thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

KHẢO CỨU

 

Huyền thoại dược thảo
 

1 – Mạn Đà La

Mạn Đà La một dược thảo có chất độc, từ xưa chỉ chuyên dùng như một vị thuốc tê. Mãi cho đến khi huyền thoại bắt đầu có thêm tên mới là Túy Tiên Đào, công dụng thứ hai mới được đời biết đến. Nhưng mặc dầu tên Túy Tiên Đào được gọi, phần đông người dùng vẫn không biết tên này vì sao mà có.

Huyền thoại xảy ra đúng từ năm nào không thể tra cứu, nhưng phỏng đoán vào khoảng sau nhà Tống.

Một hôm Hoàng Đế lâm triều, các quan văn võ đều quì trước đền tung hô vạn tuế như thường lệ.

Đặc biệt hôm ấy có các Tân khoa vừa thi đỗ Trạng Nguyên.

Theo chế độ khoa cử ngày xưa, người đỗ Tiến sĩ cao nhất, gọi là Trạng Nguyên. Sau đời Nhà Tống, đổi thành ba Tiến Sĩ cao điểm nhất đều được chấm đậu Trạng Nguyên.

Hoàng đế trông thấy trong các vị tân khoa mặt mày thư sinh bình thường, có một vị mặc áo mão Trạng Nguyên khiêm nhường đứng lẫn vào hàng ngũ Cử nhân, Tiến sĩ đàng xa, trông rất khôi ngô tuấn tú nổi bật hẳn lên. Dáng dấp Trạng Nguyên cũng đặc biệt, thanh cảnh nho nhã, không giống người đàn ông thường. Nhìn Tân Trạng Nguyên như một con chim Phượng Hoàng đứng lẫn với bầy gà trống, nhà Vua vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, cố ý ban thưởng rất nhiều cho các Tân khoa.

Sau khi tất cả mọi người ra về, Vua truyền đòi Trạng Nguyên đến gần hỏi thăm gia cảnh, nhất là muốn biết chàng trai anh tuấn này đã có vợ hay chưa. Trạng Nguyên nghe hỏi có vẻ ngượng ngập, sợ hãi, trả lời rất mơ hồ.

Mặc dầu Trạng Nguyên tỏ ý rằng cha mẹ đã định “đôi bạn” cho mình rồi, nhưng nhà Vua hình như không cần tìm hiểu, cứ phán truyền ý riêng của mình:

- Tốt lắm, quan Trạng chưa có vợ, ta có Công Chúa con một đang kén chồng. Công Chúa rất nết na xinh đẹp, ta chọn Trạng Nguyên làm Phò Mã, Trạng nghĩ thế nào? Có ý kiến gì khác không?

Câu hỏi thật là thừa, còn ai dám phản kháng lệnh Vua. Ai có ý kiến gì khác cũng đành chịu. Lời của Vua là “Thánh Chỉ”, ý của vua là mệnh lệnh. Thế là quan Trạng Tân khoa đành phải tuân lệnh Vua làm Phò mã.

Lễ cưới Công Chúa cố nhiên rất huy hoàng với tất cả những lễ nghi phức tạp quan trọng của một vị Công Chúa.

Nhưng riêng Trạng Nguyên dù được làm Phò mã, sẽ kế nghiệp Vua, được ở một chức vị cao nhất sau Vua, cũng không có vẻ vui mừng chút nào. Phò mã buồn, nhưng không ai để ý đến. Tất cả mọi người, từ Vua, Hoàng hậu bá quan, quí tộc cho đến dân chúng, những ai nhìn thấy Phò mã cũng đều công nhận là Phò mã đẹp vô cùng, đẹp hơn bất cứ một tuyệt sắc giai nhân nào trong nước… Tất cả đều chỉ chú ý có thế và bàn tán mãi không thôi.

Cung điện của Phò mã ở ngay cạnh cung Vua, và cũng rực rỡ huy hoàng không kém. Sau khi nhận lãnh tất cả quà tặng, chúc tụng, Công Chúa và Phò mã được đưa về Cung để nhập động phòng. Nhưng có lẽ vì suốt ngày phải làm đủ các nghi lễ phiền phức mệt quá, nên vừa vào đến phòng riêng là Phò mã lên giường ngủ say đến sáng.

Rồi không những đêm đầu, mà tất cả những đêm sau cũng không hề thay đổi.

Mỗi ngày, sáng Phò mã vào chầu Vua, chiều về đến phòng riêng là để nguyên cả quần áo giày vớ lên giường ngủ say.

Mấy tuần lễ trôi qua đều như thế, Công Chúa cảm thấy tủi thân vì tưởng Phò mã chê mình, nhưng ngượng không tiện hỏi. Công Chúa chỉ còn cách khóc với Mẹ.

Vua và Hoàng hậu biết chuyện “đôi trẻ” chưa hề hành “Chu công chi lễ” cũng rất khó xử, nhưng không biết làm thế nào.

Vua nghĩ mãi không có cách giải quyết bèn mời một vài vị quan thân cận vào cung để vấn kế. Các quan đến, một vị thay mặt tất cả hỏi vua:

- Tâu Hoàng Đế có lệnh truyền gì?

- Các quan có biết là Phò mã trong người có bệnh gì mà không được “mạnh khỏe” không ?

Các quan nhìn nhau ngẩn ngơ, lắc đầu. Vua biết là ai cũng không dám nói gì, sợ lỡ sai lời có khi mất đầu, nên Vua làm ra vẻ hiền hòa hỏi lại:

- Trong các vị có ai biết làm cách gì làm cho Phò mã lúc đi ngủ chịu cởi bỏ quần áo ra không?

Câu hỏi có vẻ rõ ràng hơn, nhưng vấn đề thật nghiêm trọng và tế nhị, nên vẫn không ai dám mở miệng phát biểu ý kiến về sự hiểu biết của mình.

Vua không biết làm thế nào, bèn chỉ định một vị lớn tuổi nhất, bắt buộc phải đề nghị một biện pháp để giải quyết tình hình bế tắc.

Vị quan già có vẻ sợ hãi, ấp úng hồi lâu mới dám trả lời:

- Tâu Hoàng Đế, thần biết một cách có thể làm cho Phò mã thoát y, nhưng thần không dám tâu.

Vua nghe có cách làm cho Phò mã thoát y mừng quá nên hứa là ông có ý kiến gì cứ nói, dù thành công hay không cũng không tội vạ gì hết. Được hứa hẹn vô tội, vị quan già mới dám đưa ra đề nghị:

- Xin Hoàng Đế ban một đại yến đãi Phò mã. Trong lúc ăn uống xin cho phép thần ngồi gần săn sóc Phò mã, thần sẽ có cách.

Vua nghe vui mừng như cất được một gánh nặng, vội truyền dọn tiệc ngay tối hôm ấy để mời vợ chồng Phò mã. Còn vị quan già cũng lo về nhà sửa soạn phương thuốc đặc biệt gia truyền chỉ một mình ông biết, để sẵn thuốc vào ly. Đến giờ dự tiệc, khi Phò mã đến và có lệnh Vua truyền thưởng rượu, ông bèn rót rượu vào ly đặc biệt có thuốc cho Phò mã uống.

Tiệc tan, Phò mã ra về, đầu nặng, mắt hoa vì rượu say và dược chất Mạn Đà La cũng phát sinh tác dụng. Phò mã thấy trong người nóng nảy, bực bội không chịu được, bèn cởi tung cả quần áo lên giường ngủ thiếp mê man.

Công Chúa chỉ đợi có thế, thấy Phò mã ngủ say rồi bèn chạy đến gần giường, vừa nhìn thấy “chồng” nàng giật mình kinh hoảng. Thì ra, Phò mã là một mỹ nhân tuyệt đẹp.

Đêm khuya, cung điện vắng lặng. Công Chúa nhìn người “chồng” đang nằm ngủ trên giường cũng là đàn bà như mình, cảm thấy bị lừa dối nên giận dữ vô cùng. Nhưng sau một hồi suy tư, nghĩ mình bị số kiếp ác nghiệt trêu đùa như thế, nhất định là sẽ bị đem làm trò cười cho cả triều đình. Công Chúa vừa buồn giận, vừa tủi nhục chỉ biết nằm khóc, oán hận thân phận hẩm hiu lạ đời.

Mãi đến gần sáng, chất thuốc đã tan hết. Phò mã giật mình tỉnh dậy, thấy chuyện bí mật gái giả trai của mình bị phát giác, lại nhìn thấy Công Chúa có vẻ sát khí đằng đằng thì hoảng hốt, không kịp mặc áo, vội quì xuống chân Công chúa xin tha tội.

Đàn bà giả làm đàn ông để làm Phò mã là chuyện chưa từng xảy ra, nếu Hoàng Đế biết được thì tội “khi quân“ là dối Vua sẽ bị chém đầu để làm gương cho dân chúng là cầm chắc.

Công Chúa giận sôi đến nỗi không nói ra lời, mãi hồi lâu mới hỏi được:

- Cô là ai? Một người đàn bà yếu đuối tại sao lại dám to gan giả trai lừa dối Hoàng Đế. Trưa hôm nay, đầu ngươi chắc chắn là sẽ rơi xuống đất

Phò mã nghe thế, hồn vía lên mây, run rẩy xin Công Chúa cho phép giãi bày tâm sự. Nhìn “Phò mã” đau khổ kêu xin thành thật, Công Chúa thấy tội nghiệp, bèn cho phép “chồng” được trình bày lý do giả trai, thi đậu Trạng Nguyên và cưới vợ.

Sự thực, Phò mã nguyên là một gái quê, cô và chồng chăm chỉ học hành đã hơn 10 năm, quyết định năm nay chồng cô sẽ đi thi. Lúc sắp lên đường thì chồng cô bỗng bị bệnh nặng, thầy lang bảo hơn một tháng mới lành. Đôi vợ chồng trẻ ấp ủ giấc mộng về kinh đô thi với những thí sinh giỏi nhất của cả nước để trổ tài. Bây giờ cơn bệnh bất ngờ làm vỡ mộng, vợ chồng chỉ còn khóc và trách số phận không may. Cô vợ trẻ vốn rất thông minh và hiền đức, nghĩ rằng nếu cứ cả ngày khóc lóc oán trời trách đất cũng không ích gì, mà còn làm chồng buồn khổ hơn, bệnh có thể nặng thêm. Trái lại, nếu cô giải quyết việc thi cử hộ chồng thì hay biết bao! Quyết định xong, cô bèn cải trang thành đàn ông, lấy tên chồng nộp đơn xin thi Tiến sĩ, đầy lòng tự tin.

Trong suốt thời gian qua, cô vẫn học chung với chồng, cùng bàn luận tất cả những thắc mắc trong vấn đề học vấn nên bao nhiêu văn chương thi phú, kinh nghĩa cổ kim, cô đều thông thạo, chẳng kém gì chồng.

Cuộc thi kết quả, tên chồng cô xếp hạng đậu Tiến sĩ đệ nhất, được lãnh áo mão Trạng Nguyên và được vào chầu Vua. Cô định tâm sau khi vào Triều tạ ơn Vua xong, sẽ đem áo mão về nhà tặng chồng. Cô sẽ làm bà vợ ông Trạng cũng đủ thỏa mãn và hạnh phúc tuyệt vời rồi.

Không ngờ sau khi lãnh yến, Hoàng Đế yêu tài mạo nên gả Công Chúa. Lệnh Vua không dám cãi, bây giờ dù sống cũng như chết, tội cô bị chém đầu cũng đáng, chỉ thương chồng đau, mẹ già ở quê nhà không ai săn sóc.

Cô nói xong gục đầu khóc nức nở rồi nói tiếp:

- Phận làm tôi, một là không được trái lệnh Vua, hai là sợ bị phát giác gái giả trai, mạo danh chồng đi thi, nên đành cắn răng mặc số phận an bài, và cũng vì thế nên sau khi làm Phò mã, đêm nào cũng tỏ vẻ như mệt như say, cứ để nguyên cả áo quần vờ ngủ mê man.

Công Chúa nghe cô Trạng Nguyên kể xong tình cảnh éo le, thái độ hoàn toàn đổi hẳn. Công Chúa không những hết giận, mà còn đâm ra kính phục, ái mộ tài năng của người đàn bà xinh đẹp và đáng thương. Công Chúa nói:

- Bắt đầu từ đây, chúng ta là chị em. Thôi, chị đừng khóc nữa, mặc quần áo Trạng Nguyên vào, em sẽ giúp chị xin Phụ Vương tha tội.

Hoàng Đế nghe xong câu chuyện, thấy tình cảnh éo le thương tâm cũng vui lòng theo lời xin của Công Chúa tha tội cho cô gái vừa hiền thục, vừa tài cao. Vua nhận cô làm con gái nuôi. Thế là tất cả thắc mắc, khổ sở, u uất bí mật đều được giải quyết một cách êm đẹp.

Mấy hôm sau, Nhà Vua hỏi vị quan đã có công giúp Vua phát giác bí mật:

- Khanh dùng thuốc gì quí giá mà có tác dụng thần diệu như thế?

Người thầy thuốc già không dám nói sự thật, vì thuở ấy, người ta chỉ mới biết đến Mạn Đà la là một vị thuốc rất độc, không thể trong uống được, chỉ có thể ngoài thoa mà thôi, phần nhiều để xoa bóp các chứng phong thấp, cước khí làm khớp xương đau nhức.

Thế nhưng ông quan già này có bản lãnh y dược cao thâm, nên biết được Man Đà La còn có thể dùng như một thứ ma túy. Ông sợ nói tên Mạn Đà La Vua không hiểu được sự linh diệu của thuốc mà nghi là ông muốn đầu độc phò mã, thì ông sẽ bị tội chết. Ông ngần ngại một lúc rồi trả lời:

- Tâu Hoàng Đế, đấy là một thứ thuốc rất quí hiếm trên đời. Tên nó là Túy Tiên Đào, xưa nay rất ít người dám dùng vì không biết dùng đúng phần lượng.

