|
Ký ức về Mẹ
Tôi không ngờ
mẹ tôi lại ra đi nhanh đến vậy, nhanh đến nỗi tôi chỉ được chăm sóc
mẹ một ngày, một đêm tại bệnh viện Mộc Hóa, còn 12 ngày sau đó trên
bệnh viện Long An thì ba đứa em tôi gánh hết, chúng nói tôi bệnh
không thể thức khuya, cũng không thể bế bồng mẹ tôi được... Một
phần tôi không nghĩ rằng lần đầu tiên vào bệnh viện cũng là lần cuối
ra đi vĩnh viễn của bà. Vẫn biết cuộc đời là một chuyến đi, rồi từng
người tách ra khỏi cuộc đồng hành.
+ Nguồn minh hiọa: Internet.
Những người
bạn của mẹ đã lần lượt ra đi, tôi bất an từng ngày. Trong những giờ
kinh nguyện hàng đêm lời cầu xin trước tiên là: "Xin Chúa cho mẹ con
sống thêm với chúng con vài năm nữa." Nhưng rồi cái ngày tôi sợ nhất
đã đến, đến trong sự tôi không thể ngờ được. Tôi gào thét, hối hận,
ăn năn tại sao tôi không đưa thẳng bà lên Saigon. Bây giờ mẹ tôi đã
vĩnh viễn ra đi, bỏ lại chúng tôi rồi, hai thế giới sống và chết là
một cách biệt nghìn trùng... Mẹ tôi đã để lại trong tôi một hình ảnh
mà cho dù tôi có chết đi, tôi vẫn đời đời nợ mẹ.
Vào năm 1978
là thời điểm chuyển tiếp giữa hòa bình và chiến tranh, kinh tế chưa
ổn định còn nhiều khó khăn, hàng năm thì nước ngập nặng, mỗi nhà ở
phố chợ phải có một chiếc xuồng nhỏ để làm phương tiện đi lại. Lúc
đó gia đình tôi sa sút gần như khánh tận, ngày ngày phải ăn cơm độn
với bo bo hoặc ăn thêm khoai lang, khoai mì trừ bữa. Trước đó vợ
chồng tôi chuyển ra Mỹ Tho vì chồng tôi làm hành chánh cho nên được
lưu dụng lại với lương mỗi tháng là 13.000 đồng, rồi đến mùa ngập
lụt năm ấy, vợ chồng tôi bất hòa và chia tay, tôi một mình bồng bế
hai đứa con, đứa lên 5, đứa lên 3 và cũng là gia tài của tôi, trở về
với gia đình.
Gia đình tôi,
nhất là mẹ tôi rất đỗi thương yêu tôi và hai đứa cháu ngoại đầu tiên
của bà, mỗi buồi chiều, bà thấy tôi buồn, bà hiểu tâm tư của tôi,
muốn cho tôi khuây khỏa, bà đưa 3 mẹ con tôi xuống chiếc xuồng con
và bơi đi khắp nơi, bà nói chuyện này kể chuyện kia rồi bà cõng hai
đứa cháu ngoại trên lưng tập bơi cho chúng cho đến khi trời xẩm tối
mới bơi xuồng về nhà. Bà thấy tôi ăn cơm độn không nhiều, bà không
nói ra nhưng mỗi buổi sáng khi ăn điểm tâm xong (bữa sáng của bà,
tôi biết từ khi tôi lớn khôn, là cơm nguội hấp lại ăn với thức ăn
còn thừa lại từ ngày hôm trước, chưa môt lần ăn một món ăn từ quán
mua vào, ngay cả những năm tháng giàu có trước đó). Khi ăn xong, bà
nói ở nhà buồn lắm để mẹ chèo xuồng vào Thận Cần thăm bác Năm Kim
(ba mẹ của bạn Đặng Lệ Dung), nhìn trên xuồng tôi thấy đủ thứ trái
cây nào là cóc, ổi, chuối, trứng gà, trứng vịt, các loại rau xanh,
mấy bó mía và một bình rượu trắng. Ngày đó sao tôi quá vô tư, tôi
nghĩ mẹ tôi chở đi làm quà cho bạn bè thôi. Rồi 3, 4 giờ chiều, mẹ
tôi chèo về, trên xuồng từng bao gạo trắng, huyết rồng, nếp, khoai
và chuối. Trong đầu tôi cứ nghĩ người ta cho lại mẹ tôi, như lời mẹ
tôi nói thế, chính nhờ vậy mà cả nhà không còn ăn độn bo bo, tôi và
các con tôi mập ra, nhìn cả gia đình no ấm, bà lại đi nhiều hơn,s ớm
hơn và về muộn hơn.
Cho đến một
ngày mẹ tôi đi rất sớm và chèo rất nhanh, buổi trưa đó trời nắng như
thiêu đốt, tôi xót xa muốn gọi mẹ trở về nhưng biết gọi làm sao.
Thời đó phương tiện liên lạc khó lắm, chỉ có cách quá giang xuồng
một ai đó chèo đi tìm, chứ không có cách nào hơn, hơn nữa nước ngập
trắng đồng biết tìm ở đâu? Đến 3 giờ chiều thì một cơn mưa dữ dội,
sấm chớp ì đùng, tôi biết mẹ tôi thích mưa nhưng rất sợ sấm chớp
ngay sau này cũng vậy. Cả nhà đứng ngồi không yên, chị em chụm nhau
lại khóc và cùng dặn nhau không cho mẹ tôi đi như thế nữa. Ba tôi
rất hiền. ông từ tốn trấn an "chắc mẹ con ghé nhà bác Năm Kim trú
mưa, không sao đâu". Chị em thôi khóc nhưng suốt đêm đó tôi không
ngủ được, cho đến lúc nghe tiếng người lao xao "cứu bà Nguyễn Huệ,
cạo gió nhanh lên, lấy dầu nhanh lên", người người lội bì bõm đông
nghẹt trước nhà. Họ khiêng mẹ tôi vào nhà, mặt bà trắng bệch, tôi cứ
ngỡ là mẹ chết đuối, chị em tôi khóc như mưa, sau một hồi sơ cứu, mẹ
tôi tỉnh dậy, câu đầu tiên bà nói "nhờ người mang gạo vô nhà đi con,
xem có bị thấm nước không? nhớ lấy con gà mái má đổi rượu cho con
Nguyên nó thích ăn gà luộc". Chúng tôi mừng vì mẹ tôi đã tỉnh lại,
ba chị em tôi chạy ra xuồng... Tôi đứng lặng người, cho đến tận bây
giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh ngày đó, tất cả các tấm nylon
luôn cả áo mưa, khăn choàng, áo ấm của bà đã được tận dụng đậy kín
mít các bao gạo cùng thức ăn mà bà đổi mang về, trong đó có một con
gà đã làm sạch và được luộc chín, bà gói kỹ trong miếng lá chuối. Mẹ
tôi biết tôi thích ăn món gà luộc. Mẹ ơi tình mẹ thương con như thế
sao, thà cam chịu đói lạnh suốt một đêm dài để mang về cho con thứ
mà con ưa thích, tôi nhìn mà lòng đau như dao cắt, còn ba đứa em tôi
vô tư khiêng vào nhà, lần đó mẹ tôi ốm nặng, ho nhiều, sốt liên tục
cho đến hơn một tuần sau mới khỏe lại. Nhờ số gạo mẹ tha về mà gia
đinh tôi sống qua mùa nước lụt. Sau đó mẹ tôi kể lại, mẹ tôi chèo
đổi hướng đi xa hơn Thận Cần, đi mãi qua các doanh trại của quân đội
mới bán được và đổi được gGà cho tôi, khi xuồng đầy thì trời cũng đổ
mưa, mẹ tôi quay trở về, trời thì mây đen kìn kịt, gió thì thổi rất
mạnh, bà sợ chìm xuồng mất hết thức ăn cho nên bà tấp vô rừng tràm
chờ tạnh mưa. Nhưng trời càng tối, mưa càng nặng hạt, giông gió, sấm
sét càng dữ dội hơn, một đêm trong rừng tràm vừa sợ rắn, sợ sấm sét,
vừa sợ số nylon mang theo không đủ che gạo cùng thức ăn, bà cam chịu
đựng với cái lạnh, cái đói để mang về cho con đủ đầy. MẸ ƠI ! MẸ ƠI!
