dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

 

Lang thang tình hè


 

* ghi chép


Khi nói đến hè, tên học trò trong tim chúng ta thường nghĩ tới ba tháng trời xa bạn xa trường. Ngày chia tay là cả thiên tình sử được kể qua nhạc, qua thơ, qua bút ký… hoài hoài không hết. Học trò Việt ở Mỹ có đón hè với tâm tình như vậy không? Vợ chồng chúng tôi, nay đã già, con cháu đã lên đại học, vậy xin kể chuyện về sinh viên đại học. Chúng ta hãy đi lang thang một vòng nho nhỏ trong vùng Silicon Valley, tiểu bang California.


Chúng tôi đều là cựu giáo chức, mỗi khi hè tới, chúng tôi thường đến một trường học nào đó để tìm lại một thoáng nắng ấm của tình hè. Năm nay chúng tôi viếng thăm San Jose State University (SJSU), nơi hơn 20 năm về trước nhà tôi đã học ở trường này.


Một mình trong sân trường vắng, một chiều mưa hè. Ngồi xuống, soi mình trong vũng nước, thấy rõ những nếp nhăn đánh dấu thời gian mình đã xa trường.


 

Tòa Morris Dailey hall vẫn như xưa. Có lẽ những cây cọ cao hơn một chút. Cơn mưa trái mùa mang lại luồng gió lạnh, nhưng trong lòng người học trò cũ vẫn thấy ấm áp. Bởi vì mối xúc động và tình cảm thường đọng lại nơi thời còn đi học.


Người Việt ở Mỹ, đối với thế hệ thứ nhất, là những người tha hương. Nhưng với thế hệ thứ hai, tức con cháu của họ, quê hương của chúng chính là đất Mỹ. Thế hệ cha mẹ đã mang sắc thái quê hương trộn với sắc thái Mỹ. Vì vậy ở thế hệ thứ hai, ngoài tình học trò thuần Mỹ, chúng còn có khối tình Việt tộc.


Niên học hết, trước khi chia tay, sinh viên Việt không có những tập quán ký bút lưu niệm như ở bên nhà. Bù lại, họ tụ lại với nhau để thực hiện một chương trình culture show (đại nhạc hội văn hóa). Mỗi năm họ đặt cho buổi văn nghệ một chủ đề. Tuy chủ đề khác nhau, nhưng chúng luôn luôn mang sắc thái nhớ về cội nguồn. Những chủ đề của năm nay là “Echo - Âm vang” của University of California at Berleley (UC Berkeley), “Remember the past. Embrace the future - Một thời để nhớ” của University of California at Davis (UC Davis), "Once upon a time: Fairy tales of our past – Ngày xửa ngày xưa: Chuyện cổ tích” của Stanford University, và “Reflection of time - Dấu ấn thời gian” của San Jose State University (SJSU). Người trong nước có lẽ không bao giờ phải đối diện với những chủ đề có tính cách nhớ về nguồn như vậy. Nó chỉ đặt ra với những người xa cội nguồn mà thôi.

 

Phải nói chương trình đại nhạc hội văn hóa là những cố gắng vượt bực của sinh viên gốc Việt. Đó là công sức kéo dài cả năm trời. Họ phải soạn kịch bản, thiết kế y phục, dàn dựng phông trên sân khấu, và tập dượt bài bản. Ngoài ra, họ còn phải tìm cách gây quĩ bằng nhiều cách trong đó có cả đi rửa xe cho khách qua đường.


Hôm nay, về trường cũ SJSU, để được hòa mình với học trò, chúng tôi tham dự buổi trình diễn văn nghệ “Reflection of time - Dấu ấn thời gian”. Hội trường tràn đầy sinh viên trẻ trung, lich sự, lễ phép, và rất dễ thương. Họ ăn mặc như những cô cậu choai choai với áo thun và quần jean. Xứ Mỹ thường không câu nệ hình thức.
 


Toàn thể ban tổ chức văn nghệ của buổi trình diễn Reflection of time - Dấu ấn thời gian.


Trong hí viện, xung quanh chúng tôi là lớp trẻ, nhưng đó không phải là điều tôi muốn nói. Cái đáng nói là chúng tôi hoàn toàn quên mình đã già. Chúng tôi trở thành học trò, bởi vì tự nhiên mình sống thật với bản thân của mình. Nơi đây có một không khí khích động nội tâm. Bất cứ cái gì cũng có thể khiến mọi người cùng cười khúc khích. Cười vô cớ như bị ai thọc lét. Trong khi im lặng chờ đợi mở màn, chợt một tiếng ho vang lên, thế là mọi người ha hả cười. Nó là một truyền cảm của vui thích, quên đời, vô lo mà chỉ trong không khí học đường, với tâm hồn học trò, mới có.
 


Màn vũ Night of Wonders với nhạc Tây nhưng với những điệu vũ cổ truyền của ta.
 

Hết màn vũ, một cậu ra xếp đặt sân khấu cho màn kế tiếp. Cậu vụng về làm đổ chiếc ghế. Thế là mọi người được dịp phá lên cười. Thực sự không ai bị thọc lét hay chế diễu chọc ghẹo anh chàng, nhưng thấy ghế đổ thì cười. Nó là tiếng cười tự nhiên ngây ngô vô cớ. Khách đạo mạo núp trong bóng tối lúc đầu cười khì khì, sau đó cười dòn, rồi cuối cùng bật cười ha hả. Cái nếp sống hồn nhiên của trẻ thơ ẩn kín trong vô thức bộc phát ra tự nhiên. Nó như là cánh cửa giải thoát những vướng mắc trầm lụy để bước vào thiên đường hoan lạc của tuổi trẻ.
 


“Vị ngọt đôi môi”, một bản nhạc romantic, nhưng khán giả cứ cười. Cái mọi người thấy là cái nhìn vượt qua mọi nghi thức để gặp nhau và cùng thấy nhau trong tình hè.


Trong màn Hip Hop “On Yellow Note”, các vũ công nhảy breakdance rất cừ. Họ cho những cơ bắp trên người giật lung tung (poping and locking), cắm đầu xuống sàn xoay tít mình trên không (head spin) hoặc đi thụt lùi (moonwalk). Với quần áo và tóc tai theo mode không giống ai, họ không khác gì nhóm thanh niên ở quận Bronx, thành phố New York, nơi phát sinh ra hiện tượng Hip Hop.


Sinh viên Việt của các trường đại học vùng Vịnh San Francisco và Silicon Valley liên kết với nhau. Họ không có sự cạnh tranh phân biệt giữa các trường. Họ kết thành một khối gọi là liên trường. Chất keo gắn bó họ chính là nguồn văn hóa Việt tộc. Các liên trường có những buổi sinh hoạt chung như tương trợ xã hội, thi hoa hậu…


Bên tay phải tôi là cô hoa khôi liên trường. Bên tay trái tôi là cô á hậu. Luật buộc họ phải đeo bảng danh hiệu khi xuất hiện trong các buổi họp mặt. Cả hai cô đều là sinh viên Berkeley - một trong những trường nổi tiếng trên thế giới. Họ tới SJSU dự buổi Reflection of Time để thu thập kinh nghiệm cho kỳ tổ chức văn nghệ năm tới ở trường mình.


Tuy nhiên cuộc họp mặt cuối năm như thế này cũng có thể là cơ hội chót để nói với nhau lời từ biệt. Bởi vì hè tới sân trường còn là biến cố buông sách vở xuống để mặc mũ áo tốt nghiệp. Ở bên nhà, ta nói đến lúc “xuống núi”. Ở đây đúng hơn phải nói là xuống phố. Chỉ cần một bước qua ngưỡng cửa nhà trường, sinh viên tốt nghiệp đi vào lòng thành phố. Họ bỏ cung điện kiến thức để lăn mình vào cõi đời.


Ba tuần trước chúng tôi đi dự lễ tốt nghiệp của con gái đỡ đầu, cháu Lê Kim Ân, tốt nghiệp Doctor of Physical Therapy (bác sĩ chỉnh hình), University of the Pacific ở Stockton, California.


Cháu Kim Ân là người Việt, nhưng sinh ra tại Philippines, và lớn lên tại Mỹ. Đó là những gì thường xảy ra cho lớp di dân. Nó ghi dấu cuộc bôn ba viễn xứ và ý chí phấn đấu của dân Việt.


Có lẽ sinh viên ở Mỹ thực tế hơn sinh viên bên nhà. Họ phải tự học nhiều hơn là dựa vào học trình của thầy. Do đó họ chủ động nhiều hơn trong cả định hướng tương lai lẫn hướng đi sự nghiệp. Cháu Kim Ân vừa tốt nghiệp đã nhận lời làm việc ngay với hệ thống y tế Kaiser Permanente ở miền nam California. Ngày tốt nghiệp của Kim Ân, cũng như của nhiều người khác, lại là ngày rời trường.


Đối với chúng tôi, những người đã một thời cắp sách đến trường và một thời dạy học, tình hè vẫn là một kho tàng ẩn giấu bàng bạc trong tâm hồn. Hè là dịp cho chúng tôi tìm lại một khoảng không-thời-gian sống thật với lòng mình.
 

ĐỖ NGỌC TRANG - NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY
(Elk Grove, California 11-6-2011)
 

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage