dnnp - lê trắng

 

 

 

Ông thầy đầu tiên

 

 

* Tùy bút



Tôi còn nhớ mãi ngày ba tôi dẫn tôi đi nhận nhiệm sở ở Cần Giuộc sau khi tôi ra trường sư phạm. Cần Giuộc! Cái địa danh thật xa xôi, hầu như tôi chưa bao giờ nghe nói đến dù tôi biết đó là một huyện của tỉnh Long An. Tôi ngủ không được vì lo lắng, bao nhiêu câu hỏi đặt ra và tự trả lời, nỗi nôn nao lạ kỳ!


Ba thương tôi lắm thường đi đâu ba cũng hay dẫn tôi theo. Có lần về quê nội ở Bến Lức tôi cùng đi với ba. Đám giỗ thật đông người tôi chẳng biết ai cả, ba bảo:
- Đi cho biết bà con dòng họ, ít ra sau này khi ba già còn có người thay ba lui tới.

Thật đơn sơ giản dị, phải chăng chỉ có ở những người miền quê mộc mạc, giàu tình cảm coi trọng tình thân ruột rà. Tôi thích lắm vì ba thường kể chuyện cho tôi nghe về ông bà nội, về bác, về chú, về cô,… tôi cứ bắt ba kể hoài tất cả là thần tượng của tôi trong đó có ba.


Hai cha con phải lội bộ hơn 5 cây số vì đi lạc đường, trời nắng chang chang, mồ hôi ướt đầm. Ba mặc chiếc áo sơ-mi trắng quần tây màu xám, đội chiếc nón nỉ màu nâu sậm. Thỉnh thoảng ba lau mồ hôi, thương ba quá!


- Hỗng biết sao đường này lại không có xe hả ba?


- Để ba ghé nhà bên đường hỏi thăm đây là đâu, và còn bao lâu nữa mới tới trường của con.


Tuần trước, phòng gíáo dục đã cho tôi biết được về trường nào và có nói sơ về trường mà tôi sẽ đến. Tôi không hình dung được vì ở đây tôi thấy sao hẻo lánh và vắng vẻ quá. Những lúc đi thưc tập khi còn học ở trượng sư phạm thì hoàn toàn khác hẳn, cái gì cũng tươm tất ngay cả học sinh cũng khác. Ba tôi thường bảo con gái làm cô giáo là thích hợp nhất, tôi cũng thích nữa, tôi nhất định đem hết kiến thức hiểu biết của mình để truyền đạt cho đàn học sinh thương yêu. Ba hỏi thăm người qua đường được biết còn ba cây số nữa mới đến, eo ơi! Tôi cảm thấy rụng rời.


Thay vì từ Cần Giuộc đến trường qua sông bằng con đò nhỏ ở bến dò Tân Thanh, tại đó có xe lam về Phước Vĩnh Tây khoảng ba cây số, thế mà ba và tôi phải đi một vòng gần mười cây số, không bao giờ quên được! Ba và tôi đã đi nhầm xe Cần Đước, thế là hai cha con phải xuống ngã Chợ Trạm, tuyến đường đó lại không có xe, qua đò Thủ Bộ rồi đi bộ ngang qua Rạch Núi mới tới ranh giới xã Phước Vĩnh Tây. Nắng gay gắt thật khó chịu đôi giày làm khó tôi bước chân chậm dần vì đau quá, cuối cùng tôi tháo giày đi chân không,nắng rát mặt lại rát chân, khiếp!


Bước đầu của tôi thật gian nan, tội nghiệp ba phải cực khổ vì con gái của ba.
Trường Phổ thông cơ sở Phước Vĩnh Tây đây rồi! Hai dãy nhà hình chữ L nằm dọc theo con lộ chính. Trường hãy còn mới, có lẽ mới sơn phết lại để chào đón bọn tôi (!) Học sinh thì lớn hơn độ tuổi đi học, tôi nghĩ thế, vì em nào cũng "cao hơn tôi", đứa nào cũng đi chân đất, tôi vừa lo vừa thấy tội nghiệp. Chúng tròn mắt nhìn chắc thấy vẻ mặt bơ phờ của tôi lại mảnh mai, trông không biết là cô giáo của chúng. Trước khi vào văn phòng, tôi còn thấy chúng chụm năm, chụm ba to to nhỏ nhỏ, tôi nhoẻn miệng cười "thân thiện" với chúng. (Sau này khi dạy, tôi mới biết hoc sinh ở đây thật dễ thương, đứa nào cũng hiền lành chất phác, thương cô giáo lắm lại siêng học nữa). Tôi thật bỡ ngỡ với môi trường xa lạ, tự dưng tôi cảm thấy sờ sợ lại phải sống xa nhà, đương đầu với mọi khó khăn tại vùng nước mặn này. Tôi có ý định bỏ cuộc, nhưng ba đã trấn an, nghe lời ba, tôi ở lại. Trông ba thật già nua với đôi mắt hiền từ lúc nào cũng thương và lo cho con, ba bảo:
- Đây là sự thử thách lớn trong đời của con, con phải xứng đáng là con gái của ba.

 

Tôi muốn khóc!

 

Nguồn minh họa: Internet.


Thế là tôi trở thành cô giáo, ước mơ của ba mẹ và của cả chính tôi. Dù bước đầu có gian nan, cực khổ vì dạy ở vùng sâu, lại vùng nước mặn, nhưng bù lại, chúng tôi có một tập thể giáo viên luôn thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Tôi cũng quen dần với tập thể, cảm thấy yêu thích nghề nghiệp của mình. Năm đầu tiên trong đời đi dạy, tôi nhớ hoài ngày hai mươi tháng mười một năm ấy, trên bàn của tôi đầy hoa đủ màu sắc: tím, vàng, xanh, đỏ... toàn là những hoa dại mọc hai bên đường! Tôi reo lên:
- Ô hoa đẹp quá! Ở đâu các em có được vậy?


- Thưa cô, chúng em hái ở ngoài đường đi đó cô, vì cô dặn chúng em không được mua bất cứ món quà nào cho cô, biết cô thích hoa nên tụi em đua nhau tìm kiếm để mang về tặng cô trong ngày Tết Thầy cô giáo.


Tôi nghẹn ngào đến rơi lệ, cảm động không nói nên lời, thương học trò quá.
- Cám ơn các em, thật là quí hóa vô cùng.


Chỉ nói bấy nhiêu đó, tôi nhìn học trò mà chẳng nói thêm được câu nào.
Bây giờ đã là cô giáo, nhờ đâu tôi có được ngày nay? Cha mẹ nuôi mình khôn lớn, thầy cô dạy mình nên người. Công ơn nào cũng to lớn không làm sao sánh được, và cũng không thể nào cân đong đo đếm. Rồi bao ngày Tết Thầy cô lại qua theo năm tháng, tôi vẫn được học trò tặng hoa như lúc đầu bỡ ngỡ trong nghiệp "làm thầy" của tôi, cứ thế, cứ thế... Nhưng trong lòng tôi luôn nghĩ đến thầy cô của mình, luôn biết ơn và kính trọng, khi được về thăm nhà là tôi đến thăm thầy cô, với tôi ngày nào cũng là ngày hai mươi tháng mười một, ngày nào cũng là ngày Tết của thầy cô, và tôi cũng mang theo những đóa hoa rực rỡ đến thăm thầy cô của mình. Trong lòng tôi thấy vui sướng và hãnh diện vì mình đã nối nghiệp của thầy cô.


Ngày nay, sống kiếp tha hương, mỗi khi đến ngày hai mươi tháng mười một, lòng tôi bồi hồi xúc động, bao kỷ niệm hiện về, nỗi nhớ thầy cô, bè bạn không sao tả xiết. Trời cuối Thu se lạnh, gió đong đưa những chiếc lá vàng rơi rụng, tôi đứng lặng người nhìn theo chiếc lá rơi, giọt nước mắt lăn dài trên má, đời người như chiếc lá thu phai. Vừa xanh lại đổi màu và rơi rụng! Tôi nhớ hoài hình ảnh người thầy đầu tiên của tôi, thầy đã cầm tay hướng dẫn tôi viết từng chữ một, thầy thật kiên nhẫn không tỏ vẻ bực mình khi tôi viết sai hay chữ quá xấu, nhớ hoài tiếng gõ nhịp nhàng của cây thước kẻ cho chúng tôi đọc đồng thanh. Giờ đây thầy đã an giấc nghìn thu, nhưng chắc thầy cũng vui khi biết rằng có đứa học trò luôn nhớ ơn thầy không bao giờ phai mờ trong tâm não. Văng vẵng bên tai tôi như có tiếng ai đọc bài thơ mà thầy tôi đã dạy năm tôi học lớp một trường làng:


Nhỏ còn thơ dại biết chi
Nhờ thầy răn dạy khắc ghi trong lòng
Mở mang trí hóa cho thông
Uốn tay, sửa miệng, cái công rẫy đầy
Nhờ ai ta đặng thế này?
Ta nên nhớ lấy ông thầy đầu tiên! (*)


lêthị hạanh

(Maryland 20-11-2011)

 

---
(*) Bài thơ này thầy tôi dạy năm lớp một, đã lâu nên tôi không biết giờ mình nhớ có chính xác không vì thầy dạy chúng tôi từng câu đến khi thuộc lòng, chúng tôi không biết tên tác giả, nếu có sai, xin tác giả tha thứ.

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage