|
Ngôi nhà không
đóng cửa
Bây giờ nhà nào cũng đóng cửa. Không đóng cửa để
trộm cướp vào nhà ư? để gió độc vào ư? Ở những thành phố
lớn, không đóng cửa xem như tự rước họa vào nhà, bởi nguy hiểm luôn
chực chờ ở trước ngõ. Nhiều khi đóng còn chưa chắc ăn nữa kìa. Tài
sản là miếng mồi hấp dẫn của lòng tham. Nhà ai nấy lo cho chắc. Vì
thế, hai nhà kế vách nhau, không biết nhau là lẽ thường tình…
Nói như
thế thì nói làm gì cho mệt. Người ta bảo là có ngôi nhà không đóng
cửa, không có cửa, nên mình phải đi tìm xem ở đâu vậy.
Tôi lên
trang mạng tìm kiếm, thì có bộ phim truyền hình nhiều tập
của Trung Quốc mang tên “Ngôi nhà không đóng cửa”. Đây là bộ
phim hài hước, tâm lý, tình cảm. Tóm tắt nội dung phim có
đăng đầy đủ trên trang mạng. Nhưng đó chưa phải là cái mình
cần tìm.
Trong văn
học, tôi đọc nhà văn Victor Hugo trong tác phẩm Những
người khốn khổ có viết :…”Chỉ khác nhau tí này thôi;
cửa nhà thầy thuốc thì không bao giờ được đóng, còn cửa
nhà tu hành thì bao giờ cũng phải để ngỏ”… Và chính việc
không đóng, để ngỏ như vậy, tác giả đã làm thay đổi cuộc
đời của Giăng Vangiăng từ người tù khổ sai trở thành người
lương thiện, thành ông thị trưởng. Trong quyển truyện có một
chi tiết thú vị là: Chỉ vì lấy một đồng hào của đứa bé
trong quá khứ mà ông Giăng bị kết án khổ sai chung thân, dù
lúc ấy ông đã là thị trưởng. Nếu tính quy đổi, trượt giá
thì đồng hào đó sẽ bằng bao nhiêu VND…, cái giá phải trả
đối với người vi phạm sẽ cỡ nào…? Nhưng, đó là tác phẩm
văn học nghệ thuật với tính hư cấu, ước lệ của nó, chưa
phải là cái mình cần tìm.
Thôi
thì, đi thực tế!

Tôi mời
bạn đi vào Đồng Tháp Mười, ở những địa bàn vùng sâu, biên
giới. Chắc chắn, bạn sẽ nhìn thấy những ngôi nhà không
đóng cửa. Đúng hơn là không có cửa. Những ngôi nhà bằng tre
lá, cất dọc theo bờ kênh rạch. Phần đông là những hộ gia
đình nghèo hoặc những hộ ở nơi khác đến ở tạm, làm xong
vụ mùa, vụ lúa lại trở về quê cũ. Họ đã quen biết nhau tự
lâu, nghèo giống nhau, nên cần gì phải đóng cửa. Nghèo nhưng
tấm lòng vẫn phóng khoáng, ân cần, hiếu khách nên cần gì
có cửa để ngăn cách với nhau. Họ không biết diễn thuyết, hô
hào, mệnh lệnh, chỉ lam lũ làm ăn và chung vai tương trợ
lẫn nhau. Không có tấm biển nào đề gia đình văn hóa, nhưng tôi nghĩ
họ có được niềm hạnh phúc từ những điều đơn giản nhất, dù trong
cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, nhọc nhằn. Biết đâu, mai này
sẽ có người trong số họ trở thành đại gia, đi sạ lúa bằng trực
thăng, mua bán đất trên sao Hỏa, xây thành phố dưới lòng đại dương.
Biết đâu được, chuyện đời mà!
Như vậy,
là có những ngôi nhà không có cửa trong cuộc sống thường
nhật. Tôi lại nhắc thêm ngôi nhà khác. Một ngôi nhà vừa ảo, vừa
thực. Đó là ngôi nhà chung mang tên “Web Trung học Kiến
Tường”.
Ngay lời
ngỏ “Kết Nối” có đoạn viết: …“Web
THKT là ngôi nhà chung không có cửa nẻo của tất cả những ai cảm thấy
thích thú và hạnh phúc khi được sống trong đó. Nó tuyệt nhiên không
phục vụ cho riêng tư một ai”. Không có cửa nẻo là để dĩ vãng
lọt được vào cuộc sống hiện tại, là “để chúng ta trải lòng
về miền quá khứ với biết bao kỷ niệm của thời tuổi trẻ đẹp nhất của
mình…”
Tới khúc đó, tôi
ngưng.
Vế sau còn lại
(*), tôi
không dám nhắc, sợ sau này tụi nó lớn, nó rầy mắng mình
để lại “cục nợ” tệ quá xá.
Ai không sợ, xin lên
tiếng hỗ trợ!
…
Ngôi nhà không cửa nẻo!
Vào chơi, cho biết!
NGUYỄN HIỀN HẠNH
(Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện
Mộc Hóa, 27-7-2010)
-----
(*) "...mà còn là nơi để các thế hệ con
cháu chúng ta cảm nhận được cha ông chúng từng sống như thế nào."
|
|