thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

Phương pháp tính thứ trong tuần nếu biết được ngày và tháng (dương lịch)

(Theo truyền đạt của thầy Đoàn Văn Nhiêu cách nay 40 năm)

     Năm 1971, năm tôi học lớp 9, thầy Đoàn Văn Nhiêu đã chỉ dạy cho cả lớp một  phương pháp tính nhanh rất độc đáo: Nếu biết được ngày tháng dương lịch thì sẽ tìm được thứ trong tuần, bất kể năm nào. Tôi đã áp dụng nhiều trong thực tế là chỉ cần tính nhẩm trong 10 giây là có thể biết được thứ trong tuần của năm đó. Cách tính này đến nay tôi vẫn còn nhớ và sau này có thời gian suy ngẫm thêm để biết quy luật của cách tính.

Nay tôi xin phép thầy được đưa phương pháp tính này lên trang Web THKT để kính nhớ công ơn thầy Đoàn Văn Nhiêu đã chỉ dạy cách tính này, cũng như đã tận tình truyền đạt cho học trò tụi em về phương pháp, kỹ năng làm toán và niềm say mê toán học.  

Trước hết ta xác định tháng tương ứng với một mẫu tự : 

Tháng  1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Mẫu tự tương ứng tháng  A Đ Đ G B E G C F A Đ F

Để nhớ tháng tương ứng mẫu tự nào, ta phải thuộc lòng 2 câu thơ:

  Anh Đi Đâu Giận BEm

  Giờ Chia Fôi Anh Đừng Fiền

Như vậy, nếu tháng 6 là chữ Em thuộc mẫu tự E, tháng 7 là mẫu tự G …

Sau khi xác định được tháng, lấy tại tháng (mẫu tự) đó là ngày 1 và tiếp tục nhẫm tính theo chiều kim đồng hồ đến ngày cần tính theo hình vẽ tượng trưng cho tuần, gồm 7 mẫu tự như sau: 

Để tính được thứ trong tuần, phải lấy mốc : chủ nhật tương ứng với với mẫu tự nào trong năm. Năm2010, chủ nhật tương ứng với mẫu tự C (mỗi năm có mốc chủ nhật khác nhau được đề cập ở phần sau). Tính theo chiều kim đồng hồ thì thứ hai là Đ, thứ ba là E, đến thứ bảy là B.

Ví dụ: ngày 25 tháng 12 năm 2010 là thứ mấy?

Áp dụng cách tính: Từ 2 câu thơ trên, tháng 12 được xác định là chử Fiền, thuộc mẫu tự F. Từ F tính là ngày 1, theo hình vẽ trên tính tới theo chiều kim đồng hồ thì ngày 2 là G, ngày 3 là A, ngày 4 là B, ngày 5 là C, ngày 6 là Đ, ngày 7 là E… ngày 21 là E … đến ngày 25 là B. Năm 2010 chủ nhật là C nên B là thứ Bảy. Vậy ngày 25-12-2010 là ngày thứ Bảy. 

Phương pháp trên tính đúng với những năm thông thường theo số ngày cố định trong tháng mà ai cũng biết: có 31 ngày trong các tháng 1, 3, 5, 7, 8, 10, 12; các tháng còn lại là 30 ngày, trừ tháng 2 là 28 ngày. Riêng năm chia hết cho 4 như năm 2012, 2016, 2020… thì có 29 ngày trong tháng 2 (còn năm nhuận là năm có 2 tháng âm lịch trong năm như năm 2012, 2014, 2017…)  thì trong năm có 2 mốc chủ nhật khác nhau. Cụ thể:

   Năm 2011: Mốc chủ nhật là B

   Năm 2012: Mốc chủ nhật là A (từ tháng 1 đến tháng 2)

                 Mốc chủ nhật là G (từ tháng  3 đến thing 12)

   Năm 2013: Mốc chủ nhật là F 

   Năm 2014: Mốc chủ  nhật là E

   Năm 2015: Mốc  chủ nhật là Đ

   Năm 2016: Mốc chủ  nhật là C (từ tháng 1 đến tháng 2)

                     Mốc chủ nhật là B (từ tháng 3 đến tháng 12) v.v… 

Mở rộng thêm: Có mấy câu hỏi để ta tìm hiểu và tự trả lời:

    • Tại sao tháng 1 là A, tháng 2 là Đ… (mà không là mẫu tự khác)?
    • Tại sao năm chia chẵn cho 4 có 2 mốc chuẩn chủ nhật?
    • Tại sao mốc chủ nhật  theo năm được tính ngược chiều kim đồng hồ (năm 2013 là F, 2014 là E, 2015 là Đ…)?

MAI VĂN RÊ

(TP.HCM, 10-5-2010)

 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage