thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Mùa thi

 

 

+ Tùy bút

 

Hôm qua, Kiến Đen viêt trên blog THKT về hoạt động thi cử ở quê nhà. Lòng tôi cũng xuyến xao nhớ về những tháng ngày xưa…

 

Mùa hạ hay mùa hè băt đầu từ tháng tư,khi hoa phượng trổ đỏ trên cành. Thế nên, mùa hạ còn gọi là mùa hoa phượng, mùa chia xa, mùa tạ từ… Các nhà thống kê chưa tính được bao nhiêu tấn giấy mực đã tiêu thụ để viết thư tình, viết lưu bút, viết văn, làm thơ, viết nhạc về mùa hoa phượng. Các nhà khí tượng cũng quên tính sự giảm nhiệt ở Việt Nam vào mùa hạ do biết bao nhiêu giọt nước mắt rơi…

 

Tôi lại lan man rồi – không khéo ông Ngô lại bảo tôi lắm chuyện…

 

Nguồn minh họa: Internet

 

Vào khoảng thập niên 1960-70 ,học sinh cuối bậc trung học: lơp 11 và 12 (còn goị là lớp đệ nhị, đệ nhất) phải thi tú tài 1, tú tài 2, trước khi vào đại học. Ôi, khoa cử cũng lắm gian nan. Trước đó,học sinh phải thi bằng tiểu học,thi vào đệ Thẩt (lớp 6 bây giờ), thi trung học đệ nhất câp (cuối lớp 9 - đệ Tứ), sau này được miễn thi.

 

Thật ra, mùa hạ đã băt đầu với học trò sau Tết Nguyên đán. Nghỉ Tết xong, học sinh cuối cấp đã xôn xao với mùa thi. Các lớp luyện thi cũng nở rộ vào buổi tối, cuối tuần. Học sinh chúi đầu vào các môn học chính (có hệ số cao tùy theo phân ban A, B, C). Bài vở làm các sĩ tử tạm quên các chiều cà phê nghe nhạc, cuối tuần mài đũng quần ở… rạp ciné…

 

Hồi xưa, các lớp đệ nhị cấp học theo phân ban: ban A (lý, hóa, sinh vật), ban B (toán, lý, hóa), ban C (ngoại ngữ…). Ngoài ra, học sinh còn học thêm sinh ngữ phụ.

 

Thời chiến tranh nên việc học khá căng thẳng, phải đậu tú tài 1 để đi tiếp lên lớp 12 hoặc đậu tú tài 2 để lên đại học.

 

Đậu tú tài cũng có nhiều hạng ưu, bình, bình thứ và thứ… Điểm thể dục cũng được chiếu cố cộng vào điểm thi.

 

Cũng không có nhiều hội đồng thi thời đó. Năm ba tỉnh có một hội đồng thi. Do vậy, những ngày thi “nam thanh, nữ tú” các tỉnh hôi về làm phố phường tỉnh nhỏ cũng vui lên.

 

Tôi cũng có kỷ niệm vui vui. Tôi học trường NĐC. Trường tôi lớn, đầy đủ cơ sở vật chất, nên hội đồng thi thường tổ chức thi thể dục cho các trường bạn. Là học sinh trường nam, bảy năm thiếu bóng…áo dài. Thế nên, ngày hội thi TD là biến cố lớn, bài vở lãng quên, mắt lãng đãng nhìn ra cửa sổ xem các học sinh nữ đang thi.

 

Ngày xưa, thi cử căng lắm, bởi bằng cấp cũng là định mức của xã hội trọng chữ nghĩa:  “phi cử nhân bất thành phu phụ”. Nên cũng cay đắng mà rằng “Rằng hay thì thật là hay. Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài”.

 

Mùa phượng như bị lãng quên ở các học sinh cuối cấp. Quên thư tình, quên hò hẹn đi dưới hàng phượng đỏ, quên lưu bút ngày xanh, quên ép phượng hồng lên vở… Chỉ còn là Trần Tế Xương, Nguyễn Công Trứ, là đạo hàm, là biểu bì, lục lạp, là động năng, là ethylene, thấu kính…

 

Sau thi là những giọt nước mắt buồn, giọt nước mắt vui, giọt nước mắt tạ từ. Đậu – rớt -vào đại học - ra đời… tất cả rồi cũng rời thành phố, xa cặp mắt buồn khóc tiễn đưa, xa thành phố nhỏ nhiều kỷ niệm, chiếc khăn thêu lén trao vội vàng dưới hàng phượng đỏ.

 

Lâu lắm rồi, cũng trên dưới 40 năm, gần nửa thế kỷ. Thời gian trôi nhanh. Nhớ về một thời đã qua sẽ có ngàn chuyện để kể nhau nghe của một thời NĐC của tôi, của THKT của chúng ta. Tôi không có tham vọng viết về một hệ giáo dục ngày nào. Chỉ mong nhắc một vài hình ảnh xa xưa gởi lại các….

 

Chắc các bạn cũng có lần bên con cháu quay quần, bắt đầu kể “hồi xưa, mùa hạ….”


Nh.Seattle
(Seattle, Washington 4-7-2012)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage