|
CHUYỆN PHIẾM VỀ THÀNH NGỮ - TỤC NGỮ
Coi chừng bị đá giò lái
* Kính mong quý thầy cô và các bậc thức giả
thứ tội. Chỉ vui là chính thôi ạ.
Hôm 20-5-2011, bạn Kiến Ngố - Lê Thị Hạ Anh ở
Maryland (Hoa Kỳ) tung tuyệt kỹ mới là kể chuyện bằng thành ngữ -
tục ngữ. Ôi, tiếng Việt mình sao mà phong phú, đa dạng và kể cả xí
lắc léo quá chừng chừng.
Mặc dù thành ngữ và tục ngữ đều là những câu nói “cửa miệng” của dân
gian, được truyền từ nhiều đời, trợ nghĩa cho câu nói, câu viết ngày
nay thêm bóng bẩy, rõ nghĩa, nhưng hai cái vụ này hỗng giống nhau,
dễ nhầm lẫn lắm à nghen.
Thành ngữ là những cụm từ mang ngữ nghĩa cố định, nhưng chưa tạo
thành câu hoàn chỉnh. Thí dụ như: cùng hội cùng thuyền, tối lửa tắt
đèn,… Người ta dùng thành ngữ để tạo thành những câu nói hoàn chỉnh.
Còn tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp
điệu, hình ảnh, đúc kết kinh nghiệm của cha ông về mọi mặt và tự
thân chúng có thể đứng một mình trong câu. Thí dụ: ăn cây nào, rào
cây nấy; đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Ở đây xin được mở ngoặc
xíu xiu. Chữ “tục” trong “tục ngữ” có nghĩa là thói quen lâu đời. Nó
hỗng phải là chữ “tục” trong “dung tục”, “tục tĩu” đâu. Chớ có nói
năng bậy bạ rồi tự hào rằng mình uyên thâm về… “tục ngữ” nghen!
Ngay cả việc xài thành ngữ - tục ngữ cũng coi chừng bị đá giò lái đó
nghen. Bản thân “đá giò lái” cũng là một thành ngữ. Người ta mô tả
kiểu đá này là đá quay một vòng ra sau làm đối phương bị bất ngờ.
Coi chừng người ta khen mình đó, nhưng hạ mình lúc nào hỗng hay. Nó
giống như kiểu Kiến Đen phát triển tục ngữ: “tay bắt mặt mừng, coi
chừng dao lụi”.
Tới đây, sẵn "vô công rỗi nghề", Kiến
Đen cũng bày đặt "học đòi làm sang" mà "tầm chương trích cú" ba cuốn
từ điển Hán Việt, Hán Trung coi sao. Thì ra đâu phải chỉ có mình Kiến Đen
"rán sành ra mỡ", "bới lông tìm vết" đâu. Ngay chính trong tiếng
Hán, tiếng Trung đã "thập diện mai phục" cái cảnh báo coi chừng "bị
đá giò lái" với tục ngữ khi sa sẩy "chữ tác đánh chữ tộ". Này nhé,
chữ "tục" (thói quen lâu đời trong dân gian) trong tiếng Hán/Trung viết như
vầy .
Chữ "tục ngữ" viết như thế này
.
Còn chữ "thô tục" thì viết là
.
Đó đó, cũng chỉ với một cái chữ "tục" đó thôi, mà nó rành rành "đi với
bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" kia kìa.
Khi so sánh sự giống nhau của ít nhất là hai đối tượng, người ta
dùng tục ngữ “giống nhau như đúc”. Chẳng hạn như “hai chị em giống
nhau như đúc”. Nhưng chỉ cần lỡ miệng thêm một chữ "bánh" vô thành “hai chị em giống nhau như
bánh đúc” thì có chuyện à nghen.
Khi được ai khen có “đôi mắt mơ huyền”, nàng chớ có vội sung sướng
híp mắt, vì coi chừng đó là “đôi mắt (mơ huyền) mờ”.
Hôm Tết Tân Mão, thầy Phạm Doanh Môn và gia đình từ Úc về thăm Việt
Nam. Khi thầy đi bên cạnh Kiến Đen, có người trầm trồ: “Hai thầy trò
ngày càng thêm sáng chói”. Đừng tưởng hai thầy trò hỉnh lỗ mũi lên
mà tự hào nghen. “Sáng chói” ở đây được nói lái là “trán sói” đó!
Người ta bảo: yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà là nhìn về một
hướng. Chính xác. Nhưng cái mà đó là hướng gì? Coi chừng: nhìn về
một hướng… cái ví tiền! Thiệt tình, câu nói này mang quá nhiều tùy
chọn, có thể sử dụng tùy lúc, tùy nơi, tùy tâm trạng và cả tâm địa
của mỗi người trong cuộc: người thì nghĩ đó là “hướng cái nhà”, kẻ
lại thầm trong bụng “hướng cái… giường”.
Để chỉ tình đồng đội như anh em, người ta có câu tục ngữ “huynh đệ
chi binh”. Nhưng coi chừng đó, nó có thể được phát triển thành:
“huynh đệ chi binh, để kín thì rình, để hở thì rinh”.
Tục ngữ có câu “cây ngay không sợ chết đứng” để nói lên đức tính
thẳng thắn, cương nghị. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể hiểu
"thẳng tuột một lèo". Cây nào thẳng ngay thì không kịp đứng tới chết
khô đâu, mà đã bị cưa đốn làm cột, xẻ gỗ từ đời tám hoánh rồi.
Câu tục ngữ “bán anh em xa mua láng giềng gần” ngầm ý khuyên hãy
sống thật tốt, thân thiện và tạo mối quan hệ gần gũi với hàng xóm
“tối lửa tắt đèn có nhau”. Nhưng thiệt là thiện tai nếu ai đó làm
theo nghĩa đen: anh em ở xa thì coi như “cắt đứt dây chuông”, chỉ
còn “thậm thà, thậm thụt” với hàng xóm.
“Cơm không lành, canh không ngọt” là câu tục ngữ có nghĩa bòng là
chỉ sự bất ổn trong một mối quan hệ nào đó. Nhưng ngay ở nghĩa đen,
có ai thích ăn cái thứ cơm canh "tệ hơn vợ thằng Đậu" như vậy đâu.
Câu tục ngữ “chạy trời không khỏi nắng” đúng ở đâu đó, nhưng lại
“trật bản lề” với thành phố Seattle của thầy Nguyễn Seattle. Cái
“Rain City” ở cực bắc Hoa Kỳ này một năm 365 ngày thì có tới 201 ngày mây phủ và 93
ngày mây che.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”, ý muốn nói là cái gì thì phải thực
chất, không thể “mà mắt thiên hạ” bằng cái vỏ bên ngoài. Nhưng mà,
không mặc áo đạo sĩ thì làm sao võ lâm thiên hạ biết đó là kẻ tu
hành. Giống như thầy Hòa Đạo Sĩ, lúc nào cũng chỉn chu quần tây, áo
chemise đóng thùng cỡi xe honda nhong nhong khắp xứ Thủ Đức thì có
ai biết thầy có… căn tu!
Ôi, nàng của ta có nhan sắc “chim sa cá lặn”, “hoa nhường nguyệt
thẹn”. Yêu thì ta khen vậy đó, thấy mà ghét rồi thì ta cũng dùng hai
câu tục ngữ đó nhưng với ý… xấu xí tới mức cá bỏ trốn, chim té cái
đùng, trăng hoa mắc cỡ giùm. Nhớ trong một lần qua Trung Quốc, Kiến
Đen đi thăm cung Hoa Thanh Trì, nơi vua Đường Minh Hoàng (Tang
XianZong, thế kỷ thứ 8) dùng làm chốn hú hí vui thú với mỹ nhân
Dương Quý Phi (Yang-Gui-Fei), thuộc thành phố Tây An, cố đô cổ nhất
của Trung Hoa. Tương truyền rằng mỗi khi Dương Quý Phi đi tới đâu là
hoa cỏ gục xuống chết ráo. Thời xưa, người ta lấy hiện tượng đó để
PR, quảng cáo sắc đẹp mê hồn của mỹ nhân, tới cỏ cây cũng chết vì…
chịu không xiết. Sau này, giới khoa học Trung Quốc công bố một bí
mật “khi quân phạm thượng” rằng: Dương Quý Phi đẹp thì không ai có
thể phủ nhận, nhưng có nhược điểm là cực kỳ hôi… cái miền dưới vai.
Bữa đó, nghe kể, Kiến Đen cắc cớ hỏi cô hướng dẫn viên người bản xứ:
“Vậy hỗng chừng khi Dương Mỹ nhân đi ngang qua, hoa cỏ chết ráo vì
cái… mùi hôi đó?” Cô nàng trợn tròn mắt rồi phá lên "cười như bắp
rang".

Kiến Đen bên pho tượng Dương Quý Phi tắm ỏ
cung Hoa Thanh Trì (Tây An, Trung Quốc).
Sẵn trớn kể luôn chuyện leo lề này. Trong sân phía trước cung Hoa
Thanh Trì có một pho tượng Dương Quý Phi tắm. Vừa nhìn thấy cái bụng
tròn mây mẩy của bà, Kiến Đen vọt miệng: “Oái, Dương Quý Phi có thai
mấy tháng rồi ta?” Thiên hạ cười cái rần. Thật ra, ngày xưa, không
phải chỉ ở Trung Hoa, mà còn ở cả châu Âu nữa, một trong những tiêu
chuẩn của giai nhân là phải có cái bụng… no tròn. Hỗng tin, bà con
mình cứ coi các tranh vẽ mỹ nhân của các nhà danh họa phương Tây cổ
điển coi.

Pho tượng Dương Quý Phi tắm ỏ cung Hoa Thanh
Trì (Tây An, Trung Quốc) với cái bụng tròn mây mẩy. (Nguồn:
Internet).
Cha mẹ khuyên con rằng sống trên đời thì phải “đói cho sạch, rách
cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”, ngầm ý là phải sống cho đàng
hoàng, nghiêm túc, không để người ta khinh khi mình, kể cả trong lúc
cơ cực nhất. Nhưng, nếu theo nghĩa đen thì lại khác à nghen: một khi
đã tới mức đói rách, có nghĩa là tả tơi, te tua lắm rồi, tiền còn
không có để mua đồ ăn thì lấy đâu mua xà bông về tắm giặt cho sạch,
cho thơm?
Có câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, ý nói là người
ta dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, bởi bạn bè. Bởi vậy mẹ của Mạnh
Tử ở Trung Hoa xưa phải dọn nhà tới 3 lần, cuối cùng phải sống gần
trường học cho con trai có thể an tâm dùi mài kinh sử mà thành hiền nhân.
Nhưng nếu xét nét ra, “gần mực” chưa chắc là đen (vì xài mực màu);
“gần đèn” chưa hẳn đã sáng (thử nhìn bóng đèn trong mấy quán cà phê
nhạy cảm đó).
Khi muốn nói tới giá trị của quan hệ máu mủ ruột thịt luôn hơn hẳn
người dưng khác họ (ở đây không tính cái vụ “người dưng khác họ,
chẳng nọ thời kia” hay “người dung khác họ, đem lòng nhớ thương" à
nghen), người ta dùng câu tục ngữ “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.
Mấy đứa con nít nghe vậy bèn thắc mắc: “một giọt” sao có thể nhiều
hơn “một ao” được?
Để chỉ tình lân tuất, bạn bè, đồng nghiệp, đồng môn phải biết lo cho
nhau, giúp đỡ nhau khi cơ nhỡ, hoạn nạn, người ta có câu “một con
ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”. Chính xác. Trong một chuồng mà có con nào
bị bệnh, quằn quại, rũ rượi, chán thấy mồ tổ, nuốt trôi được sao mà
không bỏ bữa?
Mấy bậc phụ mẫu bây giờ gặp nhau
thường "than vắn thở dài" rằng con cái ngày nay chúng "quăng cục lơ"
với những lời cha mẹ mình khuyên bảo. Thật ra cái câu tục ngữ "áo
mặc không qua khỏi đầu" được sáng tác từ hồi trai gái còn mặc áo bà
ba gài nút (gái nút bấm, trai nút nhựa); chớ thời đại ngày nay giới
trẻ chỉ khoái mặc áo thun, T-shirt nếu không tròng qua khỏi đầu thì
làm sao mà mặc? Hay như câu "cá không ăn muối cá ươn" cũng vậy. Báo
chí vẫn "la bể làng bể xóm" lên vụ mấy ông ngư dân hỗng thèm xài
muối mà chơi phân urê ướp cá cho nó tươi lâu, bất kể sẽ gây hại cho
sức khỏe người ăn.
Với các bà bầu, ta có câu tục ngữ cửa
miệng để chúc là "mẹ tròn, con vuông". Người chúc và người được chúc
hiểu rằng ý muốn nói là sinh con suôn sẻ, tốt đẹp (tròn trịa và
vuông vắn). Nhưng kẻ cà khịa sẽ tán rằng: câu tục ngữ này nó "xêm
xêm" với câu "mẹ gà, con vịt", móc ngoéo rằng người mẹ đẻ ra đứa con
giống... hàng xóm, chớ đâu có giống mình. Kẻ khác thì lại bình phẩm:
một lời chúc "đầu môi chót lưỡi", không thể thành sự thật, làm gì có
người mẹ hình tròn, có đứa con hình vuông. Nếu tán theo cái kiểu
này, Kiến Đen đành phải cải biên câu tục ngữ cho nó mang tính dân
tộc Việt hơn, đó là chúc "mẹ bánh dày, con bánh chưng". Bánh dày thì
tròn, bánh chưng thì vuông đó mà.
“Một con chim én không làm nên mùa xuân”. Cũng chính xác luôn. Không
phải chỉ có một con mà phải nhiều đàn én thì mới tạo được không khí
xuân. Và mùa xuân cũng đâu phải chỉ có chim én. Thực tế là đâu cần
có chim én thì mùa xuân mới về. Bà con ở nội thành, giữa các nhà cao
tầng, đố kiếm được con én nào làm thuốc mà có năm nào thiếu mùa xuân
đâu?
Thôi, giấy ngắn tình dài, mua vui cũng được một vài trống canh, tới
đây Kiến Đen không dám múa rìu qua mắt thợ nữa, kẻo lại để hở sườn
là xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ, hay ăn tục nói phét. Chỉ xin bà
con mình luôn bình tâm tỉnh trí, suy đi xét lại, cứ trăm nghe không
bằng một thấy, để không phải lâm vào tình cảnh dở khóc, dở cười, hay
gặp cảnh ngộ tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa.
Nãy giờ Kiến Đen coi trời bằng vung, điếc không sợ súng, dám xâm
mình tào lao bát xế có lẽ đang làm quý thầy cô giận bầm gan tím
ruột, rên thấu trời xanh vì cái gã học trò ăn không ngồi rồi, nhàn
cư vi bất thiện, chẳng biết đất rộng trời cao chi hết, thừa nước đục
thả câu, mượn cớ “tía lia” cho sướng miệng, khiến thầy cô phải lâm
vào cảnh ngộ mũi dại, lái phải chịu đòn. Thôi thì, biết thân biết
phận, hiểu rằng lời nói như mũi tên, Kiến Đen xin qua cầu rút ván
với lời chào hồn ai nấy giữ!
KIẾN ĐEN - PHẠM HỒNG PHƯỚC
(TP.HCM 21-5-2011)
|
|