BẢN TIN ĐẦU TUẦN:
Tin đồn Ngày mạt thế và vụ DSK
Tuần vừa qua có hai tin đáng chú ý, xin được mạn đàm cùng quí vị.
Ngày mạt thế
Xin nói rõ: theo giải thích của giới chuyên
môn, ngày “mạt thế” (Rapture hay Judgment Day) là ngày Trái đất trải
qua một cuộc thanh lọc vĩ đại. Động đất, bảo tố, và chiến tranh cùng
lúc xảy ra tàn phá đến mức biến dạng Trái đất. Nhân loại chỉ còn
khoảng 3% sống sót. Còn ngày “tận thế” (The end of the world) là
ngày vũ trụ bị hủy diệt hoàn toàn.
Ông đạo Harold Camping, Giám đốc đài phát thanh Family Radio,
Oakland, California, Hoa Kỳ (cách Elk Grove, nơi Đỗ Xanh và phu nhân
Nước Biếc ở 2 giờ lái xe), khẳng định ngày mạt thế sẽ xảy ra vào
ngày 21-5-2011 lúc 6 giờ chiều. Kể từ tháng Một, ông đã loan tin này
trên đài radio của ông. Family Radio là đài giảng đạo Kitô.

Ông Camping với quyển Thánh Kinh tổ bố và bóng đen tương lai
Chương trình giảng đạo của ông được truyền đi 48 quốc gia trong hệ
thống 150 đài và có hàng triệu thính giả. Ngoài hệ thống truyền
thanh, bản tin mạt thế của ông còn được nhiều mạng điện tử truyền đi
khắp nơi. Đã có nhiều người tin lời ông đi bán nhà cửa để tiêu xài
cho thỏa. Một số khác đi mua hầm trú ẩn. Khỏi cần nói thì quý vị
cũng đã hình dung được tình cảnh của những người trót cả tin theo
ông đạo này. Tất nhiên, có những người trong số họ có lý lẽ riêng,
như ngày mạt thế không xảy ra là may mắn cho nhân loại rồi!
Đỗ Xanh tôi không muốn nói tới chi tiết bài toán cầu kỳ của ông
Camping, tốt nghiệp kỹ sư đại học UC Berkeley. Nếu đáp số đã sai thì
bài toán cầu kỳ cách mấy cũng đâu có giá trị. Vấn đề đặt ra là tại
sao thời nào cũng có người say mê tiên đoán về ngày mạt thế, mặc dù
lịch sử chứng minh tất cả đều đoán sai. Bằng chứng nhãn tiền là khi
Đỗ Xanh viết những dòng này thì ở Mỹ đã là ngày 22-5 và khi Gia đình
THKT ở quê nhà đọc được thì đã là ngày 23-5 ở VN.
Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International
Monetary Fund - IMF) Dominique Strauss-Kahn
Tới nay thì ai cũng biết ông Dominique Strauss-Kahn (DSK) bị cảnh
sát New York bắt ngày 14-5 về tội xâm phạm tình dục. Nếu tội này xảy
ra trên đất Pháp, nó chẳng thể là chuyện lớn, nhưng trên đất Mỹ thì
lại khác. Đảng Xã hội Pháp (Parti Socialiste) rất đau, vì DSK là
người duy nhất của đảng có khả năng đánh bại đương kim Tổng thống
Nicolas Sarkozy để trở thành ông chủ mới của Điện Élysée vào năm
2012. Ước mơ này đã sụp đổ. Dân Pháp nói chung bị cháy mặt vì tự ái
quốc gia. Cả hai nhóm gauche (phe tả) lẫn droite (phe hữu) đều cho
rằng Mỹ không thể bắt DSK. Cho đến giờ phút này ông ta vẫn vô tội.
Đơn xin tại ngoại của DSK trước đó bị quan tòa Melissa Jackson bác
đơn. Jackson cho rằng để DSK ở ngoài, ông ta sẽ biến đi châu Âu là
cái chắc. Hôm thứ Sáu vừa qua 20-5 quan tòa lại chấp nhận cho ông
tại ngoại với tiền thế chân 1 triệu dollar. Ngoài ra ông còn bị theo
dõi bởi nhiều máy móc điện tử (trong đó có cái vòng đeo chân mà hễ
đương sự đi ra khỏi phạm vi ấn định thì nó sẽ lập tức báo động về sở
cảnh sát).

