Một góc đời thường

 

 

 

 

 

 

Bữa trưa ở nhà thầy Bùi Trung Tính

Hai bạn Lê Ngọc Điền (trái) và Trần Ngọc Bách "ngồi ăn vạ" trước chỗ ở của thầy Tính sáng 7-4-2010.

 

 

 

 

 

 

Sáng 7-4-2010, các bạn Lê Ngọc Điền, Trần Văn Kiêm Tài, Trần Ngọc Bách và Nguyễn Thanh Phong có "gầy độ" café gần công ty của Phong. Nguyên nhân đơn giản mà cực kỳ dễ thương: "nhớ nhau quá". Có rủ rê Phạm Hồng Phước, nhưng "chả" bận việc. Sau đó, hơn 9g, bộ ba Điền, Tài, Bách xách máy ảnh dzọt xe đi kiếm nhà thầy Bùi Trung Tính để làm một series ảnh người-thật-việc-thật-up-to-date về ông thầy mệnh danh là "Người cuối cùng của bộ lạc lãng mạn". Ai dè, nhà thầy cửa khóa then cài. Không phải vì có tiểu thư đài các mà bởi ông thầy đang phải "xuất gia" lo cái sự cơm-áo-gạo-tiền tại một điểm dạy thêm nào đó. Thầy hẹn 13g gặp mặt. Nhưng giờ chót, anh Bách không tới thầy được.

 

Thật ra, căn nhà ở đường S1, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú (TP.HCM) này không thuộc quyền sở hữu của thầy.

 

Xin hãy đọc một đoạn e-mail thầy gửi ngày 7-4-2010: "Tiếc quá! các em đến nhà mà thầy đi vắng. Lần sau hẹn trước một buổi nhé. Sáng nay chạy "sô" lắt nhắt từ sáng tới tối nên các em thấy "cửa khóa then cài" chứ gì? Chủ nhật rồi, thầy "ăn mặc đẹp" (bước đầu: quần short + áo pull) có ý chào đón các em suốt buổi chiều mà ...thất vọng!
Nghe nói các em chụp hình quay phim...trước cửa cái "ổ" thầy ở, đẹp ghê hồn! Náo nức muốn xem quá chừng...
À mà Thầy đề nghị ghi chú dưới cái nhà mà các em chụp hình như vầy nhé :
Nơi ở & dạy học của thầy Bùi Trung Tính.
Lý do: Nhà này là của một ông chú cho MƯỢN ở, chớ không phải nhà của thầy.
Thầy đang "vô sản 100%" khà, khà...

Cám ơn Phước, Bách và các em khác đến thăm thầy nhé!
Mai, thứ năm 8-4, thầy mời các em đến chơi và dùng bữa cơm trưa cùng thầy nhé.
Đừng phụ lòng thầy. Ghi chú: có bia!
Đến thầy từ 10 giờ sáng.
Không trả lời, coi như ô kê!".

 

Nhưng rồi cuộc sống cứ lôi tuột mọi người đi, người này rảnh, kẻ kia bận. Mãi tới tối hôm qua, 12-4, tôi mới gọi điện xin thầy Tính cho mượn cuốn Giai phẩm Xuân THKT Nhâm Tý 1972 về scan lại làm tư liệu cho THKT. Thầy mau mắn nói Phước ở đâu, mai thầy mang tới. Nhưng tôi đâu dám cả gan như thế, bèn nhờ bạn Trần Ngọc Bách 12 giờ trưa 13-4 tới nhà thầy lấy giùm, vì anh Bách ở gần thầy hơn.

 

Sáng nay 13-4-2010, Bách rủ rê thêm Lê Ngọc Điền, sau đó Điền rủ rê thêm Nguyễn Thanh Phong. Vậy là bàn nhậu trưa nay của thầy Tính đã có đủ 4 tay rồi.

 

 

 

 

Thầy Bùi Trung Tính, chụp trưa 13-4-2010.

 

 

Còn đây là thầy Bùi Trung Tính (đứng) hồi năm 1966, khi mới về THKT nhận nhiệm sở đã được nếm ngay mùi mùa nước nổi. 44 năm chẵn!

Thầy Bùi Trung Tính và các học trò xưa, từ trái qua: Trần Ngọc Bách, Lê Ngọc Điền và Nguyễn Thanh Phong.

 

Liệu ai có thể kềm lòng không xúc động nếu biết rằng thầy trò họ gần 40 năm rồi mới có dịp ngồi lại với nhau. Ngày xưa, ông thầy là một chàng trai trẻ mới rời trường sư phạm đi về tỉnh nhỏ chính thức bắt đầu cái nghiệp gõ đầu trẻ. Còn bọn học trò là những cậu bé con tỉnh lẻ chân chất nhưng luôn sống hết lòng với thầy cô. Hôm nay gặp lại, thầy trò họ đều là thành viên của hội người cao tuổi. Tuổi trẻ của họ đã trở thành quá khứ và hoài niệm. Cứ nhìn mặt nhau, kẻ già ít, người già nhiều, dễ đâm ra phát chán như con gián! Vậy thì:

 

Hai chiếc bàn học ghép thành bàn nhậu

Thầy trò ta quyết không xỉn không dzìa

Bốn mươi năm thương nhớ đầm đìa

Xin đừng trách thầy trò ta bia bọt...

 

Thầy Bùi Trung Tính thời trai trẻ là một "Rong chơi lãng tử". Còn bây giờ là "Người cuối cùng của bộ lạc Lãng mạn". Tôi thì lại muốn gọi thầy mình là "Chàng trai 70 tuổi", cho dù là một "chàng trai nhiều tuổi" đang đêm ngày ngân nga lời ca:

 

"Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không duyên
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành
Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang
Yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi."

(Trích bài hát: Người yêu cô đơn của nhạc sĩ - nhà giáo Đài Phương Trang). 

 

Sáng nay, cám cảnh thầy mình, tôi đã tặng thầy 4 câu thơ:

 

Ông thầy mùa đông mơ mùa Thu ngập Nắng

Chút nắng hanh vàng sưởi ấm buổi chiều hôm

Sớm tối online sống cùng kỷ niệm

Hình bóng giai nhân cải lão hoàn đồng

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(TP.HCM 13-4-2010)

Ảnh của các bạn: Trần Văn Kiêm Tài (7-4-2010), Trần Ngọc Bách (13-4-2010).

 

 

- Thầy Bùi Trung Tính (e-mail 14-4-2010): Wow, nhà báo Phước viết bài "Một góc đời thường" chi mà tỉ mỉ quá ta! Ảnh chụp của Bách và Điền cũng sắc nét, đẹp từng cm. Tuy nhiên cái hình 2 trò Điền & Bách ngồi trước cửa nhà, trông thảm thương thiệt...
Nhưng trong một ảnh chụp, người đọc có thể thắc mắc: Ủa, thầy Tính dạy Toán mà sao trên tường thấy bảng dạy Anh văn? Thầy có dán bảng dạy Toán đó chứ. Nhưng dán bên phía tường phải. Có lẽ do khuất dưới một tàng cây, nên Bách khó lấy cảnh...
Tại sao có bảng Anh văn (Thầy Phát thấy hơi phiền đó nghen! Nào dám cạnh tranh cùng bạn đồng nghiệp), là vầy: Thực sự có dạy Anh văn. Nhưng người dạy là một cô giáo - sinh năm 1988 (học trò cũ của thầy ở trường bán công Âu Lạc - quận Tân Bình). Xưa, cô ấy là con nhà nghèo, học rất giỏi, luôn nhất nhì trong lớp (dù không bao giờ đi học thêm, vì tiền đâu? Sau này, học trò không đi học thêm Toán, Anh kể như thua!). Cô Vy là một học sinh giỏi thực sự, một tài năng hoạt bát, một người đảm đang, nấu ăn ngon. Sau Vy đậu tú tài, rồi lên đại học, được 2 năm phải "treo bằng" tự nghỉ, vì không tiền trả học phí... Tiếc là thầy gặp lại em ấy mới nửa năm nay (nhân đọc được vài bài viết bằng tiếng Anh, Vy viết trên blog). Thầy mở lớp cho em ấy dạy để có tiền phụ giúp gia đình. Thầy coi như lá rách đùm lá nát vậy (không dám "khúc ruột ngàn dặm" đâu!). Ngoài việc dạy kèm, cô ấy còn đi dọn ăn cho các đám tiệc ở nhà hàng.

Trở lại "Một góc đời thuờng", nhân xem ảnh chụp trực diện "nhan sắc" mình, xem quá "lung linh", thầy bèn có thơ rằng:

 

Bảy mươi Xuân chẵn quá nhăn nheo
"Vẻ đẹp" ngày xưa đâu mất tiêu?
Lâu quá, bây giờ nhìn ngắm lại
Ông ngoại ngày nay vẫn cứ... iu!
(iu văn thơ, chưa có cơ hội iu thêm...).

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage