thkt, làm giàu tri thức

 

 

 

 

 

 


 

Sao Kim “giỡn mặt” Mặt Trời

 

 

Ngày thứ Ba 5-6-2012 (ở nhiều nơi thuộc châu Á là vào sáng sớm 6-6-2012) loài người đã được chứng kiến một sự kiện thiên văn – vũ trụ lý thú hiếm có. Sao Kim (Venus) đã đi ngang qua Mặt trời với quỹ đạo ở giữa Trái đất và Mặt trời.

 

Vào thời khắc đó, từ Trái đất nhìn lên Mặt trời, người ta có thể thấy một chiếc đốm đen tròn nhỏ, đó là chiếc bóng của sao Kim in trên bề mặt Mặt trời. Nó giống như Mặt trời bị nổi… mụt ruồi.

 

Hiện tượng sao Kim đi ngang Mặt trời nhìn thấy từ Honolulu (bang Hawaii, Hoa Kỳ) ngày 5-6-2012.

 

Tùy vị trí địa lý và thời điểm xem trên Trái đất mà vị trí của chiếc bóng sao Kim khác nhau trên bề mặt Mặt trời. Thời gian xem được hiện tượng này cũng khác nhau, có thể suốt 6 tiếng đồng hồ.

 

Lộ trình của sao Kim theo tính toán của trường Đại học bang Montana – MSU (Hoa Kỳ).

 

Chỉ có những ai đang sống trên Trái đất năm nay hơn 130 tuổi mới có thể trải nghiệm hiện tượng này lần thứ 2 trong đời, nhưng lần này cũng chẳng thể thấy vì mắt mũi lèm nhèm rồi. Còn những người chứng kiến được hiện tượng này năm nay cũng sẽ chỉ có thể nhìn thấy được nó lần nữa ở… kiếp sau. Bởi lẽ, hiện tượng sao Kim ngao du ngang qua Mặt trời diễn ra mỗi lần cách nhau hơn 100 năm. Mỗi chuyến du hành này, sao Kim xuất hiện trước mắt người Trái đất 2 lần (the pair of transits), cách nhau 8 năm. Lần trước của chuyến này đã diễn ra ngày 8-6-2004.

 

Chuyến đi trước của sao Kim diễn ra hồi tháng 12-1874 và tháng 12-1882 (nghĩa là cách đây 130 năm). Chuyến tới dự kiến là ngày 10 và 11-12-2117 và tháng 12-2125.

 

Theo Cơ quan Hàng không Không gian Mỹ, cuộc hành trình đi ngang Mặt trời của sao Kim diễn ra theo chu kỳ 8 và 121,5 năm; và 8 và 105,5 năm. Kể từ khi loài người phát minh ra kính thiên văn tới nay, hiện tượng này đã diễn ra 8 lần (1631, 1639, 1761, 1769, 1874, 1882, 2004 và 2012).

 

Vậy là phải đợi 105 năm nữa, người Trái đất mới có thể tái ngộ sao Kim trong chuyến “giỡn mặt” Mặt trời lần tới. Ta có nên hẹn nhau lần tới cùng xem không? Có lẽ vấn đề là… cùng xem ở đâu?

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 12-6-2012)

 

Học sinh ở Gwacheon (Hàn Quốc) đang xem hiện tượng sao Kim đi ngang qua Mặt trời ngày 6-6-2012.

 

Các bạn trẻ Philippines xem hiện tượng sao Kim đi qua Mặt trời ngày 6-6-2012. Cậu bé đứng giữa xem bằng một mặt nạ của thợ hàn.

 

Phụ nữ Arập tại Amman (Jordan) đang xem hiện tượng kỳ thú này.

 

Tại Hyderabad (Ấn Độ).

 

Tại College Park (bang Maryland, Hoa Kỳ)

 

Cảnh mặt trời lặn trên Thái Bình Dương nhìn từ Encinitas (California, Hoa Kỳ) ngày 5-6-2012. Sao Kim là một bòng đen nhỏ bên mép phải mặt trời.

 

Quỹ đạo của sao Kim khi nằm giữa Mặt trời và Trái đất.

 

Xin click lên ảnh để mở ảnh nguyên cỡ.

 

 
 

Video clip với những hình ảnh do các vệ tinh của NASA ghi được cảnh sao Kim đi ngang qua Mặt trời ngày 5-6-2012.

 

 
 

 

 
 

Venus Transit: A Planet's Day in the Sun

 
 

 

 
 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage