Tản mạn về chuyện nhiệt độ
(khoa
học và đời sống)
“Vào chiều Chủ nhật 5-1-2014, nhiệt độ ở Mỹ thấp nhất là âm 55 độ F
(âm 48 độ C) và cao nhất là 85 độ F (29 độ C)”...
Tin
về bão tuyết và nhiệt độ thấp kỷ lục ở Mỹ làm cho nhiều
người trong Gia đình THKT lo lắng về người thân và bạn bè
bên ấy. Cũng không ít người bối rối về 2 hệ thống đo nhiệt
độ ở mỗi nơi khác nhau, ở Mỹ: nhiệt độ F (Fahrenheit) và
ở Việt Nam nhiệt độ C (Celsius).
Tôi chợt nhớ đến
câu chuyện sau đây:
Một em bé (tuổi
đang học lớp tiểu học) cùng gia đình sang Mỹ, bị sốt, sau
khi được bác sĩ gia đình thăm khám cho uống thuốc, em bé
trùm mền khóc và bỏ ăn. Người mẹ thấy vậy động viên, năn
nỉ một lúc sau em mới buột miệng hỏi:
- Khi nào con
chết hả mẹ?
Người mẹ ngạc
nhiên - Sao con hỏi lạ vậy? Con bị cảm sốt thông thường mà,
uống thuốc vài ngày sẽ khỏi thôi.
- Không, mẹ giấu
con…lúc vừa rồi con nghe bác sĩ nói con nóng 102 độ… Cô
giáo của con ở Việt Nam nói trẻ mà nóng 41-42 độ là nguy
hiểm rồi…con nóng đến 102 độ làm sao sống nổi?...
Người mẹ chợt hiểu ra và giảng giải cho con công thức hoán
đổi nhiệt độ như sau:
- Ở Mỹ người ta dùng nhiệt độ F, con nóng 102 độ
F, nếu ở Việt Nam tính ra nhiệt độ C thì bằng bao
nhiêu?
Công thức: C= (F-32)/1,8 = (102-32)/1,8 =40 ( độ C)
(như vậy theo lời cô giáo thì con chưa bị nguy hiểm).
Đó là câu chuyện vui dẫn nhập.
Ngược lại, ở VN 29 độ C= ? độ F ở Mỹ?
F=(độ C ×1,8) +32 =(29 ×1,8)+32 = 84,2 độ F (Dự báo
ghi 85 độ F).
Mới nhìn vào
con số ta thấy sự chuyển đổi này cũng phức tạp và rối
rắm.
Sự khác biệt là do các nhà khoa học chọn mốc khác nhau:
Ông Fahrenheit
người Đức (1686–1736)
chọn nhiệt độ lạnh kỷ lục ở quê ông năm 1708 là mốc 0 độ
F (tương đương với âm 17,8 độ C) và hơi nước đang sôi là 212
độ F.
Còn nhà thiên văn
học người Thụy Điển Celsius (1701–1744)
chọn chỗ nước đá (nguyên chất) đang tan - hoặc bắt đầu đóng
băng - đặt là không độ C, và chỗ hơi nước đang sôi là 100
độ C (tương đương với 32 độ F và 212 độ F). Ta gọi hệ thống
đo nhiệt của Celsius là “hệ nhiệt độ bách phân”.
Như vậy: 100
khoảng chia độ bách phân (C) từ 0 đến 100 tương đương với 180
khoảng chia độ F từ 32 đến 212
Hay: một khoảng chia của độ C bằng 1,8 khoảng chia của nhiệt
đô F. Vì thế nên ta có công thức chuyển đổi trên.
***
Trời cuối năm
khí hậu ở Saigon thật dễ chịu: 20 độ C (lại đổi ra thành
68 độ F cho dễ cảm nhận), buổi sáng ở thành phố cho ta có cảm
giác lý tưởng như khi ngồi ngắm hoa trên đồi thông ở TP Đà
Lạt.
NGUYỄN VĂN HÒA
(TP.HCM
8-1-2014)
|