Tách cà
phê “rượu thuốc” tình nghĩa THKT
Nửa sau thập niên 1970,
sau chiến tranh đất nước còn nghèo khó. Mọi việc buôn bán, giao
thương đều được kiểm soát nghiêm nhặt. Mười kí gạo tôi xách từ
Vĩnh Long lên Saigon để ăn thay bo bo còn bị trạm kiểm soát
làm khó dễ.
Thời gian
đó, nhà tôi ở Tân Phú (quận Tân Bình), các trò THKT thỉnh
thoảng cũng ghé chơi. Thường xuyên là Phạm Thành
Trung, lên Saigon học tiếp lớp 12 ở trường trung học Nguyễn
Thượng Hiền đang “cua” Nguyễn Thị Bích Đào (em của Tuyết Huỳnh). Cả
hai đều là bạn cùng lớp THKT.
Trung hay rủ bạn
bè lên Saigon chơi và sang tôi bày việc ăn uống. Lúc đó chỉ có “bia
lên cơn” – loại rượu lên men từ trái cây – hoặc rượu đế, rượu thuốc.
Tuy không như ý lắm, cũng đưa cay được, gây rôm rả cho câu chuyện.
Thời gian sau, do có
"khiếu lãng tử", tôi phát hiện ra nhiều quán cà
phê chui, quán rượu chui… hay lắm.
Tất cả đều được ngụy trang
sâu vào những ngôi nhà khép hờ cửa .
Hôm đó, Phạm Thành Trung
và Võ Hữu Giảng (Giảng đang "cua" Phạm Thị Nở, bạn cùng lớp THKT,
chị của Trung) đến tôi chơi. Sau chầu “bia” là ca hát để quên đường
đi gian khổ. Trung và Giảng đều thích ca khi có rượu. Trung khoái ôm
hun người đối ẩm, thể hiện cụ thể “tình thương mến thương”, kể cả
thầy, rồi cả ba rú lên cười…vui quá sá! Thầy đang độ tuổi 30 nên hòa
đồng cũng dễ.
Giảng và Trung thi nhau kể
chuyện thời THKT, thiết tha gợi nhớ.
Sau đó,nghỉ ngơi chút ít,
tôi rủ hai trò đi “cà phê” chơi. Bảo đãm chỗ này không hay không về!
Chúng tôi cùng đạp xe về
hướng Phú Nhuận. Rẽ sang đường Trần Huy Liệu. Tôi dò tìm từng căn
nhà để ra cái điểm cần tới. Thời buổi khó khăn đó, mặt tiền nhà nào
cũng nhếch nhác, biếng lười trong việc sơn phết.
Đúng là căn nhà có cánh
cửa khép hờ đây rồi! Nhưng sao im ắng thế này, bất động thế này?
Phải điểm này không? Tôi dựng xe, bước vào, nhẹ đẩy cánh cửa. Bên
trong đặc người. Hình như tất cả đều ngồi trầm ngâm bên tách “cà
phê” trong cảnh mờ ảo. Không tiếng nói, không tiếng cười, mà chỉ tập
trung “tư duy” vào tách cà phê đặc quánh, thưởng thức cái hương vị
đăng đắng ngấm dần vào cổ họng…
Tôi ngoắc Trung và Giảng
vào. Xe đạp được hướng dẫn gởi nhà kế bên. Chúng tôi đi tới một
chiếc bàn sâu hút. Vẫn im ắng, chúng tôi thầm lặng quan sát ngôi nhà
mờ ảo, ngồi xuống. Phút chốc ba chiếc tách với chất đen
đặc quánh được đem ra, nhẹ nhàng đặt xuống chiếc bàn con thấp –
không cần chờ khách hỏi. Tôi ra dấu mang dĩa đậu phọng rang. Mồi chỉ
có thế. Gọi cái gì khác cũng không có.
Trung và Giảng nhìn tôi có
vẻ dò xét, ngầm nói: cà phê thì chỗ nào chẳng có, đi chi chỗ này xa
thể?! Tôi cười cười, hất hàm: thử rồi biết, rượu thuốc đó…
Nghĩa là rượu ngụy trang
trong chiếc tách cà phê thôi!
Chúng tôi nhấm nháp từng
ngụm nhỏ. Chất rượu thuốc đậm đà lan dần xuống cổ họng, len lỏi vào
từng xớ thịt, nồng lên tận óc. Thêm vài hạt đậu rang bùi bùi. Cứ thế
chất thuốc hắc lên theo ngụm rượu, gây nồng đưa cay ngon
thế nào ấy! Không thể tả nổi cái hương vị của nó. Nếu “rượu” là bài
vọng cổ, chắc phải gọi là “mùi tận mạng”.
Có lần tới quán, tôi uống
2 tách là lạng quạng ra về chân tả đá chân hữu.
Mấy lần sau, Giảng lên nhà
Trung (ba má Trung có cái nhà xây lở dở ở đường Lạc Long Quân,
Saigon) đều đến quán này để thướng thức tách rượu thuốc có hương vị
gia truyền, mà không thấy ở ly rượu thuốc nơi
khác.
Từ đó về sau, mỗi lần
Trung gặp tôi - suốt thời gian ba bốn chục năm - vẫn còn nhắc lại
“tách rượu thuôc” uống rồi không thể quên được. Bạn Giảng từ Mỹ về
khi nhắc đến thầy Tính cũng thường nhớ đên tách rượu thuốc. Tiếc là
quán phải đóng cửa vài tháng sau đó. Và bác chủ nhân cùng gia đình
đã dọn đi đâu không biết!
Nói thêm về hai
trò THKT:
Võ Hữu Giảng
– bạn cùng lớp với “bà xã” là Nở nên trong lớp
thường gọi là cặp “Giản Nở” (xem MỘT GÓC ĐỜI THƯỜNG về Võ Hữu
Giảng).

Gia đình cặp" Giản - Nở"tại Mỹ
Phạm Thành Trung (con của bác Thành Linh, nhà thầu xây
phòng học và sửa chữa trường THKT) có bà xã là Nguyễn Thị Bích Đào,
bạn cùng lớp. Hiện cả hai là chủ xe đò Mộc Hóa- Long An - Saigòn.
Chồng lái xe, vợ góp tiền xe. Phạm Thành Trung hình như có biệt hiệu
là "Sáu Nhăn" tai Mộc Hóa (tiết lộ của trò Phong Xẹp).
Phạm Thành Trung có ba con
rất nền nếp, đều học giỏi ở Cấp 2, 3 Mộc Hóa. Cháu đầu là Phạm Trung
Thành, học sinh giỏi được huyện tuyên dương và cấp giấy khen, đã tốt
nghiệp hai trường đại học: Kinh tế và Sư phạm (Anh văn). Hai cháu
khác đều học xong đại học, cao đẳng. Cả ba đều có việc làm ổn định .
Thầy trò THKT đến nay vẫn
khắn khít với nhau, thương mến tận tình,mỗi lần gặp gỡ.
TT SAIGON
(616-6-2010)
|