|
TÙY BÚT
Chữ nghĩa, cà phê và bạn hữu
Hẹn nhau tại quán cà phê
Tay bắt mắt ngó chỉnh tề, ba hoa
Đi đâu ta cũng là ta
Bạn cũng là bạn, tà tà giống nhau
Mỗi thằng thòng một nhúm râu
Thằng để thằng cạo hơn nhau điểm nào?
Nhìn chung, một bọn tào lao
Viết hay nói cũng tầm phào quanh năm
Thèm đi, thèm ngủ, thèm nằm
Thèm bao nhiêu thứ… trăm năm bình thường
Hơn gì nhau chuyện yêu thương
Thua gì nhau nỗi vui buồn chung riêng
Nói nhảm vẫn ấm nét duyên
Chửi thề vớ vẩn đâu phiền lòng ai
Cà phê từng ngụm lai rai
Cái ngon ở chỗ cụng vai nói cười.
( Luân Hoán )

Nhà văn Lệ Hằng có nói, ngày đó, Saigon ngoài đường hiếm thấy con
gái mặc áo dây khoe chân dài, ngực trần… Nên quán cà phê cũng là nơi
không dành cho con gái.
Đầu tiên tôi biết quán cà phê Cháo Lú là do Từ Kế Tường. Anh thường
đến đó nên hay rủ tôi đi, nơi đây, tôi gặp anh Cung Tích Biền, Ngụy
Ngữ… và vài người bạn văn nghệ như anh Mường Mán loáng thoáng từ
miền Trung vào, tạt ngang ghé lại.
Quán Lú nằm trên một dãy phố gần chợ Thị Nghè, chủ nhân là họa sĩ Vị
Ý thiết kế thật độc đáo nên hấp dẫn những văn nghệ sĩ ghiền gặp
nhau. Mà lạ! Cứ hễ họ gặp nhau là có đủ chuyện để nói, y như nói là
một nhu cầu gì đó đang thôi thúc… Có người khi nói dáng bức thiết
thật lòng về cuộc đời, có người cố tình làm ra kiểu suy tư… Thú
thật, lúc đó tôi còn cà ngơ cà ngất, ăn chưa no lo chưa tới, nên
ngồi đồng với Tường tại quán cà phê nghe mấy ông nhà văn, nhà thơ
trên Sáng Tạo, trên Văn… bàn chuyện văn chương chữ nghĩa, chuyện
triết lý hiện sinh, chuyện chiến tranh …trong mùi khói thuốc ngột
ngạt, không thú vị gì hết. Cho nên, tôi chỉ muốn thoát ra cái hộp
nóng bức đó để quanh quẩn lọt thỏm trong rừng sách Khai Trí mát
rượi, được ngó nghiêng ngó ngửa những cuốn truyện thơm mùi giấy mới
với hình bìa con gái đầy màu sắc do Vivi hay Đinh Tiến Luyện vẽ thật
đẹp. Ngoài ra, tôi cũng thích lê la chỗ bán gỏi đu đủ, cóc me dầm
cam thảo hay ghé nước mía Viễn Đông hơn là theo Tường đến quán cà
phê âm u như âm phủ…
Mới đây, nhà văn Minh Nguyễn cho tôi hay, sau này, ông chủ quán cà
phê Lú té chết vì bất cẩn khi trèo lên cao treo pano quảng cáo. Còn
nhà văn Mường Mán tuy chưa gác bút nhưng làm thêm nghề tay trái mở
quán ăn Ruốc trên Nam Kỳ Khởi Nghĩa, còn anh Cung Tích Biền có dạo
bị lôi thôi vì dính dấp vào một vụ việc nào đó…
Thời gian quen Tường là lúc tôi mon men bước vào con đường văn nghệ,
theo học thêm thoại kịch bên Quốc gia Âm nhạc. Tường và anh Đinh
Tiến Luyện đang cộng tác với Công Luận chăm sóc trang Tuổi ngọc và
tờ Tuổi ngọc với nhà văn Duyên Anh. Ngoài mục trả lời thư tín, Tường
còn viết truyện dài, nhưng tôi lại thích thơ của Tường hơn, có lẽ
những truyện Tường viết, mạch văn chậm và âu sầu quá, riêng anh Đinh
Tiến Luyện viết văn thật cảm động - những truyện ngắn kiểu mộng mơ
như những trang bìa anh vẽ cho lứa tuổi con gái thích ô mai.