làm sao con quên được, làm sao con đáp đền tình mẹ thương con, con
chưa một lần đánh đổi sinh mạng của chính con, như mẹ đã làm cho con
ngày ấy.
Depot de
Pharmacie Nguyễn Huệ ngày xưa là của một người bạn của ba, một
thương nhân giàu có nhất nhì Saigon thời đó, tất cả các vựa bán mắm
vùng Chợ Lớn là của gia đình bác ấy, năm 1960 vì sức khỏe kém và
cũng vì chỗ bạn bè, bác mời gia đình tôi về Kiến Tường để ba tôi
quản lý Depot thuốc tây cho bác, mỗi tháng bác chia lời để gia đình
tôi sinh sống. Vài năm sau bác ngỏ ý sang tiệm thuốc tây cho ba mẹ
tôi, sang cả ông dược sĩ đứng bán. Mẹ tôi rất mừng nhưng tiền dành
dụm không có, mẹ bàn với ba nói với bác ấy cho trả dần bằng cách mẹ
tôi cung cấp mắm hàng tuần gửi lên Saigon cho bác bán, vì cái nhìn
của mẹ là lúc đó Kiến Tường cá nhiều vô tận, mẹ bỏ công chịu cực làm
cho bác gái trên đó có đủ mắm để phân phối cho các vựa nhỏ. Ba mẹ
hiền nên gặp bạn hiền, gia đình bác bằng lòng... Rồi từ đó mẹ tôi có
thêm nghề làm mắm, mỗi khi đi học về, nhìn cái núi cá là tôi muốn
khóc, tôi than thở "con còn phải học bài" là mẹ tha cho tôi ngay.
Kiến Tường thời bấy giờ chỉ có nguồn điện của ông Tám Tàu đến 10 giờ
đêm thì cúp điện, muỗi đeo như trấu, mẹ tôi phải dùng đèn dầu lửa,
cả một xóm dài phố chợ mọi người xúm lại phụ mẹ tôi làm cá. Tôi nhớ
nhất là gia đình Phong Xẹp, cô Bảy (má của Phong), cô Út, cô Tư ( dì
ruột của Phong), gia đình này đã giúp chúng tôi nhiều nhất, mỗi tuần
đều đặn xe đò Liên Hiệp từ Kiến Tường chở đầy những khạp mắm của Bà
Ba Nguyễn Huệ cung cấp, có lẽ sau nhiều năm mới trả đủ tiền cho bác
ấy.
Tiền bạc, cơm
áo cho chúng tôi ăn học, hình hài chúng tôi lớn dậy, cái vốn đối
nhân xử thế ở đời, tất cả từ cha mẹ tôi vắt hết tâm sức mà cho con.
Mẹ ơi! còn
đâu nữa những giờ phút bên Mẹ, nghe Mẹ nói, nghe Mẹ cười, nhìn Mẹ
khóc với con khi mỗi lần Mẹ giận ai đó....Vĩnh viễn con không còn
gặp Mẹ nữa rồi.
Chết không
phải là hết đúng không Mẹ...? Mà là qua đời.... Qua một đời khác
phải không Mẹ? Nhưng xin Mẹ hiểu cho con và tha thứ cho con đời này
nghe Mẹ.
Xin ơn trên
phù hộ cho Mẹ qua một đời khác, mà ở đó không có nỗi buồn, không có
cơ cực mà chỉ có niềm vui.... Con xin vĩnh biệt Mẹ.
Con gái của
Mẹ
TRẦN THỊ THANH NGUYÊN
(Mộc Hóa 27-10-2012)
|
|