Những người bạn
tôi trong ngày họp mặt 26-6-2010
Cũng đã hơn 40 năm
rồi, hôm nay tôi mới có cơ hội được nhìn lại một số bạn bè tôi qua
ngày họp mặt 26-6 vừa qua tại trường xưa ở Mộc Hóa.

Từ trái qua phải: Hồ Minh,
Võ Văn Kiệm, Võ Lệ Thu, Đặng Thị Lệ Dung, Trần Thị Thanh Nguyên,
Huỳnh Thị Tuyết, Nguyễn Phú Tịch, Võ Văn Luận
Hồ
Minh
Minh dáng người cao
lớn, đẹp trai và rất vui tính. Nhà Minh khá giả và hình như Minh là
người gốc Hoa thì phải.
Tôi nhớ Minh học
chung với tôi 4 năm từ đệ Thất P tới đệ Tứ P. Trong lớp, Minh thường
hay pha trò một cách nhẹ nhàng tạo cho không khí lớp học đỡ căng
thẳng. Tuy vậy, khi mới vào học năm đầu đệ thất, đôi lúc tôi cũng
hơi bực mình với Minh. Khi đó, thỉnh thoảng khi thấy tôi đi cùng một
vài người bạn thì Minh nhập bọn cùng nói chuyện, sau đó Minh kể một
câu đố đại ý: “Khi thấy một người bị tai nạn xe bất tỉnh mà muốn
biết người đó là người Bắc hay người Nam thì người ta phải làm gì?”
Một số bạn tôi không hiểu ý của Minh khi hỏi như vậy, nhưng tôi thì
hiểu và cũng đã biết câu trả lời của Minh (vì tôi cũng đã từng bị
trêu ghẹo như thế rồi!).
Tuy vậy sau đó thì
Minh lại trở thành một trong những người bạn khá thân của tôi và đã
giúp đỡ, bênh vực cho tôi trong nhiều trường hợp. Họ và tên của Minh
chỉ có hai chữ, nhưng khi đó, tôi thường thêm một chữ lót vào giữa
họ và tên của Minh và Minh có vẻ thích thú với cái tên mới với đầy
đủ ba chữ này.
Được biết Minh và
gia đình vẫn còn sinh sống ở Mộc Hóa và như vậy hy vọng một ngày gần
đây tôi có thể gặp lại Minh.
Võ
Văn Kiệm
Kiệm dáng người nhỏ
hơn Minh, khuôn mặt sáng sủa, tính tình trầm lặng.
Ηình
như gia đình Kiệm có một cửa hàng tại phố chợ Kiến Tường và Kiệm có
bà con với Võ Lệ Thu.
Kiệm ít nói nhưng
rất thân thiện với bạn bè. Tôi còn nhớ khi học về tác phẩm Lục Vân
Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu trong giờ quốc văn do cô Võ Thị Trà
Liên giảng dạy thì cả lớp tự động đổi tên của Kiệm từ Võ Văn Kiệm
thành Bùi Kiệm. Kể từ đó, mọi người đều gọi Kiệm là Bùi Kiệm.
Kiệm cũng có vẻ thích thú với cái tên mới này lắm! Không biết bây
giờ Kiệm đã nấu nồi chè để đổi tên lại chưa!
Gia đình Kiệm hiện ở
Mộc Hóa. Hy vọng sẽ được gặp lại Bùi Kiệm (ủa quên Võ Văn Kiệm) một
ngày gần đây.
Đặng
Thị Lệ Dung
Đặng Thị Lệ Dung là
một trong số những người đẹp của lớp tôi. Dáng người cao, thanh
thoát như một người mẫu.
Vẫn còn nhớ Lệ Dung
là một nữ sinh ngoan, hiền, học giỏi nhưng hơi nghiêm nghị. Không
những vậy, Lệ Dung còn là một con chiên ngoan đạo và thường đi lễ
mỗi ngày ở nhà thờ Mộc Hóa. Nghe nói sau này khi rời trường, Lệ Dung
còn là một hội viên Legio tích cực nữa.
Những năm đầu của
bậc trung học, tôi học không chăm và cũng hay nghịch, nói chuyên
trong lớp, điều này cũng gây phiền hà cho một số bạn, trong đó có Lệ
Dung. Nghe nói lúc đó thỉnh thoảng tôi và bạn tôi - MTL - thỉnh
thoảng cũng bị Lệ Dung rủa xả tí ti vì cái tội nói chuyện, phá trong
lớp! Cũng đáng đời thôi! Nếu tôi nhớ không lầm thì quê gia đình Lệ
Dung ở Kiến Hòa nhưng khi học ở THKT thì gia đình Lệ Dung ở Thận Cần
và Lệ Dung trọ học ở nhà bạn cùng lớp Trần Thị Thanh Xuân (chị
Nguyễn Công Phong).
Nghe bạn bè nói, Lệ
Dung sau này là cô giáo dạy trường Nguyễn Huệ (Mỹ Tho), nhưng nay đã
về hưu vì sức khỏe cũng không khả quan.
Cầu mong cho Lệ Dung
luôn được khỏe mạnh và gặp nhìều điều tốt đẹp.
Võ Lệ
Thu
Võ Lệ Thu, một người
đẹp của lớp tôi. Lệ Thu là con nhà giàu, dáng thanh lịch với chiếc
áo dài trắng luôn luôn mới và được may rất khéo. Một số bạn lớp tôi
đặt cho Lệ Thu biệt hiệu “Người đẹp kiêu sa”. Xin nhớ “kiêu sa” chứ
không phải “kiêu kỳ”, có thể là do cái dáng quý phái của Lệ Thu!
Trong ngày họp mặt 26-6, Lệ Thu vẫn mặc áo dài làm cho một số người
lầm tưởng Lệ Thu là một cô giáo (theo bài thơ “Dư
âm ngày họp mặt”
của Trần Thị Thanh
Nguyên trong THKT)
Lệ Thu là nữ sinh
học giỏi nhất lớp tôi. Lệ Thu học chung với tôi bốn năm từ đệ Thất P
tới đệ Tứ P và Lệ Thu đã lãnh phần thưởng hạng nhất ba năm liền
(thất, lục, ngũ). Năm đệ tứ, Lệ Thu lãnh phần thưởng hạng nhì sau
khi thầy Đoàn Văn Nhiêu – giáo sư hướng dẫn – đã phải chia đìểm
trung bình toàn năm học tới số thập phân thứ ba mới phân định được
hạng giữa tôi và Lệ Thu (thông thường chỉ cần lấy hai số thập phân).
Tôi nghĩ Lệ Thu là
học trò cưng của rất nhiều thầy cô, đặc biệt là thầy Mai Văn Nhãn vì
tôi để ý thấy thầy Nhãn thường hay để ý cũng như hay đi qua, đi lại
nhiều lần nơi Lệ Thu ngồi trong lớp để xem Lệ Thu chép bài, làm bài…
Thầy Nhãn thường đeo kính mát trong lớp học.
Học xong lớp đệ tứ,
Lệ Thu chuyển lên học ở Trung học Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn và sau đó
tốt nghiệp Luật khoa.
Gia đình Lệ Thu hiện
đang ở Mộc Hóa.
Trần
Thị Thanh Nguyên
Thanh Nguyên dáng
người nhỏ, xinh và chúng tôi thường gọi là “người đẹp mộng mơ”.
Khi đi học, Thanh
Nguyên không xách cặp mà thường ôm cặp phía trước, dáng đi hơi cúi
về phía trước làm cho Thanh Nguyên trông thấp hơn các bạn khác. Gia
đình Thanh Nguyên có tiêm thuốc tây Nguyễn Huệ ở khu phố Kiến Tường
và hiện nay Thanh Nguyên vẫn tiếp tục công việc này.
Thanh Nguyên học
giỏi và đặc biệt rất giỏi Pháp văn. Thanh Nguyên là học trò cưng của
các thầy Trần Ba, Trần Văn Tây, Trần Khắc Hòa. Thầy Trần Ba cũng
ngạc nhiên khi thấy ở một tỉnh lỵ xa xôi hẻo lánh mà có cô học trò
đọc và nói giọng Pháp rất chuẩn! Có thể vì vậy mà sau này “người đẹp
mộng mơ” của lớp tôi đã lên tận xứ hoa Anh Đào học trường Couvent
Des Oiseaux những năm cuối bậc trung học. Là người đẹp của lớp,
nhưng Thanh Nguyên không kiêu kỳ mà luôn than thiện, giúp đỡ, bênh
vực… bạn bè
Ngoài việc học giỏi,
Thanh Nguyên còn là một ca sĩ của lớp tôi, trường tôi nữa. Không
những hát nhạc Việt hay mà còn hát nhạc Pháp cũng tuyệt nữa. Thanh
Nguyên rất nổi tiếng với bài hát “Besame Mucho”, hát rất giống giọng
ca sĩ Dalida! Nói đếnThanh Nguyên là mọi người đều nghĩ đến bản nhạc
này, do đó hầu hết những buổi sinh hoạt văn nghệ trong lớp, trong
trường mọi người đều yêu cầu Thanh Nguyên hát bản này.
Về nhạc Việt, Thanh
Nguyên hát nhiều bản nhưng tôi nhớ bản “Về đâu mái tóc người thương”
nhất. Tôi nói Thanh Nguyên nổi tiếng với bản này không ngoa vì nhớ
có một lần vào cuối giờ toán lớp đệ ngũ của thầy Võ Thành Thái, sau
khi Thanh Nguyên hát xong bản này thì tôi thấy mắt thầy Thái đỏ.
Thầy đã khóc nhe. Sau này tôi được biết thầy Thái khóc vì quá xúc
động. Khi nghe Thanh Nguyên hát, thầy đã quá buồn cho một tình yêu
dang dở của thầy!
Hiện Thanh Nguyên
đang ở Mộc Hóa và là một trong những người tích cực kết nối các bạn
bè cũ của lớp cũng như của THKT.
Nguyễn Phú Tịch
Nguyễn Phú Tịch dáng
người to, rắn chắc, nước da hơi ngăm ngăm.
Tịch học chung với
tôi hai năm đệ tam và đệ nhị. Trước đó hình như Tịch học ở một
trường tư thục thuộc tỉnh Kiến Phong thì phải. Tịch rất hiền, khiêm
tốn và chăm chỉ học. Không bao giờ tôi thấy Tịch nói chuyện trong
lớp. Tịch có một trí nhớ đặc biệt và rất giỏi Pháp văn. Tôi còn nhớ
một lần, thầy Trần Khắc Hòa cho chúng tôi dịch một bài Pháp văn có
một từ lạ không ai biết, thầy hỏi đi hỏi lại vài lần vẫn không có ai
trả lời, nhưng một lúc sau, Tịch giơ tay và trả lời đúng trước sự
ngạc nhiên, thán phục của cả lớp tôi. Từ đó chúng tôi gọi Tịch là
“cuốn tự đìển sống Pháp văn”. Vì có trí nhớ tốt như vậy nên Tịch
chia động từ bất quy tắc Pháp văn ít khi sai.
Nhìn hình Tịch bây
giờ có gầy hơn trước, nhưng thấy Tịch vẫn còn khỏe. Tôi vẫn còn nhận
ra được Tịch dù đã hơn 40 năm không gặp nhau. Hẹn gặp Tịch trong một
ngày gần đây.
Võ
Văn Luận
Võ Văn Luận ngoài
dáng vẻ cao ráo, đẹp trai thì tôi không nhớ nhiều về Luận.
Có thể vì Luận là
một học sinh hiền, không gây phiền hà cho ai, cho tôi vì vậy tôi
không nhớ được những kỷ niệm về Luận. Tôi chỉ nhớ Luân ngồi gần cuối
lớp, cách tôi một bàn, hình như cùng bàn với Trần Văn Hai, Trương
Văn Ấn thì phải.
Biết được hiện Luận
đang sống ở Mộc Hóa, chắc chắn một ngày gần đây tôi sẽ được gặp
Luận. Khi đó tôi và Luận có cơ hội ôn lại những kỷ niệm ngày xưa
dưới mái trương thân yêu THKT nhé!
Trần
Hữu Đức

Bạn tôi: Trần Hữu Đức (ngồi
giữa)
Trần Hữu Đức hồi đó
người cao, đẹp trai, hơi gầy, dáng vẻ lè phè, đi học thường hay bỏ
áo ngoài quần, trừ những lúc bắt buộc. Lúc nào Đức cũng đeo kính cận
dày nên trông có vẻ trí thức.
Đức là bạn thân, có
thể gọi là bạn nối khố của tôi. Tôi và Đức đã học cùng lớp với nhau
trong bảy năm trung học ở hai trường Kiến Tường và Nguyễn Đình
Chiểu.
Đức là một học sinh
xuất sắc của lớp, đặc biệt về toán. Trong giờ toán, dù gặp bài toán
khó đến đâu, Đức cũng không chịu thua. Tôi nghĩ thật may mắn cho
những học sinh sau này được thầy Đức hướng dẫn toán.
Khi học ở trường
Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), tôi và Đức đã trọ cùng nhà, ngủ cùng
giường, ăn cùng mâm và mỗi ngày cùng đi bộ đến trường. Còn nhớ, ngay
đêm đầu tiên ngủ ở nhà trọ, không hiểu do giấy tờ trình báo không
hợp lệ sao đó mà tôi, Đức và Phạm Văn Tuyên đã bị cảnh sát xét nhà
và bắt giam một đêm, tới sáng mới được thả về. Đêm đó, chúng tôi bị
tạm giam chung với mấy cô “ca ve”. Hôm sau, vào trường chúng tôi đã
nổ với bạn bè đại ý: “Hôm qua, tụi tao được ngủ với đ…”. Một kỷ niệm
vui!
Sau khi tốt nghiệp
ĐHSP đệ nhị cấp ban Toán, Đức đã về dạy tại trường THKT. Sau khi dạy
một thời gian thì Đức đã chuyển sang kinh doanh và nghe nói rất
thành công (chắc tại Đức rất thông minh, giỏi tính toán). Nghe thiên
hạ đồn: Cứ tới thành phố Tân An hỏi tên “ông ba mắt kiếng” là ai
cũng biết. Đúng là một “đại gia” rồi. Mấy lần định gọi điện thoại
cho Đức, nhưng lại sợ “ông ba mắt kiếng” tưởng mình xin tiền nên hơi
ngại (hi hi !!).
Nhìn hình Đức trong
ngay hội ngộ 26-6, tôi nhớ nhất là nụ cười “mím chi” của Đức vẫn như
ngày xưa.
Hy vọng sẽ được gặp
lại Đức ở Việt Nam hoặc cũng có thể ở Úc nữa (vì cô con gái rượu của
Đức đang học ở một đại học nổi tiếng thành phố Sydney – cách nơi tôi
ở có 300km).
Huỳnh
Thị Tuyết

Các bạn tôi và thầy Bùi
Trung Tính (thứ ba từ phải qua).
Người đẹp Huỳnh Thị
Tuyết học ngang lớp tôi, nhưng học lớp Anh văn. Tuy vậy khi lên đệ
tam và đệ nhị thì Tuyết và tôi có học chung một số giờ.
Hồi đó, Tuyết là một
trong vài người đẹp của lớp Anh văn nên chúng tôi, dù học Pháp văn
vẫn biết. Tuyết lại chơi thân với Lệ Thu, Thanh Nguyên nên tôi cũng
có dịp được nói chuyên với Tuyết vài lần. Cho tới bây giờ, Tuyết vẫn
còn là một người đẹp, “đẹp não nùng” (lời em Trần Ngọc Bách nói khi
gặp lại cô Tuyết gần đây).
Tuyết sau này đã về
nâng khăn sửa túi cho thầy Bùi Trung Tính. Tuyết cũng là một cô giáo
nhung hiện nay đã nghỉ hưu để tận hưởng niềm hạnh phúc cùng phu quân
- thầy Bùi Trung Tính – và con, cháu.
Sẽ có ngày được gặp
lại bạn Huỳnh Thị Tuyết.
Kim
Trọng Kỳ
Kim Trọng Kỳ nuớc da
trắng, cao, dáng đi hơi khom khom, điển trai và hơi có nét giống ca
sĩ Tuấn Ngọc.
Cũng như Huỳnh Thị
Tuyết, Kỳ học lớp Anh văn. Kỳ rất giỏi môn Quốc văn và Kỳ hơi lãng
mạn. Cuối niên học nào, Kỳ cũng đưa tôi viết lưu bút, đôi khi còn
đòi dán ảnh vào cuốn lưu bút nữa. Dĩ nhiên tôi cũng xin Kỳ viết lại
lưu bút cho tôi.
Năm đệ tứ khi cô
Triệu Cẩm Nhung dạy tác phẩm Kim Vân Kiều của văn hào Nguyễn Du thì
các bạn lớp của Kỳ đã tự động bỏ bớt một chữ sau họ tên của Kỳ từ
Kim Trọng Kỳ thành Kim Trọng. Từ đó Kỳ coi như chết với cái
tên mới này. Co điều tôi nghĩ tên Kim Trọng cũng hay vì Kim Trọng là
một nhân vật lãng mạn trong truyện Kiều. Cũng không nhớ hồi đó có
nhân vật Thúy Kiều nào để ghép với Kim Trọng không?
Cách đây vài tuần,
tôi có điện thoại nói chuyên với Kỳ. Được biết hiện Kỳ đang ở Bắc
Hòa. Kỳ lập gia đình và có năm con (tức đã gặp được Thúy Kiều!).
Cuộc sống rất hạnh phúc. Kỳ nói vẫn còn giữ lại được vài cuôn lưu
bút ngày xưa, trong đó còn có những những dòng viết của tôi nữa. Tôi
đã xin Kỳ copy và gửi cho tôi. Thật là quý vô cùng.
Hôm hôi ngộ 26-6, Kỳ
có tham dự nhưng rất tiếc tôi không tìm thấy hình Kỳ trong THKT. Nếu
bạn nào có hình Kỳ trong ngày đó xin vui long post lên THKT nhé (trừ
trường hợp Kỳ không đồng ý).
Kỳ rất mong được đọc
trang THKT, nhưng nơi Kỳ ở hiện nay không có Internet. Một ngày nào
đó Kỳ sẽ ra nhà bạn Thanh Nguyên để xem trang THKT cho thỏa thích.
Rất hy vọng được tái
ngộ “Kim Trọng” một ngày gần đây.
PHẠM DOANH MÔN
(Canberra, Úc, 30-8-2010)
|