Đóng chốt ở Lú một thời gian, Tường và những người bạn dời qua Thằng
Bờm vừa mới khai trương. Không hiểu do đâu ngâm sĩ Thanh Hùng biết
tôi làm thơ nên đề nghị Tường và tôi ngâm thơ cho chương trình thêm
phần sôi động. Tôi gặp cặp Lê Uyên & Phương và Tình Khúc Cho Em
ở đây, gặp Vũ Thành An với những Bài Không Tên cũng ở đây,
gặp cả Phạm Duy với Thà Như Giọt Mưa phổ thơ của Nguyễn Tất
Nhiên và cặp Từ Công Phụng & Từ Dung với Bây Giờ Tháng Mấy
cũng ở đây… Những tối cuối tuần, khách của Thằng Bờm đông lắm, đứng
tràn ra đường. Nơi đây cũng ghi nhiều kỷ niệm của tôi với Tường,
thường những lần khi rời Thằng Bờm, chúng tôi thả bộ dưới trời đêm,
có lần đó sau cơn mưa đường đầy nước, Tường loay hoay phụ kéo tuột
đôi giày cho đôi chân trần của tôi thỏa thích đùa nghịch dầm trong
vũng nước, rồi sau đó cả hai đứa nắm tay đùa giỡn hồn nhiên cười
vang như con nít. Tôi biết Tường thương tôi lắm, những dòng chữ nắn
nót “Anh không thể nào phù phép hóa cho em một người Mẹ, nhưng anh
có trái tim và lửa của trái tim” đã nói hết tấm lòng của Tường đối
với tôi, vì thế cuộc sống tôi trôi êm ả với tình cảm ngất ngây trong
sáng và không khí văn nghệ quyến rũ dễ thương từ quán Thằng Bờm.
Chúng tôi càng thân nhau là lúc tôi lờ mờ nhận thấy Tường có điều gì
rất lạ, anh đâm ra khó tính hơn, hay bồn chồn do những gì đó rất mơ
hồ, cộng thêm những giận dỗi kỳ quặc như chút ghen chút hờn thậm vô
lý… anh sinh ra độc đoán kỳ khôi! Tôi còn trẻ lắm, suy nghĩ rất đơn
sơ, nên không chịu nổi những áp lực dường như quá lớn từ anh. Chúng
tôi vẫn gặp nhau, nhưng không có gì vui… Thế rồi, tôi cố tình tránh
mặt anh, và hai đứa mất hút nhau hồi nào không hay! Đến khi tình cờ
gặp lại thấy anh đi với một người con gái rất đẹp – lúc đó trên
những trang viết anh thường nhắc đến Nấm Hương. Cô gái tôi gặp không
mang tên Hương đó sao? Tuy nhiên, anh cũng kịp tặng tôi cuốn
Huyền Xưa, một chuyện tình đầu tay mang đầy hình ảnh của tôi, đã
khiến tôi im sững trong cảm động bồi hồi. Khi anh quay lưng, câu cảm
ơn còn trong cổ họng, có kịp nói gì đâu!
* * *
Tôi thích sống trong không khí văn nghệ và thích họp mặt bạn bè,
nhưng lại lập gia đình với người đàn ông rất ít nói và không dính
dấp chút văn nghệ nào. Tuy nhiên, anh lại là người rất dễ chịu, giao
thiệp và đỡ đần với hết thảy mọi người và ủng hộ tôi rất nhiều trong
mọi hoàn cảnh.
Do có một người chồng đồng cảm, nên hai đứa có chung số đông bạn bè.
Cứ hễ ai có chuyện cần, ới lên, cả bọn thay phiên nhau chạy tới, dù
không dư giả gì - khi cần, nhóm bạn chơi chung cùng ghé vai, trút
túi - mọi việc giải quyết nhẹ như không.
Ghiền không khí cà phê nên chúng tôi chọn Boba Latte làm điểm hẹn.
Quán kiểu Mỹ nhưng bán đủ thứ đen, đá, sữa và đủ loại trà Việt Nam.
Bạn bè gặp nhau, có người tóc bạc, có người da mồi… nên hết rồi
những om sòm như ngày xưa, mà nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân kể lại dạo
nào… “Sao mà nhớ không khí cà phê của Sài Gòn xưa muốn thúi ruột.
Ước gì có không khí hồi đó, con người hồi đó. Mấy anh chàng đi ra đi
vào, hớn hở kể chuyện tán đào, rầu rĩ ôm gối thất tình, nồng nhiệt
tính chuyện lấp biển dời sông, bàn tán tính đường trốn lính, cái gì
cũng ồn ào bộc trực, thoải mái tự nhiên không màu mè rào đón, sống
đã thiệt…” Quây quần với nhau có Phạm Thắng Vũ là cây bút sắc nét,
Vũ còn có một trí nhớ tuyệt vời mà tôi gọi là cuốn tự điển sống. Có
cả Thi sĩ Nhật Hồng - Nguyễn Thanh Vân với cách dụng chữ thật độc
đáo, thơ ông đọc xuôi đọc ngược đọc qua đọc lại, đọc đến… 20 cách,
vẫn hay, niêm luật, ý, tứ rất chuẩn mực - Loại thơ này xưa nay vốn
hiếm, nay càng hiếm hơn. Có nhà văn Ngô Sỹ Hân, nhà văn Bảo Định.
Lâu lâu có nhà thơ Phan Ni Tấn tạt qua cười khề khà - giọng cười bắt
tôi nhớ hoạ sĩ Hiếu Đệ - ông họa sĩ hồn hậu vậy, nhưng đi rồi, về
cõi vĩnh hằng rồi, tuy nhiên ông còn kịp để lại cho tôi hàng chục
bức minh họa cho tuyển tập truyện ngắn tôi chuẩn bị in từ lâu. Ngoài
ra, chúng tôi còn một số bạn thân ở khá xa, tuy xa mà gần … Nhà văn
Phạm Ngũ Yên đó, đêm nào mất ngủ thì e-mail qua e-mail lại với tôi,
khề khà chuyện xưa chuyện nay. Hay anh Trần Đình Phước, hễ có gì
vui, lạ, hay hoa nào đang nở trong vườn, lật đật chộp ngay bô hình
gửi tới…Như mấy tháng trước, trong những ngày ít ỏi lo tang chế cho
Mẹ, thế mà anh Phước cũng sục sạo lội về khu nhà trong vùng ký ức 50
năm về trước trong một bài viết của tôi để chụp lại những dấu tích
cho tôi giữ làm kỷ niệm!
Nhóm bạn chúng tôi còn có Thông, một tay dương cầm thật lả lướt, anh
chàng còn có giọng hát thật sang, rõ lời, nhả chữ từng câu tròn
triạ. Hôm nghe tin nhạc sĩ Từ Công Phụng lâm bịnh, Thông hớt hãi
“Thụyvi ơi! Mình làm một đêm nhạc về TCP nhé ”.
Những đêm nhạc thính phòng loại bỏ túi, tôi chỉ e-mail ra mời, nhưng
lúc nào cũng đông đảo – Hình như ở tuổi chúng tôi, ai cũng muốn sống
lại thời lãng mạn, nghe lại những tình khúc với tiếng dương cầm lướt
theo réo rắc.

Nếu tuần nào không gặp nhau ở quán cà phê quen,
thì bạn bè kéo đến nhà tôi. Khung cảnh Hầm Nắng đầy sách vở tranh
ảnh rất gần gũi thân mật, là nơi lý tưởng để chúng tôi thù tiếp bạn
bè. Chuyện khơi mào mở ra có khi với chút thức ăn nhẹ, có khi những
cốc vang quanh bàn tròn là tâm hồn bọn tôi thả ngược về cõi chữ
nghĩa, nhắc lại một thời thất kinh đầy lận đận.
Sau những năm tháng cày cật lực, nợ áo cơm đã xong và con cái đã yên
bề. Chúng tôi còn lại một tình yêu và một đời sống có bạn có bè cùng
vài thứ đam mê. Một trong những đam mê của tôi là sưu tập… rượu! Mê
rượu, nên tôi tìm học nhiều cách pha rượu để đãi bạn. Vì thế, trong
câu chuyện với nhau - những chất rượu sóng sánh được rót ra, uống
thật đượm, nhưng không dễ dàng làm cho người ta say, chỉ khiến câu
chuyện Văn Nghệ, Văn Chương càng thêm rôm rả hứng khởi mà thôi.
Một người bạn là anh Khánh đi du học ở Paris vào khoảng năm 1963 nên
anh nói tiếng Tây nhiều hơn tiếng Việt, tuy nhiên anh còn mê thổi
sáo, thích hò Huế, ngưởng mộ Hữu Loan, thân với Bích Thuận… Được anh
thương mến, và biết tôi thích rượu nên anh đến bất cứ thành phố nào
bên châu Âu cũng đều mua cho tôi những thỏi chocolate tẩm các mùi
rượu khác nhau. Tấm lòng của anh, Đỗ Trung Quân không phải đã nói
giùm “Tôi cũng đã được lang thang vài nơi trên xứ người, những xứ sở
bận rộn và văn minh, cái bận rộn khiến cho nếu có ai đó chịu dừng xe
vào siêu thị hay quán xá chọn mua cho ta một món gì đấy để gửi hay
mang về tặng ta hẳn cái tình cảm dành cho mình lớn lao lắm. Mua mang
về đã là quí lắm rồi, nhưng còn chịu khó lặn lội ra bưu điện bỏ bao
bì cẩn thận gửi đến theo cách cổ điển nhất: Bưu phẩm, hẳn là chuyện
không đơn giản chút nào. Bưu điện xứ người chắc chắn phải vài giờ
lái xe trên đường cao tốc. Đi, chọn, mua và gửi cho một người ở nhà
xa xôi đến thế thì cái tình cảm dành cho mình còn lớn biết chừng
nào”.
Cứ hễ các con tôi ra sân lấy thư, mở thùng, thấy gói vuông, gói dài,
là y như rằng “của bác Khánh!” Nghe nói anh có dạo anh là hàng xóm
với nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt), tác giả bản Ai Về Sông Tương
ngoài Huế.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm mới thấy sống trên đời đã khó, làm bạn
với nhau càng khó hơn. Bạn bè có người thích điều này hay không
thích điều kia, nhưng chơi với nhau đừng bao giờ lợi dụng nhau, kèn
cựa nhau, hãm hại nhau…
Nếu không cố gắng đem những điều tử tế đến cho nhau thì đừng làm
bạn.
Cũng như văn chương chữ nghĩa, nếu không thể viết thật lòng mình thì
đừng viết.
. thụyvi
(Hầm Nắng, Michigan, tháng 9-2010)
|
|