|
Cá Linh ơi… còn không?
* Tạp bút
Bây giờ là giữa tháng 8, con nước đầu mùa mang những mớ cá linh non
về chợ. Giữa những xửng đầy ắp cá lóc, cá trê, cá rô nuôi, thỉnh
thoảng hiếm hoi 1 thau cá linh chỉ chừng một hai ký, và vì vậy giá
cũng khá đắt từ 130 đến 150 ngàn đồng một ký, hơn giá 2kg thịt heo
ngon hay gần bằng giá 1kg tôm nuôi. Đặc sản có khác, những con cá
linh mùa này được bơm oxy để giữ sự sống. Hồi trước, cá linh lềnh
khênh, là loại cá bình dân, thậm chí để nuôi heo. Còn bây giờ, nguồn
cá linh trong thiên nhiên ngày càng ít đi, khiến cá linh trở thành
một loại đặc sản của vùng lũ lụt Đồng Tháp Mười.
Về Kiến Tường những ngày này đến những quán ăn
đặc sản như quán Tuyết, Huỳnh Nhẫn,…. ta thấy trong thực đơn luôn có
món cá linh chiên bột, cá linh kho lạt, cá linh nấu canh chua,... Và
trong những cuộc gặp gỡ thân tình, nhất là đón một người ở xa về
trên bàn tiệc gia đình cũng không thể thiếu món cá linh, đi kèm với
nhiều loại rau cải xanh, sà lách, đọt xoài,… rồi canh chua thì thêm
điên điển, bông súng…
Nói đến cá linh ở Mộc Hóa không thể quên những cái đáy (*) bắt cá
trên sông. Tôi còn nhớ mùa nước năm 1981 tôi có dịp gặp anh Năm Rắc
(em anh Tư Răng – hai anh em đều là cựu học sinhTHKT) trên ghe đóng
đáy của anh tại 1 khúc sông ở xã Bình Hòa Đông vào buổi chiều rồi
tối hôm đó 2 anh em cùng vài người bạn lai rai bên nồi canh chua cá
linh, gió sông mát rượi, thấy cuộc đời có những khoảnh khắc thật là
thú vị. Thỉnh thoảng có người chèo xuồng ra mua cá, anh Năm lại đến
kéo giỏ cá dưới sông lên, nhắm chừng 2kg hay 3kg rồi ra giá, cũng
mua được 1, 2 lít rươu nữa. Anh Năm Rắc kể đó là cuối mùa nước, chứ
đầu mùa thì phải đổ cá liên tục, và những lúc nhiều như vậy, cá bán
cho hãng nước mắm tính bằng giạ. Có lúc cá chạy nhiều quá phải đổ xá
lên xuồng rồi cuối cùng khi đầy xuồng thì đáy phải xả bỏ nếu không
sẽ rách đáy. Bây giờ thì không còn nhiều cá như vậy nữa.
Kiến Tương ngày xưa có hãng nước mắm của ông Biện Minh (ba của anh
Lê Chí Linh, chồng chị Lâm Thị Trưng - cả 2 là cựu học sinh THKT) ở
bên kia cầu Cá Rô cũ trên đường đi Cái Cát, Bắc Chan chuyên sản xuất
nước mắm từ cá linh. Hãng có gần chục thùng ướp nước mắm bằng cây
(mỗi thùng cao khoảng 2m đường kính 3m dung tích mỗi thùng cũng phải
5 hay 7 ngàn lit)
Trong ảnh là 2 mố cầu Cá Rô cũ, trước hãng nước mắm ông Biện
Minh.
Trước năm 1975, nước mắm xuất xưởng còn chứa trong những cái tĩn
bằng đất nung. Sau đó mới đựng trong những bình mủ. Đến những năm
1985,1986 hãng chỉ còn sản xuất cầm chừng vì tất cả các hãng xưởng
đêu phải đi vào tập thể, hợp doanh theo chính sách lúc đó. Sau này
cá càng lúc càng hiếm, và lâu rồi không còn nghe nhắc đến hãng nước
mắm ngày nào. Ông Biện Minh cũng đã mất khoảng 5, 6 năm rồi.
Tĩn nước mắm xưa do bạn Tấn Lương sưu tầm.
Bạn Tấn Lương.
Vừa rồi đi đám cưới ở ngọn Đầu Sấu thuộc xã Tuyên Bình Tây, Vĩnh
Hưng (năm trên sông Vàm Cỏ Tây), tôi được người bạn cho chai nước
mắm cá linh. Về kho cá thấy rất thơm ngon (thơm kiểu mắm đồng);
nhưng tiếc là lớp trẻ sau nay hầu như không còn thích mùi nước mắm
kiểu này nữa, họ đã quen với ChinSu vị ngon hóa học nhưng không
hương tiện dụng. Rồi đây những thế hệ sau sẽ không còn mấ người biết
đến nước mắm cá linh “vang bóng một thời”.
Sẽ vẫn còn những mùa cá linh mỗi năm khi nước lũ tràn về miền Tây,
Đồng Tháp Mười. Các món ăn cá linh có vẻ vẫn giống như xưa hay có
thể còn ngon hơn, nhưng có lẽ những cựu học sinh THKT thì sẽ mãi đi
tìm trong vô vọng hương vị cá linh những mùa cũ.
Bài: PHẠM ĐỊNH
Ảnh: DƯƠNG TẤN LƯƠNG – PHẠM ĐỊNH
-----
(*) Đáy hay miệng đáy: vắn tăt gồm một hệ thống 2 phao mỗi phao kết
bằng khoảng 5, 6 thùng phuy neo chắn ngang một phần sông, phao này
cách phao kia khoảng 15 mét, hệ thống này giữ một lưới túi, tận cùng
là giỏ bắt cá, do nước lũ chảy xiết đưa cá vào miêng lưới rồi vào
giỏ. Người giữ đáy neo một chiếc ghe nhỏ ngang trên giỏ cá.
VIDEO CLIP:
Mùa cá linh non.
Mùa cá linh.
|
|