô Lâm đi.
* Nguồn minh họa: Internet.
Nói xong chị chỉ tay về hướng góc phòng. Tôi giật mình quay nhìn
hướng đó: Trời, một mỹ nhân trắng trẻo, khuôn mặt bầu bĩnh với chiếc
áo dài màu nâu gụ đã ngồi yên lặng ở đó tự bao giờ! Cô mĩm cười,gật
đầu nhẹ chào tôi. Tôi xẻn lẻn chào cô lại rồi đưa xấp bài thi cho
cô, lắp bắp đính chính:
- Nãy giờ, tôi chỉ nói đùa cho vui thôi. Cô đừng để bụng nhé.
Có lẽ nghe giọng nói của tôi có phần thật thà, chân quê thế nào đó
nên cô giáo Lâm nhìn tôi bằng đôi mắt dìu dịu. Cái đôi mắt đen lay
láy và nụ cười êm ả nhưng sao tôi thấy nó xa xôi thăm thẳm thế nào
đó?! Tôi đưa xấp bài thi và cô nhẹ nhàng đón nhận. Bỗng giật mình vì
tiếng động của xấp bài thi rơi xuống đất. Chiếc ghế cô Lâm ngồi còn
đó mà hình bóng của cô Lâm đã tự dưng biến mất tự hồi nào? Tôi thảng
thốt kêu to để cầu cứu với chị Bảy Thạnh về chuyện dị thường vừa
rồi, nhưng chị Thạnh chỉ lắc đầu cười dòn và bỗng dưng khuôn mặt chị
trở nên già xuộm hơn trước rất nhiều! Tiếng chị thì thào như vô
nghĩa hòa trong tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn trường:
- Thầy bị cảm sốt rồi đó!
Tôi hoảng hốt bỏ chạy ra khỏi văn phòng mà bên tai lại còn văng vẳng
nghe tiếng ai như tiếng thầy tổng giám thị Văn Bé thều thào, đứt
quãng! Hình như thầy Bé đang phổ biến cho cô Lài, cô Nhồng Giám thị
làm công tác gì đó trong buổi chiều hôm nay.
Bên ngoài trời, mưa vẫn còn ray rắc. Gió mỗi lúc mỗi ào ạt, thô bạo
đẩy xô cho lá còng bay xào xạc trên mái ngói lớp học. Không gian
chừng như có ai đó đang giận dữ bệt màu tô đen cho nền phông bầu
trời thêm đậm nét âm u! Bước vội vàng vào lớp 7A1, tiếng em Bên
trưởng lớp hô vang: Nghiêm. Tôi chỉ thấy lớp học lô nhô, thấp thoáng
hình bóng hư ảo của các em học sinh đồng đứng lên chào thầy tới lớp.
Tôi lên tiếng:
- Mở đèn lên cho sáng đi chứ các em.
Ánh đèn điện trong lớp học bỗng sáng lòa sau tiếng "cắc" khô khan
cũa chiếc công tắc vừa bật. Lớp học đã sáng sủa rồi nhưng sao tôi
lại bực mình và liền sau đó là một cảm giác là lạ làm sống lưng tôi
cảm giác hơi rờn rợn: Lớp học hôm nay thật là ồn ào và lộn xộn!
Không em nào mặc đồng phục đúng qui định nhà trường. Mỗi em một kiểu
áo quần khác nhau từ sang trọng đến vá chằng vá đụp và điều kinh dị
hơn nhất là các em học sinh trai gái đứa nào mái tóc cũng bị bạc
phếch hay hoa râm như nhuộm? Và, khuôn mặt em nào cũng trở nên cằn
cỗi hẳn ra?! Hay mắt tôi đã bị đục thủy tinh thể, giác mạc cằn khô
nên đã bị mắc chứng quáng gà?! Không tin nổi những điều kỳ dị xảy
ra, tôi nhéo mạnh vào đùi mình để thử mình đang tỉnh hay mê? Đau
nhói đây! Lẽ nào mình mơ được?! Thôi, bỏ qua tất cả. Sắp xếp ổn định
chỗ ngồi bằng cách cho các em ngồi trộn lẫn với nhau, sang hèn gì
không phân biệt. Trước khi chính thức vào tiết học, tôi yêu cầu các
em học sinh gia đình khá giả hãy mau chóng hỗ trợ mà giúp đỡ áo
quần, bút mực cho các em có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cả lớp đồng loạt
vang lên tiếng hoan hô ủng hộ cho ý kiến này của tôi và liền sau đó
các em lao xao chia sẻ trong tình thương thật là thắm thiết, đầy ắp
nghĩa cử nồng ấm cho nhau. Tôi bắt đầu cho bài giảng: Những bước
chân vào đời. Mắt các em đều rưng rưng khi tôi kết bài để thay cho
mệnh lệnh ban đến các em: Giữ lòng vui, linh hồn trong sạch. Đem hết
nghị lực ra làm việc.
Lạ lùng chưa? Bỗng dưng thầy trò chúng tôi trở nên tươi trẻ và hồn
nhiên lại như ngày nào.
ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 3-5-2011)
|