Giờ đây vây quanh DSK không còn là các nhân
vật VIP, các nguyên thủ quốc gia trên toàn cầu, mà là cảnh sát và
quan tòa. DSK (ngồi giữa) tại tòa án ở New Yord ngày 19-5-2011.
Ngoài chính trường nước Pháp, việc ông DSK bị bắt nghiêm trọng đến
cỡ nào về mặt kinh tế thế giới. Đỗ Xanh tôi xin lược qua bối cảnh
kinh tế châu Âu một chút. Trong năm vừa qua Hy Lạp (Greek) tuyên bố
chính phủ đang trong nguy cơ phá sản. Khi một quốc gia phá sản có
nghĩa là quốc gia đó đã phải chi phí quá nhiều so với ngân quỹ đang
có. Nhiều đến nỗi phải đi vay nợ để có tiền tiêu xài. Vay nợ thì
phải trả tiền lời. Cho đến một lúc tiền lời chồng chất quá lớn đến
không thể trả nổi. Với định chế hiện tại, chính phủ không được quyền
quịt nợ, nên chỉ còn cách tự sụp đổ vì bị phá sản. Hy Lạp nằm trong
khối Thị trường chung châu Âu. Một nền tài chánh sụp đổ nó sẽ kéo
theo sự sụp đổ dây chuyền. Khi con nợ bị sụp không tiền nợ thì người
cho vay cũng sụp theo. Năm ngoái IMF đã cứu Hy Lạp bằng cách bơm vào
nước này 110 tỷ euro, nhưng chẳng đi đến đâu.
Ông DSK là người duy nhất có khả năng hoạch định cuộc dàn xếp
(master of negotiation) giữa Hy Lạp và các chủ nợ. Người ta có thể
cứu Hy Lạp bằng cách xin giảm tiền lời hoặc xin kéo dài thời hạn trả
nợ để tiền trả theo định kỳ hạ xuống. Người ta cũng có thể giúp Hy
Lạp qua những hình thức cứu viện nào đó. Liên minh châu Âu (European
Union - EU) rất cần tài năng ngoại hạng của ông DSK. Tiếc thay trước
ngày đi tham dự với các bộ trưởng tài chính EU tại Brussels
(Bỉ) để cứu giúp Hy Lạp, Bồ Đào Nha (Portugal) và một số
quốc gia châu Âu, thì DSK bị bắt tại Mỹ.
Tại sao ông lại bị bắt đúng vào thời điểm ấy? Trong giới chính trị,
và nhất là nơi các quán cà phê, người ta thường có những câu hỏi như
vậy. Rồi chính họ lại tự trả lời cho câu hỏi, “Ông ta bị gài bẫy”.
Nhưng ai gài bẫy đây. Người thì cho rằng nhóm cánh hữu bảo thủ Pháp
chơi nhóm cánh tả. Dân châu Âu thì cay cú gật gù, “Phen này mình bị
Mỹ nó chơi.” Nếu bàn rộng một chút, nếu kinh tế châu Âu dao động,
đồng euro sẽ bị sụt giá. Euro sụt giá thì dollar tăng giá. Dollar
tăng giá thì tiền lời Mỹ đang vay nợ bị giảm xuống. Mỹ có lợi. Đàng
khác Mỹ đang cứu nền kinh tế đau ốm của mình bằng cách in thêm tiền
thảy vào thị trường. Nay giá trị dollar tăng sẽ khỏi in tiền thêm.
Lạm phát sẽ giảm. Nhưng… nếu dollar tăng giá thì làm sao xuất cảng
hàng. Dân thất nghiệp lại tăng… Suy ra gài bẫy chỉ là tin dồn thuộc
loại hỏa mù “tin hay không tin”. Buồn cho ông DSK và cho châu Âu.
Ông bà ta có câu “khôn ba năm dại một giờ” là vậy.
ĐỖ XANH
(Đặc phái viên hãng tin THKT - Tin Hay Không
Tin tại Elk Grove, California 22-5-2011)
|