họp mặt thầy trò thkt

 

 

 

 

 

 

Nhớ tháng sáu…

(Tạp văn ghi trong dịp dự họp mặt)

1.

          “Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt...” là câu thơ cũ của Nguyên Sa. Bây giờ, thời tiết đổi mới rồi, nên tháng sáu này, trời nắng gắt, khô khốc. Buổi sáng, cái thị trấn Mộc Hóa vốn nhỏ bé, yên tĩnh như mọi ngày. Hôm nay, xe cộ nhiều, rộn ràng như có lễ hội. Tôi đâu ngờ, từ nhiều ngày trước, người ta đã chuẩn bị cho cuộc họp mặt “Về thăm trường xưa” của thầy cô và học trò sau nhiều năm xa cách. Họ trông chờ và đong đếm từng ngày. Không có phỏng vấn, không xài cầu truyền hình trực tiếp, ở đó, khán giả và diễn viên sẽ hòa làm một, cùng diễn xuất chung một kịch bản, chung một sân khấu của ngôi trường xưa mang tên “Trung học Kiến Tường”.

          Tôi lớn lên, đã được học tại ngôi trường này. Trường có khi nào, ai thắc mắc làm chi. Đến bây giờ cũng không biết ngôi trường có tự hồi nào. Người bồi hồi nhớ lại: khoảng năm 1957, 1958 gì đó … Không nhớ rõ, nhưng biết chính xác vùng đất này khi ấy còn quê mùa lắm. Lúc đó, xe cộ ít hơn ghe xuồng, nằm trong vùng lũ, nên muốn vào được đây, phải đi bằng ghe xuồng. Ngược lại bây giờ, xuồng càng ít đi, nhất là chiếc xuồng ba lá đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười “Xuồng là nhà, là tổ ấm của đôi vợ chồng…” như bài hát Chiếc xuồng quê hương của nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết khi về thăm lại chiến khu xưa ở Mộc Hóa. Càng ít, nên khi nào nhớ chiếc xuồng ba lá, phải đi về những khu du lịch sinh thái mới ngó thấy. Tưởng đùa như có thật: một ông người Tây về Việt Nam mua chiếc xuồng, chở về bên ấy cho vợ nhìn đỡ nhớ quê hương…!

          Ông sếp tôi nói: Lúc mới, trường chỉ có 3 lớp đệ thất thôi… Tôi nhẩm khoảng 100 học trò là hết. Cả một vùng trũng Đồng Tháp Mười mênh mông như thế, khó khăn như thế. Học sinh đến trường đã là vốn quý. Thầy cô từ nhiều nơi khác về đây còn quý giá cỡ nào… Quý lắm… đến nỗi nhiều gia đình có con gái đẹp ngoan là sẵn dành gả cho thầy giáo!

          “Mộc Hóa là xứ quê mùa. Bà thăm cháu ngoại cho vùa cà na”. Tôi nhắc lại để bạn nhớ câu ca dao này và cùng tự hỏi: Có bao nhiêu thế hệ học trò đã lớn lên từ ngôi trường này, trong suốt chiều dài thời gian như thế, có còn lưu dấu trong tim mình những hình ảnh, kỷ niệm vui buồn nào không? Và mấy ai đã có dịp về thăm trường cũ, để nhìn thấy những đổi thay của ngôi trường hôm nay khang trang, tầm vóc  hơn… Mừng vui cho đàn em nhỏ đến trường, càng được nâng niu và chăm sóc nhiều hơn.

          Vui mừng cũng có nghĩa là bạn ta che giấu đi nỗi buồn, nỗi ngậm ngùi cho những vòm cây me tây không còn rơi lá sân trường, không còn những trái cà na, trâm gối, trâm sẻ, ô môi... vào lớp theo ta như ngày xưa. Không giống như bây giờ, học trò đến trường mang theo… “phô mai con bò cười” (!)

          Xa rời thật rồi những hình ảnh kỷ niệm dấu yêu của một thời… Vậy thôi, càng xa, càng nhớ lắm lắm!

 2.

          Người ta không muốn quên, nên cứ nhớ, nỗi nhớ đâu chịu rút lui. Trái đất hút người ta xuống, nhưng nỗi nhớ, kỷ niệm lại nâng người ta lên. Trong ngày hội ngộ, tôi thấy họ cứ bồng bềnh như sóng... lãng đãng như sương... tưng tửng như người say rượu... giữa cái không thể và có thể, giữa thực và mộng, giữa nỗi buồn xa cách và niềm hạnh phúc hội ngộ đầu tiên trong đời. Có ai đó rên lên “như trong mơ”... Họ vừa diễn xuất, vừa phân vai theo những nụ cười, những giọt nước mắt, những danh xưng “mày, tao, mi, tớ...”, những câu chuyện buồn vui lạ hoắc, lạ hươ từ thuở nào... bây giờ mới kể.

          Ông Phan Khôi viết bài thơ Tình già có đoạn: “Hai mươi bốn năm sau, Tình cờ đất khách gặp nhau, Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được! Ôn chuyện cũ mà thôi, Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi.” Ông tài tình thật! Đoán biết hết cả rồi!   

          Còn ta sao thấy bụng chộn rộn! Nỗi niềm đã chôn kín tự đáy lòng, ngủ rồi, giờ lại thức tỉnh. Thức tỉnh cũng có nghĩa là một tâm hồn về với một tâm hồn: tóc bạc rồi mới hỏi mày có yêu tao không (!)     

          Có một thứ gì lạ lắm: lâng lâng ở trong đầu, hồi hộp ở trong tim... khiến cho cái đầu u u, mê mê bóng đá của tôi sáng tỏ ra một thế trận. Tối nay, phải lên xóm trên và nhất quyết “thắng hoài không thua” (thkt)! Hãy đợi đấy!...

3.

          Nhà văn Nam bộ Sơn Nam đã nói: “Bản sắc canh chua, nước mắm, cá kho... thì có bao giờ phai... Nhưng quan trọng là phải giúp tuổi trẻ hiểu và yêu bàn sắc dân tộc mình. Tôi có mấy ông bạn ở Tây, ở Tàu rốt cuộc rồi cũng về Việt Nam sống cho bằng được đó thôi.”

          Tôi thầm cảm ơn ông... và nghĩ đến sức mạnh của mùi nước mắm. Chợt nhớ đến mùi nước mắm cá linh quê mình... Bây giờ, nước mắm cá linh cũng hiếm, thành đặc sản, nên người ta bán luôn cả nước mắm giả, pha hóa chất nhiều. Nhớ phân biệt kẻo lầm, nghe bạn!

          Ở đời mà! Giả thật lẫn lộn, lòng tử tế rất khó tìm…

 

NGUYỄN HIỀN HẠNH

(Mộc Hóa 26-6-2010)

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage