Thư gởi cô Triệu Cẩm
Nhung
Cô CẨM NHUNG kính mến!
Không biết hiện giờ Cô đang ở cõi vĩnh
hằng hay đã chuyển qua kiếp người khác.
Hôm nay, em có dịp viết về Cô, mặc dù đã
muộn so với một đời người. Theo em trong
đời người có biết bao kỷ niệm, kỷ niệm
nào cũng có dấu ấn khó quên, có những
lúc phải trân trọng, có những lúc phải
buông xuôi… Nhiều người cho rằng kỷ niệm
đẹp nhất của đời người bao giờ cũng rơi
vào thời kỳ của lứa tuổi học sinh.
Năm 2010, nhân ngày họp mặt cựu giáo
chức, cựu học sinh THKT với niềm hy vọng
bấy lâu, em đã cố gắng đợi mãi, tìm mãi
nhưng chẳng gặp được bóng dáng hai cô
giáo mà em kính mến khi em còn theo học
những năm cuối của thời trung học. Cách
đây không lâu qua thông tin của bạn
Bách, em đã liên hệ và gặp được cô Phạm
Thị Thu, còn Cô (Triệu Cẩm Nhung) thì đã
về cõi vĩnh hằng, em xin thành thật chia
buồn cùng gia quyến của Cô (thầy Lưu Văn
Nhu).
Nguồn minh họa: Internet
Cô Cẩm Nhung kính mến!
Mặc dù Cô không còn tại thế, nhưng lúc
nào em cũng nhớ mãi về Cô, vì giữa Cô và
em hình như có cái duyên (nói theo Nhà
Phật); em nhớ mãi những giờ lên lớp của
Cô thật quý vô cùng, mỗi khi Cô đọc “Lục
Vân Tiên”, “Truyện Kiều”, “Cung oán ngâm
khúv”, “Chinh phụ ngâm”, “Bích Câu kỳ
ngộ”…với chất giọng ngọt ngào, đầm ấm
của Cô cả lớp đều im phăng phắt. Những
tiết văn của Cô đã cho em nhiều kiến
thức sâu hơn khi giúp em tìm hiểu về kho
tàng văn học dân gian, văn học cận đại
của Lịch sử văn học Việt Nam, cũng như
khi tìm hiểu về Sử thi của Trung Hoa.
Trên cơ sở đó đã giúp em hoạt động tốt
khi còn công tác ở Sở Văn hóa Thông tin
tỉnh Long An.
Em còn nhớ những năm 1967-1968, chiến
tranh ngày càng ác liệt, tuổi nhỏ chúng
em vẫn chưa hiểu gì nhiều trong thời
buổi ấy; nhưng chỉ biết thương các thầy,
cô không có dịp về quê trong các kỳ nghỉ
hè, vì lúc ấy điều kiện, phương tiện đi
từ Mộc Hóa ra Cai Lậy thật sự khó khăn,
nguy hiểm. Và chính mùa hè của những năm
ấy, Cô đã để lại cho em hai kỷ niệm khó
quên.
Năm 1967, khi được tin em bị thương do
đạn xuyên qua phần mềm trên cánh tay
phải, Cô và một số bạn đã vào Bệnh viện
Mộc Hóa thăm em, sự trìu mến của Cô làm
dịu đi cơn nỗi đau trên da thịt, làm
tăng thêm sự kính mến của em đối với Cô
trong tình thương yêu của Cô dành cho
học sinh của mình.
Mùa hè năm 1968, trên đường từ Bà Kén về
nhà, khi đi ngang Dinh Quận (nay là nơi
thờ Đốc Binh Nguyễn Tuấn Kiều) lúc ấy em
bị khói của lựu đạn cay làm sưng mắt,
nước mắt chảy đầy trên hai má, mũi thì
muốn ngạt thở, em cố lần về đến nhà Cô;
gần một giờ trôi qua, với bàn tay trìu
mến của Cô đã giúp em qua cơn nguy khốn.
Nghĩa cử ấy đã gieo vào lòng em tình yêu
thương giửa người với con người trong
cuộc sống hiện tại. Theo gương Cô, hiện
nay trong phạm vi có được, em đã vận
động nhiều người quyên góp một phần vật
chất cho công tác khuyến hoc, khuyến tài
ở địa phương.
Hôm nay, ngày Hiến chương Nhà giáo Việt
Nam 20-11, em viết bài này để làm quà
tri ân đến với Cô, những kỷ niệm đẹp của
Cô dành cho em, em luôn ghi nhớ mãi, và
coi đó là niềm tin để em làm tốt hơn nữa
trong công tác an sinh xã hội sau này.
Một lần nữa em xin chia buồn cùng gia
đình thầy Lưu Văn Nhu vì em đã gợi lại
sự mất đi của Cô trên dương thế. Kính
chúc Thầy và các em luôn vui, khỏe.
NGUYỄN ĐỒNG HƯƠNG (BÚI VĂN TÝ)
(Vĩnh Hưng, 19-11-2012)
Lớp Đệ Tứ A, niên khóa 1966-1967.
Trái qua: Hường, Hồng, cô Triệu Cẩm
Nhung (phu nhân thầy Lưu Văn Nhu), Tuyết
Huỳnh, Điểu. Ảnh do cô Tuyết Huỳnh cung
cấp ngày 8-5-2010.