họp mặt thầy trò thkt

 

 

 

 

 

 

Những hạt minh châu hôm nay từ ngày ấy…

 

Lời nói đầu: truyện khôi hài là truyện được đặt ra ngoài khuôn khổ bình thường khiến người đọc tức cười. Mục đích của nó là dẫn người đọc tiếp cận cùng một lúc với niềm vui và nỗi buồn. Vui thì cười, buồn thì khóc, nên khôi hài làm cho người trong cuộc cười rơi nước mắt. Vì không được dự buổi họp mặt Thầy Trò THKT Về thăm trường xưa, nên tôi phải mượn một câu chuyện khôi hài để biểu lộ tình cảm. Nói theo ngôn ngữ thời đại công nghệ, tôi tự dựng cho mình một cuộc họp mặt “ảo” nhưng dựa trên những cơ sở dữ liệu thật.

 

         Một sáng sớm mùa Hạ, bên Động Đình Hồ, Đồ Nho họ Đỗ đang ngồi rang ngô, chợt có tiếng chân đạp trên lá. Đỗ không ngẩng đầu khẽ hỏi, “Kiến gu-gồ-sợc đó ư!” Có tiếng đáp, “Dạ, (cười cầu tài) tại hạ đã lên chức Kiến in-tờ-pôn, nay lại có chân trong ban tổ chức đại hội Tình Già Vào Hạ. Xin mời lão sư đi làm phóng sự.” Đỗ quẳng đũa toan đi, nhưng Kiến in-tờ-pôn ngăn lại. Kiến nói, “Lão sư nên hóa trang thành người lạ để dễ len lỏi mà ghi chép những chuyện bên lề. Đại hội kỳ này có nhiều quan chức lắm, bài tường thuật chính thức sẽ do ban tổ chức viết sau.” Đỗ nghe lời bèn bôi bùn lên mặt hóa trang thành ông già bán đậu phộng húng lìu.

 

Từ phải qua: cô Lê Thị Hồng Châu, cô Hoàng Thị Cẩm Thạch, thầy Nguyễn Trọng Hòa.

 

         Tới điểm hẹn, trời chớm sáng. Mọi người vừa ngáp, vừa lên xe. Đỗ rụt rè ngồi vào hàng ghế cuối, cẩn thận nhét cái thùng đậu phộng húng lìu xuống dưới gầm ghế. Trước mặt Đỗ có hai lão trượng. Một lão xúc động nói, “Phê quá, ta lên cõi tiên rồi. Coi kìa, người ta đi dưới kia lí nhí như kiến bò tường. Ha ha.” Lão bên cạnh lay vai bạn, “Cha nội, kiến thật đấy, xe chưa chạy mà.” Ngay lúc xe chạy thì có một bà tay ôm bọc quần áo đuổi theo. Bà nhảy tót vào lòng xe hổn hển nói, “Ui cha mẹ ôi, tui trang điểm từ nửa đêm tới giờ mới tạm xong bộ tóc. Xiêm y chưa kịp đổi. Ở đây có phòng thay quần áo không?”

 

Từ trái qua: bạn Nguyễn Thanh Khiết, bạn Trần Minh Hiền (Trung học Kiến Bình), bạn Khoa, bạn Hùng (thuốc tây Tuyết Hùng). Ngồi hàng trên: Bác sĩ Võ Xuân Huy, con trai thầy Võ Xuân Sơn.

 

         Đường còn xa, Đỗ định bụng ngủ một giấc. Bỗng ông ngồi bên ghé tai nói thầm, “Bác có biết cái cậu đẹp trai ngồi ở đầu kia là ai không? Báaac sĩii đấâây. Bây giờ tiền khám bệnh vọt quá cỡ, ta nhân dịp này khám bệnh miễn phí bác ạ.” Nói xong ông bước tới chào bác sĩ rồi rầu rĩ kể bệnh, “Dạo này tôi đau đớn quá.” Bác sĩ hỏi, “Anh chỉ cho em biết anh đau ở đâu?” Ông áo xanh lấy ngón tay ấn vào chỗ nào trong người cũng thấy đau, ông nói, “Tôi đau toàn diện.” Bác sĩ cầm tay ông lên xem rồi nói, “Anh có đau gì đâu, chỉ có đầu ngón tay của anh bị sưng.” Hỏi ra thì anh chàng thầy thuốc Tây tướng ta to cao đẹp trai này là một “sư tử”, quý tử của một lão sư THKT nay lui về tệ xá ở “cái bình đầy kiến” mà bốc hốt thuốc nam “cứu nhân độ… nhật”! Cũng nghe giang hồ đồn rằng, do các thành viên phó hội tuổi đã nhiều, tim đã mỏi, sợ họ ba bốn chục niên mới gặp lại nhau quá xúc động mà sút cả nhịp tim, ban tổ chức đã yêu cầu bác sĩ tập trung mang theo các loại thuốc trợ tim.

 

         Có tiếng ở đầu dãy ghế phía trên la lên, “Thưa quí vị, tui xin hát bài ‘Ở hai đầu dây thừng’ để giúp vui đường xa”. Một giọng ca mùi mẫn rên lên khiến Đỗ chìm vào giấc ngủ không biết gì nữa.

 

Khuôn viên của trường Trung học Công lập Kiến Tường và Trung học Bán công Kiến Tường sáp nhập lại, hiện nay là trường THCS Thị trấn Mộc Hóa. Chiếc cổng trường hiện nay chính là vị trí của cổng trường Bán công ngày trước.

 

         Bỗng Đỗ choàng dậy vì tiếng còi xe chát chúa, tiếng nồi niêu chạm nhau xoang xoảng, và tiếng người gọi bạn inh ỏi. Đỗ thấy xe dừng trước một đại khải hoàn môn với tấm băng-đờ-rôn “Chào Mừng” đỏ thắm như màu trái tim. Cùng lúc ấy mấy chiếc xe đò đủ kiểu ở đâu ùn ùn chạy tới và đổ từng đoàn người xuống. Khiếp! người đông như kiến. Họ toàn là những vị cao niên. Đỗ đếm được tới 350 người. Đỗ bước vào cổng thì thấy hai hàng nữ nhân đứng cười duyên, răng trắng như ánh trăng. Đỗ xếp hàng đi vào và thấy người nào cũng được phát cho một miếng giấy nhỏ gọi là đuôi cá. Đuôi cá xanh cho học trò. Đuôi cá đỏ cho thầy cô. Đuôi cá vàng cho quan khách. Đỗ đứng sau một cặp vợ chồng. Ông chồng hấp tấp hỏi, “Bạn tiếp tân ơi, tôi nghe nói có ông thầy 40 năm lặn biệt tăm, nay mới về.” Cô tiếp tân cười, “40 năm mới về thì nhiều lắm, anh muốn nói thầy nào?” Ông chồng đỏ mặt ấp úng, ông quay qua bà vợ cầu cứu thì bà này đang tíu tít nói chuyện với các bạn cũ cách đó vài thước. Ông quay lại lúng túng hỏi, “Bạn tiếp tân ơi, làm ơn cho biết cái hoa gì nếu không có nó thì không lấy được vợ đó.” Cô tiếp tân ôn tồn đáp, “Phải hoa diêu bông không?” Ông chồng mừng rở trả lời, “Phải rồi, (ông quay qua bà vợ gọi to) em Diêu ơi, hôm qua mình nói ông thầy dạy Quốc văn hồi đó tên gì?” 

 

Cô Huỳnh Kim Thọ (phu nhân thầy Nguyễn Hữu Thành, cùng là giáo chức THKT),  thầy Võ Xuân Sơn và phu nhân.

 

         Đỗ  đi vào sân trường. Một thời dĩ vãng chợt choàng vào người. Đỗ ngẩn người đi tìm cây me tây cổ. Chỗ ấy ngày xưa biết có còn dấu vết cũ. Ôi, “nhân diện bất tri hà xứ khứ…” (người bây giờ ở đâu)  Đỗ thở dài rồi đi gặp lão sư Võ Xuân Sơn là vị chủ hội hôm nay. Đỗ vòng tay chào rồi hỏi, “Kính thưa chủ hội, vì cớ gì mà hội ta có 3 đuôi cá xanh đỏ vàng?” Võ lão sư giơ tay chào theo tượng hình âm dương rồi vừa bấm độn, vừa nói, “Tôn huynh biết  màu đỏ thuộc quẻ Ly, tượng hỏa, hướng Nam. Tổ tiên ta lúc trước cũng dùng hình quẻ Ly làm quốc kỳ. Dụng của Ly là luôn luôn hạnh phát, dũng mãnh, ở trời Nam. Còn màu xanh thuộc quẻ Chấn, tượng mộc, hướng Đông. Dụng của nó là đỗ đạt và hưng thịnh rạng danh ở phương Đông.” Như vậy thầy (màu đỏ) phát huy kiến thức. Trò (màu xanh) thu nhận kiến thức để đỗ đạt và hưng thịnh.” Đỗ gãi đầu khúm núm hỏi, “Nhưng theo sinh khắc của ngũ hành, chẳng phải mộc kỵ hỏa hay sao? Lửa gần gỗ thì…” Võ lão sư trợn mắt chận lời, “Tôn huynh quên là ta còn đuôi cá màu vàng ư. Màu vàng là thổ, tức trung ương. Trung ương là cái môi trường, à! lý hóa kêu bằng cái chất dung môi, là cái sinh khí trợ giúp bên ngoài nuôi sống vạn vật. Theo ngũ hành thì hóa chuyển sinh khí cho thổ, thổ mang sinh khí cho mộc. (Lão sư vung tay như đao chém xuống và miệng quát văng cả nước miếng). Như vậy là cái chu kỳ vẹn toàn, vì nâng đỡ nhau.” Thấy Đỗ há miệng trố mắt nhìn, Võ lão sư bốc một nắm đậu phộng húng lìu thảy vào miệng Đỗ rồi nói, “Tôn ông cứ nghĩ như vậy. Trái dưa hấu trong đỏ, ngoài xanh, mọc trên đất vàng. Đó là một hài hòa. Nếu thiếu một trong ba thì sao đặng.” Võ lão vừa dứt thì loa phóng thanh hú lên một tiếng ré chói tai. Đỗ thấy Kiến Đen khệnh khạng như kiến bò lên diễn đàn nói, “Lê-đi en den-tơ-mèn, trước khi nhập tiệc chúng tôi xin thông báo. Ban tìm đồ thất lạc cho biết có nhặt được hàm răng sứ của cụ nào bỏ quên sau hè, vậy xin tới nhận lại.” Đỗ giơ tay tính đập tay Võ lão sư từ biệt, chợt nhớ ra đó là lối chào của Mỹ đen, nên thụt tay lại rồi lỉnh mất.

 

Thầy Võ Xuân Sơn và thầy Lưu Văn Nhu (đội nón trắng) sánh bước ở vị trí trước đây là sân cỏ THKT.

.

         Đỗ thấy ở ngoài lều có một ông to lớn đang có vẻ đàn áp một ông nhỏ con, bèn lại gần xem. ông to con nói, “Bạn dưới tui hai lớp, bạn phải gọi tui bằng anh. Tui hỏi bạn, đang vui với anh em, sao bạn bỏ bàn đi đâu?” Ông nhỏ con đáp, “Dạ, anh thông cảm, bên trái em là hai anh Răng Hổ, bên phải em là hai anh Bách Phát. Ngồi giữa bốn ảnh, mỗi lần nghe tiếng gặm xương, sao em thấy ớn lạnh cái cần cổ quá. Thôi cho em ngồi chung với mấy bạn nữ đi.” Đỗ liếc mắt nhìn qua bàn ăn ấy, quả thấy nơi đó hùng khí ngất trời. Chợt thấy hai ông già, đứng ở dưới gốc cây me, tay cứ chỉ chỏ rồi cười khúc khích, Đỗ tới gấn lắng tai nghe. Một ông nói, “Chời nắng chang chang, chúng mình ở trong mát mà còn đổ mồ hôi. Còn cái anh chàng đeo kính nhốp kia vẫn cổ cồn cà-vạt trông cool wuá Chời.” Ông kia trả lời, “Mày muốn tao làm chả đổ mồ hôi hột không?” Người bạn đáp, “Muống chớ.” Ông kia nói, “Mày tới nói nhỏ với chả, ‘kia kìa, anh nhìn cho đã đi, con nai vàng ngơ ngác của anh hồi xưa đó’. Tao bảo đảm chả tuôn mồ hôi như tắm…sông…” Hai ông cười rúc rích nên Đỗ nghe không rõ câu cuối.

 

Từ phải qua: thầy Bùi Trung Tính, thầy Tiêu Ngọc Sơn, thầy Nguyễn Văn Trắc, thầy Lê Công Phúc.

 

Đỗ thấy một ông gật gừ cầm cây sáo vọng cổ đi ngang qua. Nhận ra đó là lão sư TT Saigon.  Đỗ hỏi, “Lão sư dạo này khỏe không?” Ông đáp, “Khỏe ru. Trước tôi có lớp dạy tư, nay hồi gia về quận tư, chả có gì làm không khỏe sao được.” Đỗ hỏi, “Thế bác vẫn còn làm thơ tình đấy chứ?” Ông sáng mắt lên nói, “Ta có ngàn đóa hoa thơ, nay bị phu nhân tống hết vào kho khóa chặt cửa, ông có biết chỗ nào cần không?” Đỗ thành thật trả lời, “Lúc tôi đến đây có đi ngang qua cái bảng chỉ đường thấy đề là ‘Cần Thơ’, tôi tin là ở đó người ta đang cần ghê lắm.” 

 

Thầy Đoàn Văn Nhiêu (thứ 5 từ trái qua) cùng một nhóm học trò..

 

         Đỗ tới bàn của ông trưởng thượng THKT họ Đoàn về từ “cái bến cỏ tranh”. Đỗ thấy ông này cứ lẩm bẩm, “Thành đạt vượt chỉ tiêu, danh thành công toại ngoài sức tưởng tượng, hạnh phúc trên cả tuyệt vời…” Cứ mỗi một câu tán thán, ông lại nhấp một ngụm nước. Đỗ nghĩ thầm, ông này với mình có hẹn ngày nào đó sẽ đua xe đạp với nhau. Nếu ông ấy thính thú hạnh phúc như vậy thì khi đua xe đạp, mình phải để cho ông ấy thắng mới được.

 

Thầy Cao Thành Phát (áo thun trắng).

 

         Đỗ cũng không quên đi tìm ông bạn Cao Thành Phát. Trong dạng hóa trang của Đỗ, Cao không nhận ra bạn xưa. Đỗ hỏi, “Tại sao ông luôn luôn có xâu chìa khóa móc ở cạp quần thế? Bộ sẵn sàng mở cái gì chăng?” Cao đáp, “Vợ mỏa bắt mỏa đeo như vậy để mỗi lần khóa đập leng keng là mỏa nhớ phải uống thuốc…”

 

         Cuối cùng Đỗ một mình đi vào một căn phòng ở cuối dãy nhà đối diện với văn phòng trường qua cái sân cỏ rộng. Đỗ nín hơi một chút rồi nói, “Xin chào THKT và chào căn phòng.” Đỗ trân trọng đặt xuống sàn gạch một hạt minh châu. Trong không gian của phòng, có tiếng thiên thần vỗ cánh và có tiếng hỏi, “Đỗ có nhớ cái gì đầu tiên khi Đỗ đến đây 40 năm về trước không?” Đỗ đáp,  “Có nhớ, đó là sự bình an của tâm hồn khi được đằm mình trong dòng nước trong xanh.” Đỗ nhìn qua cánh cửa sổ, có một khung trời nhỏ và một cành cây còn sót lại.

 

         Tới giờ tiệc tàn. Đỗ và mọi người ra về. Trên đường ra cổng trường, Đỗ thấy có rất nhiều hạt minh châu nằm rải rác trên đường đi. Móc cặp kiếng gọng nhựa đen nãy giờ giấu trong cạp quần ra, Đỗ thấy mỗi hạt minh châu đều có khắc tên của từng người một.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Elk Grove, 1-7-2010)

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage