dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Thi ca mùa Thu trong văn học dân tộc

 

* Tiểu luận

 

Thầy Đỗ Ngọc Trang và sắc Thu California.

 

Người Tây phương thường có thói quen nhận diện một quốc gia nhỏ trong vị thế địa lý của vùng liên hệ. Vì thế Việt Nam thường bị gọi là xứ Đông Dương, tức thuộc vùng gồm ba nước Việt - Miên - Lào. Về phương diện văn hóa cũng vậy, các sử gia phương Tây xếp Việt Nam vào vùng văn hóa Indo China, nghĩa là vùng có dạng văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. Ấn hóa (Indo) nổi bật ở Cambodia (xưa gọi là Miên) và Lào; Trung hóa (China) nổi bật ở Việt Nam. Cũng có khuynh hướng cho rằng yếu tố Indo cũng có ở Việt Nam vì người ta tìm ra nền văn minh Ấn Độ ở Óc Eo, An Giang. Đúng ra vùng Óc Eo thuộc nước Phù Nam cổ xưa. Mãi về sau, khi Phù Nam đã suy tàn, bấy giờ nhóm Bách Việt mới tới đó định cư. Hiện nay văn hóa Indo cũng chỉ còn là dư hưởng mờ nhạt nơi dân tộc thiểu số Chàm mà thôi. Trong nền văn hóa của dòng tộc chính quốc gia (còn gọi là người Kinh) không thấy có ảnh hưởng Indo.

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Nước ta có bản sắc văn học không?

 

Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn, nhưng đã có thời nhiều người cho rằng Việt Nam không có văn học riêng. Thậm chí có người còn coi Việt Nam như một nước Trung Hoa thu nhỏ. Các nhà nhân chủng nhận xét rằng Đông phương có hai con sông lớn là Dương Tử và Hằng Hà. Chúng là khởi nguồn cho hai nền văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ. Hầu như không ai để ý đến sông Hồng. Cho đến khi Giáo sư Wolfram Eberhard, University of California - Berkeley, cho biết Bách Việt là nhóm dân đã có trước khi nước Trung Hoa được thành lập. Theo phỏng tính của Léonard Aurousseau, nhóm Bách Việt đã có từ 2000 năm trước Công nguyên. (*) Từ đó người ta bắt đầu có cái nhìn khác về Việt Nam. Rồi các nhà khảo cổ tìm ra ở Đông Sơn, đồng bằng sông Hồng, những trống đồng có tuổi vào khoảng năm 500 trước Công nguyên. Bấy giờ người ta mới tin rằng Việt Nam có bản sắc văn học phi Trung Hoa và phi Ấn Độ. Đó là nền văn minh lúa nước, tức văn minh Việt Nam.

 

Trước khi nói về bản sắc văn hóa, chúng ta hãy lược qua về bản sắc Việt tộc. Bản sắc là cái cốt lõi riêng tư của mình. Cái biểu lộ tâm lý, cảm nghĩ tiềm ẩn của lòng người, và mang vết tích phong thổ của quê hương. Xét về mặt lịch sử, từ thời lập quốc, nhóm Bách Việt đã có một bản sắc rất vững vàng. Chẳng hạn quốc hiệu của nước ta thuở xưa là Xích Quỉ (Xích = tinh hoa, Quỉ = làm chủ), Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Ngu (ngu = hòa bình). Những danh xưng này biểu lộ hướng nhìn vào trong lãnh thổ và dân tộc của mình. Cho đến khi xảy ra biến cố Bắc thuộc kéo dài 1000 năm (từ đời Hán đến cuối đời Đường bên Trung Hoa), quốc hiệu nước ta mới thay đổi theo hướng nhìn ra ngoài. Quốc hiệu có thêm yếu tố phương Nam để đối chiếu với người ngoài, như Đại Nam, An Nam và Việt Nam. Đặt yếu tố địa dư trong quốc hiệu là một khẳng định rằng tuy tiếp nhận những nền văn hóa khác, nhưng ta vẫn là ta, tức là người ở phương Nam. Rõ ràng đó là tâm trạng muốn phân biệt và bảo tồn bản sắc của mình.

 

Vậy Việt Nam có bản sắc văn học không? Xin trả lời ngay là có. Tuy nhiên đây là câu hỏi lớn nên câu trả lời cũng phải bao gồm rất nhiều chủ đề. Ở đây, nhân thời tiết đang ở trong mùa Thu, tôi xin mạn đàm chút ít về thi ca mùa Thu trong dòng văn học dân tộc.

 

Đã có lúc Thu của ta là Thu của Trung Hoa

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Không thể phủ nhận văn học nước ta đã có một thời phản chiếu rõ nét nền văn học Trung Hoa. Các nhà trí thức nước ta là những vị tài năng, nhưng kiến thức của họ có căn gốc từ học thuật Trung Quốc, vì vậy những suy tư của họ thường lấy văn hóa Bắc phương làm tiêu chuẩn. Mặc dù Lê Quí Đôn đã từng nói, “Việt Nam văn hiến bất dị Trung Quốc”, với ý đề cao văn hiến Việt Nam không thua kém Trung Quốc. Nhưng nói như vậy là mặc nhiên công nhận văn hóa của mình cũng giống văn hóa của người ta.

 

Để cảm nhận rõ bản sắc văn hóa Việt, có lẽ không gì bằng ta hãy liếc qua quan điểm “Việt Nam văn hiến bất dị Trung Quốc”. Sau đây là thi ca về mùa Thu của Ngô Chi Lan, một nữ sĩ Nho học thời Lê Thánh Tông. Thơ bà mang những nét tượng trưng biểu lộ nỗi buồn vương vấn của con người trong tiết Thu.

 

Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa

(Ngô Chi LanMùa Thu)

 

Với tài năng này, quả thật thi sĩ Việt không thua thi sĩ Trung Hoa. Nhưng đây có phải là cảnh mùa Thu của Việt Nam? Chỉ trong bốn câu mà đã đặc nghẹt bản sắc văn học Trung Hoa. Những chữ ước lệ như: gió vàng (kim phong, tức gió Thu), bóng nhạn, giếng ngọc, rừng phong… toàn là chất liệu của văn chương Trung Hoa.

 

Từ Ô Y Hạng rủ rê sang,

Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng

Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng

Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng….

(Quách TấnĐêm Thu nghe quạ kêu)

 

Quách Tấn thuở nhỏ học Hán văn, lớn lên học chữ quốc ngữ. Sau khi đậu bằng thành chung, ông được bổ làm giáo viên dạy môn Việt văn. Thơ của ông rất nổi tiếng, lời thơ gọt dũa và cân nhắc từng chữ. Tuy nhiên, mặc dù là người thuộc thế hệ mới thông suốt Tây học, thơ ông vẫn đầy chất liệu phỏng theo cảm nhận của ba thi sĩ Trung Hoa là Vũ Lưu Tích,  Trương Kế, và Tô Đông Pha. (**)

 

Thơ của Ngô Chi Lan và của Quách Tấn dù có hay đến cỡ nào cũng chỉ là những niệm tưởng về một ảo ảnh nào đó –trong văn chương chẳng hạn. Tác giả tìm cách tổng hợp những biểu tượng khuôn sáo tưởng tượng để kích thích cảm giác của mình. Sản phẩm này dù có dụng công lớn cũng không phải là nhận thức từ một đối tượng thật là cảnh Thu trên đất Việt.

 

Mùa Thu trong văn hóa dân tộc

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Văn hóa dân tộc là văn hóa gắn liền với đời sống làng xóm, nghề nghiệp, và phong thổ. Chúng là môi sinh cấu tạo nên con người Việt Nam. Đời sống dân gian gắn liền với ao, hồ, sông, cây tre, vườn cải. Những chất thể này mới có khả năng họa hình cái cảm giác của con người sống trên cái nền không gian và thời gian đó. Vì vậy bản sắc Việt là nhân sinh quan phảng phất trên cái ao, cành trúc, cánh đồng, con sông … trong nền văn minh lúa nước. Người bình dân ít học lại là người sống với bản sắc Việt rõ ràng nhất. Họ diễn đạt sinh hoạt sống của họ qua những câu ca dao mộc mạc và rất tự nhiên. Chẳng hạn, ở miền Bắc hầu như nhà nào cũng có chiếc ao, nên tâm tình con người gắn bó với ao: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao”, “Đêm qua ra đứng bờ ao”, “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”... Đất miền Nam người dân sống với sông rạch ngang dọc như bàn cờ:

 

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Anh có thương em hãy mua chiếc đò
Để em qua lại đặng thăm dò ý anh.

 

Miền Nam không có mùa Thu rõ ràng, nhưng canh nông vẫn ảnh hưởng theo mùa, nên người ta vẫn biết có mùa Thu: “Gió mùa Thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ năm canh”.

 

Từ những chất liệu đó nhà Nho Nguyễn Khuyến có ba bài thơ: “Thu điếu”, “Thu vịnh”, và “Thu ẩm”. Cả ba bài đều lột tả cái bản sắc văn hóa dân tộc tuyệt vời. Xin giới thiệu bài “Thu điếu” (mùa Thu câu cá) có tám câu như sau:

 

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng nước theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo

         (Nguyễn KhuyếnThu điếu)

 

Cụ Nguyễn Khuyến cho chúng ta thấy cái vắng lặng yên tĩnh của ao Thu và cảm giác lẻ loi bâng khuâng. Bà Huyện Thanh Quan cũng có nỗi buồn vu vơ như vậy khi nhìn con sông trong mưa Thu. Có một điểm chung là cả hai cụ đều không bị lạc lõng vào thế giới hỗn mang của kinh điển hay ngôn ngữ ước lệ từ chương. Hai cụ biểu lộ cái bản sắc Việt của mình, là chủ thể độc lập, nhìn thẳng vào hiện tại.

 

Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ
Xanh um cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ.

            (Bà Huyện Thanh Quan - Cảnh Thu)

 

Con sông dài, biết đi về đâu, chỉ thấy một giải trắng xóa sương Thu, chúng ta thấy lòng mình gần với anh dân chài Trương Chi biết bao.

Đối với thi bá Nguyễn Du, người đối cảnh còn đi sâu hơn vào cõi suy tư. Khi ngắm bóng trăng Thu trên sông Hương, cảnh buồn đã khiến cụ cảm nghiệm cái kiếp sầu vạn cổ cứ chuyển theo thời gian. Hương Giang là con sông chảy qua Huế. Năm 1805 (Ất Sửu), Nguyễn Du được thăng Đông các Học sĩ, tước Du Đức Hầu và làm việc tại kinh đô Huế.

 

Hương Giang nhất phiến nguyệt,

Kim cổ hứa đa sầu,

Vãng sự bi thanh trủng,

Tân thu đáo bạch đầu

(Nguyễn DuThu chí) (***)

 

Tạm dịch:

 

Thu đến

 

Vừng trăng trên sông Hương

Kim cổ đầy nỗi buồn

Chuyện cũ nấm mộ xanh

Thu tới đầu tóc bạc…

 

Sự việc cụ Nguyễn Du làm thơ bằng Hán văn là một bằng chứng cho thấy mặc dù trong thời kỳ ảnh hưởng nặng nề văn hóa Trung Hoa, các nhà trí thức vẫn giữ vững cá tính của nền văn hóa dân tộc. Họ chỉ mượn chữ Hán, là cái vỏ bề ngoài, để nói lên cái ruột Việt bên trong.

 

Kể từ thời kỳ thơ mới (1932-1945) cho đến ngày nay, trình độ tự phản của dân Việt càng ngày càng lên cao. Tầm nhìn bây giờ không còn chỉ qui vê phương Bắc, nhưng mở rộng giao lưu với văn hóa thế giới. Các thi nhân có khuynh hướng thiên về lãng mạn, siêu thực, và lý giải nội tâm, nhưng bản sắc vẫn là cội nguồn riêng tư Việt Nam.

 

Đầu tiên với trực giác và đối tượng có thật, cảnh vật được lựa chọn để trở thành những vật thể khả giác thay cho lời nói. Bây giờ đến lượt những cảm giác của nội tâm được phơi bày với bản chất đúng thật của nó.

 

Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu….

Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai.

(Trịnh Công Sơn - ca khúc Nhớ mùa Thu Hà Nội)

 

Thu sang trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn

(Nguyễn BínhCây bàng cuối cùng)

 

Rồi tới những cảm xúc ám ảnh tưởng rằng đã quên rồi, nay cảnh vật lại gợi ra. Chúng như những chiếc lá úa chìm sâu dưới đáy hồ nay được sóng khuấy lên mặt nước.

 

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức ?

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Ðạp trên lá vàng khô

(Lưu Trọng Lư - Tiếng Thu)

 

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.

(Xuân DiệuĐây mùa Thu tới)

 

Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông

            (Bích Khê - Tỳ bà)

 

Đây bãi cô liêu lạnh hững hờ
Với buồn phơn phớt vắng trơ vơ
Cây gì mảnh khảnh run cầm cập
Điềm báo Thu vàng gầy xác xơ

(Hàn Mạc Tử - Cuối Thu)

 

Và cuối cùng là nỗi thất vọng trong nỗi buồn bất lực của mình. Một nỗi buồn mà thời gian không hàn gắn được.

 

Tôi sợ chiều Thu phớt nắng mờ

Chiều Thu hoa đỏ rụng chiều Thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng
Người ấy bên sông đứng ngóng đò

(TTKH - Hai sắc hoa ti gôn)

 

Rồi có khi nào ngắm bóng mây
Chiều Thu đưa lạnh gió heo may
Dừng chân trên bến sông xa vắng
Chạnh nhớ tình tôi trong phút giây

(Thế Lữ - Giây phút chạnh lòng)

 

Khó có thể kết thúc khi nói về không khí huyền ảo của mùa Thu. Có thể nói mỗi chiếc lá rơi là một tâm sự, nên có nói mãi cũng chưa đủ. Vậy xin được tóm tắt tất cả những gì về mùa Thu trong câu hỏi ngỡ ngàng với chính mình.

 

Hình như Thu đến bên song cửa
Cánh cúc vàng tung nhụy thắm màu tươi
Có một chút gì như là nỗi nhớ
Theo gió lay cành cùng với phấn hương bay.
Những chiếc lá xạc xào khua tiềm thức

Mà thời gian ai níu kéo được bao giờ
Ở phương ấy người với trời hạnh phúc
Ta một đời mộng mị, mấy vần thơ.

(Nguyễn Văn Hòa Hình như mùa Thu)

 

Nguyễn Văn Hòa là một nhà giáo, dạy môn khoa học. Ai cũng nghĩ dân khoa học tâm hồn thường khô khan. Nếu đúng như vậy thì mùa Thu thật kỳ diệu, nó khiến ông chợt trở thành thi sĩ. Mùa Thu ở miền Nam, cây lá không đổi màu, nhưng nguồn cảm nghiệm ẩn tàng trong tâm vẫn đặt trong môi trường thiên nhiên. Một bông cúc vàng nhỏ nở ngoài cửa sổ, thế là đủ để dắt ta vào khu rừng sâu của tình cảm. Cảm xúc là vậy, đối diện với chính mình với những nỗi khắc khoải riêng tư nhưng vẫn bám vào thời gian và nơi chốn. Niềm cảm xúc không vay mượn những hình ảnh ước lệ của những nền văn hóa xa lạ.

 

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 31-10-2011)

 

-----

(*) Nguyễn Đổng Chi. Việt Nam Cổ văn học sử. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa tái bản. 1970.

(**) Lưu Vũ Tích (772-842) đời Đường. tác giả bài thơ “Ô Y Hạng” (ngõ áo đen), Theo Huyền Viêm, “ngõ áo đen” ở huyện Giang Ninh (Nam Kinh ngày nay). Vào đời nhà Tấn có hai nhà quí phái là Vương Đạo và Tạ An cư ngụ ở đó. Bởi vì gia tộc của họ đều mặc áo đen nên người ta gọi con đường ấy ở là “Ô y hạng”. (nguồn Newvietart.com).

Trương Kế, sống thời trước nhà Đường, tác giả bài thơ “Phong Kiều dạ bạc” (đỗ thuyền ban đêm ở bến Phong Kiều). Bài thơ này rất nổi tiếng trong văn học Trung Hoa.

Tô Đông Pha (1037 – 1101) đời Đưòng, tác giả bài phú “Xích Bích”.

(***) Mai Quốc Liên. Nguyễn Du Toàn Tập. Nhà xuất bản Văn Học. 1996.

.

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage