thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

 

Chuyện xà bần

 

 

* Tản mạn

 

Đám cưới con trai tôi đã qua gần nửa tháng. Tôi bận bịu dọn dẹp nhà cửa và cũng mệt mỏi với những công việc tồn tại sau đám cưới. Ông bạn ở xa, điện thoại giọng chế diễu “bộ còn ăn xà bần sao mà không thấy gọi?” Tôi bần thần, hơi chới với khi được nhắc đến hai chữ “xà bần”; gợi nhớ về một khoảng không gian xưa…bốn, năm mươi năm về trưc

 

Đám tiệc ngày xưa rình rang lắm. Đám cưới tệ gì cũng ba ngày: nhóm họ, rước dâu, giựt rạp…đám nào không hạ bò cũng làm heo, giết gà vịt. Thịt cá, rượu chè ê hề. Người lớn, trẻ em có dịp ăn uống no say sau những ngày vất vả ruộng nương. Sau đám, thức ăn còn lại đươc cho chung vào những cái nồi lớn nấu hầm gọi là xà bần. Xà bần là món ăn đặc sản quê hương: đủ loại thịt, rau cải trong đó. Hồi nhỏ, chúng tôi thường mỗi đứa xúc một tô cơm, chan xà bần, ra ngồi hàng hiên nhẩn nha thưởng thức. Cái hương vị tuyệt vời còn mãi đến giờ. Sang xứ người, món ăn đủ thứ: Tây, Ta, Tàu, Nhựt, Ý, Triều Tiên…món nào cũng ngon, cũng lạ. Ăn xong, người ta vứt đi những thức ăn còn lại. Dĩ nhiên, món xà bần đâu còn hiện hữu. Lâu quá, chuyện quê nhà hầu như quên lãng. Một hôm, trong bữa ăn, tôi hỏi người bạn: “Xa nhà, ông nhớ món ăn gì nhất?” Hắn trả lời tỉnh rụi: “Xà bần”. Ôi sao mà dễ thương, mà đời thường quá đỗi.

 

Nồi xà bần. (Nguồn ảnh: Internet).

 

Như đã nói, “lóng rày” tôi bận lắm, tiệc tùng, bia bọng, biu biết (bill: hóa đơn), nhà hàng, dịch vụ…nên không viết bài thơ nào cho trang THKT. Nói vậy chứ cũng dành thời gian lên mạng xem có cái gì hay, mới. Tôi có thói quen đọc rất nhanh, một loáng mọi tin tức đều xem hết. Thời giờ còn lại thôi thì đọc tin vụn vặt, tin xe cán chó, tin đánh ghen, tin ca sĩ xì căn đan, chuyện vui, chuyện cấm liềng bà… trăm thứ giết thì giờ trên mạng. “Vui-buồn-hay-dở-thích thú-chán chường-sướng-khổ”…tùy người đối diện... laptop.

 

Tình cờ, đọc trên blog THKT, có đoạn viêt “Tôi và bà nhà tôi…”. Mèn ơi!: tiếng Việt mình sao hay thế, sao có từ dịu dàng, thân thương đến thế cho vợ mình. Tây tà thì gọi vợ là cheri, là honey… đâu có như Vietnam ta.

 

Nhớ hồi mới cưới nhau mặn nồng, anh anh, em em, mình ơi hoặc cục cưng hoặc nửa của anh; thiệt là nghe êm tai vô cùng. Lớn tuổi một chút, vợ chồng hơi ngại, hơi nhột nhạt trong xưng hô nên gọi nhau là ông của tui, bà của tui, ông nhà tui, bà nhà tui, ba thằng Cu, má con Tí, má xấp nhỏ, ông xã tui, bà xã tui…hoặc đôi lúc báo trước một kết cục không hay: thằng chồng tui, con vợ tui…

 

Thế nên nghe lại từ “bà nhà tôi”, lòng tôi nghe chùng xuống nỗi nhớ quê nhà, vùng trời chan chứa những tình cảm đậm sâu.


Mèn ơi! Thêm chuyện nữa (trách sao tôi không nhiều chiện). Có ông thi-đạo-sĩ nọ đòi thò tay xuống phố. Nếu mà chơi bóng đá coi chừng bị phạt penalty nếu tay chạm bóng vùng cấm địa (handball). Ông này xúi dại thiệt. Tôi có phàn nàn với Ngô Huynh, ỗng cười: “ngôn ngữ đạo-sĩ mà”. Đành hết chiện.

 

Phàm người chủ nhà dỡ nhà, đập tường cũ, bê tông gạch vụn hổ lốn cũng gọi là xà bần. Viết không đầu không đuôi như tui cũng gọi xà bần. Lần trước, khi nói tiếng Tây, tôi chỉ nói đời là c’est la vie mà tình là c’est la mour, rồi dừng lại ở đó. Có cô bạn thọc lét: thầy chùa là non cheveux. Tui nào nói vậy. E đụng chạm nhiều bậc đàn anh từ Tây sang Đông từ Úc sang tận Colo…Tui can You! I can You…cho tui xin hai chữ bình an. Cả tháng nay, từ luc lên ngồi ghế giữa làm sui, tôi hơi cẩn trọng một chút. (Ông KD chưa làm sui đâu biết nên xin đừng bàn). Cẩn trọng vô áy náy, khỏi sợ bậc đàn anh la rầy mình vô phép. Đầu có tóc dễ bị nắm hơn…

 

Thôi, xin dừng lại ở đây. Đã gọi là xà bần cũng chỉ là chuyện đời thường…


NGUYỄN ĐỨC NHUẬN
(Seattle 16-8-2012)
 

 
 


Copyright © 2010 - 2012 Trung hoc Kien Tuong Homepage