hồi ức về nhau

       Thành

 

 

 

 

 

Tôi trở thành thầy giáo lúc mới 21 tuổi. Khi ấy tôi vẫn còn nguyên não trạng của anh chàng sinh viên Văn Khoa hơn là một người tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Vào thập niên 1960, cũng như những ai yêu triết, tôi đã đọc những tác phẩm của các tay tổ existentialist philosopher như Jean Paul Sartre và Albert Camus. Vì vậy tôi đã đeo tư tưởng hiện sinh của họ như một hành trang đến với Trung học Kiến Tường (Mộc Hóa, Kiến Tường).

 

Từ trái sang phải: Em, thầy Kỳ, Sự (đứng đàng sau thầy Kỳ), tôi (thầy Trang), Thắng (đứng sau), Thành, Răng, Quân, và Luận.

Hình chụp ngày 6-6-1967.

   

Kỳ lạ thay, Mộc Hóa có tất cả những nỗi hoang mang về cuộc sống mà triết hiện sinh vẽ ra. Buổi sáng, tôi thức dậy để biết mình hãy còn sống. Buổi trưa đi bộ đến trường, mỗi bước đi làm tung lên đám bụi đỏ hoang sơ của miền biên giới. Vào những buổi chiều, khi tiếng chuông thu không vang trong gió, tiếng tụng kinh từ máy phóng thanh rót những lời kệ vào tim kẻ cô đơn. Đêm xuống tiếng súng dội lại rất gần và đôi khi tiếng nổ pháo kích xé rách đêm đen. Cuộc đời cằn cỗi. Sự sống như trò chơi may rủi, vô nghĩa, giữa ranh giới sáng/sống - tối/chết. Nếu ngày nào có quên đi trò chơi này thì nhạc Trịnh Công Sơn lại nhắc cho mình phải nhớ.

 

 

Tôi khoác vai Thành tản bộ trong xóm Cá Rô. Khi ấy Thành học lớp 5P. Hình chụp ngày 5-6-1967.

 

Tâm tư của tôi không thể biểu lộ, dù khi đó tôi vẫn là một thanh niên hoang mang trong định hướng. Lý do tôi không thể bộc lộ vì tôi đã là một thầy giáo. Hơn nữa là một thầy giáo tỉnh nhỏ, ai cũng nhìn vào để phán xét. Vì vậy tôi thường lang thang một mình đợi ngày tàn… và trong cõi mơ hồ ấy, tôi đã gặp Thành. Thành là một cậu bé, tuy đang học lớp đệ ngũ,  chỉ cao đến vai tôi. Nét đặc biệt của Thành là đầu không bao giờ rời chiếc mũ và chân luôn luôn chỉ có đôi dép. Chúng tôi gặp nhau không có những lời khách sáo, mà như hai người bạn vong niên. Tôi không hỏi gia thế của Thành, và Thành cũng không thắc mắc gì về tôi. Chúng tôi nói với nhau rất ít, nhưng lại bộc lộ đủ những gì ẩn kín trong tâm tư.

 

 

Đây là mẫu đối thoại điển hình giữa tôi và Thành. Buổi chiều, tôi nói với Thành, “Tại sao đang thức lại phải đi ngủ? Rồi đã ngủ tại sao lại phải thức dậy?”

Chuyện gẫu vô đề một lát, rồi Thành nói, “Chào thầy, em về để đi… ngủ.”

Đêm qua có pháo kích, buổi sáng ra chợ, gặp Thành ngoài đường, tôi hỏi: “Mày chưa chết sao?

Thành nhếch mép cười trả lời, “Dạ chưa.”

Sáng hôm sau ra chợ, gặp Thành ngoài đường. Thành hỏi: “Thầy vẫn còn sống sao?”

Tôi trả lời: “Vấn đề rắc rối là ở chỗ đó.”

 

Thời thế thay đổi, chúng tôi chia tay nhau không một lời từ biệt. Tôi trở về Sàigòn và Thành ở lại Mộc Hóa. Khoảng vài năm sau, một hôm mới ra khỏi nhà để đi dạy, tôi bỗng nghe có tiếng gọi ở sau lưng: “Thầy Trang”. Tôi giật mình quay lại và ngỡ ngàng thấy một chàng thanh niên oai vệ. Đó là Thành. Lần đầu tiên tôi thấy Thành mặc quần áo tươm tất và chân đi giầy, nhưng nó lại là bộ quân phục. Bấy giờ khoảng năm 1974, chiến trận lên tới mức cao điểm. Thành nói, “Em đang dưỡng thương và ở tạm trong khách sạn này.” Thành chỉ cho tôi ngôi khách sạn đối diện với nhà tôi. Tôi chỉ nhà của tôi cho Thành biết và hẹn sẽ gặp nhau sau. Bây giờ tôi có lớp dạy, bắt buộc phải đi kẻo trễ. Thành nói “Em cũng sắp sửa phải đi.” Rồi chúng tôi chia tay nhau rất hùng như hai tay giang hồ trong truyện cổ, và cũng rất cool như trong ciné.

 

Nhưng, cho mãi đến bây giờ Thành vẫn chưa gặp lại tôi.

 

Thành quí mến, chúng ta lại chia tay mà không lời từ giã, nhưng đã từ lâu chúng ta vốn rất ít nói với nhau những lời ướt át. Thành ơi, không phải nỗi vô vọng trong tư tưởng triết hiện sinh là đúng đâu. Cái đúng nhất là lịch sử của đời em và của tôi. Dù nó cằn cỗi và tầm thường thế nào, chúng ta cũng đã viết bằng nước mắt và bằng những giọt máu của tuổi trẻ. Giá trị của sự sống không thể đánh giá bằng cái vỏ công danh. Sự sống rất đáng quí, quí từng giây từng phút. Chúng ta có thể khoác vai nhau một lần nữa không, để diều chỉnh lại những điều thiếu sót. Chúng ta sẽ ngắm ánh bình minh của một ngày đầy hy vọng dành cho những người biết ca tụng ánh sáng.

 

Đỗ Ngọc Trang

(Elk Grove, California, USA. 29-3-2010)

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage