thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

TRUYỆN NGẮN

 

 

Kính gửi đến THKT một truyện ngắn, đủ ngắn với mạch văn hối hả - kết thúc bất ngờ. Đây là lối viết mới của Mỹ thập niên 2000.

Thân tình,

nguyễnthị vânhồng

 

 

Tình rụng

 

 

Đêm xuống

Ngày tiếc ngày sao ngủ sớm?

Ngày lên

Đêm tiếc đêm sao thức vội?

Giữa dòng đời!

Đời tiếc đời nỗi trôi

Hoa tiếc hoa ngắn ngủi

Người tiếc người?

Người có tiếc người?

Sao ta lại tiếc ta!...

 Chóe)

 

Ban nhạc tạm ngừng trong ít phút cho khán giả giải lao. Tôi đến quầy rượu kêu ly vang, Viễn bước tới bên cạnh, tay cầm chai nước, cười cười, cái nhìn của Viễn dừng lâu trên mặt tôi, ánh mắt chăm chú, nói “Khuôn mặt đẹp này hôm nay có chút lạ?” Tôi đang suy nghĩ, chưa kịp hiểu, định hỏi, nhưng Viễn đã xoay người bỏ đi về hướng sân khấu. Cùng  là bọn độc thân, nên Viễn cứ hay đùa.

 

Viễn với tôi biết nhau đã lâu, nhưng quen nhau trong một cuộc triển lãm tranh do Viện Bảo tàng của thành phố tổ chức. Viễn yêu hội họa, và  thích bước vào cõi văn chương. Nhưng phải nghe Viễn vừa đệm dương cầm vừa hát  Senerata mới thấy hết cái tài hoa của Viễn.

 

Đêm nhạc thính phòng càng về khuya càng lội sâu vào  Vũng Lầy Của Chúng Ta, càng réo rắc chơi vơi với Tình Khúc Cho Em, càng ngất ngư ở Chiều Phi Trường…Tôi ngồi im lìm, nhưng đầu óc bắt đầu sóng sánh, không phải vì một chút men của cốc vang vừa uống, nhưng sóng sánh bởi cách dụng chữ của Lê Uyên Phương  “Theo em xuống phố trưa nay, vẫn còn nhức mỏi đôi vai…” Tự cười thú vị -Phương viết câu nhạc hay, hóm hỉnh và duyên dáng quá. Tôi cũng thấy bâng khuâng khi hình dung đến những cặp tình nhân đang yêu nhau như tôi và chợt nhớ mình từng có một cái hẹn với người đàn ông gặp lại bấy lâu - hai chúng tôi không phải nhất định phải sống ít nhất một lần với nhau trên thành phố có những con phố nối liền con phố bằng những con dốc cao sao? (*)

 

Chúng tôi tìm đến nhau qua cửa ngõ @ để thêm một lần nữa cả hai dễ dàng chắp nối lại những rơi rớt tháng năm thất lạc.

 

Ngày xưa chúng tôi có thời yêu nhau và là cặp tình nhân thật đắm đuối, không hiểu sao chúng tôi xa nhau, lại xa nhau khá lâu và đang ở cách nhau khoảng nửa vòng Trái đất. Bây giờ, gặp lại nhau - hình như cả hai đều e dè đứng ở cái mức mơ hồ đã định sẵn - chúng tôi cùng ý thức không nhắc nhiều đến cõi riêng của nhau - không đột nhập vào nhà nhau. Chúng tôi có vô số chuyện để kể, nhưng không làm sao cho vừa đủ trên những trang viết chật chội? Vì thế chúng tôi chỉ nói với nhau những chuyện cũ còn sót trong trí nhớ, hoặc chỉ nhắc vài ba khuôn mặt thoảng qua. Còn lại chỉ là những dòng chữ chới với nhớ nhau.

 

Khi chúng tôi nối lại đoạn tình bị đứt khúc, là cùng lúc tôi bị dằng co về truyền thống lễ giáo. Nhiều lần không chịu nổi những day dứt có lỗi với vợ anh, không ít lần tôi đề nghị cuộc chia tay, nhưng rồi những huyên náo, giận hờn chỉ lay lắc được vài hôm để rồi sau khi được anh dỗ dành, tôi quyết định buông thả thuận theo số phận và thôi kệ cứ tiếp tục hưởng thụ vị ngọt đậm đầy màu sắc lãng mạn của cuộc tình vụng trộm này.

 

Những tưởng có tình yêu, đời hóa đẹp, cuộc sống êm trôi, nhưng trong lòng tôi lại dấy lên những dằn vặt và tràn ngập những nỗi bất an. Sự bất an hình thành khiến bịnh rối loạn nhịp tim bấy lâu bỗng nhiên trở nặng, rơi vào giai đoạn thật khốc liệt. Tôi bắt đầu ra vô bịnh viện thường xuyên, có lần tưởng chết, có lần cả nhà và tôi phải chuẩn bị tâm lý để tiếp nhận một ca mổ lớn, kể cả tiếp nhận những điều xấu nhất có thể xảy ra.

Cơn bịnh lằng nhằng của tôi kéo dài bắt buộc anh phải bỏ dở những dự tính, phải hủy những chuyến đi xa – anh nói anh chỉ muốn túc trực tại nhà -  để cầu nguyện và ngóng tin tôi từng giây phút.

 

Lạ, biết anh chỉ lẩn quẩn ở Sài Gòn, nhưng trong lòng tôi cứ bồn chồn, lúc nào mở laptop không thấy tin nhắn của anh là tôi lại càng sốt ruột đứng ngồi không yên. Thời gian này, tôi ăn không biết ngon, ngủ cứ chập chờn, nhưng khi thiếp sâu thì gặp ác mộng. Tôi thường xuyên thấy anh đứng bên kia bờ, đưa tay cho tôi nắm, tôi vói người, vói tới, rồi hụt chân rơi xuống, tôi cứ rơi, rơi mãi xuống cái vực hun hút dường như không đáy…Tôi thét lên sợ hãi, tỉnh giấc, run lẩy bẩy và trái tim đập loạn xạ trong lồng ngực.

 

Cơn bịnh mỗi ngày có chiều hướng kỳ lạ, họ đặc biệt gửi tôi tới một bác sĩ tâm lý. Tôi thật ngỡ ngàng khi biết mình mắc phải hội chứng Sepanxieti - một hội chứng của trẻ thơ cứ lo lắng sợ xa, sợ mất những người mình yêu thương nhất. Anh biết tin thường an ủi dặn dò “Hãy nhớ, có anh đây, nghe không!”  Tôi  ngây ngất, ngây ngất mỗi ngày như thế mà sống.     

 

Tôi quyết định đi Việt Nam, bất chấp lời khuyên của bác sĩ, mặc kệ lời can gián của gia đình. Tưởng tượng khuôn mặt rạng ngời cảm động, sung sướng vì bất ngờ gặp tôi - gặp lại một tình yêu của anh còn nguyên vẹn, và một dáng dấp như thuờ nào, nên tôi lặng lẽ lên máy bay không hề báo anh trước.

 

Chuyến hành trình thật dài, nhưng nỗi nhớ mong nhau mạnh hơn tất cả, nó có thể lấn áp những lo lắng, mệt nhọc… Cuối cùng, tôi cũng đến nơi. Bước xuống phi trường, những người bạn đã cẩn thận sắp đặt hết mọi sự, từ đường đi nước bước, cái ăn cái ở chu toàn.

 

Buổi sáng hôm sau, dưới cái nóng như chảo lửa ụp trên đầu, tôi đã có mặt ngay ngõ nhà của anh. Tôi ngồi chờ đợi, biết được thói quen - mỗi buổi sáng, khoảng giờ này anh hay thả bộ đến quán cà phê gần đó.

Tôi chờ đợi trong nỗi nôn nao, hồi hộp, vì tôi biết, một lần nữa, tôi sẽ được lặn hụp, sẽ được ngập chìm, sẽ được nâng niu trong ánh mắt của anh – đôi mắt lúc nào nhìn tôi cũng vời vợi một trời thương yêu….

Bất ngờ, một chiếc xe taxi chạy vào và dừng lại kế bên chiếc xe của tôi. Cửa xe mở. Dáng người đàn ông cao gầy bước xuống, tôi nhổm lên mừng rỡ, nhưng kịp nín lặng, ngây người nhìn anh đỡ một người phụ nữ yếu lả, xộch xệch đi vào nhà. Cổ họng tôi bỗng dưng khô rang, nghẹn cứng.

 

Tôi lên Đà Lạt lang thang ở đó suốt một tuần. Không có những đêm ngà ngọc. Không có tay anh kê cho tôi ngủ, nên tôi xuống phố một mình. Lạ chưa? Những hộp thuốc trợ tim mang theo trong ví, còn y nguyên.

 

Đêm sâu lắm, tiếng dương cầm ngân nga Auld Lang Syne khiến ai cũng bùi ngùi, mọi người như còn tiếc nuối, chưa muốn đứng lên. Bỗng tôi nhớ ra, lặng người –  Đêm tình ca cảm động như vậy, thường - tôi hay khóc, sao đêm nay mắt tôi ráo hoảnh?   

 

. thụyvi

(Hầm Nắng, Michigan tháng 9-2010)

 

(*) chữ của Nhạc sĩ Trường Kỳ

 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage