thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

TẠP GHI

 

Tập thể dục buổi sáng

Có những lúc những người sống chung hộ khẩu mà cũng cự cãi, chống đối nhau. Như trường hợp của tôi, dù có quyền thực thi gia pháp của chủ hộ khẩu, nhưng cũng bị cằn nhằn vì thức dậy quá sớm, không đúng với lịch trình, thời gian biểu của nóc gia.


Vợ cằn nhằn, con cũng cằn nhằn theo. Mà có gì đâu! Từ trước tới nay, đâu có vậy! Sức mấy mà thức sớm được! Tại mấy ly rượu buổi tối, không thể kéo dài, không đủ sức mạnh hỗ trợ cho giấc ngủ, nên mới 3, 4 giờ sáng là cặp mắt đã tỉnh queo, ráo hoảnh . Muốn xem tivi cũng không cho. Muốn đọc sách thì đầu óc trống rỗng như lon cá mòi. Vậy thì, làm gì nào?


Xuống đường. Tập thể dục!
Bước đều… bước! Một, hai,….

 


Tiếng hô, tiếng huýt còi làm cho không khí buổi sáng rộn ràng, sôi nổi theo nhịp đều của những bước chân tập luyện trên thao trường... Hầu như, mọi người đều chăm chỉ dậy sớm, thể dục. Bởi vì, tập thể dục là cơ hội cho mình tăng thêm tuổi thọ, yêu đời và yêu người hơn. Người ta có thể sống tới 120 tuổi theo nguyên lý sinh học, như giáo sư Hồng Chiêu Quang đã viết trong quyển sách “Bác sĩ tốt nhất là chính mình”. Ông cho rằng: “ăn uống hợp lý, thể dục đều đặn, cai thuốc bớt rượu, tâm trí ổn định”… thì 16 chữ ấy, sẽ giúp ta giảm hơn 50% bệnh tật, kéo dài tuổi thọ hơn 10 năm. Ta nghe vậy, nên chăm chỉ làm theo và xem đó là đích đến của mình. Nhưng, nếu không đến đích thì sao? Không sao cả! Dù có ngả ngựa giữa đường thì cũng không hề ân hận gì. Đó là lẽ thường tình đối với những người không yêu nhớ vợ con, khoái đi nhậu và khoái “phở” hơn khoái “cơm”; cái giá phải trả cho những người dám đem sức khỏe của mình mà đùa với lửa… (lửa lẩu dê, hic!).


Tôi đọc trên Web “trunghockientuong.com” có bài “49 bí quyết để sống vui khỏe hơn trong năm mới”, họ động viên nhau: Hãy ngủ, hãy uống, hãy ăn… Hãy đi bộ, hãy cười, giải trí, vui đùa, đọc sách… Hãy sống với 3C: Chân tình, cởi mở, cảm thông!... Đó là triết lý, châm ngôn sống, nhằm hướng con người đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ. Nhưng từ triết lý đến hiện thực là một khoảng cách không bao giờ gần, rất xa… (xa hơn đoạn đường từ nhà ta đến quán nhậu nhiều lắm, hic!)


Tôi trở lại thực tế trên đường, bởi cơn mưa nửa khuya làm không khí se lạnh hơn. Đường phố có chút hương thơm của hoa sứ trắng! Đèn hắt ánh trắng, vàng. Những thủ lĩnh, đại ca miệt vườn của tôi còn vất vưởng, tụ tập trên băng ghế đá sau nhiều giờ game online. Những đôi mắt phờ phạc, rã rời nhưng vẫn luôn hát nhảm, nói tục và khoái mơ tưởng về những lãnh địa giang hồ chiếm cứ hơn là trở về ruộng đồng làm… địa chủ. Không biết các em có lúc nào đó mơ tưởng về một mái trường thân yêu, một mái nhà êm ấm, một con đường có cánh diều và những chiếc bong bóng bay muôn vẻ, muôn màu. Các em không có lỗi. Chỉ có người lớn là phải gánh chịu, như người ta vẫn nói “Tội ác của người lớn bắt đầu từ sự lang thang của trẻ thơ”. Nói đến người lớn, đúng hơn là gia đình, gia đình với các chuẩn mực vể gia giáo, gia lễ, gia pháp, gia phong. Nhất là trong cuộc sống văn minh hiện đại, có sự phân hóa giữa người giàu và người nghèo, thì những gia đình đổ vỡ, tiêu tan không còn là hiếm; nhiều gia đình không còn biết con cái mình ra sao, sẵn sàng vứt cà núm ruột đẻ đau của mình ra đường phố, để cho đứa trẻ không được ai chăm sóc, bị những thói hư tật xấu của xã hội nhấn chìm, làm tiêu tan cả tính lương thiện và lương tri. Đứa trẻ lang thang sẽ là đứa trẻ ngu dốt và là một người lớn hư hỏng sau này, đúng như một nhà văn đã viết.


Thức dậy đi! những đại ca, thủ lĩnh miệt vườn của tôi ơi! Đừng ham làm ca sĩ tập hát nhép trên ghế đá công viên; đừng ham làm thầy lang tập chích choác trên những cánh tay không còn đường gân, đừng ham làm yên hùng trên những cung đường chờ lún, chờ nứt; đừng ham làm anh hùng cứu mỹ nhân online… Đừng chệch khỏi quỹ đạo bay của con tàu mang tên mơ ước, còn mơ ước là còn chút lòng yêu thương, nhân ái, còn mong tìm gặp được hạnh phúc, dù là hạnh phúc mong manh. Ngược lại, tâm hồn bị rách nát, chắp vá thì cuộc đời sẽ không bao giờ lành lặn!


Buổi sáng, tiếng xe lam trên đường là rất quen thuộc. Nhưng giờ, không còn nữa, ít gặp lắm, đã bị khai tử, giờ chỉ còn tiếng xe ôm chạy vút qua với đủ thứ háng hóa lỉnh kỉnh về chợ cho kịp sáng. Cái chợ nhỏ ven sông tự nhóm và tự tan như bao vùng quê khác. Ngày xưa, tôi rất thích đi chợ để được ăn hủ tiếu của ông chệt đầu phố, được vào nhà lồng chợ để mua đồ chơi, mua dế đá… được tận hưởng và được biết cái chợ là như thế nào để mà… tả văn. “Hãy tả cảnh đi chợ cùng với má em”. Đề bài như vậy, nếu không đi, làm sao biết! Nhưng giờ, chợ không còn hấp dẫn trẻ con bởi vì huyện có chợ huyện, xã có chợ xã… Ở đâu cũng có thể mua cục kẹo, cây kem… Thằng bạn hỏi, nếu đề bài tả đi siêu thị thì sao? Tôi trả lời thì hơi mệt… chớ sao, vì biết chừng nào trẻ con mới thấy siêu thị ở vùng trũng ngập lụt này!? Lúc trước, đi chợ với má, thấy cái gì cũng đòi mua. Giờ thấy ngán quá! Thấy cọng rau muống cũng sinh nghi nhiễm độc, nhiễm khuẩn. Người lớn, trẻ con đều bị ngộ độc. Càng vì tiền, con người càng cạnh tranh khốc liệt và tinh vi, khiến cho ông ác và ông thiện phân xử muốn bở hơi tai, muốn xin từ chức!


Có chợ là có người quét đường, dọn dẹp rác thải và nhiều thứ khác để cho đường phố mỹ miều hơn. Họ quét và vẫn còn quét đến mờ sáng bằng tiếng xào xạc của chổi tre, tiếng chạm nhau kin kít của những xe ba gác, thùng rác bằng sắt. Nhiều gia đình đã theo nghề quét rác qua nhiều đời. Nhưng họ vẫn không khá giả. Người ta bảo: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Sao họ vẫn vậy kìa! Nghèo cũng có tính ổn định. Nhưng, phải có giới hạn, chớ nghèo hoài chịu sao thấu!


Tôi suy nghĩ và cứ đi trong bầu trời dần sáng bạch. Có tiếng chuông lễ nhà thờ, tiếng loa công cộng buổi sáng… Tôi lắng nghe rõ âm thanh ngày mới vang lên, mới thấy mình còn giá trị hiện hữu trong cuộc sống đáng yêu này!
Thằng bạn hỏi đi tập thể dục sáng có sung sướng không? Tôi không trả lời. Đường phố cũng như quán nhậu mỗi khung cảnh đều có màu sắc riêng của nó. Chỉ cảm nhận rằng: Đi nhậu về trễ, vợ không thèm đi kiếm. Đi tập thể dục về, vợ nhìn ta cười lúng liếng!


Gặng hỏi, vợ mới nói: bụng nở, ngực thon, hai ống chân ốm bằng hai cánh tay… Tập thể dục mà sao èo uột quá vậy ông!...


- Kỳ thật! Kỳ quá cô bác ơi!

NGUYỄN HIỀN HẠNH
(Mộc Hóa 2-8-2010)
 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage