hồi ức về nhau

 

       Trung học Kiến Tường,

    một thời để nhớ…     

                                                     

 

 

 

 

 

 

1. Mùa Hè, 1966 – Ngày nhận nhiệm sở

 

Tốt nghiệp xong, chọn trường theo thứ hạng, sinh viên chúng tôi nhận sự vụ lệnh rồi túa ra, tùy nhiệm sở mà tìm đến các trường trung học trình diện.

Phần lớn là về các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung. Ở “vị trí vàng” như Saigon, Gia Định, Chợ Lớn không còn chỗ nữa, dù đậu thứ hạng nhất nhì. Lương bổng được tính từ ngày trình diện, dù lúc đó có là mùa Hè Trường chưa hoạt động.

 

Cầm lệnh trong tay, tôi chính thức bước vào nghiệp giáo, dù rằng trước đó chúng tôi cũng đã từng đi “dạy giờ” tại các trường công - như thầy Nhiêu dạy Trung Học Đa Phước - Bình Dương (Toán), tôi dạy Trung học Kỹ thuật Vĩnh Long (Việt văn) đang lúc còn là sinh viên ĐH Khoa học, Văn khoa.

 

Chọn tỉnh Kiến Tường làm “quê hương nghề nghiệp”, chúng tôi có 4 người. Đó là anh Đỗ Ngọc Trang, khoa Văn; anh Nguyễn Trọng Hòa, khoa Lý Hóa; anh Đoàn Văn Nhiêu, khoa Toán; Bùi Trung Tính, khoa Sử Địa.

 

Ngày đi nhận việc, chỉ có 3 người. Anh Nhiêu chưa đi được, gởi giấy tờ nhờ chúng tôi chuyển giùm.

 

Chúng tôi 3 người đi xe xuống Cai Lậy rồi chờ đò đưa vào Mộc Hóa. Lúc đó khoảng 1 hay 2 giờ trưa gì đó. Tại bến đò, ghe thuyền tấp nập, kẻ mua người bán xôn xao trên sông, trên lộ. Tiếng gọi la inh ỏi. Chúng tôi đứng cạnh mé nước trông ngóng.

 

Trong lúc dáo dác, xăn quần, xách giày định hỏi ai đó cách vào Mộc Hóa, lựa chọn “tắc ráng” để bước xuống thì từ trong một chiếc đò vừa cập bến, hai cô gái trạc tuổi chúng tôi nhanh nhẹn chui ra, mon men đến chào hỏi lịch sự. Hai cô ăn mặc giản dị với áo bà ba màu xẫm, quần vải cột túm ống, tóc lửng cột lại, thả hai bên vai.

 

Cô giọng Nam hỏi: Mấy anh đi dạy hả?

 

Trong lúc anh Hòa còn đang quan sát, anh Trang có vẻ lạ lẫm, tôi nhanh nhẩu trả lời: Vâng, chúng tôi vào trường Trung học Kiến Tường để trình giấy tờ nhận nhiệm sở!

 

Hai cô nhìn nhau, cười cười tiếp: Mà mấy anh có cầm theo sự vụ lệnh bổ nhiệm không? Ủa 4 anh mà sao chỉ có ba? Trường đã nhận công điện của Nha Trung học rồi, ông Hiệu trưởng hổm nay chờ các anh đó…

 

-Thế à? anh Hòa mở miệng

 

Như buồn ngủ mà gặp chiếu manh, anh Trang hớn hở:

-Thế thì may quá…

 

Cô giọng Huế giục: Thế thì chúng ta cùng xuống đò, quay vào nớ đi!

 

Cô giọng Nam chặn lại: Đang lụt lội mà bắt các ảnh vào trỏng làm chi!

 

Cô người Huế như chợt nhớ ra: Ờ, ờ …cũng bất tiện!

 

Cô giọng Nam: Thôi mấy anh đưa hồ sơ cho tụi này chuyển đến ông Hiệu trưởng, khỏi vào. Mà ổng cũng vừa đi Đà Lạt thăm gia đình rồi… Gần tựu trường các anh xuống luôn.

 

Ôi không gì sung sướng bằng, nãy giờ nhìn thấy mấy cái tắc ráng, hành khách co chân co giò đã phát ớn rồi!

 

Ngày đầu tiên đi nhận nhiệm sở của chúng tôi là như vậy!

 

Ghi nhớ thêm: Cô giọng Nam là chị Triệu Cẩm Nhung, dạy Văn, làm Hiệu trưởng THKT một thời gian trước 1975. Phu quân cô là thầy Nhu (dạy Lý, THKT).

Cô giọng Huế là chị Trà Liên, thuyên chuyển về Huế ngay năm học chúng tôi đến dạy.

 

 

Các thầy: Lương Văn Liên, Bùi Trung Tính và Nguyễn Hữu Hệ. Mùa nước lụt 1966 tại chợ Kiến Tường.

 

2. Tấm lòng của ông bảo vệ   

      

Giữa tháng 8-1971, tôi hối hả về Mộc Hóa (sau thời gian gián đoạn). Xem trường lớp và cảnh vật THKT. Bước qua cánh cổng lớn, hình như lúc nào cũng mở toang, tôi đi qua văn phòng. Không ai cả, giờ còn đang nghỉ trưa nên văn phòng chưa làm việc.

 

Thường xuyên, trực trường 24/24 chỉ có ông bảo vệ (lúc đó gọi là lao công). Nhà ông ở trong khu vực nhà trường, cạnh nhà ông có nhà thầy Đấu (Tổng giám thị, phu nhân thầy Đấu là cô Châu,dạy Nữ công Gia chánh THKT.

 

Tôi đứng giữa cánh cửa cuối văn phòng quan sát sân trường 3 năm xưa. Ông Tư (lao công) đang chăn bò trong sân, thấy tôi, ông vội vã chạy tới, đon đả chào nói:

Thầy mới xuống, lâu dữ nha. Chắc thầy chưa có chỗ nghỉ? Thôi thầy vô Phòng Y tế nghỉ đỡ nhé! Ông vừa nói, vừa tự động xách đồ đạc của tôi vào Phòng Y tế. Ông cười móm dễ thương, tiếp: Thôi để tui nhắn thầy văn phòng làm giấy tờ cho thầy nha. Tôi khoát tay: Không cần đâu ông Tư, giấy tờ tôi đã gởi ông Hiệu trưởng (ông Trần Khắc Hòa) rồi. Nếu có thầy văn phòng, thầy planton ( tùy phái), nói chuyện càng vui…

 

- Chắc Thầy chưa ăn cơm? Để tui biểu tụi nhỏ dọn cơm thầy ăn nha! Ông Tư nói với nét mặt thật thà. Tôi cười: Cám ơn ông Tư.

 

Còn nhớ: Ông Tư có người con tên Đặng Văn Thật, học sinh của trường.E m đã mất trong chiến tranh trước 1975.

 

3. Trung học Kiến Tường, 1971

 

Cơ sở vật chất trường vẫn chưa đủ lắm so với tư thế một trường trung học duy nhất của tỉnh. Trường đã phát triển đến lớp 12, khoảng 10 học sinh lớp này. Tất cả có 10 phòng học (so với năm 1966 chỉ có 6 phòng). Thành phần thầy cô rất đầy đủ so với trường tỉnh nhỏ.

 

Thầy cô chính ngạch chiếm 85%, từ trường ĐHSP về. Ngoài ra có 2 giáo học bổ túc (giáo viên tiểu học chính ngạch, đủ điều kiện đưa lên dạy trung học), 1 giáo sư khế ước (tư nhân dạy giờ được ký hợp đồng, ăn lương tháng, coi như chuẩn bị nhập ngạch Giáo dục) và 3 tư nhân dạy giờ (tính lương theo giờ dạy và bằng cấp. Chưa có cử nhân, dạy Cấp 2: 176 đồng/1 giờ, dạy Cấp 3: 208 đồng/1 giờ.-Có cử nhân được tuyền làm giáo sư khế ước, chỉ số lương thấp hơn thầy cô tốt nghiệp ĐHSP một bậc.)

 

Cần nói thêm: Thời diểm 1971, 1 giờ dạy mua được 17 tô hủ tiếu –Tiền mướn nhà 1 tháng chỉ có 600 đồng (ở từ 4 đến 7 vị), nghĩa là chỉ cần 4 giờ dạy. (Nhờ quý thầy cô khác bổ sung, nếu chưa chính xác.)

 

Thời dụng biểu do ông Giám học sắp xếp. Môn dạy tùy ông Hiệu trưởng định liệu theo khả năng, sở thích giảng dạy của mỗi thầy cô. Không nhất thiết phải theo “môn đã tốt nghiệp”.

 

Cụ thể: Năm học 1971–1972, tôi được xếp dạy: Văn lớp 7, Sử khối 8, Địa khối 10 và giáo sư hướng dẫn lớp 10B2.

 

Ngoài ra, tôi còn tổ chức làm tờ báo Xuân đầu tiên cho trường. Tôi đặt chủ đề, mời từng thầy cô viết. Tôi chọn bài học sinh gởi đăng (tự bỏ bài vào 1 thùng thơ lớn đặt phía sau văn phòng), rồi nhờ quý cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hoàng Thị Thịnh biên tập lại cho trơn tru, tròn trịa. Sau cùng tôi làm maquette rồi đưa đi in. Tôi còn tổ chức học sinh đi lấy quảng cáo để có tiền in ấn (quay ronéo) không tốn phí cho trường. Tiền thu quảng cáo từ ông đầu tỉnh đến các ty sở, bà con các chủ tiệm được 16.650 đồng. Dư tiền in. Có gì đâu, đa số đều là phụ huynh học sinh hết cả mà! (Em nào còn tờ báo, thử lật ra mà xem.)

 

Nội dung tờ báo Xuân đầu tiên của THKT gồm: những bài thơ của Phạm Hồng Phước 8A3, Ngọc Bích 9A1, Hoàng Lệ Uyên 11B, Nguyễn Thị Bé 7A2, Lê Tấn Hưng 9A1, Trần Thị Ngọc Hà 8A3, Nguyễn Thị Luân10B2, Hà Thị Ấu 10A, T.Đ (tên tắt em nào?), thơ của cô Hoàng Thị Thịnh (Ai Cơ, Miên). Kịch của cô Bích Thủy. Các bài viết của Phạm Ngọc Khuê, Phạm Doanh Môn (học sinh cũ, sau học ĐHSP, về lại Kiến Tường), Phạm Thị Huệ (lớp ?), Phạm HồngPhước 8A3, Nguyễn Thị Lệ 10B2, Nguyễn Thị Ngọc Điệp 7A2, En Lờ Bình Phương (?), Trần Thị Ngọc Hà 8A3, rồi của thầy Hiệu trưởng Trần Khắc Hòa, cô Hoàng Thị Thịnh, cô Liên Anh.

 

Lúc đó tôi sung dữ, cần gì giấy khen, cần gì tiên tiến, cần gì Tấm gương sáng.

 

 

4. Ký ức về thầy cô

 

 

Từ trái qua là các thầy: Nguyễn Tấn Trưởng, Mai Văn Nhãn, Nguyễn Hữu Hệ, Lương Văn Liên, Trịnh Đình Loạt và Nguyễn Xuân Kỳ.
(Ảnh chụp năm 1967 trong khuôn viên trường THKT và được thầy Nguyễn Xuân Kỳ cung cấp ngày 4-4-2010).



Mộc Hóa, một thị trấn nhỏ, buồn và hơi bị… nghèo (thời điểm 1966). Dân nhập cư phần lớn là công chức, quân nhân cùng con cái họ đi theo. Học trò nhập cư hay tại chỗ, ai mà chẳng bước qua ngưỡng cửa THKT, ngôi trường trung học duy nhất của thị trấn (được nâng cấp thành tỉnh thời chiến tranh).

Tất cả vừa chuyển đến, đều có “ấn tượng” buồn hiu hắt… Nhưng lần hồi cũng hội nhập được. Tìm vui trong cái buồn để hoàn thành phận sự…

Thầy cô không ngoài cái “lệ” đó. Sau giờ dạy, vào các buổi chiều các thầy thường cùng nhau đánh bóng chuyền, vũ cầu. Buổi tối, các thầy “lão làng” (tốp quý thầy đầu tiên) thường ngồi với nhau “đánh chắn”(một loại bài của người miền Bắc). Sau này có thầy Nguyễn Trọng Hòa được kết nạp. Quý thầy chơi để “lãng quên gia đình” đang ở Saigon hoặc ở tỉnh khác, mà mỗi tháng mấy thầy cô chỉ có thể tranh thủ về thăm một lần.

 

 

Đi chơi trên sông Vàm Cỏ Tây (khúc sông này gần nhà bạn Bửu). Từ trái qua phải: thầy Nguyễn Xuân Kỳ, bạn Sử, thầy Đỗ Ngọc Trang, bạn Em, bạn Chiến, bạn Thành. Ảnh chụp ở Kiến Tường 1967. (Ảnh do thầy Đỗ Ngọc Trang - cô Nguyễn Thị Bích Thủy cung cấp ngày 30-3-2010)

 

Các thầy cô khác, nhất là mới về dạy, thường được học trò đến chơi, có lúc nấu chè, bày biện bánh trái cùng ăn, rồi ca hát với nhau tiêu khiển, rất ư “văn nghệ”…

Mộc Hóa lần hồi không tẻ nhạt nữa. Có thầy cô đã trụ lại nơi này 5 – 7 năm…

Thời đó, các thầy cô giáo đều trẻ, trong độ tuổi 20 - 26, xê xích tuổi học trò không nhiều nên dễ hòa đồng.

Do cái xê xích không nhiều đó mà 40 năm sau Nguyễn Hoàng Sơn mới có dịp “cung kính khoanh tay” thưa "thầy" Lê Ngọc Điền; Huỳnh Thanh Hữu trân trọng chào và mời "cô Phạm Thị Huệ" vào Huỳnh Gia Trang, rồi trố mắt nhìn "thầy Sum" râu tóc hoành tráng. Thầy trò đều râu tóc như nhau, muối tiêu, trắng xóa!

Thầy Nguyễn Xuân Kỳ - lão sư trị lác – xưa rất mảnh khảnh đẹp trai, tướng thật thư sinh. Hay cười, thường ngồi ngạch cửa, nhìn người qua kẻ lại làm vui, vào mỗi chiều… chờ cơm tháng!

Thầy Trần Ngọc Thịnh, dạy Anh văn là “cặp bài trùng” với tôi. Tôi thích thầy lạ lùng. Thầy đẹp trai, sáng sủa, sành sõi tâm lý giới trẻ, ăn nói giọng Bắc mềm mỏng, dễ thương. Lời nói thầy không ai giận được. Sau thầy chuyển về Vĩnh Long, dạy trường Trung học Tống Phước Hiệp.


Hiện tượng nhất là thầy Uông Văn Đính, dạy Văn – Triết. Phải chăng thầy “bi quan” khi về Mộc Hóa, nơi “khỉ ho cò gáy”. Ngày nhận nhiệm sỡ, thầy trì hoãn mãi không được mới xuống trình diện. Thời gian sau thầy ăn vận “gây sốc” mọi người. Thầy đi dạy với bô “complet truyền thống có cải biên - áo dài vải trắng, quần tây, guốc mộc, xách dù đen!”, trông qua thì giống Thầy Đồ, trông lại y “đạo sĩ ” núi Tà Lơn (?) (Xin lỗi anh Đính, thần tượng lạ của tôi). Nhiều bạn cho là thầy “lập dị”… Không đâu, khi về Saigon, thầy diện “veston, cà vạt” hẳn hòi. Đẹp trai như tài tử cinéma! Tôi luôn cám ơn anh đã cho tôi mượn chìa khóa căn phòng trong Khu Đại học xá Minh Mạng tùy nghi sử dụng trong những lần về Saigon “rong chơi”. Anh ơi, bây giờ anh ở đâu?! Tôi đang tim kiếm tấm ảnh chụp thầy Đính, thầy Nhiêu, thầy Trọng Hòa và tôi mấy bữa nay đây. Ảnh đó các anh đều đẹp. Riêng tôi mang kính đen xấu quá, nên dẹp đâu đó (không biết thầy Nhiêu còn giữ?). Đang tích cực tì … và cúng Ông Địa nải chuối!

Nhiều thầy cô khác dùng thời gian trống vắng xa nhà, chịu khó lấy cours từ Saigon về gạo tiếp 1, 2 chứng chỉ chót còn "treo" để lấy bằng đại học thứ hai. Các thầy đều đạt kết quả như ý: thầy Nhiêu lấy thêm cử nhân Vật lý; thầy Trọng Hòa thêm cử nhân Hóa học; thầy Đỗ Ngọc Trang thêm cử nhân Văn chương không đầy mấy năm sau. Riêng tôi chỉ còn một chứng chỉ cuối của bằng cử nhân Văn khoa mà mãi đến 6 năm sau ngày về THKT mới hoàn thành, cũng vì “lãng tử rong chơi”. Khà, khà…


Thầy Nguyễn Hữu Hệ về Saigòn dạy trường Trung học Marie Curie, tôi gặp vài lần. Nhà vẫn ở trong hẽm nhỏ, trên con đường nhỏ. Thầy vừa dạy học, vừa dạy võ Vovinam và vẫn độc thân. Thầy Lương Văn Liên, tôi gặp vài lần lúc thầy dạy trường Trung học Phú Nhuận. Hình như phu nhân của thầy đã định cư nước ngoài…

 

 

BÙI TRUNG TÍNH

(TP.HCM, 8-4-2010)

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage