|
Đôi dép
* Tản mạn
Đôi dép vốn là vật bất ly thân của con người.
Người ta không thể đi mãi bằng chân trần nếu không có dép. Chuyện
đôi dép là chuyện của muôn đời. Đôi dép sẽ nói lên tính cách khi bạn
chọn mua. Nhìn đôi dép mòn, người ta sẽ đoán được tình cảm, tâm hồn
của bạn ra sao.
Trong quyển Từ điển tiếng Việt, “Dép” có nghĩa là “Đồ dùng để mang ở
bàn chân, thường bằng nhựa, da; gồm có phần quai và đế”. Nhưng ở một
khía cạnh khác, dép không chỉ là đồ dùng, mà còn là một câu chuyện
tự sự về những thân phận người: 500kg đôi dép lạc nằm im lìm trên
những kệ gỗ mà chị Nguyễn Thị Thanh Mai đã cần mẫn đi dọc bờ sông
Hương, phá Tam Giang tìm nhặt từ nhiều năm qua đã trở thành một tác
phẩm sinh động về hình ảnh những đôi dép mòn vẹt của người nghèo,
gắn chặt với hình ảnh người miền Trung, cam chịu, vật lộn với sông
nước để sinh tồn. Chúng được xếp lại thành một bức tường với những
liên tưởng về thân phận những người nghèo trong lũ lụt, thiên tai
(theo báo Tuổi Trẻ Online)
+ Nguồn minh họa: Internet.
Không dừng lại ở câu chuyện tự sự, đôi dép đã trở thành đề tài trong
thi ca. Tác giả Nguyễn Trung Kiên đã thổi hồn vào đôi dép, tạo nên
sự hòa hợp vẹn toàn, chung thủy. Đôi dép không còn là đồ dùng, mà
trở thành hình tượng gắn bó thân thiết của tình duyên đôi lứa, không
thể tách rời :
“…Hai chiếc dép gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau
Cùng bước mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác
Số phận chiếc này phụ thuộc chiếc kia
Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở nên khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đời sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu
Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh
Đôi dép vô tri khắng khít song hành
Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi
Không thể thiếu nhau trên những bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó đời nhau vì một lối đi chung
Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia.”
(Trích trong bài thơ “Đôi dép” của Nguyễn Trung Kiên)
Không có nghĩa là không thể tách rời, khi một ngày nào đó “đôi” lại
biến thành “chiếc”. Đầy rồi khuyết, hợp rồi tan, gần rồi xa,… quy
luật nghiệt ngã mà tác giả Lưu Vĩnh Hạ cảm nhận về nỗi cô đơn, trống
vắng, đau khổ khi duyên phận không tròn :
…” Hai chiếc dép bèo mây chung giấc mộng
Nay nào ngờ đôi ngã phải phân ly
Người đành sao nghoảnh mặt nỡ lấy đi
Nửa linh hồn trong chiều mưa nhòa nhạt
Anh đi tìm linh hồn mình thất lạc
Như dép kia còn lại nỗi cô đơn
Cuộc đời người giống đôi dép nào hơn
Một chiếc mất nghĩa là chân khập khễnh.”
(Trích trong bài thơ “Nỗi cô đơn chiếc dép” của Lưu Vĩnh Hạ)
Đôi dép vốn là vật bình thường. Nhưng trở nên có ý nghĩa khi gắn
chặt với cuộc sống thường nhật của con người. Nó vẫn hiện hữu, không
thể mất đi trong vòng quay cuộc đời vốn biến đổi không ngừng! Một
ngày nào đó, bạn bất chợt nhìn thấy dép lạc bên đường, trôi trên
sông, nằm bất động trong góc tối… Bạn có thể quên lãng, nhưng cũng
có lúc bạn hỏi vì sao về những chủ nhân không tên, về quy luật
nhân-quả, luân hồi của số phận, cuộc đời.
Thời gian lặng thinh.
Chỉ mình dép làm nhân chứng
Nhân chứng có số,
Nhân chứng im lặng
Im lặng đến đau lòng.
Đau lòng không, dép ơi?!
Thế rồi, trong một ngày đẹp trời, dép nói :
- Tôi là đồ dùng. Sao cứ gán cho tôi liên quan đến nhiều điều đau
khổ như thế. Hạnh phúc có chứ. Ông Nguyễn Nhược Pháp cho người con
gái đi “Chùa Hương” có đủ thứ “phụ tùng”: khăn nhỏ, áo the, quần
lĩnh, yếm đào, quai thao và có cả đôi dép cong. Thế mới là đẹp “Con
tôi xinh xinh quá”, mới làm cho cô bé hạnh phúc chứ. Cô Tấm làm rơi
chiếc hài, mới được nhà vua đem kiệu rước vào cung, sống hạnh phúc!
Ai cũng biết thế, nên đừng bảo tôi thế này, thế nọ nhé!
Dép phân trần thiệt hơn. Nhưng nghe làm gì cho mệt. Ngoài trời mây
vẫn bay, ngàn năm vẫn bay mà! Sóng vẫn mãi điệp khúc vỗ bờ! Và trên
bãi biển có biết bao nhiêu người mang dép vẫn vui và bao nhiêu người
không mang dép cũng vẫn vui, vui hơn nữa kìa!
Ai không tin, tìm hình sẽ thấy !
NGUYỄN HIỀN HẠNH
(Mộc Hóa 24-4-2012)
|
|