KỂ MỘT CHÚT VÌ SAO TÔI CÓ MẶT Ở TRUNG HỌC KIẾN TƯỜNG?
Tôi sinh ra và học bậc tiểu học nội trú chương trình Pháp tại
Saigon. Vì gia biến nên theo ông bà ngoại về sống tại Kiến Tường và
thi vào lớp đệ Thất tại đây.
Mặc dù tôi chỉ là một đứa con nít, nhưng đến một nơi sống mới, thay
đổi cách sinh hoạt hàng ngày – dĩ nhiên là tôi bị hẫng và cảm thấy
lạc lõng. Phần nữa, Kiến Tường hồi đó buồn ngắt không rạp chiếu
bóng, không tiệm kem. Ban đêm heo hút ánh đèn. Có khi vì an ninh
không dám ngủ trên giường, phải giăng mùng ngủ trong căn hầm ẩm thấp
hăng hăng mùi đất.
Đối với Kiến Tường, tôi là người mới, vừa không có bạn, thậm chí
cũng không dám bắt chuyện làm quen với ai. Những mùa nước lụt lại là
một cực hình – tôi chưa quen đi cầu khỉ, không dám đi trên cây cầu
bằng tràm lung lơ lắt lẻo bắc dọc trước cửa nhà. Cũng như chưa ngồi
xuồng lần nào, thấy nó chòng chành, tôi cảm tưởng chỉ bước chân lên
là nó lật úp. Nhà tôi ở dãy cư xá Tòa Hành chánh. Năm nào lụt lớn,
trường đóng cửa là tôi về Saigon. Lụt nhỏ, tôi lột sandal, vén ống
quần, cột cao hai tà áo lội đi học.
Cái thú eo hẹp, độc nhất trẻ con của tôi lúc bấy giờ là mỗi buổi
trưa ghé vào tiệm sách Rạng Đông. Tôi mê sách như anh chàng cao bồi
Lucky Luke chỉ có con ngựa Jolly Jumper làm bạn. Hôm nào đường bị
đắp mô, chuyến xe đò chở báo về trễ là tôi buồn ngơ ngất. Ông ngoại
tôi thương cháu nên hay dấm dúi cho tiền để tôi mặc sức mua những
cuốn truyện tranh vẽ màu tim tím hay những cuốn truyện dày hơn toàn
chữ là chữ. Tôi thường ngóng cậu dì về thăm ôm theo từng chồng sách
cho đứa cháu côi cút. Tuổi đó mà tôi đã đọc hết những cuốn sách của
ông Nguyễn Hiến Lê, làm bạn với Mai Bê Bi, cười với bé Ngôn bé Luận và coi
luôn qua truyện tranh con trai Tarzan đu dây. Mê luôn Tintin với cái
bờm tóc và quần túm đi với con chó Milou tròn vo. Tôi còn ước mơ lớn
lên mở quán sách để được “ngấu nghiến” hết quyển này đến quyển kia.
Năm tôi học đệ Thất, trường Kiến Tường có bốn dãy lớp. Dãy đầu chỗ
cổng bước vào dùng trọn làm khu văn phòng. Còn lại, có dãy chỉ có
hai lớp - có lớp được làm nhà kho, có lớp để vợ chồng thầy Nguyễn
Văn Đấu làm nhà ở. Tôi học ở dãy lớp cao ráo và “bệ vệ” nhất. Năm
học đệ Lục, lớp tôi nhìn ra miếng đất trống bên hông, chỗ đó đang
xây cất để mở thêm trường Bán công có cổng nhìn ra con đường đi
ngang Ty Bưu điện.
CHUYỆN NGOÀI SÂN:
Tôi rất ngại làm quen nên ít bạn. Giờ chơi tôi hay tha thẩn một
mình, có khi đứng dựa cột nơi hàng hiên nhìn các nam sinh chạy giỡn
đấu láo dưới các tàng cây điệp mát rượi trước dãy lớp.
Chính ở sân trường, tôi biết nhiều chuyện rất vui, như tôi biết anh
Nam học trên tôi hai lớp có nickname là Quẹo, vì cứ hễ mỗi lần anh
từ cổng trường đi vô, tới cua quẹo vào lớp là có tiếng nhao nhao
“Quẹo…Quẹo” rồi cả bọn cười ồn ào.
Từ chỗ đó, tôi biết những câu tiếng lóng, biết thầy nào mới cưới vợ,
thầy nào sắp đổi đi, cô nào mặc áo dài mới, hoặc nàng nữ sinh nào có
bồ, hay anh chàng lớp kế bên mới gửi thư tình cho ai….Đại loại như
vậy…
XE CỘ CHÚNG TÔI:
Học sinh có một số ở xa thì đi xe đạp. Còn lại, giáo sư, học sinh
đều đi bộ. Tôi học buổi sáng, đi học có lúc ngoài đường còn một lớp
sương chấp chới óng ánh chút màu nắng – Trong không khí thơm thơm
mùi cỏ, mùi ngày mới. Trong một không gian thật im ắng - Từ các ngã
đường, từng tốp học sinh, từng tốp giáo sư lượn lờ xuất hiện, râm
ran, đông đảo chỗ ngã tư trước Cư xá Công chánh rồi đoàn người như
đàn bướm trắng, điểm xuyết chút xanh vàng tím… dập dềnh trôi dài đến
trường dưới hàng cây dọc theo lối đi thật đẹp.
NHỮNG LIÊN HỆ VỚI MỘT SỐ THẦY VÀ CÔ:
Mr. Webb dạy Anh văn. Tôi phát âm tiếng Anh sai be bét, nhưng thầy
vẫn kiên nhẫn dạy thật chậm cho đến khi nào tôi đọc cho đúng. Thầy
có cái bụng tròn vo và khuôn mặt đỏ hồng cười tươi rói hạnh phúc như
nụ cười La Vache Qui Rit, nhãn hiệu của một loại phó mát sản xuất ở
Âu châu bán sang Việt Nam thời đó.
Thầy Hòa (không nhớ họ) là người tôi thân nhất, chính thầy là người
đưa tôi lên tòa báo Tiếng Chuông để lãnh giải nhất về Thơ. Năm tôi
lên đệ Lục, thầy Hòa đổi về Saigon, kể từ đó tôi không biết tin tức
thầy.
(Sau khi trang web THKT được mở ra, tôi lần hồi đi tìm tung tích
thầy Hòa. Nghe tôi hỏi thăm, thầy Trịnh Đình Loạt hiện sống tại Cali
(Hoa Kỳ) cho hay, thầy Hòa chính là thầy Trần Khắc Hòa, nay đã qua
đời. Tôi xem hình trên web THKT, thấy thầy Trần Khắc Hòa trẻ hơn
thầy Hòa mà tôi tìm. Vả lại tôi vẫn thắc mắc là thầy Hòa đã đổi về
Saigon vào năm 1966, không lẽ vài năm sau thầy trở vô dạy rồi làm
Hiệu trưởng? Năm thầy Hòa dạy tôi (1965), thầy là một trung niên,
đeo kính cận, dáng đứng như khom khom như rùn cái bụng và hút thuốc
nhả khói thật đẹp).
Thầy Cao Thành Phát hay nói chuyện với tôi, có lẽ một phần ở Saigon,
nhà tôi gần khu nhà thầy, phần nữa tôi là học sinh giỏi môn Anh văn.
Thầy nói chuyện hay kể về đứa con gái đầu lòng tên Cao Thanh Thiên
Hương.
Khoảng năm 1989, thầy Phát biết tin tôi dạy học tại Mỹ Tho và tôi
còn nhớ như in những giọt nước mắt của thầy khi thầy tìm thăm tôi
trong bịnh viện lúc tôi bị tai nạn (thầy là người của THKT đầu tiên
và duy nhất tôi gặp lại sau khi rời trường).
Một năm sau, tôi qua Mỹ và thêm hai mươi
năm nữa thầy vẫn nhận ra giọng nói của tôi trên điện thoại.
Thầy Mai Văn Nhãn thật oai vệ, gương mặt rất khí phách với chòm râu
quai nón thật độc đáo.
Thầy Nguyễn Xuân Kỳ thật hiền, dáng ẻo lả với nước da trắng hồng.
Thầy dạy môn Vạn vật nên vẽ những đài hoa cánh lá tỉ mỉ thật đẹp.
Thầy Đoàn Văn Nhiêu dạy Toán có kiểu tóc thật đặc biệt, nhìn xa xa
tôi tưởng thầy đội beret. Tôi vốn dở toán, nên hôm nào có giờ thầy,
là tôi cứ van vái cho thầy bị bịnh. Học dở môn thầy, nên tôi luôn
đội sổ.
Thầy Đỗ Ngọc Trang dáng dấp như sinh viên, đeo kính cận dày, có lẽ
chỉ thua độ dày cặp kính của thầy Trần Ba. Sau này về trang THKT
biết thầy cưới cô Nguyễn Thị Bích Thủy. Hiện nay, thầy chuyên viết
về Thần học ký tên Đỗ Trân Duy. Trong quý thầy, thầy Trang râu tóc
bạc trắng tiên phong đạo cốt nhất. Tuy thế, nhìn thầy rất tinh anh
tráng kiện.
Thầy Lưu Văn Nhu dạy Lý Hóa. Tôi học dở môn thầy Nhiêu, cũng dở luôn
môn của thầy Nhu. Có lần thầy kêu tôi trả bài, thấy tôi không thuộc,
thầy kêu tôi đọc… thơ. Tôi “quê” quá, rươm rướm nước mắt, thầy kêu
về chỗ và cho 10 điểm. Mấy đứa con gái lớp tôi xì xào… Sau này, tôi
có dịp làm bạn với Vân, cháu gọi thầy Nhu bằng chú – nhà ba má Vân ở gần chợ
Dân sinh.
Sau khi cô Cẩm Nhung qua đời, thầy không tục huyền, hiện sống với
các con tại Saigon.
Thầy Nguyễn Tấn Trưởng có mái tóc xoắn quăn, thường khen tôi học
khá.
Thầy Bùi Trung Tính dạy Việt văn. Thầy Tính chú ý tôi vì tôi học
thật xuất sắc các môn Kim văn, Cổ văn, hay lên trần thuyết đều đạt
điểm tối ưu. Cuối năm để khuyến khích, thầy tặng cho tôi một phần
thưởng hậu hĩnh gồm rất nhiều sách giáo khoa và tập vở, trong đó còn
một cây bút Parker nắp vàng khắc tên họ tôi thật đẹp. Từ đó, bỗng
nhiên mấy đực rựa gọi tôi là Giáng Kiều. Thủ phạm bày đầu là An Ngọc
Quang học cùng lớp.
Cách đây một năm, qua một bài viết trên một trang báo tại hải ngoại,
anh Phạm Doanh Môn học trên tôi hai lớp, tìm tôi và dắt tôi về trang
Web của trường - Bất ngờ, người tôi gặp đầu tiên là thầy Bùi Trung
Tính. Thầy trò cách xa hơn 40 mươi năm gặp lại thật nhiều xúc động.
Tôi mừng khi thấy thầy cô giờ sống hủ hỉ hạnh phục bên con cháu sau
những tháng ngày gieo neo.
Thầy Lương Văn Liêng nghiêm nghị, có một phong thái thật lịch lãm
của người Hà Nội. Thầy có khiếu về âm nhạc, thường tập cho những tốp
ca cách hát bè. Nhờ thầy, tôi bắt đầu mê âm nhạc, nhưng giọng tôi
“ẹ” quá.
Tôi nghe nói thầy đã qua đời.
Cô Trà Liên giảng bài thật hay, giọng Huế trọ trẹ véo von. Trong lớp
có mình tôi là “hiểu hết” những gì cô nói. Bởi họ hàng bên ngoại tôi
là “Huế rặt”. Ở Kiến Tường, người ta gọi ông bà ngoại tôi là “Ông bà
Trung”.
Cô Triệu Cẩm Nhung đẹp nghiêm nhưng hiền, và đặc biệt cô có dáng dấp
thanh thoát đài các. Trước khi lập gia đình với thầy Nhu, cô có mái
tóc dày, chấm vai cuốn úp. Sau này, mái tóc cô cắt ngắn tỉa mỏng.
Nghe tin cô mất sớm, ai cũng ngậm ngùi.
Cô Hồng Châu không là giai nhân, nhưng cô biết cách làm nổi bật làn
da sáng trắng mịn màng và che lấp khuyết điểm cặp môi với màu son
cánh sen thắm đượm tôn hàm răng thật sạch, trắng bóng. Tôi là học
trò dở thậm tệ môn Nữ công. Có lần nộp bài thi trễ, tôi phải cầu cứu
thầy Tính với tư cách là giáo sư hướng dẫn nộp, cô Châu mới nhận.
Có lẽ cô Hồng Châu là người sống trong tủi cực gấp lần những người
phụ nữ khác. Hoặc cái chết của thầy đã vắt kiệt sức lực của cô khiến
cô bây giờ quắt queo méo mó, không còn giữ lại bất cứ một dấu tích
gì của một dáng dấp sang trọng như bà hoàng hậu được bầy nữ sinh bao
lớp trong lớp ngoài của thời ngày đó ngưỡng mộ.
NHỮNG NGƯỜI BẠN:

Tấm hình lớp đệ Lục A (1966).
Tôi luôn ngồi bàn đầu và đầu bàn, chỗ
lối giữa. Bàn tôi còn có Kim Phụng, Huê, Võ Thị Hoa, Kim Hoàng.
Bàn sau lưng tôi là Nguyễn Thị Chiến, rồi Đồng Thị Ngọc Lan….Nguyễn
Thị Mừng ( sau đổi thành Nguyễn Thị Rỡ). Bàn cuối lớp có chị Lê Thị
Bé, chị Lê Mỹ Lệ, chị Nguyễn (Hồng) Châu.
Chị Lê Mỹ Lệ hay gọi tôi là con “Mít ướt” rồi lên giọng hăm he: “Đứa
nào ăn hiếp con Vân Hồng, biết tao!” Chị Mỹ Lệ cao to người, tóc kẹp
rẽ bảy ba cho tóc bồng lên rặt kiểu gái quê thời trước. Chị hay giỡn
và thường đi cặp tàu với chị Lê Thị Bé và chị Châu như bộ “tam sên”.
Có lần lớp tôi trống giờ, cả bọn rủ nhau lên Núi Đất. Hồi đó Núi Đất
hoang sơ lắm. Thường lên Núi Đất là những anh chị cặp bồ hay những
anh chàng “Làm học trò không sách vở cầm tay. Có tâm sự đi nói cùng
cây cỏ” vô đó không phải nói với cây cỏ mà khắc tên trên cây làm dấu
một thuở… thất tình! Núi Đất nhiều cây nên mát rượi. Bọn tôi vừa đi
loanh quanh, vừa nghễnh cổ tìm kiếm, có đứa chí chóe khi thấy một
cái tên quen thuộc khắc chung với trái tim, có chỗ khắc mũi tên
xuyên qua trái tim lệt bệt lem luốc mấy dấu chấm tròn làm như máu
đổ…Chơi giỡn một hồi,
nghe tiếng xe cà rem rung chuông leng keng, cả bọn mừng quá chạy ra.
Cà rem hồi đó có đủ loại đậu, làm thành một cây dài tròn bao bằng
giấy láng - mua mấy đồng thì cắt khúc cỡ mấy đồng. Tự nhiên đang ăn,
không hiểu sao chị Mỹ Lệ xúi An Ngọc Quang: “Mày dám hái bông tặng
con Vân Hồng, tao cho mày cây cà rem”. Không biết vì sợ chị Mỹ Lê
hay vì cây cà rem mà Quang vội vàng đi hái một cành bông đem tới rồi
An làm y như trong tuồng cải lương quỳ xuống trao bông cho công chúa
khiến tụi tôi cười ngặc nghẽo. Anh Đáng có chụp tấm hình này, nhưng
sợ bị đòn nên tôi cắt giấu (bỏ) hình của Quang. Tụi tôi chỉ con nít
giỡn chơi thôi. Lúc đó còn khờ lắm.

Tấm hình vânhồng chụp tại Núi Đất lúc học đệ
Thất (1965).
Lê Văn Đành là cứu tinh khi cho tôi cọp dê suốt kỳ thi đệ Thất. Đành
hiền lắm, nghe Quang nói Đành chưa hề khoe ai về “thành tích” này,
chỉ khi tôi kể lại, Quang mới biết.
An Ngọc Quang vui tính, tốt bụng, hát hay cũng hay kiếm chuyện chọc
người này người nọ nhất lớp. Hiện giờ Quang sống với vợ con
tại Oklahoma. Tuy Quang không khỏe nhưng lúc nào cũng sẵn sàng dấn thân vì bạn bè. Lâu lâu Quang
gọi, tụi tôi nói đủ thứ chuyện trên đời.
Anh Đáng… anh Tới ngồi bàn chót thì... nghịch ngầm. Còn mấy nhóc nhỏ con ngồi
mấy bàn đầu khỉ ơi là khỉ. (Sao tôi quên tên!)
Nguyễn Thị Chiến có đôi mắt màu hạt dẻ, da mặt lấm tấm tàn nhang,
miệng móm nhưng đẹp và học giỏi, nhà trong khu Thành Công. Chiến có
người chị gái vợ anh Điền cũng đẹp. Sau này nghe nói Chiến dạy ở Mỹ
Tho. Tôi ở Mỹ Tho mà không hề gặp.
Đồng Thị Ngọc Lan rất ít nói, học giỏi, có nước da nâu đậm, nhưng có
đôi mắt với cặp lông nheo rậm ri thật đẹp.
Chị Lê Thị Bé dáng vóc cao lớn thường đi cặp với chị Hồng Châu, chị
Mỹ Lệ. Họ là bộ “tam sên”.
Lai Thị Bạch Cúc quen tôi từ lúc tôi theo học trường Baotixita. Bạch
Cúc hiền, sau năm 1983 tôi gặp lại Bạch Cúc ở Mỹ Tho (thời gian này,
Bạch Cúc giúp tôi chút tiền bạc cho gia đình tôi qua cơn ngặt
nghèo).
Sau này muốn đền chút ơn,
không biết Bạch Cúc nơi đâu.
Nguyễn Thị Rỡ học giỏi và viết chữ đẹp nhất (thường được thầy cô kêu
lên viết bảng). Nhà Rỡ ở sau chùa Tường Vân, mỗi lần đi chùa (tôi
trong gia đình Phật tử Chánh Thanh, thời anh Tâm làm Huynh trưởng),
tôi hay chạy qua nhà Rỡ chơi. Tôi nhớ mỗi lần chùa có lễ lớn là nhà
bếp có món bầu để nguyên khoanh chiên vàng rồi kho nước tương ăn
thật ngon.
Nghe nói sau này, Rỡ dạy cho THKT.
Kim Hoàng rất ít nói, nhưng tốt với bạn bè, nhất là thường cho tôi
coi bài.
Võ Thị Hoa còn có một em trai học chung, hai chị em giống nhau chỗ
chân mày thật rậm.
Huê (tôi quên họ) có nước da trắng và cặp môi hồng thật đẹp. Huê
chơi thân với Võ Thị Hoa.
Võ Kim Phụng nhỏ con nhất bên con gái, thật dễ thương. Tôi nhớ Phụng
hay đi cặp với Lai Thị Bạch Cúc, hình như họ cùng xóm trong khu
Thành Công.
TÌNH YÊU:
Ở Trung học KiếnTường có bốn người thường kẹp những lá thư viết vu
vơ trong vở tôi. Mối tình đầu của tôi là ở trường khác.
HIỆU TRƯỞNG:
Tôi nhớ thầy Trần Ba, thầy hay cười, nhưng học trò sợ thầy lắm. Mỗi
lần sắp hàng vào lớp, tụi học trò ngoái đầu nhìn lên văn phòng, thấy
bóng dáng thầy là tụi tôi đứa nào cũng xếp hàng đứng thẳng tăm tắp.
GIÁM THỊ:
Thầy Nguyễn Văn Đấu là chồng của cô Hồng Châu. Thầy Đấu không có cái
“uy” làm giám thị, vì vậy thầy “được thương” hơn là “được sợ”. Sau
này nghe kể, vì vướng bịnh nan y, thầy sống dằng dai trong tủi cực,
đau khổ, thiếu kém trước khi qua đời.
TRỞ VỀ SAIGON:
Mùa hè cuối năm đệ Ngũ (1967) vì chiến tranh, vì muốn tôi an toàn,
cậu tôi đưa tôi lên học ở Saigon. Bước chân vào những ngôi trường đồ
sộ nơi thủ đô hoa lệ, nhưng tôi vẫn thương Trung học Kiến Tường hơn.
Tới giờ cũng vậy.

Tấm hình chụp tháng 4-2011 tại Detroit
(Michigan, Hoa Kỳ).
. thụyvi
(Hầm Nắng Michigan, 24-5-2011)