thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

TẠP GHI

 

Cà phê thư giãn!

 

         

          Đã lâu, không uống cà phê buổi tối. Những quán cà phê ở thị trấn miệt đồng ngày càng mọc lên nhiều theo tốc độ đô thị hóa, thu hút nhiều giới trẻ: có đèn nhấp nháy, có nhạc trẻ xập xình, có mạng Internet, có xe độ, có những mái tóc nhuộm vàng, xanh, đỏ vào ra… Không khí luôn luôn tấp nập và ồn ào.

 

          Tôi và anh bạn phải đi tìm một chỗ tương đối yên ắng, có thêm nhạc sến, nhạc vàng nghe càng tốt. Quán dựng sát bờ sông, gió mát rượi theo cơn mưa dai dẳng suốt buổi chiều, làm cho vị cà phê thêm nồng ấm. Anh bạn nhìn quanh và chụp một tấm hình công nhân đang thi công ca đêm, đóng cọc cầu bằng búa hơi gần đó. Chiếc cầu sẽ nối liền thị trấn và các xã ven trên khu dân cư mới mở. Người càng đông thì đất đai, nhà ở, đường sá … lại trở nên cần thiết. Có ai ở thành thị mà không cần điện thắp sáng, nước sạch sinh hoạt. Chỉ cần cắt điện, cắt nước là giống như bị phạt cưỡng chế tháo dỡ, di dời.

 

          Nhưng ở quán cà phê điện sáng là thừa, đèn mờ mờ là tốt hơn. Người ta cố tạo ra những khoảng không gian u tối, mờ ảo để thu hút khách vãng lai tìm chỗ tự tình tuyệt hảo vì ít ai có đủ khả năng và sức mạnh âu yếm nhau giữa ban ngày, ban mặt. Giá như ngày xưa có quán cà phê thì đâu đến nỗi Romeo phải trèo cây vào gặp Juliet. Mà nơi nào có tự tình hẳn phải có tình yêu, có lơ lửng chút gì đó giữa tinh thần và thể xác, giữa thực và mộng, giữa thiên đường và địa ngục. Có người từ đó bước ra là vui cười mãn nguyện, nhưng cũng có người là âu sầu, câm nín.

 

          Chưa biết kết cục tình yêu của họ sẽ ra sao, nhưng chỉ biết là bóng tối trong quán có cái giá của nó. Ngồi ngoài sáng thì mươi, mười lăm ngàn đồng mỗi ly, còn ngồi trong tối thì… giá cả vô hạn; đã có vô số chuyện bị mất điện thoại di động, mất đủ thứ chỉ vì ly cà phê… hôn mê (không phải là “Ly cà phê Ban Mê” đâu nhé!)

 

 

          Chủ quán cà phê thì bao giờ cũng vui, còn ai buồn thì không biết. Nhất là nỗi buồn của những người trồng cây cà phê . Họ thì lận đận, lo lắng vì giá cả mùa vụ không ổn định. Có vị uy tín trong ngành này cho rằng mỗi ly cà phê ta uống có 25g nguyên chất, nhưng ở nước ngoài chỉ có 7g nguyên chất. Vậy thì do đâu? Có phải là cách pha chế, quảng bá, tiếp thị… của ta còn yếu? Nghe đâu vị này đang thực hiện ý tưởng, dự án táo bạo của mình là làm một “thủ phủ cà phê toàn cầu” ở vùng cao nguyên đất đỏ, quyết tâm cạnh tranh trong thời kỳ mở cửa và quyết thách thức chiếm lĩnh thị trường ở ngoài nước. Cầu mong dự án thành hiện thực! Và mong ước có nhiều vị khác sẽ đầu tư thêm những dự án về thủ phủ gạo, lúa và nhiều hàng nông sản khác… cho dân mình nhờ.

 

          Nói đến đây, tôi nhớ những lúc đi chơi miệt đồng, gặp dân đồng chính hiệu, người ta chỉ dẫn cách nấu mắm kho với đủ thứ cá pha trộn như: cá sặc, cá linh, cá chốt, cá trèn … nấu một thứ cá là không ngon. Hoặc cách nấu canh chua với cá lóc, cá rô, cá bông lau, cá hú, cá vồ đém… phải bỏ vào loại hoa trái gì, cọng rau gì mới “hợp gu”. Toàn là đặc sản vùng miền. Tôi nghĩ, bánh xèo, tô phở được đưa ra nước ngoài rồi, phải tới bún nước lèo, canh chua, mắm kho… cho thiên hạ thưởng thức chứ!

 

          Người ngoài nói dân mình ngồi quán uống cà phê nhiều, mất thời gian quá. Tôi thầm nghĩ có lẽ do cực nhọc, nên mặc kệ, cứ hưởng thụ cái sự sướng được khắc nào hay khắc ấy, như nhà văn Lý Lan đã viết “… thong thả ăn, thong thả dạo chơi, thong thả đọc và… thong thả viết. Có gì mà vội”.

 

          Cũng như bây giờ, sau những ngày giờ làm việc căng thẳng, những chật vật của toan tính đời thường, hai thằng tôi cũng phải thong thả uống   từng giọt cà phê... như thả từng giọt lo âu vào sóng nước nhấp nhô, cho tan biến theo nhịp chảy của một dòng sông!

 

 

NGUYỄN HIỀN HẠNH

(Mộc Hóa 11-8-2010)  

 

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage