Thư
kính thăm thầy Cao Thành Phát
Canberra 22-5-2010
Thưa thầy,
Tính từ ngày em rời trường THKT lên Mỹ
Tho học đến nay đã 41 năm, em mới được
biết tin tức về thầy qua trang web THKT!
Thầy Cao Thành Phát và phu nhân trong
buổi họp mặt thầy trò THKT Mùng 5 Tết
Canh Dân 2010 tại nhà thầy ở Gò Công.
Xin thầy tha lỗi cho em vì cho tới nay
em mới viết thư thăm thầy. Tuy vậy qua
em của em - Phạm Thi Huệ - cũng như qua
trang THKT, em được biết ít nhiều về
những sinh hoạt của thầy và điều quan
trọng: thầy vẫn còn mạnh khỏe để nói
chuyện với chúng em qua trang web này.
Em thiển nghĩ, cách đây chỉ vài tháng
thôi, mọi người đều không nghĩ là có
được ngày mà hầu hết thầy, cô học sinh
của THKT ngày xưa lại có cơ hội liên lạc
và gặp lại nhau thầy nhỉ! Chuyện này
thật đúng là: “NHƯ
MƠ” đó thầy ạ!
Còn nhớ cuối năm 1971, khi em được về
dạy ở THKT thì được biết thầy đã thuyên
chuyển về Gò Công, nơi quê của thầy và
kể từ đó em không được tin về thầy nữa.
Rồi thời gian sau đó, chắc thầy biết,
mọi người ai nấy đều phải lăn xả vào
cuộc mưu sinh trong bối cảnh chiến tranh
càng ngày càng khốc liệt nên đành phải
gác lại những mong muốn tìm gặp lại quý
thầy cô, bè bạn.
Thật may mắn khi vào đầu năm nay, một
nhóm các em học sinh những lớp sau em đã
làm được một chuyên đep như mơ: Sau
nhiều ngày liên lạc và chuẩn bị, tới
ngày mồng Năm Tết Canh Dần (2010)’ dưới
sự hướng dẫn của thầy Võ Xuân Sơn cùng 2
“cận vệ” Bách, Phước, Một số thầy cô và
cựu học sinh THKT đã có một ngày hôi ngộ
đầy cảm động! Đúng là “NHƯ MƠ”
thầy ạ!
Ngày xua, em được học Anh văn (sinh ngữ
2) với thầy lớp đệ Tam và đệ Nhị. Thầy
là một giáo sư tận tâm, khi giảng dạy đã
tạo cho lớp những ngẫu hứng hấp dẫn giúp
cho chúng em - những học sinh gốc Pháp
văn – thích thú với môn sinh ngữ mới
này.
Tính thầy giản dị nên rất dễ hòa đồng
với chúng em. Em nhớ có lần nhìn thấy
một cuốn bài soạn (hay cuốn sách) của
thầy trên đó ghi: “Người dạy: Cao
Thành Phát”. Em dè dặt hỏi sao thầy
không ghi: “Giáo sư: Cao Thành Phát”?
Thầy trả lời đại ý: danh từ giáo sư thực
ra không đúng với chức danh của một
người dạy các lớp trung học. “Giáo sư”
là một học vị, là một tước hiệu chỉ dùng
cho một số giáo sư đại học được chính
thức phong hàm giáo sư mà thôi! Thầy có
thể ghi: Cao Thành Phát, giáo sư trung
học thì tạm được nhưng nếu ghi “Giáo sư
Cao Thành Phát” thì không đúng! Em học
được nơi thầy đìều này và về sau đã
không dám lạm dụng danh từ giáo sư cho
nghề nghiệp của mình nữa. Qua đó thể
hiện sự giản dị, khiêm tốn của thầy. Em
nghĩ vậy.
Em nhớ trong những giờ học AV lớp đệ
Tam, để giúp các em luyện phát âm cho
chuẩn, thầy thường mang máy đĩa vào lớp
để mở cho chúng em nghe những bài đọc
Anh ngữ, thỉnh thoảng chúng em còn được
nghe vài bản nhạc hay bằng tiếng Anh
nữa. Thời đó, máy đĩa còn cồng kềnh và
nặng nề nhưng thầy vẫn cố mang vào ít
nhất là một tuần một lần.
Phần em và một vài bạn khác như THĐ,
BĐB... luôn luôn khổ sở với cách phát âm
của tiếng Anh. Thường chúng em hay “đọc
tiếng Anh theo giọng Pháp” và thầy
đã kiên nhẫn uốn giọng cho chúng em
nhiều lần. Thú thật với thầy, môn này em
rất kém và giờ đây nếu thầy còn nhớ được
em trong số rất nhiều học trò cũ của
thầy thì chắc là em là một trong số
những học sinh kém về môn này và có cách
“đọc tiếng Anh theo giọng Pháp”
thầy ạ! Em muốn nói riêng với thầy đìều
này: cho tới nay, sau khi em đã làm công
chức cho chính phủ Úc được gần mười năm
rồi mà em vẫn còn nói “ngọng” đó
thầy ạ (thầy nhớ đừng nói với ai chuyên
này nghe thầy!).
Và vẫn còn nhớ, mùa hè lớp đệ Nhị, khi
chúng em biết năm tới sẽ phải xa trường
THKT và có người lên Saigon, có người
lên Mỹ Tho .. học, chúng em đã chép cho
nhau hai câu thơ của thi sĩ Lord Byron
(em nhớ vậy) mà thầy đã dạy:
FARE thee well! and if for ever,
Still for ever, fare thee well!
Xin tạm dịch:
Xin chia tay, và nếu là mãi mãi.
Thêm một lần, xin mãi mãi chia tay!
Kể ra cũng “romantic” quá thầy ạ!
Vâng thưa thầy, kỷ niệm về thầy của
chúng em còn nhiều lắm nhưng em sẽ dành
để viết vào bài hồi ức về trường THKT
sắp tới.
Em xin phép được dừng bút. Kính chúc
thầy và quý quyến nhiều sức khỏe và vạn
sự tốt lành. Rất mong có ngày được gặp
lại thầy.
Học trò của thầy.
PHẠM DOANH MÔN
|