Ngày mẹ ra đi
Buổi
sáng thứ bảy trời se lạnh vì đã vào đông. Cả nhà cùng đi lễ vì là lễ
giỗ chị Chiêu để cầu nguỵên cho chị. Mấy ngày nay tôi đang bị cảm
nên khi về lễ tôi vào giường đắp mền và ngủ một giấc dài.
Tới bữa ăn Huệ gọi dậy ăn cơm.
Tôi tung mền ra thì thấy mẹ cũng đang đắp mền nằm giường bên cạnh.
Thấy tôi ngạc nhiên nên Huệ nói ngay:
- Mẹ không được khỏe, anh xuống
ăn cơm, thầy đã ăn rồi.
Tôi miễn cưỡng xuống bàn ăn, bữa
cơm buồn quá chỉ có tôi, Huệ và ba đứa cháu nhỏ Thanh, Sơn và Đông.
Ăn xong tôi lại lên giường nằm ngủ.
Buổi chiều tôi cố gắng đi học để
làm bài kiểm tra môn Toán nhưng khi về đến nhà tôi thấy Huệ chạy ra
nói giọng không được bình thường:
- Hồi trưa đang ăn cơm mẹ làm rớt
chén và chiều bị té hai lần.
Tôi bàng hoàng lo sợ nhưng chợt
thấy thầy dẫn ông y tá gần nhà sang coi bệnh cho mẹ nên tôi thấy yên
tâm.
Vào nhà thấy mẹ đang nằm trên
giường. Ông y tá xem mạch xong cho biết mẹ bị bán thân bất toại vì
bị đứt mạch máu, hy vọng chạy điện thì khỏi. Cả nhà nghe vậy mừng
quá đứng quanh mẹ. Mẹ nhờ đấm bóp và sai lặt vặt. Mẹ nói lẩm bẩm với
mấy đứa cháu nhưng chúng chẳng hiểu gì cả.
Tôi và cả ba đứa cháu xuống bếp
ăn cơm tối. Huệ đi gọi ông Tứ vào. Ăn cơm xong lên nhà tôi thấy ông
Tứ đang ẵm mẹ trên tay. Ông hỏi liên miên nhưng mẹ chỉ trả lời ú ớ.
Hàng xóm qua thăm đông lắm. Thấy
bệnh mẹ có vẻ trầm trọng anh Bẩm đi mời Cha xứ vào để xức dầu. Khi
đang xức dầu thì bất thần nghe một tiếng nổ chát chúa cách nhà không
xa. Cha xứ sợ quá chạy vào hầm trú. Sự nhút nhát của Cha làm vài
người suýt phải cười. Sau đó tôi được biết tiếng nổ đó là của trái
lựu đạn do vài người lính say rượu gây lộn ném ra làm 4 người bị
thương.
Lát sau có một thầy lang đến chữa
nhưng bệnh mẹ vẫn không thuyên giảm. Sau có anh quân y ở gần nhà vào
thăm và anh đề nghị đưa mẹ vào bệnh viện ngay vì trong đó hiện có đủ
các bác sỹ, y sỹ đang xem bệnh cho các bệnh nhân bị thương bởi trái
lựu đạn nổ vừa rồi.
Anh Bẩm mượn xe cha sở chở mẹ đi.
Đi theo mẹ có bà Quản Trang, ông Tứ, Huệ, Gương và Bé Hai, tôi định
đi nhưng thầy bảo ở nhà vì đang bệnh.
Thầy ra đàng trước bàn chuyện với
mấy người hàng xóm và dặn dò đôi điều rồi sau đó anh Lới cũng chở
thầy vào bệnh viện. Tôi đọc kinh cầu nguyện cho mẹ tôi qua khỏi, tôi
hứa rất nhiều nếu mẹ tôi qua khỏi. Thầy trở về nhà vào giữa đêm.
Gần một giờ đêm anh Bẩm về cho
biết bác sĩ đã xem bệnh mẹ và chích thuốc hồi sinh. Ở nhà chỉ có
thầy và tôi giữa đêm khuya, tôi thấy vắng vẻ lạnh lẽo quá.
Thầy bảo tôi đi ngủ nhưng tôi chỉ
nằm mà không ngủ được. Tôi nghĩ ngợi liên miên đến tình huống xấu
nhất: nếu mẹ chết. Nhưng không, mẹ không thể chết được. Chẳng lẽ bao
nhiêu mộng ước của tôi tan theo mây khói sao? Nào là lễ Giáng Sinh
sắp tới tôi sẽ tổ chức lớn, làm hang đá thật đẹp và đi rước ở nhà
thờ nữa. Nào là tết năm nay sẽ vui vẻ ăn lớn vì có đủ các anh chị
như đã hẹn, nhất là anh Vinh vì từ nhỏ đến giờ tôi chưa thấy anh ăn
tết với gia đình lần nào. Nào là năm nay tôi cố gắng học để đứng
nhất, sẽ ôm phần thưởng về cho mẹ thích và rồi nếu mẹ mất thì gia
đình sẽ ra sao ? Tôi không dám nghĩ tiếp và thiếp đi trong giấc ngủ
chập chờn, lúc đó có lẽ khoảng 3 giờ đêm.
5g sáng bà Quản Trang về cho biết
bác sỹ bảo mẹ bị đứt mạch máu, tay chân lạnh lẽo không cử động
được. Tôi lo sợ quá vì nếu như thế thì mẹ khó qua được. Thầy cũng
rất lo lắng nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Tôi lại năn nỉ cầu xin
Đức Mẹ cho mẹ đươc khỏi. Tôi tin Đức Mẹ lắm vì đã bao lần tôi xin
điều gì đều được cả và lần này tôi vẫn tin tưởng và hy vọng.
Chắc thầy đoán được mẹ không qua
khỏi nên ngay sáng sớm thầy đã nhờ bà Quản Trang đi báo tin cho anh
Môn đang học ở Mỹ Tho, anh Vinh đang đang dạy học ở Biên Hòa và chị
Hải ở Phú Bình. Bà đã đi chuyến xe đầu tiên mặc dù bà rất muốn ở bên
mẹ trong lúc này. Ông Mậu nhờ người gọi điện thoại cho anh Hải biết
tin. Anh Hải lúc này đang... đóng ở trại Bà Bèo thuộc
tỉnh Mỹ Tho. Bà Mậu sang thu xếp nhà cửa, thầy và tôi không đi lễ
mặc dù là ngày Chúa nhật. Một lúc sau Huệ về nói :
- Bác sỹ không cho nói nhưng cô y
tá dặn riêng: mẹ không qua khỏi được đâu, vậy nếu có thân nhân thì
đi báo cho họ biết.
Tôi thất vọng quá ra nhà thờ
khấn. Gặp thằng bạn tôi kể chuyện cho nó nghe. Nghe xong nó bảo đứt
mạch máu thì nguy lắm chắc không chữa được. Nó có nghe nói trước đây
cũng có người bị đứt mạch máu, bác sỹ đã chữa được bằng cách lấy ống
cao su nối lại nhưng cũng chỉ được một thời gian thôi. Tôi lại hy
vọng mặc dù sự hy vọng như chỉ mành treo chuông.
Mười một giờ tôi ra bệnh viện.
Vào phòng thấy mẹ nằm ngửa bất động trên giường, tay chân duỗi
thẳng, hai mắt nhắm nghiền, vài con ruồi cứ vô tình bu quanh, chai
nước biển thong thả chảy từng giọt. Nhiều người nhìn tôi với đôi mắt
thương hại nhưng tôi không quan tâm đến. Tôi thương mẹ quá! Giờ này
mà chỉ có tôi và Huệ ở bên cạnh. Tôi ước ao anh Hải có mặt giờ này vì
tôi nghĩ chỉ có anh Hải mới có thể về bằng máy bay sớm được, còn anh
Môn thì phải đến chiều, anh Vinh phải ngày mai.
Tôi và Huệ ngồi bên cạnh để canh
chừng, Huệ thỉnh thoảng đút nước cam vào miệng mẹ cho khỏi khô cổ.
Mấy người thăm mẹ bảo tôi về ăn cơm kẻo đói vì từ sáng đến giờ chưa
ăn gì nhưng tôi không nghe.
Sau đó mẹ ói ra một thứ nước đen
đục, máu đen rỉ ra ở chỗ mũi kim truyền nước biển, chai nước biển
ngừng chảy, mẹ tắt thở. Bấy giờ là 13 giờ 30 ngày Chúa nhật 14 tháng
12 năm 1969 nhằm ngày 06 tháng 11 âm lịch.
Huệ khóc ầm lên , vài người cảm
động khóc theo. Bà Tứ lên phòng trực gọi y tá xuống. Riêng tôi không
khóc, chính tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó tôi không khóc hay là
khi đúng trước một việc quá bất ngờ, một sự đau khổ tột cùng con
người trở thành bất động, đầu óc tôi bấy giờ trống rỗng .
Y tá đến giường mẹ tôi ghi nhận,
họ bỏ mẹ lên băng ca rồi khiêng lên xe hồng thập tự. Tôi lên ngồi
băng ghế trước. Tôi hơi bực mình về mấy cô y tá cứ đùa giỡn với
nhau. Họ xem cái chết như là chuyện thường tình. Huệ chạy xe Honda
về trước báo tin cho thầy .
Tới trước cổng nhà xe dừng lại,
hàng xóm bu quanh ở sân. Vài người đang lăng xăng dựng rạp. Họ
khiêng mẹ đặt vào giường cá nhân, tắm rửa thay quần áo cho mẹ và cột
chân tay lại, phủ trên mình tấm drap trắng tinh, tôi lấy bút ghi chữ
MARIA lên mảnh giấy cài lên ngực mẹ để những ai vào viếng biết tên
Thánh của mẹ.
15g30 anh Môn xuống xe, vừa bước
vào cổng thầy tôi đã tu lên khóc :
- Mẹ chết rồi con ơi !
Anh Môn đến bên mẹ khóc lóc thảm
thiết làm cho thầy, tôi và Huệ lai khóc theo. Tôi biết anh buồn lắm
vì không được ở bên cạnh mẹ trong giờ hấp hối. Anh Môn kể lại hình
như có sự huyền bí, linh thiêng nào đó vì khi bà Quản Trang đi báo
tin cho anh ở Mỹ Tho thì bà cũng không biết rõ nhà, bà vào trong xóm
vừa đi vừa gọi: Cậu Môn ơi, cậu Môn ơi. Anh Môn đang ở trong quán
coi mấy người chơi bida nghe thấy và chạy ra, anh nói mọi khi thì ăn
cơm xong anh chỉ ở nhà nghỉ, nhưng trưa hôm nay trong người bần thần
khó chịu anh mới ra quán bida, nếu không thì chưa chắc đã biết tin
mẹ mất!
Ngoài sân chiếc rạp đã hoàn
thành. Ông Tứ vào nhà thờ mượn cờ tang. Anh Môn đi mua áo quan và
vải về may áo tang. Anh Thu - Trưởng khối CTCT - cho người đến
vẽ linh cữu mẹ. Ông Tứ đứng ra phụ trách việc mua bán thức ăn. Ông
bà Mậu làm tiệc còn cô Ánh Linh nhận may quần áo tang.
Buổi chiều sau khi mãn giờ chầu.
Đoàn Thanh Thiếu niên Thiện Chí và đoàn Thiếu nhi Thánh thể vào đọc
kinh, đặt vòng hoa. Ban huynh trưởng ở lại chia buồn và hỏi thăm.
Rất nhiều người đến thăm, chia buồn với thầy và đọc kinh cho mẹ, vài
người ở lại đến khuya mới về. Anh Môn và tôi thức với mẹ đến gần
sáng.
Sáng ra chúng tôi đã có đồ tang
để mặc. Chúng tôi còn bỡ ngỡ lắm vì chưa phải mặc áo tang lần nào.
Thầy bảo tôi ra ngồi ở bàn để ghi sổ những người phúng điếu.
Buổi trưa đang nằm nghỉ bên trong
thì nghe tiếng Sơn reo:
- Bà Lang Phác xuống.
Cô Lang vào nhà và khóc ầm lên:
Chị ơi! Sao chị ra đi sớm vậy? Chị đi để anh ở lại một mình rồi ai
nuôi mấy cháu?
Thầy đang nằm ở trong buồng, thấy
khóc lóc ồn ào chống ba toong ra chỉ vào cô Lang:
- Cô im đi ngay, cấm không được
khóc nữa, không khiến cô nuôi các con tôi.
Tôi chạy ra thì thấy cô Lang và
chị Báu. Lạ quá! Sao giờ này không thấy anh Vinh, anh Hải xuống mà
lại có cô Lang? Làm sao cô biết mà xuống nhanh vậy? Nhưng sau cô bảo
là anh Hải đã cho tin và cô quá giang xe jeep ông quận
trưởng Nguyễn Ngọc Mẫn xuống trước và anh chị Hải còn đi sau.
Một lúc có chiếc xe đò dừng trước
cổng và tôi chạy ra. Anh Hải khóc luôn khi vừa xuống xe. Có lẽ anh
đang đau khổ trước tin mẹ mất. Tuy cố gắng bình tĩnh nhưng khi xuống
xe thấy tôi mặc áo tang trông thảm thương nên không nhịn được. Anh
chị Hải cùng các cháu và cậu Luận vào. Anh kéo khăn che mặt mẹ ra để
những người mới xuống xem mặt.
Anh Hải đã kể lại khi nhận được
tin mẹ mất trong máy điện thoại, anh quá bất ngờ, mất hẳn bình tĩnh
và quát ầm lên với cấp trên về chuyện phải cho anh phương tiện về
ngay. Vào thời điểm đó, vùng Bà Bèo, nơi anh đóng rất mất an
ninh, phương tiện ra khỏi trại duy nhất là máy bay trực thăng. Anh
đã cố gắng tìm mọi cách về ngay gặp mẹ nhưng không có máy bay. Mãi
đến chiều mới có chuyến bay về tới Mỹ Tho lúc 7g tối, vì trời đã tối
không còn xe đò về Sàigòn, anh phải thuê chiếc xe Honda ôm đi. Màn
đêm phủ xuống, đường xá vắng vẻ, không còn xe cộ và người qua lại,
đi như thế quả thật nguy hiểm, liều lĩnh nhưng anh vì mẹ, tất cả vì
mẹ. Anh đã cố gắng vượt mọi trở ngại và về đến Sài Gòn lúc 9g đêm.
Ngay đêm đó anh đã cho tin những thân nhân ở Sài Gòn biết tin mẹ
mất. Anh nói vì đi trong đêm khuya nên cũng đã thủ sẵn trái lựu đạn
trong người phòng khi gặp cướp ... chặn đường là anh liều mình.
Mọi người lại tiếp tục đọc kinh.
Đang đọc thì anh Vinh vào. Chào mọi người xong anh gục bên quan tài
mẹ. Anh Vinh bảo chiều hôm trước có nghe tin mẹ mất nhưng không có
gì đích xác nên anh không về và sáng nay anh Hải cho tin anh vội về
ngay, may mà còn kịp gặp mẹ nếu không anh sẽ ân hận!
Tối nay khách đến thăm và phúng
biếu đông lắm. Đã có đủ mặt các con, có họ nội, họ ngoại chỉ còn
thiếu gia đình anh chị Kiệm vì ở xa chưa về kịp. Thầy quyết định
ngày hôm sau chôn cất mẹ.
9g tối lễ nhập quan, lúc đó chúng
tôi khóc nhiều lắm vì chẳng bao giờ còn được trông thấy mặt mẹ nữa.
6 giờ sáng anh Thu lái xe GMC đến
chở linh cữu mẹ ra nhà thờ để làm phép xác. Lễ xong theo linh cữu mẹ
ra ngoài tôi thấy năm chiếc xe GMC đã đậu sẵn.
Mấy anh em tôi lên xe có chở linh
cữu mẹ. Đoàn xe từ Thánh đường ra đi vòng quanh dinh Tỉnh trưởng
theo đường Đốc Binh Kiều rồi ra sân bay trực chỉ hướng nghĩa địa.
Khi lễ an táng xong, chúng tôi ở
lại đắp đất, cài Thánh giá và đặt vòng hoa lên ngôi mộ mẹ. Anh Thu
thay mặt gia đình cám ơn và mời mọi người về nhà dùng bữa cơm thân
mật. Xong xuôi tất cả ra về.
Bữa cơm trưa rất đông và vui vẻ
vì có cha Nguyễn Thái Sanh, tuyên úy Kiến Tường. Ăn xong
thì bác Quản Thuyên gái và Thuyết, Hài xuống và mãi đến tối thì anh
chị Kiệm và Chinh mới tới. Anh chị Kiệm tiếc rằng không được trông
thấy mặt mẹ lần cuối nhưng vì hoàn cảnh ở xa phải chấp nhận.
Hôm sau họ hàng ra về, các anh
chị ở lại vài ngày và khi xây cất mộ mẹ xong rồi cũng ra về cả, chỉ
còn lại chị Hải và các cháu ở lại.
Bấy giờ tôi thấy thiếu mẹ. Trong
nhà vắng vẻ quá, tôi đã khóc rất nhiều mặc dù đã được các anh chị
khuyên nhủ. Tôi nghĩ rằng mẹ mất tôi là người thiệt thòi nhất vì tôi
yếu đuối cần có sự chăm sóc của mẹ. Mẹ thương tôi lắm, tôi biết điều
đó. Tôi là đứa trẻ bị tàn tật, yếu đuối ngay từ nhỏ. Làm sao
tôi có thể quên được những lúc mẹ tôi tất tả tìm thầy, tìm thuốc
chữa trị cho tôi khi có ai mách bảo. Mẹ mất đi còn ai săn sóc an ủi
tôi. Không ai có thể thay thế mẹ tôi được. Nhưng rồi tôi cũng nhận
thấy nghĩ như thế là ích kỷ. Chính thầy đã sống với mẹ bao nhiêu năm
trời, giờ đây một người ra đi một người ở lại làm sao không buồn
được. Rồi đây ai sẽ săn sóc cho thầy khi chỉ còn có tôi và Huệ bên
cạnh nhưng còn nhỏ dại. Lại còn Huệ nữa, là thân gái rất cần có sự
hướng dẫn và bảo bọc của mẹ tôi trên đường đời, tôi thương Huệ lắm.
Nhưng nỗi buồn nào rồi cũng phai
dần và tôi cố quên đi để tiếp tục con đường học vấn.
Kiến Tường ngày 30-12-1969
PHẠM NGỌC KHUÊ
(Ngọc Lâm)

Gia đình bạn Phạm Ngọc Khuê trước
mộ phần của mẹ bạn trong ngày an táng bà.
Trong ảnh có:
- Phạm Doanh Môn (thứ nhất từ
trái qua). Lúc đó đang học Đệ Nhất B2 ở trường Trung học Nguyễn Đình
Chiểu (Mỹ Tho).
- Phạm Ngọc Khuê (thứ ba, từ trái
qua). Lúc đó đang học Đệ Tam B THKT.
- Thân phụ của bạn Khuê mặc áo
dài đen.
- Phạm Thị Huệ (mặc áo dài
trắng). Lúc đó học Đệ Ngũ A1 THKT.
- Còn lại là anh chị em và cháu.
C (Ảnh do thầy Phạm
Dzoanh Môn cung cấp và chú thích ngày 20-4-2010)
|