dnnp - đỗ xanh

 

 

 

Biểu tượng phúc



* Khảo luận

Nhân dịp năm mới 2012, tôi xin chúc quí vị tràn đầy ơn phúc. Âm thanh chữ “phúc” tuy nghe giản dị nhưng nó bao trùm rất nhiều giá trị tốt lành. “Phúc” là tài vật dồi dào, là tâm hồn an vui, là thăng quan tiến chức, và còn nhiều nữa kể ra không hết. Nói chung phúc là ơn phước từ Trời cao về mọi mặt.

Thông thường, mừng năm mới, ta ra chợ mua một bức tranh, hay một quyển lịch, để trang trí phòng khách. Tỷ dụ có người bán cho bạn một bức tranh sơn thủy vẽ vài ngọn núi bên bờ biển. Ở sườn núi có dăm cành đào sai trái. Một bầy hươu đi lang thang trên lối mòn giữa hàng cây tùng đỏ chóe. Trên mặt biển mấy con rùa bơi lổm ngổm. Chưa hết trên không có mặt trời đỏ ối và bầy hạc bay lung tung. Có lẽ bạn nghĩ rằng bức tranh này ôm đồm quá đáng nên có vẻ lộn xộn. Bạn cứ an tâm mua nó đi. Bức tranh kỳ cục này không nhằm chủ ý mỹ thuật mà là tranh biểu tượng. Tôi xin trình bày rõ hơn sau đây.

Nhưng biểu tượng là gì? Xin trả lời chúng là những hình vật gợi ra cái ẩn ý sâu xa cho một ý tưởng hay cả một hệ thống tư duy phức tạp nào đó. Thay vì mệt óc suy nghĩ về một ý niệm siêu hình, chúng ta thích nương vào một vật cụ thể để liên tưởng tới ý niệm đó. Chẳng hạn ra đường chúng ta thấy nhan nhản những bảng hiệu vẽ những biểu tượng về luật giao thông. Có cả một triết lý về lý do tại sao chúng ta đã dùng biểu tượng. Tuy nhiên đó không phải là chủ đề mà tôi muốn nói ở đây. Xin hãy chấp nhận cái lý do giản dị nhất là nó tượng hình hóa những ý niệm trừu tượng.

Như trên đã nói, phúc chuyên chở nhiều giá trị. Chính vì vậy mà có rất nhiều vật được dùng làm biểu tượng cho phúc. Tôi xin kê ra đây một số biểu tượng thông dụng của nó trong nền văn hóa Đông phương.

Chữ phúc treo ngược

Vào dịp Tết người ta ra chợ mua chữ phúc rồi dán lộn đầu nó ngoài cửa. Chữ phúc đảo ngược sẽ thành “phúc đảo”. “Phúc đảo” đọc lên có âm giống như phúc đáo, nghĩa là phúc tới trước cửa nhà này là cái chắc. Vì vậy có câu “phúc đáo môn tiền”.

Như chúng đã thấy, “phúc đảo” được cố tình nghe thành “phúc đáo”. Đó một tập tục rất bình dân nhưng thông dụng. Tục lệ mượn âm để chỉ ý. Nó cũng tương tự như cách người ta xếp đặt mâm ngũ quả gồm các trái: dừa, đu đủ, xoài… để cầu mong sang năm mới được “vừa đủ xài”. Các nhà văn học và nghệ nhân cũng theo phương pháp này để tạo biểu tuợng cho chữ phúc.
 
Con dơi


Con dơi chả liên quan gì đến phúc, nhưng lại được dùng làm biểu tượng cho phúc vì chữ “con dơi” có bộ trùng 蝙 nên còn đọc là phúc. (tiếng Trung Hoa đọc là fú). Hình con dơi bao giờ cũng là màu đỏ để được gọi là hồng phúc, tức là phúc lớn. Trong nghệ thuật điêu khắc, người ta chạm 2 con dơi kề nhau để có nghĩa song phúc. Biểu tượng này thường thấy khắc trên bàn ghế hay tủ thờ.

Năm con dơi

Người ta cũng tạo hình 5 con dơi để có biểu tượng “ngũ phúc lâm môn”.  Theo sách Thượng Thư, ngũ phúc là: 1- thọ (sống lâu), 2- phú (giàu có), 3- khang (khỏe mạnh), 4- đức (hưởng tài lộc), 5- khảo chung mệnh (cuối đời chết lành). Tuy nhiên bình dân lại cho rằng 5 phúc là: phúc, lộc, thọ, hỷ, và tài. Vậy theo với niềm tin dân gian đời thường, chúng ta bàn về biểu tượng của phúc, lộc, thọ, hỷ, tài.


Năm con dơi chầu xung quanh chữ phúc.
 


5 con dơi xếp xung quanh chữ thọ
 
Lộc
 

Lộc nghĩa là được hưởng nhiều may mắn như ý nguyện về đủ mọi mặt như thăng chức, kinh doanh phát đạt, gia đình an vui…. Một biểu tượng nổi tiếng là ông Lộc trong bộ tam đa phúc-lộc-thọ. Ông Lộc tay cầm thanh “Ngọc như ý” tương trưng cho thăng tiến hiển đạt như ý mong ước. Dĩ nhiên sự thăng tiến về chức vị sẽ kéo theo thăng tài thăng lộc và nhiều thứ nữa.
Lộc 祿 cũng đồng âm với chữ lộc 鹿 là con hươu, vì vậy người ta còn dùng hình ảnh con hươu làm biểu tượng cho lộc.

 


Đây là hình con hươu đội chữ lộc.
 
Thọ

Thọ nghĩa là sống lâu. Sợ chết ham sống là đặc tính của con người. Người xưa tìm đủ mọi cách để được sống lâu như luyện linh đan, tu thần bí, hay tối thiểu là ăn những chất bổ và quí như  sâm, nhung, yến… Vì vậy lời chúc trường thọ là những ngôn từ làm thỏa khát vọng của mọi người, nên được ưa chuộng.
Biểu tượng của thọ là chính chữ thọ, vì tự nó đã có sẵn những nét cân xứng và mỹ thuật. Ngoài ra người ta còn dùng những linh vật như rùa hạc, và thảo mộc như trái đào cây tùng, làm biểu tượng cho thọ .
            

Đây là những chữ thọ vẽ theo lối biểu tượng

 

                                                                                                   
Ối chao! Wow! Con rùa đặc biệt này bao gồm đủ thứ phúc. Rùa tượng trưng cho trường thọ. Đầu rồng tượng trưng cho vận may. Rùa đứng trên những thỏi vàng và trên lưng cõng mão hoàng đế. Cả bộ tượng trưng cho phú quí vương giả và trường thọ.

Song hỷ

 


Người ta cũng dán bức họa viết 2 chữ hỷ kề nhau ngoài cửa. Song hỷ tượng trưng cho ý nghĩa 2 nguồn hạnh phúc cùng tới một lúc cho nhà này.
Sau này song hỷ thường được dùng trong đám cưới vì biểu tượng này rất thích hợp cho ý nghĩa 2 gia đình cùng vui một lúc.
 
Tài


Tài là đầy đủ về tiền bạc của cải. Có hai biểu tượng để chỉ tài lộc. Cả hai đều bắt nguồn từ những huyền thoại dân gian rất ngây ngô. Tuy nhiên chúng lại được giới kinh doanh rất tin tưởng.

 


Cóc ngậm đồng tiền. Tương truyền con thiềm thử này vốn là vị cóc tinh nhân từ. Cóc tinh ngậm tiền nhả vào  nhà những người nghèo khổ để giúp đỡ họ. Vì vậy người ta thường để con cóc trước cửa nhà. Điều quan trọng bạn phải nhớ là để thần cóc quay mặt hướng vào trong nhà. Nếu cóc quay mặt ra đường cóc sẽ lấy hết tiền bạn giấu trong tủ mang ra ngoài cho thiên hạ. Đừng bảo tôi không nói trước.
 


Biểu tượng thứ hai là ông thần tài. Ông này đi đâu cũng vác theo một xâu tiền và miệng luôn luôn cười vồn vã. Theo cổ truyện, thần tài là ông quan trên trời cai quản tiền bạc tài lộc. Một bữa ông say rượu trượt chân té từ trời xuống đất đánh bịch. Khốn nạn! đầu ông bị đập vào tảng đá đến bất tỉnh. Có gã thấy ông nằm bên vệ đường quần áo sang trọng, hắn nổi máu tham bèn lột xêm y của ông mang đi bán. Khi tỉnh dậy thần tài thấy mình trần như nhộng. Vì mất phẩm phục nên ông không nhớ mình là ai. Thế là ông đi lang thang mang tiền đi rải vô tội vạ. Thần tài thích ăn uống nhất là món thịt quay nên cái bụng tròn vo. Các chủ quán ăn lợi dụng sở thích này, họ thờ thần tài vì ông rủ khách tới quán ăn nhậu với ông. Chủ quán chỉ việc ngồi rung đùi thu tiền.
 

Phật thủ

 

 


Tay Phật, đó trái cây có nhiều ngón như bàn tay. Trái Phật thủ được chọn là biểu tượng cho phúc vì  “phật thủ” đọc lên có âm thanh nghe giống như “phúc thọ”. Phúc thọ nghĩa là vừa giàu có lại vừa sống sống lâu nên ai cũng thích. Ngoài ra trái cây cũng có dạng như bàn tay Phật mở rộng che chở cho kẻ cầu nguyện.


Ở Sàigòn có một địa danh mang mỹ danh “Phú Thọ”. Cứ theo nghĩa này chắc ở đó ai cũng giàu sang và sống lâu.

Trái lựu

 


Trái lựu có màu hồng thắm và có nhiều hạt, nên được dùng để chỉ sự may mắn (màu hồng) có nhiều con trai (nhiều như những hạt lựu). Theo nền văn hóa Đông phương có nhiều con trai là nhiều phúc (đa tử đa phúc). Xin lỗi quí vị nữ giới, “tử” (con) ở đây là con trai. Vâng, quan niệm này xưa rồi. Tuy nhiên nhiều người vẫn tin biểu tượng có giá trị về mặt… kinh tế. Nhiều con trai nghĩa là nhiều nhân công làm việc. Do đó kinh tế phát triển.
 
Hoa mẫu đơn (peony)

 


Biểu tượng lộc cho phái nữ thì có hoa mẫu đơn, còn được coi là hoa hoàng hậu. Nó tượng trưng cho giầu sang phú quí (nobility). Trong văn chương mẫu đơn còn được dùng làm biểu tượng cho sắc đẹp của giai nhân.

Tới đây tạm đủ để biết về biểu tượng của phúc. Bây giờ chắc quí vị đã biết ý nghĩa về bức tranh mà tôi nói đến ở đầu bài. Bức tranh chính là lời chúc mừng năm mới. Tôi xin chúc quí vị “thọ vững như núi phúc lớn như biển” (thọ sơn phúc hải). Dưới đây là bức tranh.

 


Hạc, rùa, đào, tùng là biểu tượng của thọ. Hươu là biểu tượng của lộc. Màu đỏ tượng trương cho may mắn (hồng phúc). Tranh của Hàn quốc, phỏng theo nghệ thuật dân gian, có tựa đề Ship-i-jangsaeng (Mười hai biểu tượng của thọ) (nguồn: zozayong.com)

ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, California 30-12-2011)

-----

Sách tham khảo:
Vivien Sung. Five-Fold Happiness. 2002. Cronicle Books, San Francisco.
Ghi chú: Ngoài bức hình Ship-i-jangsaeng có nguồn gốc chính xác, những hình minh họa khác được góp nhặt trên mạng không có nguồn chính xác.

 

 


Copyright © 2010 - 2011 Trung hoc Kien Tuong Homepage