dnnp - đỗ xanh

 

 

 

 

 

 

 

Bố nói về bố


 

* Tạp ghi



Một lần Khổng Tử đứng hóng gió ngoài sân. Chợt cậu con đi ngang qua, ông hỏi, “Mi đã học Kinh Thi chưa?” Cậu con trả lời, “Dạ chưa.” Khổng Tử nói, “Vậy học đi.”


Con học hành thế nào bố không biết và cũng chẳng kèm dạy con. Đó là liên hệ giữa bố và con của vị có tước hiệu Vạn Thế Biểu Sư (vị thầy kiểu mẫu muôn đời). Bề ngoài thì thấy cuộc đối thoại cụt ngủn, cụt đến mức không còn hỏi đáp thêm gì được nữa. Hai bên im lặng bỏ đi. Bố có câu trả lời, nhưng con phải tự kiến giải và thấu triệt. Bố đâu có tính nói lòng thòng.

 

* Nguồn minh họa: Internet.


Một hôm tôi đi dự tiệc sinh nhật của người bạn. Bố của bạn, một cụ 70 tuổi râu tóc bạc phơ, nói với tôi. “Thằng này hồi nhỏ vô lớp nó hát ‘Ai đang đi trên cầu bông, té xuống sông ướt cái quần ni lông. Vô đây em dù trời khuya anh cũng đưa em về’. Nó bị cô giáo xách tai lên văn phòng. Cô hỏi: em học ở đâu cái bài hát bậy bạ đó. Nó trả lời: dạ thưa cô, bố em dạy em.” Kể xong, ông cụ và tôi cười sằng sặc, thật sảng khoái. Dĩ nhiên cậu con học lóm thì có. Cần nói thêm ông cụ, nhà mô phạm thứ thiệt, từng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Saigon.


Ông bố là như vậy, tôi biết rõ điều này vì tôi đang là bố. Bố không phải là thiên thần, nhưng là rất “người”. Bố có thể say sưa, cợt nhã, chửi thề, và lạnh lùng… vì bố trước hết phải làm “người”, đúng như vậy!


Trước khi về hưu, tôi làm việc trong Y viện của Đại học UC Davis. Tôi phụ trách lập hồ sơ trợ giúp y phí cho bệnh nhân. Gặp truờng hợp bệnh nhân là các cháu nhỏ, tôi phải phỏng vấn cha mẹ của chúng. Tôi nhận ra 99,99 % các ông bố không biết ngày sinh của con. Có ông khi được hỏi, ra dáng đăm chiêu rồi phóng ra một hàng con số. Tôi tưởng bở nên vô tình ghi vào biên bản cái ngày sanh trật lất đó. Sau này tôi phải mất cả giờ để sửa lại hồ sơ. Tôi luôn luôn phải hỏi bà mẹ về các chi tiết này. Con trai đối với bố cũng huề như vậy (tôi không biết về con gái). Có 99,99 % các con trai không biết ngày sanh của bố. Đôi khi cái không biết còn nhiều hơn thế. Tôi vô tình đọc thẻ căn cước của bố tôi, thấy ghi: “có vết sẹo ở dưới cằm”. Nếu chưa đọc dòng chữ này, không bao giờ tôi tự mình nhìn thẳng vào mặt bố để biết bố có cái nét phong trần ấy.


Tôi ra đời năm xảy ra nạn đói Ất Dậu làm chết 2 triệu người ở miền Bắc. Các ông bố phải tha phương cầu thực là chuyện thường. Trong bối cảnh ấy con cái đòi ở cận kề với bố là một ảo giác. Trường hợp tôi thì có hơi quá. Cả đời những năm tôi gần bố cộng lại có thể đếm trên năm đầu ngón tay. Đời sống gian nan, sức lực kiệt quệ, bố nào mà chẳng có một chút nóng máu, một chút ngang tàng bất cần đời… chỉ là cách biểu lộ sự phản kháng và nỗi bất lực trong nội tâm của bố.


Sự liên hệ giữa bố và con trai dĩ nhiên là một thế đứng khập khễnh. Cả hai có bao giờ cùng đứng trên một mặt phẳng. Bên ngoài nhìn vào thấy sự liên hệ có vẻ như thiếu một cuộc đối thoại, nhưng ở tầng giới nội tâm, nó lại là một trật tự vững vàng. Mối liên hệ cao diệu nhất của hai nam nhân là sự kết hợp của hai cá nhân tự do. Giữa bố và con trai, cuộc đối thoại lớn nhất là cuôc đối thoại trong vô thanh. Bố con nhìn nhau trong im lặng, nhưng mênh mang một niềm cảm thông.


Khi tôi ghi danh vào Đại học Kiến trúc, một trường học rất mắc mỏ vì sinh viên phải mua những học cụ toàn đồ nhập cảng như compas, bảng vẽ, giấy họa… Hôm đăng ký, ông thư ký trao cho bố tôi tờ giấy tính tiền. Bố nhìn con số, mặt sượng lại, rồi nhìn tôi, rồi cúi đầu lặng lẽ móc ví trả tiền. Sau đó chúng tôi ra về trong im lặng. Lương bố không nhiều. Nhà lại đông con. Tôi học trường kiến trúc được vài tháng thì xảy ra biến cố đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tất cả các trường học đều đóng cửa. Sau khi tình hình an ninh ổn định, các trường học mở cửa trở lại. Tôi không trở về trường kiến trúc. Tôi âm thầm thi vào trường Đại học Sư phạm. Khi đã chính thức là sinh viên đại học sư phạm, dù đang đi học, tôi cũng có lương. Bấy giờ tôi mới báo cho bố biết, bố lặng thinh.


Trong đời, bố và con trai thường có nhiều lần đối thoại trong im lặng. Cái im lặng đầy sức nặng. Chúng thường cô đọng tất cả kinh nghiệm của cuộc đời mà lời nói không thể diễn tả. Ngôn ngữ dù có hay, cũng mắc kẹt trong định giá. Sự im lặng đập vỡ tất cả mọi biện giải để đi vào vùng tự giác.


Cái oái oăm muôn đời của bố là dù bố có vẻ vang thế nào, bố cũng không bao giờ cho mình là một hứa hẹn cho gia đình hay với con cái. Bao nhiêu hứa hẹn, bố lại hướng về đứa con. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Niềm hy vọng này là một điệp khúc muôn đời.

đỗ ngọc trang
(Elk Grove, California 19-6-2011)
 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage