Mơ và đời sống
Thầy Cao Thành Phát của Gia đình THKT nổi tiếng với chữ “như mơ” để
diễn tả cái đẹp khi thầy trò hội ngộ. Thầy Ngô Bảo Toàn kể chuyện có
cô lái đò thấy chớp lóe lại tưởng ánh đèn flash của máy chụp hình.
Thấy cảnh thật mà ngỡ là cảnh mơ, thông thường ai cũng nghĩ đó là
một cảm nhận thuộc văn hóa. Ai mà chẳng có lần nói mỉa người nào đó,
“Đừng có nằm mơ.” Câu nói biểu lộ niềm tin rằng cái đẹp cái tốt chỉ
có trong giấc mơ. Trên thực tế, hoang mang giữa thực và hư lại là
một cảm xúc tâm lý.
Có lẽ chúng ta nên biết chút ít về giấc mơ. Giấc mơ chỉ xảy ra khi
ta ngủ. Thử làm một bài toán nhỏ, một ngày có 24 giờ, giấc ngủ trung
bình chiếm hết 8 giờ, vậy 1/3 cuộc đời của con người là nằm ngủ. Hễ
ngủ phải có mơ, vậy ai ai cũng có mơ. (*) Xin đừng vội nghĩ đây là
chuỗi lý sự cùn, thuộc kiểu tam đoạn luận. Không đâu! Nó là một sự
thật đấy. Viện Đại học Chicago cho biết kể cả trẻ sơ sinh cũng nằm
mơ. Sẽ có người cãi rằng, “Tui nằm ngủ thẳng cẳng, chưa hề nằm mơ.”
Xem ra họ không đùa khi nói câu này. Trên thực tế họ thuộc nhóm 1%
nhân loại không hề nhớ một tí xíu gì sau khi tỉnh ngủ. Một nhà phân
tâm học đã cố vấn cho một số người này như sau. Ông ta bảo họ trước
khi đi ngủ hãy uống 3 cốc nước đầy hoặc ngủ ngồi rên ghế. Người uống
nước sẽ bị quả thận đánh thức dậy vào nửa đêm để đi tè. Thật kỳ lạ
người mắc tè nhận ra mình bị đánh thức bởi một giấc mơ. Còn ông ngủ
ngồi trên ghế, vào lúc đang ngủ ngon thì cái đầu gập xuống làm ông
suýt té nhào. Ông choàng dậy và nhận ra mình bị xô xuống hố chỉ là
một giấc mơ. Thế là hết cãi. Thế còn những người bình thường như
chúng ta thì sao. Có bao giờ chúng ta nghĩ gì về 1/3 đời sống của
mình chìm trong giấc mộng?
Bức tranh nổi tiếng the Sleeping Gypsy của Henri Rousseau
Những giấc mơ nổi tiếng
Chúng ta đều biết bài thơ Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm (1922-2010).
Thi sĩ cho hay ông đã thấy bài thơ đó trong giấc mơ. Khi tỉnh ngủ
ông chỉ có công chép nó lại trên giấy. Mary Shelley (1797-1851)
trong cơn ác mộng thấy một quái nhân. Khi tỉnh ngủ bà viết lại giấc
mơ ấy. Thế là nhân vật Frankenstein ra đời. Elias Howe (1919-1867)
nằm mơ bị lũ mọi ăn thịt người cầm lao đâm lia lịa vào mông. Ông lấy
hứng sáng chế ra cái máy cũng có mũi kim đâm lia lịa như vậy. Đó là
cái máy may. Họa sĩ thiên tài Salvador Dali (1904-1989) nổi tiếng
với những bức tranh siêu thực. Ông cho biết những bức tranh đó là
những cảnh trong giấc mơ của ông. Trang Tử (365-290 trước CN) một
hôm nằm mơ thấy mình là bướm. Cảm nhận bướm thật đến nỗi khi tỉnh
dậy ông không biết mình là bướm hay mình là người. Câu truyện “Trang
Chu mộng hồ điệp” đã trở thành chủ đề hoài nghi trong nền triết học
Trang Tử.
Mơ dưới nhãn quan văn hóa
Trong khi có người cho rằng, “Mộng mị vớ vẩn, chúng chẳng đáng bận
tâm” thì lại có nhiều người rất lấy làm quan trọng giấc mơ. Tất cả
các tôn giáo đều ít nhiều gắn bó với những giấc mơ trong dạng tiên
tri. Những truyền thống này cho rằng giấc mơ là phương cách thần
linh tiếp xúc với con người. Có lẽ chúng ta cũng thường nghe nói đến
chuyện tổ tiên về báo mộng chỉ bảo con cái sửa lại mồ mả. Các nền
văn hóa cổ như Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa đã xây dựng cả một thuyết
cho rằng cảnh trong mơ là cảnh thật. Các đệ tử Đạo gia Trung Hoa còn
tin rằng nằm mơ là trạng thái con người xuất hồn để lên cõi cao tu
luyện. Người bình dân Trung Hoa cũng thường có câu “ăn chay nằm
mộng”. Mẹ của vua William I nước Anh cho biết bà nằm mơ thấy có một
cây mọc ra từ thân thể của bà. Cành của cây cứ vươn ra không ngừng
đến nỗi phủ cả nước Anh. Sau đó bà sinh ra William (1028-1087).
William lớn lên đã dẹp tan các phe phái để thống nhất nước Anh, vì
vậy ông còn được gọi là William Đấng Chinh phục (William the
Conqueror). Năm 1865 Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) nằm
mơ thấy có đám tang trong tòa Bạch Ốc. Ông hỏi người lính canh, “Ai
chết thế?” Người lính trả lời, “Dạ thưa, Tổng thống bị ám sát và
ngài đã qua đời.” Ai cũng biết Lincoln đã qua đời đúng như vậy sau
đó.
Tóm lại đối với một số nền văn hóa, người ta tin rằng giấc mơ có giá
trị mặc khải. Niềm tin này không dính líu gì đến tôn giáo mà chỉ là
niềm tin dân gian. Đứng trước hiện tượng những giấc mơ có tính cách
tiên tri, khoa học gia cho rằng bộ não của con người có khả năng
vượt thời gian (telepathy) để thấy trước những gì xảy ra. Ngoài ra
không có thần linh nào cả. Chúng ta miễn bàn ai đúng ai sai. Chúng
ta coi như có nhiều cách hiểu và giải thích về giấc mơ.
Mơ qua lăng kính phân tâm học
Chúng ta thấy gì trong giấc mơ? Nếu hỏi cô lái đò trong câu truyện
của thầy Ngô Bảo Toàn, chắc sẽ được cô trả lời, “Tôi thấy mình là
người mẫu.” Có anh chàng lợi dụng sự mập mờ của mơ để tỏ tình, “Đêm
qua tôi nằm mơ thấy cô. Chúng ta là vợ chồng…” Thời buổi này chắc
vẫn còn cô gái ngây thơ.
Khoa học gia biết rất ít về giấc mơ, vì họ rất mù mờ về những hoạt
động của não bộ. Hiện nay trường University of Chicago lập ra một
phân khoa chuyên nghiên cứu về mơ. Các nhà nghiên cứu chỉ có thể nói
rằng, đối với não bộ mơ không phải là thế giới ảo. Họ khảo sát não
bộ qua máy họa đồ ký gọi là Electro-encephalograph (EEG). Máy này đo
và ghi những rung động của não trong lúc đang mơ. Họ thấy óc phản
ứng thật. Con mắt thay đổi cự độ như khi nhìn gần nhìn xa thật. Cảm
giác sợ hãi hay vui mừng cũng thật… Nhưng họ không thể hiểu những
hình ảnh, màu sắc, và âm thanh đó ở đâu mà ra và tại sao.
Một dạng mơ khác là đi trong mơ (sleepingwalking hay nighwalker),
tiếng Việt gọi là miên hành (hay mộng du). Người miên hành có thể
phóng qua cửa sổ rồi cứ tiếp tục đi mà vẫn ngủ say. Khoa học gọi
hiện tượng này là somnambulism, khoa học không thể giải thích tại
sao. Cũng may miên hành rất hiếm và chỉ xảy ra cho trẻ em. Qua nhiều
cuộc khảo sát, khoa học gia thấy rằng những người này hoàn toàn quên
hết những gì xảy ra khi tỉnh ngủ. Vì vậy điểm quan trọng là người
nhà đừng chế nhạo họ mà tạo ra sự khủng hoảng tâm thần cho nạn nhân.
Trong Gia đình THKT nếu có ai nói, “Tôi có tật miên hành” thì chắc
là nói xạo.
Hiện nay chỉ có ngành phân tâm học (psychoanalysis) là có thể biết
nhiều về mơ. Hai ông tổ khai sinh ra môn học này là Sigmund Freud
(1856-1939) và Carl Jung (1875-1961). Trước khi nói về phân tâm học,
tôi xin phép nhắc tới 3 đặc ngữ của ngành tâm lý.
1) Ý thức (consciousness): Sự hiểu biết do trí óc suy nghĩ mà có.
Thí dụ tôi biết tôi đang bực bội người đó, vì hắn chê bai tôi.
2) Tiềm thức (subconsciousness): Phần cảm nhận chìm bên dưới ý thức.
Thí dụ tôi thấy bực bội khi thấy người đó, nhưng không hiểu tại sao,
vì người đó chả làm gì đụng chạm đến tôi. Lý do không ưa hắn ẩn
trong tiềm thức nên tôi không thấy, nhưng chính nó chi phối tôi.
Thành kiến, mặc cảm, và bản tính của mỗi người chính là dạng của
tiềm thức.
3) Vô thức (unconsciousness): Phần bóng tối của ý thức mà con người
không thể đi vào để tìm hiểu. Jung nói, “Con người có thể lên mặt
trăng và Hỏa tinh còn dễ hơn là đi vào vô thức.” Chẳng hạn ta thấy
người Trung Đông có một cái gì đó khác với người Âu Mỹ. Dù cố gắng
đồng hóa cách nào người Ả Rập vẫn là người Ả Rập và người Mỹ vẫn là
người Mỹ. Cái tạo ra sự khác biệt ấy nằm trong vô thức. Jung cho
rằng vô thức là nếp huyền bí (myth) nằm sâu trong lịch sử của mỗi
chủng tộc trải dài từ vạn kiếp. Nó uốn nắn con người ở địa phương đó
có nét đặc thù như vậy.
Cả hai ông Freud và Jung đều cho rằng mơ là cánh cửa đi vào vô thức.
Khi chúng ta thức, chúng ta sống với phần nào bộ có ý thức. Khi ngủ
phần não bộ có ý thức đóng lại, nhưng phần vô thức mở ra. Vô thức
hoạt động bởi chính nó, chúng ta không thể làm gì được nó.
Về phương diện bệnh học, Feud đưa ra giả thuyết rằng những ao ước
của một người vì không được thỏa mãn nên dồn nén thành những ẩn ức
(urges). Để thoát khỏi cơn khủng hoảng có manh nha tạo nên bệnh thần
kinh, vô thức mang chúng lên giấc mơ. Bằng một cách nào đó giấc mơ
tạo nên sự cân bằng cho ý thức (sự mong ước) và tiềm thức (sự dồn
nén). Trở lại với cô lái đò nói ở trên, lòng ao ước thoát khỏi cảnh
nghèo và được nổi danh trở thành một ẩn ức. Thế là hình ảnh thành
đạt hiện ra để làm dịu tình trạng căng thẳng thần kinh. Cô mơ thấy
ký giả chụp hình mình. Nhưng nếu ta mơ thấy mình làm những truyện
quái dị, nói nhỏ: đôi khi đến mức thiếu đạo đức, thì sao. Yên chí
đi, chỉ là truyện bình thường. Phân tâm gia William Dement nói,
“Trong đêm thâu, mơ cho phép chúng ta điên khùng trong im lặng và an
toàn.”
Đến đây chắc có người cãi chày cãi cối rằng, “Vậy người mù từ bẩm
sinh sẽ không thể nằm mơ để giải tỏa ẩn ức, vì não bộ của họ không
thể tạo ra hình ảnh.” Thưa, họ vẫn mơ như thường. Cảm giác, nhiệt
độ, và âm thanh là chất liệu trong giấc mơ của họ. Suy ra ai cũng
“phải” mơ và nếu ta đi ngược lại tiến trình của giấc mơ, ta có thể
lần mò ra tâm trạng của người nằm mơ.
Giải mộng
Có nhiều bà mơ thấy chồng ngoại tình, tỉnh dậy bà véo ông chồng bầm
mình. Oan cho ông ta vì thế giới trong mơ là thế giới riêng của
người nằm mơ. Tất cả mọi thứ từ mặt đất đến bầu trời đều do chính
não bộ của mình phịa ra. Những hình ảnh và sự việc xảy ra trong giấc
mơ nhiều khi chẳng có công dụng gì. Chúng bày ra cuộc hý trường để
vui chơi. Chúng cũng có thể là những hình ảnh phản hồi từ những ấn
tượng mà ta gặp nơi cuộc sống thực trong ngày. Tuy nhiên rất nhiều
trường hợp chúng là sự cân bằng của ẩn ức. Vì vậy thường chúng
chuyên chở một dấu hiệu nào đó, bởi vì mơ là phần đời sống của con
người. Điều này cũng giống như đói là dấu hiệu cho ta biết cơ thể
cần đồ ăn. Khát là dấu hiệu cơ thể cần nước. Cũng vậy, mơ về một cái
gì đó là dấu hiệu đời sống của ta đang gặp một vấn đề nào đó. Trong
trường hợp này ta phải nhờ nhà chuyên môn giải mộng cho mới hiểu
được. Quí bạn có biết kỹ nghệ giải mộng trị giá lên tới hằng tỷ Mỹ
kim mỗi năm. Nó thông dụng đến nỗi bạn ra bất cứ tiệm sách nào cũng
có thể tìm thấy một quyển sách giải mộng.
Chúng ta thử phân tích vài giấc mơ sau đây để làm mẫu.
Mơ thấy rụng răng
Người Việt thường tin rằng rụng răng là điềm báo trước có người thân
qua đời. Sai hoàn toàn. Nên nhớ mộng tiên tri hiếm lắm. Ngoài ra tất
cả mọi sự chỉ liên quan đến ta. Điểm chính của giấc mơ này nói về
răng. Răng giữ vai trò gì trong cuộc sống? Ta ăn, ta nói, ta cười
đều nhờ có bộ răng. Thú ra oai thì nhe răng. Còn ta tức giận thì
nghiến răng. Răng là biểu tượng của sức mạnh tự chủ. Mơ thấy răng
rụng là dấu hiệu tâm lý cho biết mình đang mất khả năng tự chủ, hay
đang lo lắng một vấn đề nào đó.
Mơ thấy bay bổng
Bay là biểu hiệu của tự do. Mơ thấy bay là mình đang có một chiều
hướng mới về tư tưởng hoặc về làm ăn hoặc muốn thoát ly ra khỏi hoàn
cảnh không vừa ý trong hiện tại.
Mơ thành câu truyện
Mẩu truyện sau đây trích trong quyển Dreams của Tucker Shaw (1995,
Alloy Books, New York). “Tôi mơ thấy mình được anh bạn lái xe đưa đi
chơi. Tôi muốn hôn anh ta nhưng còn e lệ. Anh ta nói để anh chỉ cho.
Nói xong anh ta ôm tôi hôn ngay giữa ngã tư đường. Tôi thấy có chiếc
xe vận tải đang phóng tới, nhưng anh vẫn tỉnh queo ôm tôi hôn. Tôi
hoảng hốt đẩy anh ra. Vừa lúc chiếc xe vận tải đâm vào xe tôi. Anh
ấy thoát nạn nhưng tôi bị văng vào một vùng trắng mờ như sữa rồi
choàng tỉnh dậy.”
Đây là lời phân tích của Shaw. “Người bạn trai mặc dù trên thực tế
có thật, nhưng ở đây chỉ là cảm nghĩ của cô về anh ta. Bởi vì mọi
thứ trong giấc mơ đều do chính não bộ của cô tạo ra dựa theo cảm
nghĩ của cô. Chiếc xe là biểu tượng môi trường sống an toàn. Người
bạn trai chở cô đi chơi, chứng tỏ người ấy nắm quyền chủ động và có
uy lực trên cô. Cô muốn hôn anh ta nghĩa là cô muốn tiến đến với anh
ta. Nhưng cô lại không dám hôn mà chính anh ta hôn cô. Sự kiện đó
nghĩa là khi thật sự gần nhau cô bị anh ta khống chế. Ngay lúc ấy
cảm giác an toàn không còn nữa mà thay vào là nỗi sợ hãi. Đó là lúc
cô thấy chiếc xe vận tải phóng tới. Xe cô bị vỡ là hình ảnh môi
trường bao bọc an lành bị vỡ. Anh ta thoát nạn nghĩa là anh ta bước
ra khỏi sự liên hệ với cô. Tức thì cô rơi vào khoảng trắng mù nghĩa
là cô rơi vào cõi trống vắng của tâm hồn. Kết luận: cô yêu anh ta
nhưng chưa quen, hay không chấp nhận, vị thế như kẻ bề trên của anh
ta. Nay đã hiểu tâm ý của mình, cô có thể điều chỉnh sự liên hệ lại
cho đúng hướng hơn ”.
Không hiểu tại sao đến đây tôi cảm thấy trong Gia đình THKT có người
có khả năng giải mộng, nhưng tôi không biết là ai. Người đó chắc
chắn không phải là tôi. Vậy đêm qua ai có giấc mơ gì cứ gửi vào
trang Web thử xem. Hy vọng người đó sẽ ngứa tay gai mắt xuất đầu lộ
diện phân tích giấc mộng cho bạn. Dù sao cũng miễn phí.
ĐỖ NGỌC TRANG
(Elk Grove, CA, Mỹ, 6-8-2010)
---
(*) Nhạc sĩ Phạm Duy trong bài hát Đố ai có câu: “Đố ai nằm
ngủ không mơ... ơ... ơi... ơ... biết em nằm ngủ hay mơ... ơ... ơi...
ơ...” và được một bạn tên Kitty dịch ra tiếng Anh là “Who can sleep
without making dreams? I know that sleeping you often see dreams.”
Mời bạn
click vào đây để nghe bài hát Đố ai qua tiếng hát Ý Lan –
Vũ Khanh
|