|
KỂ CHUYỆN BẰNG THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ
Chuyện anh chàng say như hũ hèm
Nếu ngày xưa ấy, Hạ Anh là học
trò chính thức của lớp Ngô Vàng hướng dẫn dưới mái trường THKT, chắc
chắn không ít thầy cô dạy các bộ môn đã không ngần ngại gì để tìm
đến... "mắng vốn" với Ngô Vàng tôi về những chuyện "lý lắc léo" của
cô học trò "Ranh như ma" này rồi! [Chỉ một trò Kiến Đen như "Cây một
trái, gái một con" thôi, cũng đủ quá sá "Tan cửa nát nhà" rồi, nói
chi nay lại thêm "Hữu phúc đa tử tôn"!] Nhưng, may hay rủi cũng chỉ
có Giàng ngồi trên mây tủm tỉm cười rồi phán: "Thiên cơ bất khả lậu"
mà thôi! Dẫu biết rằng "hậu sinh khả úy" nhưng vì "Nhất cận thân,
nhì cận lân" cho nên Ngô Vàng tôi bằng mọi giá cũng phải ủng hộ hết
mình cho trò cưng ngoài sổ của mình để không hổ danh... "Rau nào sâu
nấy"! hoặc chảnh chẹ cho oai hơn nữa: "Làm... "quan", "quan" cả
hẽm"! [Thành ngữ tân biên cho văn hóa hơn câu "Làm ghệ, ghệ cả xóm"
cũ rích à nha!]

Nguồn minh họa: Internet. (Ảnh chỉ
có tính chất minh họa.)
Tương truyền rằng:
Ở Bắc Chan làng Tuyên Thạnh có
một anh chàng hay ăn nhậu. Một hôm anh ta đi ăn giỗ ở nhà người "Tắt
lửa tối đèn có nhau". Lâu ngày được dịp "Rượu vào lời ra" miễn phí
nên anh ta hí hửng "Như lân gặp pháo", "Như rồng gặp mây". Phần gặp
được nhiều người dám "Bán bà con xa, mua láng giềng gần" đúng "gu"
nên anh chàng tha hồ nốc để không phải mang tiếng "Như kỳ vô
phong" cho đến khi nào anh ta "nguyệt chán, hoa chường"thì mới cam
chịu "Coi như thằng chết rồi" và để được người đời khen ngợi anh ta
may mắn được về cõi "Bồng lai tiên cảnh". Thấy anh chàng quá say,
chú Tám Tàng tuy miệng lầm bầm "Ách giữa đàng, mang vào cổ" nhưng
rồi cũng tự nhủ "Cứu nhân như cứu hỏa" bằng cách cõng anh ta lên
lưng mà "Tẩu tựa như phi" ra sau vườn nhà, nơi có nhiều bóng mát để
cho anh ta thoải mái "An nồng giấc điệp". Nếu chẳng may có cơn gió
độc địa nào thổi qua mà anh ta "Sức người có hạn" thì chuyện "Cỡi
hạc qui tiên" này cũng tránh được thảm cảnh "Hoạ vô đơn chí" trong
nhà người ta. Được ngồi trên lưng người khác "Sướng như tiên", nhưng
anh chàng "Ăn xổi rổi thì" này không biết mang ơn mà còn "Lèm bèm
như hũ hèm trở gió" hô to báo cho mọi người là mình đang được "Còn
thời cưỡi ngựa xem hoa". Quả là không sai chạy đâu cho việc "Cứu
vật, vật trả ơn. Cứu nhơn, nhơn trả oán"! Đúng lý ra, cái tội "Xem
trời bằng vung"này của hắn ta phải được xếp vào khung phạt "Trời
tru, đất diệt" mới vừa! Đường ra vườn nhà mấp mô, dằn xóc, chú Tám
Tàng có "Than mây, khóc gió" chút đỉnh vậy mà anh chàng "Say như hũ
hèm" ngồi nhấp nhô trên lưng chú Tám còn đành đoạn lòng cảnh cáo chú
Tám bằng một câu nghe thật đậm đà mùi hành động: "Gậy ông đập lưng
ông"!? Giận quá, chú Tám buông hắn ta cái phịch cho mày được vui
sướng với câu "Rớt như sung rụng" xuông đất. Chú Tám Tàng lầu bầu:
cho mày ở đây, tha hồ mà "Múa gậy vườn hoang" nghe con! Trời hỡi!
Gậy nào múa cho nổi, bởi lúc này hẳn gậy của hắn đang trong trạng
thái bị "Co vòi, rút cổ", "Bại liệt tứ chi" giống tựa "Như cua xếp
càng" chứ có oai phong lẫm liệt gì mà so sánh được "Tiến sĩ về làng
như thành hoàng về miếu" để mà "Vinh qui bái tổ" cho cái phúc "Một
người làm quan, cả họ được nhờ" đâu cho cam!
Nghe tin chồng say xỉn quá trớn,
vợ anh chàng lưu linh túc tốc chạy nhanh không kém "Thời gian như
chó nhảy qua rào" hay văn vẻ hơn "Bóng câu qua cửa sổ". Mụ ta dẫu
rằng "mắt la mày lét" nhưng miệng cũng vẫn "Làm hùm làm hổ", xông
xáo tay chân như để "Tả xung hữu đột" với ông chồng đang "Mềm như
cọng bún" này.
Tuy nãy giờ nghe chú Tám khuyên
giải hắn sớm về nhà nhưng hắn vẫn "Trơ gan cùng tuế nguyệt" bởi lời
chú Tám nào khác "Nước đổ lá khoai". Thế mà mà, chỉ mới nghe văng
vẳng giọng nói "Êm như tơ trời"[gầm] của bà xã nhà, hắn ta đã
vội vàng bật đứng dậy mà "im như thóc". Bởi chưng lẽ thường "Lệnh
ông không bằng cồng bà" mà lỵ.
Đường quê chan chát dưới "Nắng
trưa như đổ lửa". Hai vợ chồng của anh "Say như hũ hèm" dìu nhau âu
yếm "Trở về mái nhà xưa", họ thì thầm gì đó với nhau. Thiên hạ ví họ
như "Loan phụng hòa minh", "Sắc cầm hảo hiệp" cũng không sai tí nào.
Mong thay: "Một nụ cười bằng mười
thang thuốc bổ" nghe bà con.
ngô bảo toàn - dnnp
(Tân An 20-5-2011)
|
|