FATHER’S DAY:
Viết về những người đàn ông
trong gia đình
* tản mạn
Từ nhỏ, tôi chưa bao giờ sống gần cha hay gần mẹ.
Hề gì. Cuộc sống vẫn trôi. Hãy để tôi kể về những người tưng tiu,
nuôi dưỡng và định hình cho tôi một con đường tuy hơi nghiêm khắc,
nhưng thật sự là những căn bản trong đời sống bởi sự tử tế với những
giá trị sống đúng mực của những người đàn ông trong gia đình.
ÔNG NGOẠI VÀ NHỮNG NGƯỜI CẬU:
Nhà
tôi lúc đó toàn là đàn ông. Bà ngoại bận mua bán ngoài chợ suốt ngày
nên việc: ẵm bồng, thay tã, tắm rửa, đút ăn, dỗ ngủ, chưa nói lúc
bệnh hoạn ấm đầu… Bao nhiêu chuyện phải làm cho một đứa bé đều do
các cậu và ông ngoại thay nhau quán xuyến.
|
|
Tác giả khi
còn nhỏ. Ảnh do tác giả cung cấp. |
|
Tấm
hình chụp cho thấy tôi có một tuổi thơ thật đầy đủ, được nuôi nấng
trong sự yêu thương vô bờ nên chưa bao giờ tôi thắc mắc hỏi ba đâu?
mẹ đâu? Khi tôi lớn hơn một chút, ông ngoại biết mình không thể sống
hoài để nuôi tôi, rồi các cậu sẽ phải lập gia đình, nên ông ngoại
sắp đặt chuẩn bị cho tôi một đời sống tự lập ngăn nắp trong một nhân
cách được trui luyện kỷ luật từ cách giáo dục riêng của các trường
nhà Dòng. Do đó ông ngoại quyết định gửi tôi vào học một trường nội
trú chỉ cách nhà ngoại vài con đường.
Mấy
tháng đầu, bọn học trò mới thường nhớ nhà. Lợi dụng giờ tĩnh lặng
cầu nguyện ở tầng trên, chúng tôi len lén thay phiên nhau thập thò
nơi cửa mắt cáo nhìn ra cổng cho đỡ buồn. Có khi tôi thấy ông ngoại
tôi đứng ngóng cổ nhìn vô. Có khi thấy ngoại đi tới lui thất thểu.
Có khi mưa tầm tã, thấy ông ngoại cầm dù đứng bên kia đường…. Trong
này, bên ngạch cửa, tôi rưng rức tức tửi khóc ngất vì nhớ ngoại….
Còn
nhỏ quá, lại bị gò bó trong khu nhà cổ kính, bị ràng buộc vào đủ thứ
giáo điều nghiêm ngặt nên suốt ngày ngoài giờ học, tôi chỉ biết ngấu
nghiến đọc những cuốn truyện nhiều màu sắc - hay nôn nao chờ đến
cuối tuần được đón về nhà để tối tối cậu chở tôi trên chiếc xe đạp
đua bằng nhôm thật hách vừa huýt gió điệu nhạc Cerisier Rose Et
Pommier Blanc thật réo rắt vui nhộn, vừa đạp xe ra Đinh Tiên Hoàng
ghé tiệm bánh mua pâté chaud (pâte feuilletée,
lúc
đó Bưu điện SàiGòn chưa bán loại bánh này) rồi trực chỉ bến tàu vừa
hóng gió, vừa nhâm nhi tận tình mấy cái bánh. Tôi thích ăn món gì
cậu cho ăn món đó, cậu đưa ra Chợ Cũ ăn cháo cá, hay vô Chợ Lớn ăn
mì, ăn kem… Rồi đạp một vòng chợ Bến Thành để con bé nhìn nghiêng
nhìn ngửa, chỉ trỏ cười nói lung tung một hồi, cuối cùng vun vút đạp
về với điệu nhạc trong miệng cùng màn đêm mát rượi.
Do
được học căn bản từ trường đạo nên tôi có cơ hội học rất nhiều môn
từ kinh thánh đến văn chương, văn hóa…. Nhưng trên hết đời sống tôi
vẫn giữ trật tự dù đã trải qua bao nhiêu biến cố lớn nhỏ kinh hoàng.
Tôi
thương ông ngoại và các cậu tôi nhất nên luôn luôn sợ ông ngoại già
rồi chết. Tôi cũng hay nơm nớp sợ ai đó khơi lại gốc tích, hay bất
thần có người nào tới tìm nhìn bà con rồi bứt tôi ra khỏi tay ông
ngoại như ông Vatali chủ đoàn xiệc bứt cậu bé Rêmi trong tay người
mẹ nuôi trong truyện Vô Gia đình do ông Hà Mai Anh dịch từ cuốn
Sans Famille của Hector Malot.
Tôi
thành nhân, ông ngoại đã qua đời. Tôi thành thân, cậu tôi không còn.
Nhưng ông ngoại và các cậu luôn là những ông Tiên, ông Bụt – nên từ
đó giờ mỗi khi có chuyện gì buồn là tôi tưởng tượng như họ hiện ra
trước mắt để tôi tỉ tê, kể lể như hồi con nít.…
ÔNG NỘI CỦA CÁC CON TÔI:
Khi
tôi vào làm dâu trong gia đình thì ông đã qua đời. Nhìn tấm hình
trên bàn thờ thấy chàng của tôi giống ông y hệt. Nghe chuyện kể từ
những người bà con thì chàng không những y hệt ông về mặt mũi dáng
vóc mà còn giống ông y hệt về tánh tình.
Cho
tới bây giờ, mặc dù các con tôi chưa hề biết ông nội, nhưng những
đức tính và những thói quen của ông được chàng của tôi hãnh diện kể
đi kể lại cho các con nghe.
Con
trai tôi đã lớn - đã trưởng thành, và đang là “người đàn ông thứ 2”
trong nhà…Tôi thú vị khi thấy cháu cũng y hệt như ông nội của cháu.
CHA CỦA NHỮNG ĐỨA CON CỦA TÔI:
Khi
tôi sinh đứa con trai đầu lòng tên Vihiệp, cơn chuyển bụng vật vã 3
ngày 4 đêm đã rút hết sức lực người sản phụ, và cũng vắt kiệt hết sự
thương cảm, ngất ngư, bơ phờ của chàng theo từng cơn đau của vợ.
Chàng nhất định theo tôi vào phòng sanh. Chàng quyết không để vợ đi
biển mồ côi một mình.
38
năm sau đó. Chàng vẫn không bao giờ để tôi một mình. Chưa. Không bao
giờ, nếu không vì những biến cố thời cuộc.
Bây
giờ, chàng của tôi đã bước qua tuổi 70. Thường, chàng và tôi tôn
trọng nhau khi mỗi người cần những không gian yên tĩnh để làm việc.
Những lúc đông đủ con cháu, chàng trút bỏ sự nghiêm nghị ít nói,
chàng hồn nhiên vui đùa, chúng tôi thường mở nhạc và nhảy múa với
nhau, cùng coi một cuốn phim mới, cùng sôi nổi bàn chuyện thời sự,
lịch sử, khoa học hay thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích nhau về sự
dấn thân, sự chia sẻ thiết thực với những hoàn cảnh nguy nan… Trong
nhà, chàng làm hết mọi chuyện của người đàn ông, từ sửa cái đèn của
xe, gắn cái bản lề, kê khung cử,... Ngoài ra, chàng còn kiêm thêm
tài xế mỗi ngày 4 bận đưa đón các cháu, bất kể nắng, mưa, gió,
tuyết…
Khi
con gái Vithảo có công việc phải ở cách xa nhà khoảng 300 cây số,
lúc nào con rể con gái bận việc là chàng của tôi vội vàng lái xe
hơn 3 tiếng đồng hồ đến nói là để thăm cháu ngoại, nhưng thật ra là
để cắt cỏ cho con. Làm hết công việc xong, chàng sung sướng lái thêm
3 tiếng nữa về nhà kịp đưa tôi đi phố chẳng hạn.
Tôi
biết trong óc các con - chắc chắn, chàng là hình ảnh kính trọng, là
hình ảnh yêu thương, là hình ảnh cần thiết, là hình ảnh gần gũi, là
hình ảnh Bogus khi chúng nghĩ tới…
. thụyvi
(Hầm Nắng Michigan, tháng 6-2011)