|
Ghi chép đầu xuân về Mộc Hóa
1.
Tên gọi Mộc Hóa xuất hiện năm 1867, là một tổng thuộc tỉnh Định
Tường. Năm 1916, gọi là quận thuộc tỉnh Long An. Trong quyển sách
“Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, do ông Nguyễn Hiến Lê ghi lại
chuyến đi vào năm 1939 của ông vào vùng Đồng Tháp Mười và có đoạn
viết: “Mộc Hóa là một quận ở gần ngọn sông ấy. Ngoài công sở như
quận, nhà thương, trường học là cất bằng ngói, gạch, còn hết thảy
các quán ở chợ đều bằng ván, chợ lèo tèo, mới 9 giờ sáng đã không
còn ai mua bán nữa”.
2.
Năm 1956, tỉnh Mộc Hóa được thành lập. Cũng trong năm này, tỉnh đổi
tên thành Kiến Tường, có 4 quận: Châu Thành, Tuyên Bình, Kiến Bình
và Tuyên Nhơn. Các quận này đều có trường tiểu học, chưa có trường
trung học.
Năm 1958, thành lập trường Trung học Kiến Tường tại tỉnh lỵ có 2 lớp
6 (lớp đệ thất). Các năm sau dần có thêm các khối từ lớp 7 (lớp đệ
lục) đến lớp 11 (lớp đệ nhị). Sau khi xong lớp đệ nhị, học sinh muốn
học tiếp phải thi vào học trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Tiền
Giang), hoặc trường Trung học Tân An (Long An). Từ năm 1965 về sau
mới có đến lớp 12 (lớp đệ nhất).
THKT năm 1966-67. (Ảnh tư liệu)
Hiệu trưởng trường Trung học Công lập Kiến Tường qua các thời kỳ gồm
có quý thầy cô: Trương Văn Trọng, Huỳnh Hữu Thanh, Trần Văn Châu, Lê
Thanh Tân, Trần Ba, Trần Khắc Hòa, Hoàng Đình Biểu, Đoàn Văn Nhiêu,
Ngô Chí Nhân, Hoàng Thị Cẩm Thạch. Riêng trường Trung học Bán công
Kiến Tường thành lập năm 1967 dạy từ lớp 6 đến lớp 9, lần lượt do
các thầy Đoàn Văn Nhiêu, Võ Xuân Sơn và Trần
Chí Thành làm Hiệu trưởng.
Tháng 4-1975, trường Trung học Kiến Tường chuyển sang một giai đoạn
mới, đổi tên thành Cấp 2 và 3 Mộc Hóa rồi sau đó tách ra, trường cũ
là Cấp 2 (Trung học Cơ sở thị trấn Mộc Hóa), còn trường mới là Cấp 3
(Trung học Phổ thông huyện Mộc Hóa).
3.
Trên đây là những mốc thời gian được tham khảo ở những trang sách
báo, ở những người có sống, có làm việc, có biết ít nhiều về vùng
đất này. Có thể đây là những nội dung chưa thật đầy đủ và chính xác,
nhưng sẽ là điều kiện giúp cho những ai thích tìm hiểu, đặc biệt hơn
là tìm hiểu về ngôi trường mang tên “Trung học Kiến Tường” đang được
nhiều người nhắc đến trong dịp họp mặt mùa xuân này.
4.
Núi Đất được xem là một thắng cảnh duy nhất ở tỉnh Kiến Tường cũ.
Núi Đất được bàn tay con người xây đắp nên. Có thể khi kiến tạo,
người ta tính đến một thắng cảnh thu hút mạnh sự chú ý của con
người. Nếu từ sông Vàm Cỏ Tây nhìn lên, con đường được xem là đường
chính của tỉnh Kiến Tường cũ, bạn sẽ thấy nhiều công sở được xen lẫn
với các loại cây trồng như cây me tây, cây dương vốn được xem là
những cây trồng chịu được nước ngập hằng năm ở vùng này, tỏa rộng
với những vòm xanh rợp bóng mát và những âm thanh vi vu của lá dương
reo trong gió. Cuối con đường là Núi Đất, có thể xem là quần thể sơn
thủy hữu tình, một công trình hội đủ các yếu tố về độ cao, bóng mát
và âm thanh… giúp cho con người tận hưởng những giây phút thư thái
hiếm hoi của vùng đất nổi tiếng về sình lầy, muỗi, đỉa… khi ấy.
Ngày nay, Núi Đất đang được thiết kế để trở thành công viên lớn của
huyện lỵ Mộc Hóa. Ngoài ra, Mộc Hóa còn có những điểm tham quan du
lịch khác như: Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát triển Dược liệu
Đồng Tháp Mười, thuộc xã Bình Phong Thạnh. Khu Du lịch sinh thái
Làng nổi Tân Lập, thuộc xã Tân Lập. Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp cách
biên giới nước bạn Campuchia khoảng 15km đang được xây dựng.
Núi Đầt ngày nay. (Ảnh: Phạm Văn Định)
5.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, 54 năm không phải là thời gian dài khi
tính về tuổi đời của một ngôi trường, nhưng ngần ấy thời gian đã trở
thành chứng nhân cho bao thế hệ học sinh trưởng thành. Thế hệ học
sinh đầu tiên, người trẻ nhất, nay cũng ở độ tuổi ngoài lục tuần,
thất thập. Nếu có dịp về thăm trường, không ai còn nhận ra dấu tích
ngày xưa. Dãy phòng học cột tròn, hàng cây me tây, cổng trường đã
thay đổi hoàn toàn, nhường chỗ cho những công trình mang dáng vẻ
hiện đại, khang trang hơn. Mỗi người đều có một quê hương để nhớ,
trong đó hình ảnh ngôi trường vẫn mãi lưu dấu trong tâm thức của mọi
người. Sân trường vẫn đầy hoa, nắng nhưng người xưa ở đâu bây giờ?…
Bao nhiêu người còn-mất, nhớ-quên? …
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết “Cái mất không bao giờ mất hẳn,
cái còn không hẳn mãi là còn”. Cho nên dù ở đâu, về đâu, tinh thần
trung học Kiến Tường vẫn bất diệt trong tâm hồn của mọi người đã có
một thời gắn bó, kỷ niệm vui buồn với ngôi trường vốn có nhiều thiếu
thốn và gian khó.
Tôi có dịp đọc trên văn đàn, thi đàn của trang web “Trung học Kiến
Tường”, cảm nhận nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh xúc động trước sự
hội ngộ hạnh phúc của thầy và trò sau hàng chục năm xa cách. Tất cả
cùng trở về nguồn, khơi lại cảm xúc quá khứ của một thời áo trắng
sân trường!
… Xin kính chúc cho mọi người vui hưởng hạnh phúc trong mùa xuân mới
và xin chúc cho những tâm hồn luôn luôn mới đẹp như những mùa xuân!
NGUYỄN HIỀN HẠNH
(Mộc Hóa 31-1-2012)
|
|