thkt - thư cho nhau

 

 

 

 

 

 

 


Thư kính thăm thầy Nguyễn Xuân Kỳ

 

Canberra 26-5-2010

 

Thưa thầy,

 

Trước hết xin thầy tha lỗi vì đúng ra em phải viết thư kính thăm thầy ngay khi biết tin thầy qua trang Web THKT cách đây hai tháng.

 

Thầy Nguyễn Xuân Kỳ (bên trái) và thầy Đỗ Ngọc Trang trước nhà trọ ở Xóm Cá Rô năm 1967.

 

Thưa thật với thầy, từ khi có trang THKT thì em cứ thơ thẩn la cà trên đó gần như suốt ngày mỗi khi có giờ rảnh, kể cả khi ở nhà cũng như ở sở làm! Mấy trang Web “Đại học Sư phạm Saigon”, “Nguyễn Đình Chiểu – Lê Ngọc Hân”, mà em là hội viên từ lâu, nhưng lúc này thỉnh thoảng em mới ghé vào thôi!

 

Như vậy mà cũng đã 41 năm rồi. Thời gian qua nhanh như “bóng câu qua cửa sổ”. Niên học 1968-1969 là niên học cuối cùng của em ở THKT và em nhớ mùa hè năm 1969 thầy cũng rời Kiến Tường về dạy tại một trường trung học ở quê hương thầy, xứ bưởi Biên Hòa (hình như là trường Ngô Quyền) sau gần năm năm thầy gắn bó với ngôi trường nhỏ bé này.

 

Thầy Nguyễn Xuân Kỳ (bên trái) và thầy Đoàn Văn Nhiêu trong cuộc họp mặt thầy trò THKT tại nhà thầy Cao Thành Phát ở Gò Công hôm Mùng 5 Tết Canh Dần (18-2-2010).

 

Dịp Tết Canh Dần vừa qua, các em cựu học sinh với sự cố vấn của một số thầy cô, đã tổ chức được một ngày “Hội ngộ Gò Công” đầy cảm động sau gần bốn thập niên bặt tin nhau, đúng như thầy nói:

 

Qua mấy mươi năm tóc nhạt màu
Cùng trường hội ngộ ngỡ chiêm bao

….”

 

Nhưng thưa thầy, bây giờ không phải là chiêm bao nữa. Đã là sự thật rồi thầy ạ! 

 

Em còn nhớ, năm 1964, khi đó em đang học lớp đệ lục (lớp 7) thì thầy về trường. Thầy trẻ quá và trắng như một công tử thị thành vậy! Các bạn nữ sinh lớp em như VLT, TTTN, NTD … khi thấy thầy đi ngang lớp trong giờ chơi đều réo gọi: “Thầy, thầy nhớ dạy lớp chúng em nhé!”. Thầy không nói gì chỉ mỉm cười với chúng em. Phần em, khi thầy đi lẫn trong nhóm nam sinh lớp đệ nhị thì em chỉ nhận ra thầy nhờ nước da trắng của thầy.

 

Em kể một chuyện vui trong gia đình em: Cách đây hai tháng, khi em vào trang THKT, em chỉ thầy trong tấm hình thầy chụp chung với thầy Trang và mấy em học sinh và nói với con gái út của em: “Đây là thầy dạy môn vạn vật khi bố học lớp 11”. Thầy biết con gái em trả lời sao không? Con gái em trả lời: “Wow, he looks as young as you!  …”. Em hơi quê quê thầy ạ!

 

Nhưng rất tiếc năm đệ lục đó chúng em không được học với thầy. Thầy dạy môn vạn vật và đến niên học sau, lớp đệ ngũ (lớp 8) chúng em được học với thầy cho đến lớp đệ nhị (lớp 11).

 

Trong giờ dạy, thầy đã tạo hứng thú cho chúng em bằng cách đem những con vật nhỏ, những cây, lá, hoa, những mẫu đất đá … vào lớp để minh họa cho bài giảng. Em nhớ thầy có nhiều thứ lắm! Chúng em thường nói đùa: “Thầy có nhiều tài sản quá!”. Có một lần, khi dạy về con giun (con trùng), thầy đổ một con giun còn sống từ trong cái hộp nhỏ ra tấm bìa cứng và đưa đến trước mặt để chúng em quan sát. Một số nữ sinh mà em còn nhớ như VLT, TTTN, DTLD .. . khi nhìn con giun bò ngoe ngoảy thì sợ lắm và lè lưỡi eo ơi! Còn bạn của em – HM – thì lại nghịch ngợm xin thầy con giun đó. Cũng bạn này có lần rủ em lấy trộm mấy con vật của thầy nhưng em không dám. Cũng may chưa thấy thầy đưa mấy con trăn hay rắn vào lớp! Năm đệ tam, khi học về địa chất thì chúng em được thầy cho xem nhiều mẫu đá với nhiều màu sắc rất đẹp. Thầy đúng là một “biologist” đứng nghĩa và mới đây em còn được biết thầy còn là một thi sĩ nữa!

 

Thầy là giáo sư hướng dẫn lớp đệ ngũ P của chúng em niên khóa 1965-1966. Nhớ lại năm học này, em vẫn còn ân hận vì năm đó em là một học sinh không ngoan nhưng không hiểu vì sao lại được các bạn đề nghị là trưởng ban báo chí lớp. Tết năm đó, trường tổ chức thi “bích báo”. Em và một số bạn phụ trách làm tờ bích báo này. Thời gian đó, ở Saigon tình hình chính trị rất nhiễu nhương, lộn  xộn và em hay đọc những bài bình luận, những bài thơ đả kích thuộc loại “thơ cay”, “thơ chua” …trong những tờ báo đối lập .. rồi không hiểu em bị “tẩu hỏa nhập ma” thế nào mà em đã viết một bài nhận định ngắn và một bài thơ có ý đả kích thầy Quang (em quên họ thầy Quang) khi đó đang là tổng giám thị với đại ý nói thầy Quang đã thất hứa, nói nhiều mà chẳng làm gì cho trường, cho học sinh. Vào tháng 12-1963 khi một số giáo sư và học sinh tụ họp đòi thay thế thầy hiệu trưởng Trần Ngọc Châu bằng thầy Lê Thanh Tân, thầy Quang đã lên diễn đàn hứa nhiều lắm! Nhưng rồi hai năm đã qua chẳng thấy trường có tiến bộ, thay đổi gì (đây là ý nghĩ chủ quan của em thôi). Lần đó, thầy đã gọi em gặp riêng thầy và khuyên nên bỏ những bài đó đi. Em nghe lời thầy và đã xóa những bài đó để thay vào một vài tấm hình (vì khi đó báo đã làm xong rồi). Dĩ nhiên tờ bích báo của lớp đệ ngũ P năm đó gần đội sổ! (em sẽ viết rõ hơn về chuyện này trong bài hồi ức sắp tới). So với những thầy cô khác thì thầy có rất nhiều học trò nên em nghĩ, nếu thầy còn nhớ em là do em là một học sinh không ngoan và đã làm phiền lòng thầy và các bạn năm đó.

 

Cách đây vài ngày, em đọc trên THKT và được biết thầy cũng mới về Mộc Hóa dự buổi họp mặt một số bạn lớp chị Nguyễn Thị Kiều Oanh. Em mừng lắm vì biết thầy vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn đi lại gặp gỡ các thầy cô và học trò cũ. Em đang chờ để được xem những tấm hình buổi họp mặt này.

 

Xin phép thầy cho em được dừng bút. Một lần nữa xin thầy thứ lỗi về những điều em đã làm thầy phiền lòng trong bốn năm được thầy dạy dỗ dưới mái trường THKT.

 

Kính chúc thầy và quý quyến vạn sự tốt đẹp, riêng thầy được dồi dào sức khỏe. Rất mong có ngày được gặp lại thầy.

 

Học trò của thầy

 

PHẠM DOANH MÔN

 

 

- Thầy Nguyễn Xuân Kỳ (Biên Hòa, e-mail, 2-6-2010):

 

Em Phạm Doanh Môn thân mến.

Đọc thư em gửi thăm tôi trên trang web THKT tôi thật xúc động về những tình cảm mà em đã quan tâm ...Từ khi có trang web THKT, thấy tên em lại là một GV THKT, tôi hơi bỡ ngỡ vì không hiểu Doanh Môn đã là GS THKT tự hồi nào? Nếu tôi nhớ không lầm thì trong mấy năm đầu khi mình được đổi về Biên Hòa đã có lần em đến thăm... Nay mừng em đã là một đồng nghiệp THKT và đang lập nghiệp nơi nước Úc xa xôi vẫn nhớ về thầy, bạn cùng học trò ở quê hương và mong ngày họp mặt chung vui...


Chúc em cùng gia đình dồi dào sức khỏe, thành đạt.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage