|
Tạ ơn
* Tản mạn
"Thương người giữa cuộc tử sinh
Thương vô thường đến biết mình ra sao…" (*)
Suốt nhiều năm nay, năm nào cũng vậy, vào ngày lễ Tạ ơn
(Thanksgiving Day) là tôi lại đi thăm mộ anh Công, người anh mà đến
suốt cuộc đời không bao giờ tôi quên được, vừa là người anh, vừa là
một ân nhân của gia đình chúng tôi khi vừa đặt chân đến đất Mỹ. Sáng
sớm tôi đã đến mộ anh, cạnh một nhà thờ nhỏ. Cũng đã có mấy người
viếng mộ thân nhân họ, chào xã giao lấy lệ, tôi lại chuyện trò với
anh Công .Trời cuối Thu lá cây chuyển màu đẹp và buồn, gió se se
lạnh, vài chiếc lá nhẹ rơi, chạnh nghĩ "rồi mình cũng như chiếc lá,
đến ngày cũng rơi... trở về với cát bụi", vô thường. Tất cả đều vô
thường!
Anh hãy ngủ ngon giấc nghìn thu
Bụi khói cõi đời quá mịt mù
Rong chơi nơi ấy lòng thanh thản
Chẳng vướng nợ trần, chốn phù du!
Nguồn minh họa: Internet.
Lễ Tạ ơn năm nay, ngoài mộ anh Công, tôi còn thăm hai ngôi mộ nữa
cũng là ân nhân, đó là hai vị bác sĩ của gia đình chúng tôi.
Khi nghe tin bác sĩ Henrry Rossa qua đời, tôi sững người, không ngờ
ông lại chết tôi nói cho nhỏ bạn nghe, nó bảo:
- Bác sĩ cũng là người, cũng bệnh và cũng chế , chả lẽ ai làm bác sĩ
cũng sống đời sao mậy.
- Ít ra mình cũng khám được mình, và biết phòng bệnh chớ.
- Hàng ngày tiếp xúc với biết bao bệnh nhân, lại bệnh nhân đủ thứ
bệnh kể cả ung thư... Sinh nghề tử nghiệp là vậy.
Tôi còn cãi nó:
- Không được, vậy thì bất công, bởi ổng là bác sĩ, cứu sống nhiều
người, ổng không chết mới phải.
- Sống đời à, "sinh lão bệnh tử" mầy quên sao?
Tôi không thèm nói nữa, tôi buồn lắm vì không thể ngờ bác sĩ Rossa
qua đời! Trước ngày ông ra đi hai tuần, ông gửi thư mời tất cả bệnh
nhân của ông đến phòng khám bệnh để gặp, ông không nói lý do trong
thư mời. Dù tôi không phải bệnh nhân của ông, nhưng ông là bác sĩ
gia đình của tôi, nên tôi cũng được nhận thơ mời. Tất cả đều đến
đông đủ.Trời! Không thể tin được ở mắt mình, ông Rossa đây sao?
trước mắt tôi là một người gầy đét, mắt lõm sâu, hai má xương nhô
ra... đúng hơn là bộ xương khô biết di chuyển, tôi cứ nhìn ông mà
không nói được lời nào. Sau mấy giây lặng người, tôi chạy lại ôm ông
và không ngăn được dòng nước mắt.
- Ôi, sao bác sĩ ra nông nỗi này? Mới sáu tháng mà bác sĩ thay đổi
quá.
Ông từ tốn bảo:
- Hãy bình tỉnh , bởi vậy hôm nay tôi mời quí vị đến đây trước là từ
giã, sau cho tôi xin lỗi đã không làm tròn bổn phận cho quí vị nào
đang do tôi điều trị.
Có nhiều tiếng sụt sùi, ai cũng cảm động đến nghẹn lời. Giọng ông
thật yếu, mọi người nín thở im lặng chờ nghe. Đó là lần gặp gỡ sau
cùng, bác sĩ Rossa muốn từ giã những khách hàng, những bệnh nhân của
ông, ông giới thiệu bác sĩ khác để tiếp tục điều trị cho những bệnh
nhân này,đồng thời giao lại hồ sơ bệnh án cũng như những lần khám
định kỳ trong suốt thời gian đến với ông. Không ai nói lời nào vì ai
ai cũng xúc động, lạ một điều là chúng tôi không thấy ông mệt trong
lúc ông nói chuyện như có phép lạ đã giúp ông gặp gỡ bệnh nhân, và
ông đã hoàn thành sự mong muốn sau cùng của ông. Chia tay ông, ai
cũng bùi ngùi, biết là sắp vĩnh viễn xa vị bác sĩ đáng kính, một
người bác sĩ thật tốt, quan tâm từng người bệnh, hỏi han, săn sóc ân
cần, không biết ngày nào, giờ nào ông ra đi... Chúng tôi ra về mà
lòng buồn vô hạn, đời quả thật vô thường, mất, còn, khoảng cách
không xa! Sau đó hai tuần, tôi nhận được lá thư từ văn phòng bác sĩ
Rossa, báo ông đã ra đi, trong thư có địa chỉ nhà quàn để chúng tôi
ai muốn thì có thể đến thăm viếng ông lần sau cuối...
Dr. Chesney là nha sĩ của gia đình tôi, ông trạc tuổi 70, người cao
lớn, nhưng trông ông trẻ hơn tuổi của ông, ông rất vui vẻ, hòa mình
với mọi người, đặc biệt với người Á Đông nói chung, người Việt Nam
nói riêng, ông đều có cảm tình, ông bảo thương người Việt Nam đã tha
phương cầu thực, chịu khó,cần cù. Ông rất tốt và thường giảm giá cho
người Việt Nam, ai bận đi làm thì ông sẵn sàng mở cửa ngày chủ nhật
để phục vụ. Ông thường nói:
- Tôi đã nghỉ hưu, ở nhà cũng buồn, nên tôi muốn làm để gặp gỡ và
giúp đỡ mọi người ... có nụ cười đẹp.
Rồi ông cười lớn thật vui.
Đối với gia đình tôi, ông ân cần chăm sóc và thăm hỏi thường xuyên,
hay gọi điện thoại đến để nhắc nhở bảo vệ răng,và khám định kỳ vì
ông cũng hay nói: "cái răng cái tóc là gốc con người" y như người
Việt mình hay nói.
Một hôm trong một chợ thực phẩm tình cờ tôi gặp
ông Chesney, ông vỗ vai tôi vẫn giọng cười hề hà "dễ dãi" (tôi hay
nghĩ vậy).
- Mua gì thế?
Tôi giật mình quay lại và trả lời ông, ông bảo sẽ đóng cửa nghỉ một
thời gian vì ông cần đi khám lại tim của ông. Ông bệnh tim, đang
mang máy trợ tim trong người, tôi hay đùa với ông: “Tim ông hết pin
rồi!”
Nhưng lần này là thật, ông bảo ông phải đến bệnh viện và nghỉ một
tuần,
ông còn nói đùa: "Có thể tôi không gặp cô nữa, hãy tìm nha sĩ khác
cho gia đình cô đi nhé" . Tôi lắc đầu: "Ông đừng nói đùa, ông rất
nhân hậu, trời thương và không bao giờ bắt ông chết đâu". Ông cười
"hề hà" (chữ của tôi) và chào từ giã, tôi chúc ông may mắn và chào
ông.
Không ngờ, đó là lần gặp sau cùng! Một hôm chị bạn gọi cho tôi hay
ông đã qua đời, tôi thật bất ngờ,lặng lẽ không nói được lời nào, câu
nói đùa của ông thành sự thật, sự vô thường... đến bất ngờ!
Tôi đã hỏi thăm và đến tiễn đưa ông lần cuối.
- Vĩnh biệt Dr. Chesney! Gia đình chúng tôi nói riêng, người Việt
Nam ở vùng này nói chung mang ơn ông nhiều lắm.Chúng tôi không bao
giờ quên ông! Ông hãy yên nghĩ và an vui nơi đất Chúa.
Nước mắt lăn dài, tôi đã khóc... Ôi "đời người trăm năm, nhưng bảy
mươi rất hiếm...."
Mùa tạ ơn năm nay, tôi viếng ba ngôi mộ, ba ngôi mộ ở ba vị trí khác
nhau cách xa nhau lắm, nhưng dù thật xa vạn dặm, tôi cũng phải viếng
mộ, đây là những ân nhân của tôi, họ là những người đã giúp đỡ, cưu
mang gia đình chúng tôi trong những ngày mới chập chững trên xứ
người, và cho đến khi họ từ giã cõi đời. Tôi cũng thắp nhang trước
mộ, và không quên những ngôi mộ bên cạnh. Tôi chào từ giã và hẹn sẽ
đến thăm...
Nén nhang thơm nghi ngút khói, tôi cảm thấy được trong làn khói mỏng
manh đó như có anh Công, như có bác sĩ Henry Rossa, bác sĩ
Chesney... ba vị ân nhân này như hiểu được lòng thành của tôi và
đang mỉm cười....
lêthị hạanh
(Maryland, lễ Thanksgiving Day 24-11-2011)
(*) Hai câu thơ của Hòa thượng Thích Tâm Thiện.
|