|
Tản mạn trước giao thừa
Nguồn minh họa: Internet.
1.
Giữa binh đao khói lửa, mùa xuân Kỷ dậu 1789, vua Quang Trung, còn
gửi cho công chúa Ngọc Hân cành đào báo tin chiến thắng. Có lẽ đó là
cành đào đầu tiên từ Bắc xuôi về Nam? Có phải là ý tưởng của những
người phục dựng, sáng tạo vườn hoa Nguyễn Huệ của TP.HCM từ 10 năm
qua với mong muốn thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc,
giữ gìn bờ cõi độc lập, thống nhất ba miền Bắc-Trung-Nam, toàn vẹn
từ miền ngược đến miền xuôi, từ vùng núi cao biên giới đến hải đảo
xa xôi?
2.
Hương Xuân đã tràn khắp mọi nẻo đường với sắc thắm của muôn loài hoa
tươi, rực rỡ dưới nắng vàng. Dẫu cho nghèo hay giàu, vui hay buồn,
mọi người vẫn tất bật đón xuân về với bao niềm háo hức mong chờ thời
khắc chuyển giao của đêm giao thừa. Đọc tin Chính phủ hỗ trợ gần 6
ngàn tấn gạo cho một số tỉnh để cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết
Nguyên đán và thời điểm giáp hạt năm 2013 mới cảm nhận hết sự thiêng
liêng, cảm động trong tình nghĩa đồng bào năm hết, tết đến ai cũng
phải ăn no, mặc ấm dẫu khó khăn, thiếu thốn vẫn còn, vẫn còn…!
3.
Dân gian có câu “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết
thầy” . Tục xưa, sang ngày mồng ba, người Việt thường dành riêng đi
lễ Tết thầy giáo. Công dưỡng dục thuộc về cha mẹ nhưng công lao dạy
dỗ thành người hiểu biết, thành người có nghề nghiệp, chức vị xã hội
là người thầy. Thường thì ngày mồng ba Tết, người đứng đầu hàng môn
sinh, những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị
trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy. Người
cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay
mặt mọi người đứng lên trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của
học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành.
4.
Nghe Đài thông báo họp mặt trường xưa của thầy trò trường Trung học
Kiến Tường vào ngày mồng năm Tết. Ngày nay, thời gian họp mặt lại
tùy thuộc vào lòng hiếu thảo của học trò. Miễn là chưa cúng hạ nêu
(mồng 7 tết) là được. Thầy cô không còn ở một chỗ được nữa rồi. Học
trò sẽ tiếp đón như kiểu rước đuốc thế vận hội qua nhiều chặng đường
khác nhau. Đó cũng là sự lạ mà hay của thầy trò trung học Kiến Tường
luôn tiếp lửa truyền thống từ thế hệ hôm nay đến thế hệ mai sau…
Phong tục chúc tết ấy bắt nguồn sâu xa từ lòng nhân nghĩa của dân
tộc ta, của nhân dân ta “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo”. Xin
chúc thầy trò trường THKT được vui nhiều, hạnh phúc thật nhiều nhân
ngày hội ngộ này.
NGUYỄN HIỀN HẠNH
(Mộc Hóa
7-2-2013)
|
|