thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

 

Hồi ức Xuân
 

* Tạp bút

 

Tiếng pháo đì đẹt xóm trên, nhắc tôi xuân đã đến rồi đó. Ngày ấy đã hơn 50 năm…

 

Tháng Chạp đến, nghĩa là tháng mười hai ta, tháng mười hai âm lịch. Cả miền quê tôi đã rục rịch đón xuân. Lúa thóc vào bồ. Mùa màng đã xong, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ vàng. Người nông dân rảnh tay, lên bờ đón Tết.

 

Tháng Chạp - gió chướng thổi mạnh, từ biển thổi vào. Đêm nằm nghe sóng bổ ghềnh ì ầm từ hướng biển Vũng Tàu. Mẹ tôi bắt đầu làm giàn cho mấy dây đậu rồng. Mẹ bảo “Têt rồi đó”. Tự dưng, tôi ăm ắp niềm vui. Niềm vui trẻ thơ,  rất ngây thơ và thanh khiết.

 

Nhà tôi nghèo: nền đất, lợp lá, cột dừa nên chẳng có nhiều sửa soạn. Ba tôi đi chợ mua vôi Càn Long về quét lại mấy tấm vách bổ kho (?). Tôi đứng nhìn mà niềm vui khôn tả. Màu trắng của vôi trên vách rất mới, rất sang trọng với tôi thời đó. Ba tôi không quên trang điểm thêm mấy bộ tranh giấy mới mua dưới ch, tranh dưa đỏ An Tiêm, Phạm Công - Cúc Hoa…. Nhà tôi đẹp hẳn lên đón Tết. Cây mai vàng trước hiên được vặt trụi lá, đang trổ nụ đơm hoa. Trưc cửa, hai hàng câu đối trên giấy đỏ và mấy chậu vạn thọ, cúc vàng… đón Tết.

 

Từ hai mươi ta, mỗi đêm nằm lắng nghe tiếng quết bánh phồng đầu trên xóm dưới… Tiếng cùm cụp đều đặn, êm êm của chày khua trên cối. Gần sáng, tiếng các cô gái gọi nhau ngoài ngõ ơi ới đi cán bánh phồng vần công. Xuân đến rồi, ngan ngát trên mọi nhà. Hòa với tiếng chày khuya, tiếng gàu tát đìa vang vang đâu đó. Người ta tát đìa suốt đêm, để sáng hôm sau bắt cá. Đủ loại cá lóc, trê, rô mề, tôm càng… Mỗi đìa hang vài trăm ký cá, được “rộng”trong hàng chục cái giỏ mắm to. Tát đìa ăn Tết cũng lạ một hoạt động sôi nổi lắm

 

Quê tôi thời xưa thanh bình đó, đồng ruộng bạt ngàn,vun bón bởi dòng Cửu Long. Tháng mười lúa gặt xong, người nông dân nuôi vịt chạy đồng. Nhà nào cũng trăm con đến ngàn con. Vịt nuôi bằng lúa đổ trên đồng và tôm cá thiên nhiên nên lớn như thổi. Thiên nhiên ưu đãi cho thu nhập dân quê. Cuối năm, la chục cặp vịt nhốt riêng ăn Tết… chuyện nhỏ thôi mà.

 

Chợ Tết là một đặc thù vùng Nam Bộ. Chợ Tết nhóm vào khoảng nửa đêm tới sáng dưới anh đèn dầu hỏa hay đuốc rơm. Có nơi nhóm chợ vào lúc nhá nhem tối đến quá nửa khuya là tan chợ. Hàng hóa được chuyên chở trên đôi gánh là chính. Tiếng gà vịt, tiếng nói chuyện râm ran trên lộ suốt đêm, con cúi rơm lập lòe trong đêm tối. Người ta cũng chuyên chở hàng hóa, gà vịt, rau cải bằng xe bò, xe trâu.

 

Tôi thao thức cả đêm để được theo mẹ ra chợ. Chợ Tết đông đảo người là người. Tôi níu chặt tay mẹ sợ lạc. Chợ quê rất đặc biệt: khu gà vịt đồng, khu rau cải cũng trồng từ địa phương. Tôi mê nhất khu bán hàng hóa, áo quần tết của mấy ông “cắc- chú”, sặc sỡ, đủ màu: từ áo quần, son phấn đến bộ tranh tứ quý; từ cây kim sợi chỉ đến soong nồi đủ loại. Quả là một thế giới màu sắc, choáng ngợp tuổi thơ tôi.

 

Chiều hai tám, ba chở tôi lên xóm húi cua. Khách hàng đông nghịt cuối năm, trong đó đủ mặt những thằng bạn chí cốt của tôi. Chị tôi lôi tôi ra hè tân trang ăn Tết. Cái đầu cứt trâu và cái cổ hờm như rắn rằn ri, hệ quả của một năm trời thủy chiến với mấy thằng bạn trời ơi. Chị tôi xối cho mấy gào nước tro gòn nhợt nhợt, mình mẩy tôi rát như lá mía cắt và ra sức hành hạ cái dung nhan tôi. Tôi cố chịu đau, thầm nhủ: Tết rồi….

 

Đêm giao thừa, anh em tôi nằm chen nhau trên bộ ván gõ, chờ đón giao thừa. Mẹ tôi bận bịu với nồi bánh tét dưới bếp. Chúng tôi giật mình thưc dậy khi pháo nổ vang. Ông anh tôi đang châm cây nhang vào dây pháo tiểu dài. Ba tôi áo dài nghiêm trang khấn vái. Đèn trong nhà sáng choang, khói hương, khói pháo…Tết rồi đó. Mẹ sẽ sàng thay đồ mới cho bọn tôi. Tôi đón Tết trong hoan lạc khôn cùng… tôi tung tăng chạy ra sân: mùi rạ ướt, mùi khói hương, mùi pháo hòa quyện trong gió chướng quê tôi, có cái vị mặn của biển… cái mùi vị đó mang theo tôi nửa thế kỷ làm người.

 

Nguồn minh họa: Internet.

 

Sáng mùng một, tôi diện bộ quần áo mới: bộ quần áo vải ta nhuộm hồ cứng sột soạt, có in đủ thứ màu tich-nich-cô-lo và một đôi guốc thông. Anh em tôi khoanh tay, lí nhí mừng tuổi cha mẹ do bà chị đạo diễn. Tôi là con út, nên được bộn bàng… mấy tờ giấy một đồng mới. Mẹ dặn để dành năm nay con đi học ăn quà… Hỡi ơi, bộ đồ mới chỉ thọ một buổi đã ngả màu cháo lòng sau mấy trận wrestling với mấy thằng chung xóm.

 

Ngày Tết quê tôi rất đơn sơ, không mâm cao cổ đầy, không bánh mứt quý hiếm, rượu Tây đắt tiền. Mùa xuân của tôi với bánh tét, mứt gừng, thịt kho, dưa giá… rất Nam Bộ, rất Việt Nam. Ngày Tết của tôi có mùi gió chướng thoang thoảng cỏ khô, có mùi hương của hoa vạn thọ. Đêm ba mươi, leo lên ván, chân phủi vào nhau cho rơi cát đất, nằm chờ năm mới, trong cái dịch chuyển bình thản của đất trời.

 

Sau cái Tết đó, tôi lánh nạn về thành phố rồi lưu lạc xứ người. Có những cái Tết, những bữa tiệc sang trọng, thừa mứa rượu Tây, bia ngoại, tôi chợt thấy mình thiêu thiếu cái gì. Hình như trong tôi là niềm hoài cổ, là nỗi nhớ quê hương. Bàn chân phèn của tôi mãi bước trên những mùa xuân đất lạ, xứ người.


Nh.Seattle
(Seattle, Washington 18-1-2012)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage