Một góc đời thường

 

 

 

 

 

 

Một ngày như mọi ngày

của bạn Dương Tấn Lương

 

 

Bạn Dương Tấn Lương vào trường Trung học Kiến Tường từ năm Đệ Thất, niên khóa 1969-1970. Bạn học Pháp văn, lớp Thất P. Bạn gắn bó với trường cho tới năm 1975.

 

Sau những tháng năm làm việc, giờ đây bạn Lương đã trụ lại ở chợ Mộc Hóa với nickname sặc mùi ăn uống: "Lương bán phở".

 

Lương tâm sự, nhờ mình may mắn "tậu" được một "cô em Bắc kỳ nho nhỏ" biết nấu phở nên bây giờ mới gầy dựng được cái quán phở đêm này để sinh nhai khi đời đã "qua bến nước xưa lá hoa về chiều".

 

Quán phở của Lương mở cửa hàng ngày từ 5 giờ chiều bán cho tới 10 - 11 giờ khuya. Đó là lý do mà khoảng 3-4 giờ chiều, hễ bạn bè gọi điện tới, Lương đều nói là mình đang bận dọn hàng.

 

 

Gọi Lương là ông chủ cũng đúng, kêu Lương là nhân viên phục vụ cũng chẳng sai. Nói theo kiếu văn nghệ, văn gừng thì Luơng đang tự biên, tự diễn!

Do quán phở chỉ bán về đêm, ban ngày, đặc biệt là buổi sáng, Lương "nhàn rỗi" và bạn tiêu khiển bằng thú chơi chim, chơi rất công phu, cầu kỳ. Lâu lâu còn xách lồng chim đi "đá" chim nữa. Cũng may là bạn chưa tới mức có thêm nickname: "Lương chim" hay "Lương chơi chim"!

Chăm sóc cây cảnh cũng là một thú vui của Lương.

Hay chơi hòn non bộ.

Lương ơi, nhìn bạn tiêu dao thấy mà... già ớn!

 

Bạn Phạm Hồng Phước tặng bạn mấy câu thơ nè:

 

Chưa già chơi thú người già

Sáng chim, trưa kiểng, chiều ta chơi hòn...

Tối lo hì hục làm chồng

Quanh năm ăn phở, đâu còn màng cơm!

Bạn thì mơ phở chán cơm

Ta mà bỏ phở chỉ còn... cháo thôi!

 

 

Series ảnh do bạn PHẠM VĂN ĐỊNH (Mộc Hóa) thực hiện ngày 7-4-2010

 

  TƯ LIỆU THAM KHẢO

Đây là dung nhan của Dương Tấn Lương năm lớp 11B2 (năm học 1974-1975). Bạn đứng thứ hai từ phải qua.

 

THỨ SÁU 16-4-2010:

- Thầy Đỗ Ngọc Trang - cô Nguyễn Thị Bích Thủy (e-mail từ USA): Em Dương Tấn Lương mến. (Cô Thủy gọi phône từ sở làm. Thầy Trang ghi lại.) Em Lương ơi, cám ơn em và Định đã chụp hình núi đất. Nếu cô ở Kiến Tường, cô sẽ order một tô phở đặc biệt nhiều bánh, nhiều thịt, nhiều bò viên. Chưa hết đâu, cô muốn cả không gian Kiến Tường trộn vào tô phở. Cô thích nhất là chậu sen của em. Lá chúng to và xanh mướt. Cô cũng có một chậu sen nhưng mùa đông nào sen cũng chết. Em có dùng phân bón gì không. Chúc em buôn may bán đắt. Love
Em Lương, phải là những người xa xứ lâu mới có cái cảm xúc về quán phở của em. Đó là một hình ảnh rất quê hương. Các em ở bên nhà muốn biết thầy cô sống bên đây thế nào thì bên đây thầy cô cũng muốn biết về các em như vậy. Tuần trước thầy đi Garden Grove, thầy thấy một tiệm phở có tên “Nam Định”. Thầy mừng quá, tự nhiên lòng hồi hương nổi dậy, vì quê thầy ở Nam Định. Nhưng khi vào tiệm, thầy ngạc nhiên thấy từ ông chủ quán đến cậu hầu bàn, tất cả đều là người miền Nam. Họ nói giọng Sàigòn rặc. Suy ra dù người ta có đi đâu, đến ngôn ngữ cũng thay đổi, nhưng lòng hồi hương vẫn vậy. “Hình như là” danh hiệu quán phở của em chỉ có một chữ “Phở”. Một lối chơi chữ chăng? Phó nhòm report về quán này đã thiếu một nhân vật quan trọng. Đó là bà chủ quán. Hy vọng lần sau chúng ta có đầy đủ hơn về một ngày của Dương Tấn Lương.

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage