thầy giáo mới về Mộc Hóa
Kể từ khi được đọc một bài viêt ngắn của em Nguyễn Văn Dãng, tôi có ý định viết vài hàng về Mộc Hóa, về THKT, một nơi mà dấu ấn thời gian với nhiều kỷ niệm không thể nào quên được, đã để lại thật sâu đậm trong lòng của một thầy giáo trẻ mới ra trường đã chọn về Mộc Hóa (tỉnh Kiến Tường trước 1975 nay là huyện Mộc Hóa, Long An). Một nơi đầu đời đi dạy, với nhiều lý tưởng non trẻ như một con ngựa non háu đá…
Ngày đầu tiên, lạ lẫm bước xuống xe đò ở chợ MH, không một người quen, chưa một lần bước chân đến, trời thì sắp tối; nhưng may quá, hay là người MH ai cũng tốt bụng, ông bác làm quen trên chuyến xe đò mời thầy giáo mới về nhà ngủ qua đêm rồi mai hãy tính.
Tôi còn nhớ dãy nhà của ông bác ở phía sau tiệm hình Nguyệt Châu mà sau này mới biết đó là thầy T.V. Trọng, vị hiệu trưởng đầu tiên của MH. Nhà bên cạnh có cô bé hát ru em, bài hát Căn nhà ngoại ô, rỉ rả…
Mộc Hóa có con sông Vàm Cỏ Tây nước trong xanh, hiền thục, ôm vào lòng thị xã. Mà sau này, tên đứa con gái đầu lòng của chúng tôi - Thảo Giang: Sông Cỏ - được chọn từ kỷ niệm xưa đó...
Có lẽ, ai đó đã đặt tên Mộc Hóa - một thị trấn nhỏ xíu và buồn hiu như trong mấy vần thơ kỷ niệm của thầy Nhuận - từ mấy chữ "Mộc mạc Quá" chăng?
Nhưng tâm tình của người MH, Kiến Tường không chỉ có mộc mạc, giản đơn, mà còn thấm đậm tình sâu,nghĩa nặng. Bởi vậy, đã có lần cô Huỳnh Trung Dung, cô Hoàng Thị Cẩm Thạch tâm sự: hơn 40 năm có lẻ; trước phấn trắng bảng đen, bao nhiêu là lớp, là trường, biết mấy thế hệ học trò; nhưng không có nơi nào mà tình thầy trò đưọc các em, các bạn ở THKT trân trọng giữ gìn quí mến đến như vậy!
Sau mấy ngày ở trọ không tốn tiền ăn ở (xin cám ơn ông bác tốt bụng và cô Thái), tôi tấp vô ỏ chung với mấy thầy cô khác ở nhà bác Tư Phương, căn nhà có cửa sau dẫn qua sân trường THKT. Lúc đó, đã có thầy Thừa, vợ chồng thầy Trắc, thầy C.T., thầy Hòa, thầy Rí … và sau này (năm 1974) có thêm nhiều thầy cô khác mới đến: thầy Dũng, Long, Tùng, Thuận, Nhuận, Ngôn Hạnh, v.v.
Có lẽ ai dạy học ở THKT cũng biết đến căn nhà này thì phải?
Hồi đó, mấy anh em chúng tôi, những thầy cô giáo trẻ, sống vui vẻ đạm bạc với nhau, mỗi người một góc đơn sơ… Mỗi thầy có riêng một cá tính, một phong thái: Thầy Dũng đẹp trai, môi hồng má đỏ. Thầy Tùng thì hát hay như một ca sĩ chuyên nghiệp, dáng dấp nho nhã thư sinh. Thầy Long thì sở trường mấy câu vọng cổ, theo sau là giọng cười đặc biệt, và lại hay kể chuyện tàu Tam Quốc Chí. Và chỉ có một mình thầy Long là dám đùa với "sư phụ" Xuân Sơn mỗi sáng tập thể dục dưỡng sinh là "tham sinh úy tử“. Thầy Rí thì hay ngâm thơ Nguyên Sa. Thầy Hòa thì là một nhạc sĩ tài hoa. Còn thầy Nhuận vừa đẹp trai, vừa là nhà thơ lãng mạn…
Bây giờ gia đình bác Tư Phương có còn ở đó nữa hay không? Em Thảo, Hiếu bây giờ ở đâu và làm gì? Xin nhận nơi đây tấm lòng biết ơn của riêng tôi, và có lẽ của cả mọi người đã một lần được che nắng, che mưa, dưới mái nhà thân ái này.