Vua tin rằng đó là một vị thuốc quý, lại có cái tên cũng sang trọng, đã được dùng làm cô Trạng Nguyên phò mã, con gái nuôi của Vua say chết mệt, thật là xứng người, xứng của. Vua rất vui lòng, nên ban thưởng cho ông quan già nhiều lễ vật.

Từ đó về sau, tên Mạn Đà La trong sách thuốc được kèm thêm một tên mới: “Túy Tiên Đào”, và cũng từ đó người ta gọi những người đẹp say mèm là Túy Tiên Hoa. Tên nghe thật kêu và thật lãng mạn.

Nhưng ở đồng quê Việt Nam, từ thuở xa xưa, người ta đã biết dùng lá cây ấy, cuốn lại hút như hút thuốc để dằn cơn hen suyễn. Và tên nó xưa nay chỉ đuợc gọi rất nôm na là Cây Cà Dược.
 

 

MAN ĐÀ LA (Datura Metel L.)


Tên khác: Mạn Đà La – Túy Tiên Đào – Dương Kim Hoa – Cà Dược – Cà Độc Dược

Mạn Đà La khí ấm, vị cay, có nhiều độc. Cây thường mọc ở đồng hoang, góc vườn, bên vệ đường hay trước sau nhà.

Hoa, quả, cành, hái vào mùa hạ, rửa sạch, phơi khô để dành dùng làm thuốc.

Mạn Đà La có ảnh hưởng đến Phế kinh, trừ thấp khí, khu phong, có chất ma túy làm ảnh hưởng đến thần kinh, làm tê dại ngoài da, chữa ho hen, đàm suyễn, nôn mửa, giảm đau chỗ sưng nhức. Người bị bệnh suyễn đang lên cơn, dùng hoa khô, thái nhỏ cuộn như điếu thuốc mỗi ngày hút 2-3 lần. Cũng có thể dùng lá cuốn lại như thuốc, hút 1-2 gr. mỗi ngày.

Té ngã bầm dập, rắn cắn, dùng hoa tươi tán nhuyễn đắp vào chỗ bị thương hay dùng cành khô tán bột trị té ngã.

Mạn Đà La cũng được dùng nấu nước ngâm chân trị bệnh tê.

Người bị trúng độc Mạn Đà La phát chậm với triệu chứng miệng khô, da đỏ ửng, không đổ mồ hôi, nôn mửa, chóng mặt, cuồng dại.

Muốn cấp cứu, phải rửa ruột, uống nhiều nước, tiêm thuốc an thần.

Dù sao, Mạn Đà La vẫn được coi như một vị thuốc độc nên Trung Y dùng rất thận trọng và không bao giờ cho toa để tránh tai nạn có thể xảy ra.

 

 

 



2 – Hạ Khô Thảo

Dưới triều nhà Minh, chế độ khoa cử đã mở rộng. Các Quận, Châu, Phủ, Huyện, đều có trường Quan Lập mở ra để dân chúng khỏi phải bỏ làng xóm đi học quá xa. Nhưng dù sao, văn chương chữ nghĩa vẫn là một thứ xa xỉ đối với đại chúng, nên chỉ con em của những kẻ giàu sang, có tiền của, thế lực, danh tiếng, hay giai cấp cao mới vào học được các trường này. Tốt nghiệp ra, khóa sinh sẽ được cấp bằng Tú Tài và gia đình nào có được một ông Tú là đủ làm cho cả làng, cả họ vẻ vang hãnh diện vô cùng.

Cậu Tú trong huyền thoại này nhà không giàu nhưng cậu có một bà mẹ rất đảm đang. Mồ côi cha từ bé, mẹ cậu một mình vừa chăn nuôi, gồng gánh, làm thuê làm mướn, vừa cầm bán vườn ruộng, tất cả những gì đáng giá có thể đổi thành tiền bạc cơm gạo để nuôi đứa con duy nhất ăn học thành tài.

Đỗ xong cậu Tú không muốn đi xa để học cao hơn, cậu chọn cách tự học để được ở lại trong làng, được gần gủi săn sóc mẹ già. Nhà chỉ còn có một mảnh vườn nhỏ trồng trọt hoa màu không có lợi tức nhiều, nhưng cậu Tú viết thuê, viết mướn, làm các thủ tục giấy tờ cho cả làng nên mẹ con đủ sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau qua ngày.

Một hôm trời vừa vào hạ, bà mẹ xưa nay vốn rất mạnh khỏe bỗng nhiên bị bệnh. Trong làng chỉ có một thầy lang duy nhất, là người có thể mời được, cậu Tú vội rước ngay thầy về nhà xem bệnh cho mẹ. Sau khi chẩn bệnh thầy cho biết là mẹ cậu Tú bị bệnh “loa lịch” tức là tràng nhạc một trong những chứng nan y. Thầy chỉ hứa tận lực của thầy còn thì xin nhờ Trời.

Cậu Tú theo đơn thuốc của thầy lang cho, bốc thuốc và sắc theo lời chỉ dẫn. Nhưng mẹ cậu uống thuốc mấy ngày liền vẫn không thấy bớt chút nào. Trái lại bệnh còn nặng lên gấp bội. Cổ bà sưng to và làm mủ, rồi cương lên, bật cả máu mủ ra làm bà đau đớn nhức nhối vô cùng.

Xóm giềng bà con đều lắc đầu bảo:

- Bệnh này có mà Trời cứu!

- Mắc phải bệnh này chỉ còn lo hậu sự mà thôi!

Cậu Tú buồn khổ vô cùng vì cậu rất có hiếu. Mẹ đã hy sinh suốt đời để nuôi cậu ăn học đỗ đạt, cậu quyết tâm phụng dưỡng mẹ, hy vọng tương lai dùng tài học gây dựng sự nghiệp làm cho mẹ vẻ vang hãnh diện vì mình. Không ngờ mẹ bỗng nhiên bị bệnh, mà lại là chứng “chỉ có Trời cứu”.

Cậu Tú ngày đêm vừa hầu hạ săn sóc mẹ vừa thành tâm cầu nguyện xin Trời Phật xui khiến cho cậu gặp thầy hay để xin cứu bệnh, cầu xin mẹ sẽ sống thực lâu để cho cậu có cơ hội báo hiếu báo ân.

Có lẽ lòng thành của cậu đã cảm đến các đấng thiêng liêng, nên vài hôm sau, bỗng có người làng chạy đến mách là một vị lang trung vừa mới đến làng này để thăm bệnh. Lang Trung vốn là một chức quan dưới đời các vua nhà Tần, Đông Hán, Đường. Nhưng không hiểu tại sao tước hiệu này bỗng biến thành danh xưng cho các vị Ngự y, Y quan. Dần dần người không làm quan mà biết làm thuốc, chữa bệnh cũng được gọi là Lang Trung, rồi bình dân hóa thành Cụ Lang, Ông Lang, thầy Lang.

Các cụ Lang Trung dưới đời nhà Đường thường đi vân du hái thuốc, và chữa bệnh dọc theo cuộc hành trình tùy hứng. Một số đệ tử theo Thầy để gồng gánh mang xách những hành lý, thuốc men, lương thực. Dọc đường qua các rừng núi, đồng ruộng, cụ giảng dạy cho đệ tử biết nhận dạng những cây thuốc. Từ những thứ dược thảo mọc đầy rừng, cho đến những cây lẻ loi khiêm nhường ẩn náu tận trong kẻ đá kín đáo, cụ lang đều chỉ dạy cách cắt hái chế biến, và chúng đệ tử thành kính ghi nhận những lời giảng dạy quí báu của suốt cuộc hành trình. Mỗi khi đến một làng mạc nào, cụ Lang Trung dừng lại thăm bệnh. Chúng đệ tử lại có dịp học cách chẩn bệnh, định bệnh, bệnh lý và khai toa cho thuốc.

Cứ thế cụ Lang Trung và chúng đệ tử đi lang thang hết làng này sang làng khác thăm bệnh, hết núi này sang núi khác hái thuốc và cuộc sống vân du hành y tuy không làm giàu của cải nhưng tình người thì tràn đầy.

Cậu Tú nghe tin cụ lang vào làng mừng quá vội vàng chạy đến nhà vị trưởng lão, nơi các cụ Lang Trung ghé thăm trước nhất khi đến một địa phương mới, để rước cụ về nhà thăm bệnh cho mẹ.

Sau khi chẩn mạch và khám bệnh xong cụ lang bảo:

- Cậu Tú đừng lo. Trong mấy khu rừng núi quanh đây có rất nhiều cây thuốc trị được bệnh này. Tôi đã chú ý nhận xét trước khi vào làng. Chúng ta phải đi hái ngay mới được!”

Nói xong, cụ đem các đệ tử vào rừng hái thuốc để về trị bệnh càng sớm càng hay.

Chiều hôm ấy cụ lang đến đem theo một gánh dược thảo lá cành còn đầy những búp hoa mầu tím. Cụ lang bảo đệ tử rửa sạch cho vào nồi đất sắc lấy nước cho bệnh nhân uống.

Quả như lời cụ nói, dược thảo rất linh nghiệm. Mẹ cậu Tú uống thuốc vài ngày sau, cổ hết sưng và tất cả đau đớn khổ sở đều tiêu tan. Uống thuốc thêm vài ngày nữa, những vết thương đã bật mủ cũng khô, và liền da lại như thường. Thấy bà già đã dần dần hoàn toàn bình phục, cũng như tất cả bệnh nhân khác trong làng. Cụ lang định đi sang làng bên cạnh nhưng mẹ con cậu năn nỉ xin cụ ở lại vài ngày dưỡng sức và cũng để cho mẹ con cậu khoản đải để tạ ơn thầy. Trước khi từ giã cụ lang nói:

- Mẹ con cậu tưởng là mang ơn tôi chữa lành bệnh, thực ra chính tôi cũng đuợc một phần thưởng không bạc vàng châu báu nào sánh được. Tôi đã thu hoạch được một số thuốc quí không đâu có, và từ nay, lúc đi vân du chữa bệnh, có rất nhiều người đang đau khổ vì bệnh này, cũng sẽ được may mắn lây.

Cụ còn nói riêng với cậu Tú:

- Cậu rất có hiếu với mẹ làm tôi cảm động vô cùng. Vì vậy tôi sẽ dạy cho cậu biết thuốc này để cứu người khác.

Cụ lang nói xong dẫn cậu Tú lên núi dạy nhận dạng cây thuốc quí. Đó là một thứ cây nhỏ mọc đầy tràn đồi núi, lá hình bầu dục có hoa tím.

- Từ nay về sau nếu có ai bị bệnh loa lịch như mẹ cậu, lấy hoa này rửa sạch, sắc cho uống, đây là một vị thuốc rất quí đối với chứng bệnh này.

Cậu Tú vừa vui mừng vừa ngạc nhiên đáp lại:

- Thưa cụ giống cỏ dại này mọc tràn đồng, đâu cũng có mà lại là thuốc quí, xin cảm ơn cụ đã cho con kiến thức cứu khổ cứu bệnh này. Thật là một báu vật.

Cụ lang mỉm cười gật đầu:

- Đúng rồi, không phải ai cũng biết được báu vật, bây giờ biết rồi, cậu phải trân quí và phải dùng để giúp đời.

Thầy trò vị lương y đi rồi, mẹ cậu Tú bệnh cũng đã lành hẳn, sinh hoạt lại êm ấm, mẹ con săn sóc quí mến nhau như xưa. Bà con bạn bè ai cũng đều ngạc nhiên, và mừng như chính mình gặp may, cứ bàn tán mãi không thôi.

Mùa hạ qua rất nhanh, chẳng mấy chốc đã sang Thu. Khí trời mát mẻ, sức khỏe dồi dào mẹ con cậu Tú thấy sung sướng hơn bao giờ cả. Mỗi ngày cậu Tú làm việc giấy tờ sổ sách giúp người đổi công lấy thực phẩm, tối về nhà cậu lo học thêm đợi thi đậu cao hơn để được việc làm thanh nhàn hơn. Trước giờ đi ngủ hai mẹ con bao giờ cũng chuyện trò bàn bạc những công việc xảy ra ban ngày, những dự tính tương lai cho cậu Tú, đó là giờ phút thanh nhàn sung sướng nhất.

Một hôm hai mẹ con đang cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ, vừa sắp đi ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa cấp tốc như ai đang có chuyện nguy hiểm xảy ra, cậu Tú vội đứng dậy ra mở cửa. Một thanh niên cùng lứa tuổi với cậu Tú thấy cửa vừa hé mở là xông vào gần ngã xuống đất. Cậu Tú đỡ anh ta dậy rót nước mời uống, mời ngồi nghỉ mệt. Chàng thanh niên tự giới thiệu mình là người làng bên kia núi, anh ta vừa đi vừa chạy từ sáng nhưng vì đường núi xa xôi, lại khó đi nên mãi bây giờ mới đến được.

Cậu Tú hỏi:

-Anh ở xa đến tìm tôi chắc có việc gì cần lắm. Xin cho biết, đừng ngại gì cả.

Thanh niên đã bớt mệt đáp lại một hơi:

-Mẹ tôi bị bệnh loa lịch, bệnh mới phát nhưng có vẻ nặng lắm. Tôi nghe nói cụ thân sinh ra ông cũng bị bệnh ấy, và đã được chữa khỏi. Người ta cũng đồn rằng cụ Lang Trung đã truyền lại môn thuốc ấy cho ông, xin ông làm phúc cứu mẹ tôi.

Cậu Tú nghe xong chợt nhớ đến hôm cụ lang dắt cậu lên núi dạy cho cậu tìm cây thuốc và cách dùng. Cây thuốc ấy mọc đầy rừng núi đi vài bước là có. Cậu Tú vui vẻ trả lời:

-Được rồi, chú đừng lo. Mai chúng ta lên núi hái thuốc. Bây giờ chắc chú vừa đói vừa mệt. Hãy ăn uống nghỉ ngơi lấy sức. Mai hái được thuốc lại còn phải mang về nhanh cho bà cụ dùng.

Cậu Tú và mẹ mời chàng thanh niên ăn cơm, lại còn nhường giường của mình cho chàng ta ngủ.

Sáng cả nhà dậy thực sớm, từ khi mặt trời chưa mọc để sửa soạn đi hái thuốc.

Cậu Tú kể lại tình hình, bệnh trạng của mẹ lúc đau như thế nào và chữa bệnh bằng cây thuốc quí bao lâu thì lành. Hai người mang theo dụng cụ cần thiết và bao tải chuẩn bị đựng thuốc, hớn hở lên núi. Một người hy vọng cứu mẹ, một người sung sướng vì thấy mình giúp được việc cho người khác.

Thanh niên tối hôm qua trông khổ sở tiều tụy quá chừng, nhưng nay thấy cậu Tú đầy tự tin nên cũng bớt lo lắng. Cậu Tú vừa đi vừa nhớ đến cảnh vật trên núi mấy tháng trước, lúc cụ Lang đưa cậu đi hái thuốc. Cậu an ủi thanh niên:

-Chú đừng lo. Lúc mẹ tôi bị bệnh ấy, tôi còn đau khổ hơn cậu bây giờ, vì cả làng không ai biết cách chữa. Bây giờ chúng ta đã học được cách trị bệnh, và cây thuốc quí này lại mọc đầy rừng, yên trí đi, bệnh của bà cụ thế nào cũng sẽ khỏi. Vừa đi vừa nói chuyện nên chẳng mấy chốc hai người đã lên đến đỉnh núi.

Một điều quái lạ là cảnh vật, trên núi hôm nay hoàn toàn khác hẳn. Hai tháng trước cây thuốc quí đầy hoa, tím cả một vùng trời, thế mà nay chỉ một cây nhỏ một cành hoa cũng không thể nào tìm thấy. Chàng thanh niên thấy cảnh vật trên núi hoàn toàn trái hẳn với sự mô tả của Cậu Tú nên cũng đâm ra nghi ngờ cho là cậu Tú dối mình để đem mình ra làm trò cười. Còn cậu Tú hết ngạc nhiên đến sợ hãi, chạy đông chạy tây tìm kiếm, lục lọi tất cả các khe núi một cách tuyệt vọng. Cây thuốc quí biến mất không để lại một dấu vết gì.

Thuở ấy, dưới danh phận Tú Tài phải là một người học sách thánh hiền, là một văn nhân, là người quân tử biết trọng chữ Tín. Con nhà có học sống theo châm ngôn “Quân tử vô nhị ngôn”, người quân tử không nói hai lời, người quân tử không bao giờ lỗi hẹn, không nói sai sự thực. Nhà nho phạm lỗi này là một đại sĩ nhục. Thế mà bây giờ cậu Tú phạm hết các lỗi.

- Cậu hứa chữa lành bệnh, cậu nói cây thuốc mọc đầy núi, sự thực không có gì hết. Nhục nhã này nước mấy sông cũng không rửa sạch. Cậu Tú mặt mày, tái xanh, tái xám rồi đỏ ửng, mồ hôi toát ra như tắm. Vừa buồn rầu vừa hổ thẹn, cậu Tú nói:

- Có lẽ tôi nhớ sai chăng! Có thể không phải là quả núi này . . .

Thế là hai người đi lang thang khắp cả mấy ngọn núi lân cận người có thể leo được, Nhưng đâu cũng giống nhau, cây thuốc có hoa tím không hề thấy tông tích bóng dáng đâu cả.

Nhìn thanh niên tuyệt vọng, mệt mỏi thất thểu ra về. Cậu Tú thấy đau đớn buồn phiền, còn hơn lúc mẹ cậu bị bệnh. Vì lúc ấy cậu chỉ thấy buồn khổ chứ không bị cái nhục nhã “quân tử nhị ngôn”!

Cậu Tú về nhà rầu rỉ ăn nuốt không xuống, đêm nằm cũng không ngủ được, cứ mơ màng tưởng tượng đến cảnh hoa tím nở đầy đồng lẫn với cảnh muôn vật đều vàng úa tàn tạ lạnh lùng.

Sáng hôm sau trong lúc đang mơ màng vì quá mệt mỏi. Cậu Tú nghe mẹ gọi đánh thức cậu dậy ra đón cụ Lang Trung vị lương y đã chữa lành bệnh cho bà đã trở lại.

Cậu Tú nghe gọi, mừng quá, vội nhảy choàng dậy, mặc áo chạy ra đón cụ lang Trung. Cậu quên cả chào hỏi khách sáo, vừa thấy mặt cụ là kể lể liên hồi những sự việc vừa xảy ra với cảnh tượng đồng khô cỏ cháy, cây thuốc biến mất cho cụ Lang nghe.

Cụ lang nghe xong tươi cười bảo:

- Ấy chính vì thế mà tôi lại phải mất công trèo đèo lội suối trở lại đây. Vì có một điều quan trọng nhất mà lúc lên núi hái thuốc tôi quên nói cho cậu biết.

Cậu Tú vẫn còn ngạc nhiên tưởng mình nằm mơ. Cậu đang khổ sở vì cây thuốc thì cụ Lang Trung như có thần linh mách bảo hiện về giải đáp thắc mắc về vị thuốc có hoa tím không tên cho cậu.

Cụ Lang nói tiếp:

- Bất cứ cây thuốc gì cũng có mùa thu hoạch. Tôi quên nói cho cậu biết là dược thảo này phải hái vào mùa hạ, lúc hoa đang nở rộ. Thu đến hoa tàn cành khô rồi tàn lụi không còn gì nữa. Mùa này cậu lên núi cố nhiên là không thể tìm thấy bóng dáng nó.”

Cậu Tú nghe xong, ngẩm nghĩ một lúc trả lời:

- Thưa cụ, cây thuốc này chưa có tên mà nó tàn tạ vào cuối mùa hạ, vậy ta cho nó tên là Hạ Khô Thảo được không?

Cụ lang nghe nói đặt tên cho cây thuốc gật gù có vẻ đồng ý:

- Được bậc khoa cử Tú Tài đặt tên cho thì còn gì bằng. Từ nay Hạ Khô Thảo không còn bị gọi là cây thuốc có hoa tím nữa. Trong rừng hàng trăm cây cỏ mang hoa tím. Ta mừng cho Hạ Khô Thảo được tên đúng y như tính cách của mình.

Cả hai cùng vui cuời vì đã giải thích được thắc mắc. Cụ Lang Trung cho cậu Tú một bao thuốc Hạ Khô Thảo để cậu lập tức mang sang làng bên chữa bệnh cho bà cụ mẹ chàng thanh niên hiếu hạnh. Bà cụ già may mắn nhận được thuốc kịp nên khỏi bệnh.

Và từ đó, cả mấy làng quanh vùng núi sản xuất Hạ Khô Thảo, thêm một công việc mới. Cứ vào cuối mùa hạ họ bắt đầu thu hoạch Hạ Khô Thảo, rửa sạch phơi khô để dành lúc cần,và chở đi bán cho các tiệm thuốc xa khác.
 

 

HẠ KHÔ THẢO (Prunella Vulgario L)


Hạ KhôThảo tháng 8 bắt đầu tàn. Vào hạ khi quả đã chín, hái phơi khô. Tất cả các bộ phận cành hoa và quả đều dùng được. Vị đắng, cay, tính hàn, không độc, vào hai kinh Can và Đảm. Có tác dụng thanh can hỏa, tán uất kết, tiêu ứ, làm sáng mắt.

Thuốc trị loa lịch (tràng nhạc), lỡ loét, mụn nhọt có mủ, giải trừ nhiệt độc ở tử cung.

- Hiện nay ngoài dùng để trị bịnh hoàng đảm cấp tính, sưng gan, Hạ Khô Thảo còn có tính chất sát trùng nên được dùng để rửa vết thương ngoài da. Bị đánh bị thương dùng Hạ Khô Thảo tươi tán nhỏ đắp vào vết thương.

Trong dân gian, người ta cũng cho biết, Hạ Khô Thảo dùng nấu nước uống thay trà còn có tác dụng hạ huyết áp, hay làm bớt các triệu chứng khó chịu của cao huyết áp.

 

 



3 – Xa Tiền Thảo

Huyền thoại phát hiện ra vị thuốc quý đã cứu tính mạng của một đoàn quân, cả người lẫn ngựa, xảy ra vào năm thứ 8 dương lịch.

Triều nhà Tiền Hán, Vương Mãng phế bỏ cháu của Hán Tuyên Đế là Nho Tử Anh, tự lập làm vua, đổi Quốc hiệu là Tân. Lúc bấy giờ vua Quang Vũ nhà Hán chưa dựng được nhà Đông Hán.

Trong lịch sử Trung Quốc, Vương Mãng là người đầu tiên đã làm việc soán ngôi đoạt vị. Vương Mãng vì có cháu là Hiếu Nguyên Hoàng Hậu nên năm Vĩnh Thủy nguyên niên (16 năm trước dương lịch) được phong tước Tân Đô Hầu. Vương đối đãi với bộ hạ, quân lính rất tốt, bao giờ cũng có thái độ thân thiết lo lắng cho cấp dưới nên ai cũng mến phục.

Ông được phong chức Đại Tư Mã. Khi vua Ai Đế băng hà, Vương Mãng dùng áp lực bắt buộc Bình Đế lên làm vua, lại còn ép gả con gái cho Bình Đế lúc ấy mới 9 tuổi. Vương Mãng nắm tất cả quyền sinh sát của Triều đình trong tay và được gọi là An Hán Công.

Giai đoạn thứ hai là Mãng ám sát Bình Đế, phò Nho Tử Anh lên làm vua. Mặc đầu bên ngoài tỏ ra phò ấu chúa, thực ra đã bắt đầu tự xưng là Phó Hoàng Đế. Hai năm sau, tức là vào năm dương lịch thứ 8, ra mặt cướp ngôi tự mình làm vua, đổi quốc hiệu là Tân. Người đời sau ghi chép sử gọi là thời kỳ Tân Mãng.

Cướp ngôi xong, Vương Mãng bắt đầu thay đổi tất cả Nho học kinh điển, định cải cách triệt để tất cả mọi chế độ hiện hành. Về danh xưng, Mãng đổi chức tước của các quan, đổi tên tất cả các địa phương, quận huyện. Mãng bổ dụng các quan lớn đều ở kinh đô hay ở 5 tỉnh lớn nhất để dễ kiểm soát.

Về kinh tế, Mãng chỉ huy các giá hàng hóa, lập ra chế độ lục quản, tức là quản chế rượu, muối, đồ sắt, tiền, núi non và sông hồ. Mãng phái các quan thu thuế những nơi này rất nặng. Ngoài ra còn tịch thu tất cả đất đai trong nước làm Vương điền, biến thành của cải riêng của vua.

Tất cả mọi nếp sống đều đảo lộn. Người dân biến thành nô lệ, không có một chút tự do nào nên lòng người oán giận lên đến cực điểm. Đồng thời mùa màng bị mất vì nạn châu chấu ăn sạch tất cả mọi thứ hoa màu. Dân chúng vừa nghèo lại vừa đói nên chỉ cầu mong cho con cháu nhà Hán chóng nổi dậy khôi phục giang sơn.

Lúc bấy giờ người có thế lực nhất của dòng dõi nhà Hán là Lưu Dân và Lưu Tú, hậu duệ của Trường Sa Vương, con vua Hán Cảnh Đế. Hai anh em này khởi binh năm 22 dương lịch, phò một người bà con xa là Lưu Huyền lên làm vua.

Trong đám bộ hạ của Lưu Tú có Mã Vũ tướng quân, trước là bộ hạ của Lưu Huyền. Khi Mã Vũ thấy Lưu Tú là người có tài và biết dùng người nên theo phò tá Lưu Tú rất tận lực. Mã Vũ vốn người Hồ Dương, trước đã từng phục vụ dưới quyền nhiều Tướng khác, từng đánh nhiều trận, lập nhiều chiến công. Đến khi thành bộ hạ Lưu Tú, mỗi khi ra trận đều đi đầu, lòng dũng cảm và tư cách đầy nhân nghĩa của Mã Vũ đã được Lưu Tú để ý và tín nhiệm.

Quân của Mã Vũ rất can đảm và thiện chiến, nên địch quân mới nghe tên đã sợ. Các Tướng khác cũng đều thán phục tài năng và đức độ của Mã tướng quân.

Nhà Hán lại lên, Mã Vũ được thăng chức Đãi Trung Kỵ Đô Úy tương đương như chức Tổng Tư Lệnh thời nay. Về sau lập thêm nhiều công trận, được phong Hầu đời đời cha truyền con nối để phục vụ nhà Hán.

Đến đây lịch sử vị thuốc Xa Tiền Thảo được phát hiện để giúp nhà Đông Hán thành công.

Mã Vũ có một người lính mã phu chuyên việc săn sóc xe và ngựa. Người này thông minh và cẩn thận nên rất được tin cậy. Một vị Tướng quân cầm binh thời ấy, ngoài tài giỏi và khỏe mạnh, vấn đề quan trọng nhất là ngựa vì nếu không có ngựa chiến hay thì dù Tướng anh hùng đến đâu cũng không thể ra trận thắng địch dễ dàng được.

Khi Mã tướng quân nghe tin có một người Đội Trưởng chuyên giữ ngựa đã từng tham gia hàng trăm trận, có đủ tài năng và dũng cảm xứng đáng ở trong đoàn quân của mình, bèn lập tức tuyển dụng Đội Trưởng ấy làm Mã phu săn sóc ngựa Tư Lệnh.

Đội trưởng này hiểu là Tướng Quân tin cậy tài mình nên mới giao phó ngựa qúi riêng, nên không buồn vì phải làm chức Mã Phu, trái lại còn cảm động vì thấy được tin cậy. Về sau, lúc Mã Vũ tướng quân được Hán Vũ Đế phong Hầu, Ông đã đem tất cả phần thưởng công lao chia cho người mã phu có công săn sóc ngựa quí phân nửa cũng không phải là quá đáng.

Hôm ấy, trời vào hạ, Mã tướng quân đang đuổi đánh địch quân, chiêng trống vang trời, quân lính rầm rộ, tiến lui rầm rập theo lệnh truyền từ Trung quân tới các đội chung quanh. Chẳng bao lâu, quân của Mã tướng quân đã đánh đuổi quân địch chạy xa, nhưng quân của ông bị lọt vào một nơi rừng rậm hoang vu chung quanh chẳng có bóng người.

Vùng này ở phía Bắc, nằm giữa hai sông Hoàng Hà và Chuẩn Hà, tức là phía Tây Nam của Bình Nguyên Hoa Bắc. Đó là một vùng khi mưa thì mưa thật nhiều, hoa màu cỏ cây úng nước chết hết. Trái lại khi nắng thì một giọt nước cũng khó tìm được.

Mùa khô năm ấy nóng hơn tất cả các năm trước. Mưa Xuân chờ mãi không thấy đến, cảnh vật mùa Xuân đáng lẽ nẩy mầm, thì trái lại cả vùng chỉ còn một vài giống cỏ sống sót rải rác khắp nơi trên đồng ruộng hoang vu.

Trận đánh đã kéo dài quá lâu, nên người và ngựa đều mệt mỏi, Mã Vũ tướng quân bèn ra lệnh dừng quân, dựng lều nghỉ ngơi, tạm thời dùng nước và lương thực mang theo.

Khi Mã tướng quân biết mình nhầm lẫn thì đã quá muộn. Ông không nên cho đóng quân tại đây, vì mặc dầu trong quân có lương thực cho người, nhưng không mang theo lương thực cho ngựa. Sáng hôm sau chỉ trừ ngựa Tướng quân và một số ít ngựa của các Tướng thân cận, còn toàn thể ngựa của đoàn quân đều đói lả không còn sức lực để đứng dậy nổi.

Đoàn quân lúc ấy lâm vào cảnh bốn bề đầy nguy hiểm bao vây, chung quanh không có một thứ cỏ cây, hoa quả gì ăn được. Binh lương đem theo cũng rất ít, lại thêm trời nóng nực kinh khủng làm lính và ngựa cứ từ từ ngã gục. Một số đông người và ngựa vì uống nước trong vùng nên bị sình bụng và đi tiểu ra máu.

Bệnh này theo Trung y là một chứng sốt do thấp nhiệt tụ lại ở bàng quang quá mạnh nên sinh bệnh. Triệu chứng là đường tiểu tiện rất đau đớn. Tiểu ra máu. Lưỡi dày và mạch tim đập nhanh. Nói gọn là viêm đường tiểu cấp tính.

Mã tướng quân muốn hạ lệnh rút lui lập tức vì nếu không ra khỏi nơi này thì cả đoàn quân sẽ bị chứng bệnh viêm bàng quang, không còn di động được nữa. Nhưng tình hình bệnh tật đã xảy ra rất trầm trọng, dù muốn lui quân cũng đã quá muộn, Quân y chỉ còn cố tìm cách cứu chữa ngay tại chỗ mà thôi.

Người Mã phu lo giữ lương thực và nước cho Tướng quân và ngựa, dù đã hết sức cẩn thận không hề dám lãng phí, nhưng cũng không cứu vãn được tình thế. Đoàn Mã phu dưới quyền và mấy con ngựa của Tướng quân cũng bị đi tiểu ra máu như cả đội kỵ mã. Nguy cơ đến ngay bên cạnh, không còn chạy đâu cho thoát.

Mã tướng quân suốt ngày không hề bước ra khỏi doanh trướng một bước. Vị Tướng anh hùng nhất trong các Tướng của Lưu Tú, giờ đây trông tiều tụy như một bộ xương khô.

Đối với con nhà Võ, thắng bại là chuyện thường. Thân làm Võ tướng, sống chết đều không ngại. Ví dụ Mã Tướng quân có bỏ mạng sa trường, cũng không hề giảm bớt vinh quang của một Võ tướng, nhưng hoàn cảnh trước mắt thật bi thảm, không lẽ bị tiêu diệt một cách uất ức thế này! Không biết có cách gì cứu cả đoàn quân ra khỏi cảnh chết không phải ở sa trường, mà chết bệnh một cách thảm khổ. Mã Tướng quân mấy đêm liền lo lắng không ngủ, đã cảm thấy quá mệt mỏi mê thiếp đi.

Sáng hôm sau, Mã phu của Tướng quân cũng bị bệnh nhưng cố nén đau đớn, gắng dậy đi thăm chừng mấy con ngựa quý, thầm nghĩ chắc chúng nó cũng đang lăn lộn đau đớn, như tất cả những con ngựa khác của đoàn quân.

- Tướng quân! Tướng quân, xin Tướng quân mau ra đây xem!

Mã Tướng quân đang ngủ say bỗng giật mình thức dậy vì nghe tiếng gọi của Mã phu.

Tướng quân tưởng mình đang bị quân địch bao vây, vội vàng vùng dậy xách kiếm chạy ra khỏi trướng. Chung quanh cảnh vật vẫn im lìm, không hề có dấu vết quân địch. Các Tướng cũng như quân đều nằm vật vã trong lều, bên ngoài không có một ai, trừ Mã phu, mặt mày hớn hở đang đứng bên cạnh xe Tư lệnh với ba con ngựa.

Mã Tướng quân tưởng tên mã phu của mình đau đớn quá hóa điên, nên đến gần định an ủi, nhưng bỗng cảm thấy hình như Mã phu muốn nói gì, muốn báo một tin gì lạ lùng. Mắt hắn sáng ngời và đầy những tia chớp sung sướng.

- Có chuyện gì lạ không?

- Thưa tướng quân, có chuyện lạ lắm. Lúc tôi đến thăm ngựa, thấy nó đang tiểu tiện, tôi cố ý nhìn xem còn có máu nhiều không thì thấy không có tí máu nào cả. Đang định báo tin cho Tướng quân thì thấy mấy con ngựa khác cũng tiểu tiện mà không có chút máu nào. Tôi đoán chắc chúng nó lành bệnh rồi nên vội vàng đến báo cáo.

Mã Vũ Tướng quân nghe xong lập tức ra lệnh cho binh sĩ điều tra xem tất cả ngựa của đoàn quân như thế nào. Kết quả báo cáo đều giống nhau: ngựa đã khỏi bệnh.

Mã phu vốn rất thông minh, nhất định muốn biết tại sao ngựa bỗng dưng lành bệnh. Lúc ấy Mã phu chú ý nhìn xem ngựa ăn cỏ, nhận thấy tất cả cỏ chung quanh vùng cắm trại đều bị ngựa ăn sạch hết, gần cạnh xe của Tư lệnh còn sót ít nhiều. Trong đó có thứ cỏ lá giống như tai lợn được ngựa ăn một cách thích thú ngon lành nhất. Khi Mã Tướng quân xem đám cỏ Mã phu báo cáo, cũng đồng ý là ngựa thích ăn nhất, bèn truyền lệnh họp tất cả các Tướng đến trước xe Tư lệnh và dõng dạc nói:

- Quý vị Tướng quân dũng cảm thiện chiến. Chúng ta chiến đấu dưới lá cờ của Đại Tướng Quân Quang Vũ Đế, đang đi đến con đường chiến thắng vẻ vang hoàn toàn. Sự rủi ro xảy ra làm chúng ta xuýt bị bệnh tật tiêu diệt toàn thể đại quân. Bây giờ tôi xin chư Tướng quân theo lệnh tôi. Tất cả đều chú ý nhìn xem thứ cỏ mọc ở trước cỗ xe. Chính thứ cỏ dại này sẽ cứu chúng ta thoát nạn. Chúng ta nên nhân danh Quang Vũ Đế cảm tạ Trời Phật Thánh Linh, cảm tạ các Ngài đã ban ân cho chúng ta cơ hội phục hồi nhà Hán. Bây giờ xin chư Tướng lập tức trở về đội ngũ, truyền lệnh nhổ hái tất cả thứ cỏ mọc trước xe cho ngựa ăn. Ngoài ra cũng nấu cỏ này lấy nước cho tất cả quân lính uống. Chúng ta lành bệnh, nhất định sẽ thành công.

Các Tướng nhận lệnh xong, bèn gọi thứ cỏ chữa được bệnh không tên ấy là “ Xa Tiền Thảo”, nghĩa là cỏ mọc trước xe, và ai nấy về đội ngũ của mình lo thu hái thật nhiều “ Xa Tiền Thảo”. Kết quả là toàn thể quân đội lành bệnh, cất tiếng hoan hô “ Xa Tiền Thảo vạn tuế” vang dậy khắp một vùng đóng quân.

Mấy hôm sau, Mã Vũ Tướng quân đứng trên xe Tư lệnh, chỉ huy cuộc truy kích địch quân. Sau khi ông thắng trận về Kinh đô ra mắt Quang Vũ Đế, trình bày mọi việc xong. Câu chuyện sự tích dược thảo “ Xa Tiền Thảo” được phổ biến khắp nơi.

Mã Vũ Tướng quân được phong tước Dương Hư Chầu, còn người Mã phu thông minh có công lớn tìm ra vị dược thảo quí giá vì mến tài đức nên không nhận chức tước, quyết tâm theo chủ tướng suốt đời để săn sóc bầy ngựa quý.

 

 

XA TIỀN THẢO (Plantago Major L)

 

Xa Tiền Thảo là một loại dược thảo mọc khắp vùng Đông Nam Á, từ núi cao cho tới đồng bằng, đâu cũng có thể tìm thấy dễ dàng. Chỉ cần chú ý chung quanh sân nhà, bên lề đường, sau vườn, sẽ thấy Xa Tiền Thảo mọc khiêm nhường nhưng không hề thiếu vắng. Tuy người ta vứt bỏ coi như một thứ cỏ dại, nhưng Xa Tiền Thảo là một vị thuốc hay và đã được trọng dụng từ xưa.

Trong các sách thuốc cổ như “Hoa Thị Trung Tàng Kinh” “Danh Y Biệt Lục” “Chân Nam Bổn Thảo” “Bổn Thảo Hối Ngôn” đều có ghi chép rõ ràng cây thuốc Xa Tiền Thảo, hạt gọi là Xa Tiền Tử. Trung dược dùng nhiều Xa Tiền Thảo, còn Nhật Bản trái lại dùng nhiều Xa Tiền Tử.

Tính chất: Khí hàn, vị cam, không độc.

Tác dụng chính của Xa Tiền Thảo là lợi tiểu, giải nhiệt và tiêu đàm. Vì thế, khi trị bệnh viêm thận, viêm bàng quang, viêm đường tiểu, đại tiểu tiện ra máu hay ho khan, vị thuốc này thường được dùng. Ngoài ra còn có thể điều chỉnh chất dung dịch trong dạ dày, hoặc trị đường tiểu bị nhiễm độc, tháo chảy cấp tính hay mạn tính.

Trị được vết thương đâm chém đứt tay chân. Cầm được máu, tiêu được ứ huyết.

Xa Tiền Thảo nhổ nguyên rễ lá rửa sạch để dùng tươi hay sao vàng, hoặc phơi khô, tán bột để dành. Xa Tiền Thảo nên thu hoạch vào mùa hạ, rửa sạch đất phơi khô. Tại Trung Hoa nơi sản xuất nhiều nhất là các tỉnh Giang Tây, An Huy, Giang Tô.

Hình dáng của dược thảo cũng hơi khác nhau tùy theo địa phương. Có thứ lá hơi giống lỗ tai lợn nên được gọi là Trư Nhĩ Thảo. Ngoài ra cũng còn được gọi là Mã Đề Thảo, Y Mã Thảo và hơn 10 tên khác nữa.

Ở Việt Nam, Xa Tiền Thảo mọc khắp các cánh đồng, dọc theo mé ruộng, bên lề đường, sau vườn hoang. Xa Tiền Thảo mọc ở ruộng nhiều nước thì dùng để ăn sống hoặc làm rau luộc. Xa Tiền Thảo mọc trên khô, có thể dùng cả thân lá, rễ, hạt để làm thuốc. Lá Xa Tiền thảo hình bầu dục, lá hơi cong khum lại và có 5 gân. Sau ba tháng, Xa Tiền ra hoa, nụ nở màu đỏ tía, hoa từng chuỗi có nhiều hạt, sắc vàng đậm, sao vàng lên có mùi thơm.

Xa Tiền Thảo có thể dùng một mình hay dùng chung với các vị thuốc khác.

Công dụng trị tê thấp, đi tiêu chảy, mắt đỏ có màng mây, chảy máu cam, tiểu ra máu, cầm máu vết thương hoặc mụn nhọt đã vỡ rồi, thấp nhiệt di tinh, ứ huyết, tích huyết, tiểu ra sạn. Cách dùng tùy trường hợp: giã lấy nước uống sống, đắp hay dùng bột. Tính chất của Xa Tiền là thông lợi được hơi nước làm cho khí ẩm ướt nóng nhiệt ở bàng quang có thể khơi thông ra được, nhưng vì quá lợi hoạt, chạy xuống mạnh, nên người khí sụt yếu, hay thận khí đã hư thoát thì đừng nên dùng.

 

XIN LƯU Ý:
 

Xa Tiền thảo

Mã Tiền (độc)

   


Xem đơn thuốc nên cẩn thận, đừng nhầm hai tên cùng có chữ Tiền là Xa Tiền (Plantago Major L) với Mã Tiền (Strychnos nux-vomical)

Xa Tiền thảo mọc khắp nơi, cao độ 1 gang tay, không độc.

Mã Tiền, cũng còn có vài tên khác nữa, trái lại rất độc.

Mã Tiền là một loại cây gỗ, cao hơn 10 thước mọc trong rừng núi.. Hạt Mã tiền rất độc, chuyên trị nhức mỏi, thần kinh tê liệt, có tính chất sát trùng. Đông y hay dùng trong những thang thuốc rượu để xoa bóp khi thân thể bị bầm dập hay sưng nhức mỏi, nhưng không xoa vào vết cắt bị thương. Rất độc.

 

 


LINH BẢO chuyển ngữ từ
Trung Thảo Dược Đích Cố Sự

Thầy MAI VĂN NHÃN tìm chọn và chia sẻ

(Texas, 3-9-2010)
 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage