|
Những buổi học khó
quên với cô Hoàng Thị Cẩm Thạch
* Hồi ức
Tôi học môn vạn vật với cô Hoàng Thị Cẩm Thạch năm lớp 11 vì ban A
nên môn học của cô là chính. Cô về THKT khi vừa mới ra trường nên
rất trẻ, một "phụ nữ" Sài Gòn "văn minh lịch sự". Bọn học trò chúng
tôi lúc đó đã 18 đôi mươi, tuổi tác chênh lệch không nhiều với cô
nên dễ "cảm thông". Nhưng lúc đầu có hơi "giỡn mặt". Khi học cô một
thời gian thấy cô quá "nghiêm nghị" chuyên môn "giỏi", học cao hiểu
rộng, chúng tôi rất mừng và quí mến cô lắm vì đã hiểu được "tài"
nhau - chúng tôi đang "đói kiến thức" mà.
Cô Hoàng Thị Cẩm Thạch và học trò Nguyễn Văn Mầu
gặp lại nhau lần đầu tiên sau 40 năm tại Núi Đất (Mộc Hóa) ngày
4-2-2012.
Năm đó bỏ thi tú tài 1 nên cô trò dạy-học "thoải mái" lắm, cô cho
thực nghiệm nhiều bài học về thực vật rất phong phú và thực tiễn.
Còn nhớ buổi học về "quả", hôm trước cô báo cho biết ngày đó mỗi học
sinh đem vô lớp một thứ quả để học thực tế. Đến giờ học, chúng tôi
đem ra nhiều thứ nào là cam, quýt, xoài, đu đủ,... Có một bạn đem
đến một trái mãng cầu (*) rất to chừng 3kg, đẹp và ngon lắm. Khi học
xong, thầy trò xẻ ra chia nhau ăn luôn tại chỗ rất vui. Còn những
quả chưa ăn thì tụi tôi bỏ vào bọc cho cô mang về làm kỷ niệm, cô
cảm động lắm. Sau giờ học, cô nói kỳ tới học bài "hạt", tôi đứng dậy
nói: “Đem quả để lấy hạt học nữa nhé cô!”. Cô cười nói: “Thôi, giữ
hạt hôm nay lại để lần sau học khỏi tốn kém.” Cả lớp cùng cười.
Còn giờ học đáng nhớ của thầy trò chúng tôi nữa là gần hè, vào một
buổi chiều oi bức, có giờ học của cô, bài "tế bào thực vật" rất khó.
Sau gần một tiết học mệt nhọc, cả lớp im lặng nghe, cô nhìn chung
hỏi "hiểu không?" Những đôi mắt mở to hình như "không hiểu". Mặt cô
thoáng vẻ thất vọng vì thấy công sức giảng dạy vừa qua đem "bỏ sông
bỏ biển" và quan trọng là không biết "tại ai", cô đưa mắt nhìn từng
học trò dò ý, nhưng vô vọng; đến tôi, tôi nói "em hiểu", nét mừng
hiện rõ trên khuôn mặt cô, vì ít nhất có một trò hiểu được. Chưa
yên, có một bạn trong lớp hỏi gặng lại "hiểu sao nói nghe coi", tôi
định đứng lên, cô mới khoát tay lên tiếng: "Không cần, ở đây không
phải chỗ em giảng, còn bạn kia muốn học hỏi thì phải hỏi đúng nơi
đúng chỗ, nói đàng hoàng người ta mới chỉ cho." Thật là giải quyết
một tình huống hết sức tế nhị, đáng bậc thầy! Sau đó cô hỏi không
hiểu chỗ nào, cô giảng lại cho đến khi cả lớp đều hiểu; thật tận tụy
với nghề.
Học ban A tôi
"mê" môn này lắm nên có nhiều câu hỏi khó để học thêm, cô đều "ứng
khẩu" nói ngay không cần tra cứu. Thầy trò trao đổi qua lại nhiều
câu đến nay tôi còn nhớ, tuy là cách xa 40 năm:
- Tôi hỏi: Em thấy trái cây có hạt ăn chán lắm, khoa học có khi nào
làm ra quả mà không hạt?
- Cô trả lời ngay: Được chứ, em chờ đi, người ta đang làm có kết quả
rồi.
- Tôi cười nói: Vậy thì lúc đó cây sẽ bị "tuyệt chủng" vì lhông có
hạt.
- Cô cũng cười: Em biết một mà không biết hai, thì người ta "chiết
cành" còn thuần chủng hơn trồng hạt.
Và còn nhiều nữa, bấy giờ tôi mới phục cô "sát đất" thật sự được gặp
"sư phụ" quá "giỏi".
Hết năm đó, tôi không còn học cô nữa, thầy trò chia tay và biệt tin
nhau từ 1975. Rồi 40 năm sau mới gặp lại, tình thầy trò vẫn như xưa,
kỷ niệm còn giữ mãi trong lòng, tuy mái đầu thầy trò đều đã bạc.
Hôm nay tôi viết bài này sự thật 100% để cô và các bạn hồi tưởng lại
mà nhớ nhau.
Trái "mãng cầu" đó là của bạn Mai Thị Trăn Châu năm đó học lớp 11A
mang đến. Sau này chị là phu nhân của anh Trần Ngọc Răng, cựu học
sinh THKT. Chị lâm trọng bệnh mất cách nay không lâu.
Học trò cũ.
NGUYỄN VĂN MẦU
(Mộc Hóa 29-3-2012)
|
|