Tôi còn nhớ bác Tư có một vườn nhỏ bông hồng, mà thầy Ngô Bảo Toàn là người "chăm sóc" rất chu đáo, điều này thì cô C., cô T. biết rõ hơn ai.
Từ trái qua: thầy Nguyễn Văn Hòa, thầy Nguyễn Hữu Thành, thầy Rí, cô Huỳnh Anh, cô Xum, cô Tạ Thị Kiêm Hường, cô Lã, cô Hoàng Thị Cẩm Thạch, thầy Trần Văn Thới.
(Ảnh do cô Hoàng Thị Cẩm Thạch cung cấp ngày 17-4-2010).
Vì dân số đã bắt đầu khá đông trong một nhà, chúng tôi 3 đứa dọn đến "Thớt" Gia trang (ảnh chụp được cô Cẩm Thạch đưa lên THKT), ở ty Bưu điện, nơi có nhành cây trứng cá và những cánh bông dừa màu trắng, đỏ ở trong thơ của thầy Hòa.
Thời gian đó thật êm đềm, ấm cúng. Tôi thường được thưởng thức giọng ngâm thơ của anh Rí và ngón đàn điêu luyện của anh Hòa, nhiều khi anh Rí cũng ôm đàn mà ngâm thơ. Những bữa cơm với gạo Móng Chim ngon tuyệt dưới bàn tay nội trợ khéo léo của bác gái (vợ bác Tùng, ty Bưu điện) chăm sóc. Cảm ơn bác Tùng, cảm ơn mấy em Mai, Hương, Thọ, Liễu… rất nhiều.
Sau này, tôi được biết bác Tùng có ý ngầm chọn một chú rể tương lai cho ty BĐ, mà tôi đoán không lầm (chắc cô Ngọc Thủy cũng đồng ý với tôi) đó là anh Hòa, vì mến mộ nhân cách chững chạc và tài hoa của anh ấy. Còn tôi và anh Rí thì chắc là không đủ tiêu chuẩn rồi!
Anh Rí là nhà nho, chỉ thích ngâm nga và ngắm trăng, ít để ý đến ai, hoặc chỉ là "ông thầy đi tìm bạc cắc" như thầy Bùi Trung Tính, mà bạn Kiều Oanh đã đặt tên cho.
Còn tôi thì lãng tử, lại ở dơ (lúc nhỏ, khoảng 5, 6 tuổi gì đó, tôi đã có một ước mơ là sau nầy lớn lên sẽ trở thành người lơ xe đò, để được đi đây đi đó, vì mỗi lần có dịp ghé qua bến xe, được nhìn thấy kẻ đi người ở, tôi thích lắm). Nên tôi với anh Rí không thể nào là ứng viên sáng giá được, phải không anh Hòa, anh Rí?
Anh em chúng tôi chung sống với nhau đến hết tháng 4-1975. Vì hoàn cảnh lúc đó, căn nhà trọ phải trả lại cho ty BĐ mới, chúng tôi phải chia tay nhau.
Sau tháng 4-1975 tôi đến tạm trú ở ngôi chùa Từ Vân, vì lúc đó chưa được lãnh lương, lại ở xa nhà. Ông thầy TTT nhận tôi là người quen biết, vì trước đây thầy có thời gian ở Bình Tuy, quê tôi, và ông cũng từng là hiệu trưởng trường TH Bồ Đề ở đó. Vì tôi không phải là Phật tử, không biết tụng kinh gõ mõ nên chỉ biết giúp thầy đánh chuông ở cuối chánh điện mỗi đêm thầy tụng kinh thường lệ... Đã có lần một em THKT hỏi nhỏ tôi: chắc thầy thất tình (cô T.) hay sao mà lại nương nhờ cửa Phật? Tôi nói không phải, vì lúc đó tôi chưa có tình để thất!?
Thầy TTT cho tôi ở trọ được mấy tháng, lúc đó chùa thật vắng vẻ, vì vắng bóng Phật tử đi chùa như trước. Chỉ có cô Rở, nhà ở phía sau chùa, là Phật tử thuần thành, thỉnh thoảng đến thăm và giúp việc nhang đèn. Tôi được thầy TTT cho biết: cô Rở thường hay nhắc đên thầy Rí mỗi khi kể chuyện về THKT. Anh Rí ơi, anh có biết không? Vừa rồi, trong chuyến về thăm lại Mộc Hóa, chẳng phải anh Hòa có nhắc lại chuyện xưa của anh Rí "sáng Rở như ban ngày" đó hay sao!?
Lúc đó, chùa chỉ có hai thầy trò và một chú tiểu, chúng tôi đã phải luộc đến những đọt rau lang cuối cùng trên luống, những trái dưa tây trên dàn còn xanh, và những trái thơm chưa kịp chín; đến nỗi sau này, thầy đã phải rơi lệ trả lại đời thường cho chú tiểu về quê. Tôi còn nhớ chú tiểu bước đi mà mắt ướt. Nhắc đến chú, tôi chợt nhớ đến mấy em: Thủy, Tâm, và một cô út rất nghịch, hiện ở Na Uy (nhà ở gần cô Ngọc Thủy); thường chọc ghẹo chú tiểu, đến nỗi chú thường hay... mơ màng.
Nhiều khi, tôi đùa với thầy: hay là mình ngã mặn đi thầy ơi... Vì lúc đó chùa có một cái ao với nhà thủy tạ, cá, rùa nhiều vô kể... Thầy ơi, bây giờ thầy ở nơi nào?
Tôi còn nhớ đến em H. - học chung lớp với Lâm đẹp trai, chị của Hảo (nhiều lần đi xe đò về SG, Hảo dành cho tôi một chỗ ngồi tốt, và lại không lấy tiền xe) hay ghé chùa cho thầy trò tôi một ít thức ăn. Em LTTT (ở gần đó) có may cho tôi một cái túi để đựng sách vở...
Làm sao có thể nói hết lời biết ơn đối với những tình cảm của mọi người ở một nơi gọi là MH.
Và trước đó nữa, những món quà, những lời khuyên nhủ, vài lá thư thăm hỏi được gửi từ xa, có lá từ TP hoa đào Đà Lạt; làm sao mà quên được...
Thầy Nguyễn Hữu Thành (trái) và thầy Nguyễn Văn Hòa trong cuộc cắm treại của lớp 10B (1973-74) tại Đình Tân Thạnh. (Ảnh do bạn Nguyễn Thanh Phong cung cấp)
Nhớ niên khóa đầu tiên đi dạy (1973-74), lớp 10 của em Lương, Phong và các bạn; đã tổ chức cắm trại tại đình Tuyên Thạnh, thật vui. Vui vì mấy em đã dành cho tôi, thầy Hòa, nhiều cảm tình sâu đậm. Thầy Hòa tài hoa với cây đàn, tiếng hát; còn tôi thì... xin lỗi mấy em, đã làm thầy bói xem chỉ tay cho vui, không phải để được nắm tay các em đâu (!). Tôi không làm sao nhớ được những gì đã “bói“ cho tương lai các em, nhưng luôn thầm mong những ngày mai sau đó, các em sẽ thành công trên đường đời và hạnh phúc trong cuộc sống!
Những tấm hình còn sót lại, mà Lương, Phong và các bạn đã còn giữ cho tới hôm nay, dù cuộc sống đã trải qua nhiều đoạn đời khốn khó, xa quê... đủ nói lên cái tình cảm của một thời áo trắng với sân trường mà các em đã trân trọng nâng niu...
Có lẽ, nghiệp chướng còn nhiều (?), không có duyên với cửa Phật, nên tôi phải ra đi. Rời chùa TV, tôi được em Huỳnh Thanh Hữu cho ở tạm trong căn nhà bỏ trống của một người anh (cũng là thầy giáo ở MH) trên đường Hai Bà Trưng. Đó cũng là lúc mà cứ mỗi buổi sáng, tôi thường đứng trước căn nhà lá nhỏ nhắn dễ thương để chờ, để đợi một người hay đi ngang đến chợ buối sáng; chỉ để được nhìn dáng dấp thanh cao, bước vội, với chiếc áo bà ba tơ màu vàng nhạt, để cám ơn đời có thêm một ngày ý nghĩa...
Nhắc chuyện này, tôi nhớ đến em Lâm Phước Lộc (em của Lâm Phước Thành); xin lỗi em vì đã có lần trong lớp học, tôi có nói với các em về một từ: sợ. Tôi đã khuyên các em không nên có và giữ từ này trong từ điển cuộc đời; nhưng tôi cũng đã không đủ can đảm để nói một lời với một người mà mình muốn nói... vì... sợ .... Tại sao vậy nhỉ? Có phải vì quá tôn thờ một bóng dáng, một thần tượng đến nỗi sợ người ấy sẻ nói không, thì cả một bầu trời của hy vọng và ước mơ sẽ sụp đổ!?
(Chắc em Phạm Hồng Phước chưa từng đọc qua cuốn sách nói về chữ "sợ" thì phải? nên chăng trong thơ của Phước, sao nghe quen thuộc lạ!)
Vì được ở gần Thủy Gia trang, Mai Gia trang (cô Kiêm Hường, Huỳnh Mai, Xum; bây giờ mỗi cô, một nơi, xa xứ), Thạch Gia trang (cô Lã và cô Thạch), nên chúng tôi (3 người sau này có thêm anh Thới) thường được mời ăn đủ thứ mỗi khi có dịp, không chè thì cháo... Tôi nhớ là chúng tôi thường kiếm nhiều lý do để ghé thăm (nhưng thật ra để được ăn là chính?! hay chỉ để được gặp mấy cô?). Bây giờ xin tạ tội và cảm ơn tấm lòng của mọi người.
Cám ơn bác Nhị, má cô Thủy, đã xem mấy anh em chúng tôi như con cháu trong nhà, tình nghĩa đó chỉ có ở một nơi gọi là MH mà thôi.
Đến đầu năm học 1975-76, tôi lại dọn về ngôi nhà tình thân của bác Tư Phương, vì không chịu được nỗi buồn một mình và cũng do ý của một người có chiếc áo bà ba tơ màu vàng nhạt. Sau đó không lâu, tôi lại được giới thiệu tới khu cư xá QĐĐ, ở cuối sân vận động, gần trường. Thế là giáo án cuộc đời bước qua một trang khác, cho đến bây giờ...
Nhớ lại những ngày còn ở chung với nhau, chúng tôi lại may mắn có cô Nguyện - cháu của thầy Bảo Toàn - đã lo giúp chuyện cơm nước mỗi ngày cho cả đám thầy giáo trẻ độc thân. Đến bữa cơm, chúng tôi ăn ngon như ngày nào cũng là bữa giỗ mặc dù các món chính chỉ là dưa mắm, rau luộc và canh chay. Cảm ơn cô Nguyện rất nhiều. Tài nội trợ của cô ít ai sánh được. Bởi vậy, sau nầy anh Cư (anh của Sanh) đã rước cô về dinh, làm người bạn trăm năm. Trong đám chúng tôi đã có người tiếc ngẩn tiếc ngơ lúc bấy giờ!
Hồi tưởng lại những năm tháng dạy học ở MH, mình chưa làm được gì đáng gọi là cống hiến cho THKT, cũng như đóng góp nhiều cho vốn liếng kiến thức của các em.
Có vài kỷ niêm đáng nhớ, năm 1976, chúng tôi đã vận động được Hội Chữ thập đỏ ở Sài Gòn (tên cũ là Hội Hồng Thập tự) cho thành lập một chi hội ở KT, vì có nhu cầu cứu trợ; thầy trò THKT đã hăng say, giúp đỡ được đồng bào mình ở đình Tuyên Thạnh, đang tị nạn vì bị ngược đãi từ bên kia biên giới Campuchia chạy về. (Lúc đó chế độ Pon Pot đang cai trị Campuchia).
Năm học 1973-74, với một nhóm thầy cô giáo trẻ, năng động, và các em học sinh đang khao khát một sinh hoạt ngoài trời với mục đích tạo đoàn kết và cũng để vưc dậy cái không khí hào hứng, ganh đua trong tinh thần tập thể để hỗ trợ cho những giở học tập lý thuyết khô khan trong lớp, chúng ta cũng đã tổ chức được một ngày cắm trại toàn trường, ở ngay trong sân trường nhà, mà chắc kết quả của nó đã để lại không ít ấn tượng tốt đẹp trong lòng của mọi người.
Đầu năm học 1976, chúng tôi cũng đã làm được một điều mà tưởng như không thể nào làm được, đó là bứng đi "con sâu đạo đức" trong môi trường giáo dục. Các cô Chỉnh, Kiêm Hường, Huỳnh Mai, thầy Hữu Đức, thầy Hòa v.v,... là những người không biết "sợ "; vì thiên chức của nhà giáo và cũng là đạo làm người, chúng tôi đã cùng nhau làm một việc lớn vì danh dự của các cô và các em học sinh nữ ở THKT.
Cám ơn tất cả các bạn, cám ơn HD. Có một người ở xa vẫn thường hay nhắc đến riêng anh!
Trong số những thầy cô lúc đó và bây giờ, chúng ta có một người bạn "đã về đến đích" của đời người. Tôi muốn nhắc đến một người bạn mà với nhân cách và nhiệt tình đã rất gần gũi với trường lớp và các em, cô Chỉnh, người đẹp kiêu sa một thời.
Cám ơn cô Chỉnh, cô đã và sẽ ở mãi trong lòng thương nhớ của chúng tôi!
Thật không nhiều để kể lể về những điều tốt đẹp; bên cạnh đó là những sai sót vì kinh nghiệm non trẻ cũng đã để lại không ít hiểu lầm đáng tiếc, những buồn phiền day dứt.
Ngoài những nhắc nhở về bạn cũ, trường xưa và thầy cô xa, em Dãng có viết: "đôi lúc em có lỗi với một vài Thầy Cô và bạn bè, giờ đây xin mọi người tha thứ và sẵn lòng thương yêu".
Tôi sẽ không giành với em những lời xin lỗi đó, tuy nhiên các em hãy rộng lòng cho tôi được nói đôi lời. Không phải chỉ có những người nhỏ hơn trong vai vế xã hội, một khi lầm lỡ là có lỗi, mà người lớn chúng ta vẫn còn nhiều sai lầm đáng bị chê trách, nhất là trong đối xử và quan hệ với đàn em và con cháu... So ra, nhiều khi những lỗi lầm của người lớn còn đáng trách hơn nhiều!
Lời cuối mà tôi xin được gởi đến THKT là thật lòng xin lỗi, vì đã không thưc sự làm tròn thiên chức của người thầy giáo dạy học, một người anh trong gia đình: tôi đã không nhớ nổi hết tên của các em, đã không biết rõ hết gia cảnh của từng em, để có thể quan tâm, động viên tích cực hơn, không chuẩn bị tốt giáo án cho những giờ lên lớp, và chỉ mong sao cho hết giờ dạy cuối tuần để lên xe đi khỏi nơi này; và còn nhiều nữa ...
Tôi thật đáng trách phải không Dãng, phải không các em!
Xin cảm ơn MH.
Xin cảm on THKT.
................................
Và xin cám ơn em, cô giáo năm nào với chiếc áo dài màu vàng trên hành lang lớp học...
NGUYỄN HỮU THÀNH - TT COLO
(tháng 6-2010)
|
Giang hồ đồn rằng thầy Nguyễn Hữu Thành từ thời về THKT đã trở thành một người đắm mê hoa cúc. Thì ra thầy đã áp dụng những câu thơ của thi sĩ Nguyên Sa mà thầy Rí thường ngâm nga "áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc..." Và thầy đã có một câu chuyện cổ tích với một happy-end ngoạn mục. Thầy Thành đã cảm ơn "người áo vàng" như thế này đây:
Và vì lẽ đó, trong cái project "khui hầm THKT sau 40 năm" với sự hà hơi tiếp sức (nói đúng bản chất sự việc là "xui nguyên giục bị") của thầy "Bao Cong cong" Lê Công Phúc, thầy Ngô Bảo Toàn đã chiếu cố mọi tình tiết giảm khinh mà phán rằng: "Thầy Thành TêTê thì "tội tình" thiệt thọ
thừa thời thế tẩu thoát trốn tuốt tận trời
Tây, thậm thà thậm thụt thập thò thấp thỏm, tim thầy
thúc trống thình thịch, thon thót! Thấy thương! Thương
thầy Thành thương Thọ thiệt tình, thế thì Tám
Toàn tôi tạm thời: tha! Từ từ thủng thẳng tính tới."
|
|
|