thkt thư quán

 

 

 

 

 

 

CHUYỆN NHIỀU TẬP CỦA GIA ĐÌNH BÀ TÁM TÀNG:

Tôi đã được gọi là "bác sĩ" như thế nào?

 

* tạp bút


Thư riêng về cho tôi, thầy Đỗ Ngọc Trang có tâm sự: Dạo này không biết có vận hạn gì hay không mà không khí Gia đình THKT hình như có nhiều chuyện không vui?! Hết thầy này bệnh lại đến trò kia nằm viện, mà khổ nỗi, bệnh nào nghe ra cũng mức độ trầm kha! Biết làm sao hơn khi chúng ta ai cũng hiểu qui luật tử sinh là do tạo hóa đặt để cho quả địa cầu từ thuở con người mới quần cư trong thuở còn hồng hoang mà! Thầy Trang ơi! Đã biết thế thì tùy mỗi người định liệu: Ta hết lòng hay ngoảnh mặt làm ngơ đây? Nghe xót xa nhưng ta vẫn hy vọng có ánh sáng nhiệm mầu. Thầy hãy nên an lòng, bởi Gia đình THKT không bao giờ có phụ bạc ai đâu. Em đoan chắc ngàn lần như thế.


Mọi chuyện tự xem như đã tạm an bài, thế tại sao ta không tìm chuyện nào vui vui đó, để phần nào xua đi nổi canh cánh bên lòng? Xin tình nguyện làm người vô duyên mà kể chuyện trong lúc không hợp thời này. Mong tất cả hãy vì lòng vị tha mà: cười lên đi cho đời… bớt u ám.


Trước khi kể lại chuyện này, mong các bác sĩ phòng mạch THKT vui lòng cho tôi xin được vài ý kiến phê bình thực lòng. Hầu mai hậu, tôi xin chừa và không dám làm chuyện "thày lay" này lần nào nửa. Đa tạ trước.


Chuyện thế này:


Ngày ấy, ngày của thời còn gian khó. Chuyện thuốc men, bệnh hoạn quả là nan giải! Nếu chẳng may lâm bệnh, tìm thuốc để trị bệnh không phải là chuyện dễ dàng! Thời buổi tiến bộ như bây giờ, bạn chỉ việc ù chạy một mạch ra tiệm thuốc tây và nói chứng sơ sơ là người ta đưa thuốc đặc trị, sau đó chỉ việc… móc túi trả tiền. Bệnh có nặng hơn tí xíu là đến ngay các phòng mạch bác sĩ đang nằm đầy dẫy khắp nơi (các thành viên THKT thì càng được hưởng quyền lợi cao hơn nữa: chỉ nằm nhà và một cú phone là sẽ có ngay câu trả lời tức khắc: Alô, thầy cô, bạn sẽ…). Sướng nhé! Trong bối cảnh thời cơ đó, tôi bỗng dưng trở thành bác sĩ chuyên khoa Tai. Và có tiếng khắp khu chợ Bàu Sen đường Nguyễn Trãi, quận 5. Chắc quí vị đang chờ đợi câu trả lời: Con đường tơ lụa nào dẫn tôi đến chức vị khả kính (dzỏm) như đã nói?

Xin quí vị nén lòng, đừng sốt ruột mà vui lòng từ từ nghe tôi tự sự cho có đầu có đuôi như sau:


Vào thời khó khăn đó, tôi thường hay cùng ông bạn lớn tuổi đến quán mì sườn của ông già mập mạp nằm ở góc đường Nguyễn Trãi - Lê Hồng Phong, quận 5 để ăn sáng. Cái thường đến của quán này với chúng tôi, không phải chỉ là mùi thơm nước lèo bát ngát tỏa trong sớm mai hay cái sợi mì Tàu dòn tan hòa trong vị cay nồng của bột cải ngồng màu vàng óng sộm. Cái nguyên nhân chính là ông bạn già tôi đến đó để hoài niệm cái chi chi thì tôi không rõ. Tôi có hỏi lý do nào, anh chỉ lắc đầu ngoầy ngoậy và lần nào cũng nói: Tình thiên thu, mày biết chỉ thêm ngu?! Sau này khi ra nước ngoài, gửi thư về anh mới tỏ: Thưở còn đi học, anh yêu cô con gái của ông già Tàu mập này. Gần 3 năm quen nhau, mỗi lần Trung thu, anh đều tặng cho cô nàng một cái lồng đèn kéo quân bằng giấy bóng màu xanh đỏ rất đẹp. Họ hẹn nhau khi nào đếm đủ 5 cái đèn kéo quân là họ nhà trai kéo đến tiệm mì sườn để hỏi cô nàng về làm vợ cho anh. Thế rồi vào một mùa Trung thu năm nọ, anh hớn hở cầm lồng đèn kéo quân thứ 4 đến tiệm mì sườn và… để rồi sau đó cầm đèn kéo quân ra về trong tuyệt vọng. Ông Tàu già báo tin con gái ông đã lên máy bay đến Hongkong để du học ngành nấu ăn vào ngày hôm qua và sau này sẽ lấy chồng để ở luôn bên quê nội. Từ dạo ấy, anh lặng lẽ bỏ quán mì sườn ông già Tàu để thay vào đó bằng mỗi sáng điểm tâm ở quán phở hiệu Tàu Bay (gần Bệnh viện Nhi đồng 1 bây giờ). Ra đi trong thua thiệt và lúc nào trong đầu anh cũng đau đáu: sao em nỡ phụ tôi? Em có biết lòng tôi tan tác! Và ngập ngừng anh… nguyền rủa: Đồ con mập ù… phản bội!


Sau ngày đất nước hòa bình, anh dẫn vợ con đến quán mì năm xưa điểm tâm và ít nhiều có chút tò mò: Người xưa nay sao?! Anh chàng giữ xe bên hông quán "nhiều chuyện" kể lại cho anh nghe: cô Cẩm Liên ngày xưa có quen với ông sinh viên nào đó. Sau này cô bị bệnh nan y, ông già giấu không cho ai biết. Mà cũng lạ lắm nghe, tôi hỏi ông chủ sao trên bàn thờ cổ chủ có 3 cái lồng đèn kéo quân mà dù ngày hay đêm nó cũng vẫn sáng đèn hoài vậy? Ông chủ nạt tui: Nị hỏi làm gì? Hỏi nữa, ngộ đuổi nị không cho giữ xe nữa à! Anh bạn tôi đã hiểu và đã âm thầm khóc!


Thôi, cũng lòng thòng quá rồi, kính mời quí vị nghe tiếp "Q.A chính chuyện" nếu quí vị … còn để tâm theo dõi.

 


Một bữa nọ, tôi đến quán mì sườn như đã kể với một người bạn. Trong lúc đợi người phục vụ bàn mang thức ăn ra lót dạ, ngó quanh quanh chợt thấy anh chàng giữ xe "nhiều chuyện" đang đứng đê mê ngoáy tai, rồi tiếp tục ngoáy tai "liên khúc".Tôi bật cười nghĩ rằng: có lẽ vì nhiều chuyện nên bị ông chủ mắng chửi hoài, lâu ngày sinh ra bệnh ngứa tai và thích nghe rầy la để… đỡ ngứa chăng? Thấy ngồ ngộ thế nào, tôi ngoắc tay gọi anh vào hỏi chuyện:
- Anh bị gì mà ngoáy tai như "trường ca thương nhớ" vậy?


Anh chàng nhăn nhó trả lời:
- Cái tai ngộ sao cứ ngứa hoài! Váy "dù dù"như quạt máy, vậy mà cũng chẳng đỡ ngứa chút nào!


Tôi trêu anh:
- Chắc bị ông chủ la hoài chứ gì?


- Pậy pạ không! Ông chủ ngộ tốt lắm à nghe. Nó ngứa là do "ông chời" cho, chứ có piết tại sao đâu!


Rồi bỗng dưng như được Hải thượng lãn ông “dựa xác phàm”, tôi lên tiếng:
- Nị đưa tay đây cho tôi bắt mạch xem sao. Không tính tiền đâu.


Anh chàng mắt sáng lên mừng rỡ (vì mới sáng sớm mà đã gặp "quái nhơn"!):
- Dà, dà. Nị giúp ngộ, ngộ mang ơn.


Anh chàng đưa tay trái ra trước mặt tôi, tôi vội cầm ngay và bắt mạch vào cổ tay hắn. Mắt tôi nhắm lim dim như dồn hết tâm trí vào… nghiệp vụ!


Tôi nghiêm nghị hỏi.
- Bị bao lâu rồi?


- Gần hai tháng nay.


Tôi hỏi tiếp:
- Ngoáytai thấy nước vàng hay trong?


- Dạ, nước trong.


- Tanh rình hay thúi hoắc?


- Dạ, chỉ tanh rình chứ không thúi hoắc như nị hỏi.


Đánh con bài hên xui vào câu chót:
- Thế, nị có bị đau thắt lưng lâm râm không?


Bệnh nhân cười méo mó thú nhận:
- Dà, đau tối ngày.


Tôi nhẹ nhõm người vì... tìm ra bệnh:
- Anh vào mượn ông chủ anh cây viết và tờ giấy. Ra đây tôi cho toa rồi mua thuốc uống. Không sao đâu, vài ngày dứt căn thôi.


Khỏi phải nói, anh chàng mừng rỡ thế nào rồi lăng xăng chạy vội vàng vào quầy trong và tức khắc hiện ra đưa cho tôi giấy viết, miệng lắp bắp:
- Tròi oi, phước đức quá! Cám ơn, cám ơn nị.


Đeo cặp kính lão vào, cẩn thận tôi hỏi thêm:
- Nị có đau bao tử không?


- Dà, không có lâu.


Thế là tôi ghi một mạch toa thuốc dùng trong 3 ngày:
- 1. 1v Indosid 0,200mg/lần. Ngày 3 lần: sáng, trưa, chiều.
- 2. 1v Corticoid 0,200mg/lần. Ngày 2 lần: sáng chiều
- 3. 1v 3B 500mg/lần. Ngày 2 lần: sáng, chiều.
- 4. 1v Vitamine C.500mg sủi bọt. Ngày 1 lần.
- 5. 1 lọ Oxy già + bông gòn vệ sinh tiệt trùng.
- Ăn uống không kiêng cữ gì.

 

Đưa tờ giấy gọi là toa thuốc, tôi ân cần dặn dò bệnh nhân:
- Nị nhớ giữ vệ sinh, tránh ngoáy tai nhiều và khi nào quá sá ngứa thì mới se se chút đỉnh. Về lấy bông gòn nhúng oxy già rửa tai thật sạch,l au khô tai và dùng bông vệ sinh đóng nút tai lại. Nhớ uống thuốc đều đặn. Bảo đảm 3 ngày là nị khỏe re.


Tôi còn nhớ rõ là lúc đó, tôi có cố gắng thật nhiều để rặn ra một nụ cười hiền hậu cho thật giống "lương y như từ mẫu", để anh chàng nhiều chuyện tội nghiệp kia dễ tin tưởng hơn.


Điểm tâm xong, chúng tôi ra về. Riêng lòng tôi mênh mang sướng rơn cho chuyện cổ tích trong đời thường vừa rồi: Bụt có thật trong "cõi đời ô trọc lóc" này.


Bảy ngày sau, quên bẵng mất chuyện tào lao tuần rồi, chúng tôi lại đến tiệm mì sườn để thưởng thức lại món gia truyền khoái khẩu của ông già Tàu cho chúng tôi. Ngạc nhiên quá, sao hôm nay anh chàng giữ xe lại có vẻ khúm núm và lễ phép cúi chào với chúng tôi vậy? Hắn lít xít đón chiếc xe Suzuki đời... Tô Ánh Nguyệt của tôi mà còn cẩn trọng lau chùi kỹ lưỡng! Tôi bật tiếng để hỏi cho ra lẽ chuyện khác thường này, hắn cung kính cúi đầu thưa bẩm:
- Vợ chồng, con cái ngộ cảm, cảm ơn pác sĩ quá trời. Ngộ hết ngứa mấy ngày nay rồi. Pác sĩ giỏi không thua ông tổ Hoa Đà của ngộ. Cám ơn. cám ơn…


Ông bạn tôi trố mắt nhìn tôi như… vật thể lạ ngoài hành tinh rồi lẩm bẩm như người ngủ mớ: Mày mà là... bác sĩ hồi nào?


Tôi vừa cười, vừa trả lời:
- Anh ta gọi tao chứ tao có xưng danh hồi nào.


- Thế sao mày ra toa thuốc mà nó hết bệnh?


- Chuyện dài dòng, bao cà phê Théria Brodard đi rồi tao kể cho nghe.


- OK, chuyện nhỏ. (Mày dự mưu trộm nghề của tao đây?)


Rồi bí mật tày trời cũa tôi lần lượt được khai báo thành khẩn với ông bạn ham "học thầy không tày học bạn":


- Có khó gì đâu, tôi chỉ ứng đối khi gặp phải bệnh… giống từa tựa mình trải qua! Nhưng nhớ kỹ một điều là cơ địa không ai giống ai! Liệu cái nào vô hại thì làm tới: hên xui… Chuyện vừa rồi là do tôi hên đấy! Số là vầy nè: mấy tháng trước tôi mắc chứng y chang bệnh anh này, đi bác sĩ giỏi mà rồi cũng không hết. Tôi có đến cả tiệm hớt tóc nổi tiếng ở đường Pétrus Ký, chỗ chuyên môn chữa tai cho các vận động viên bơi lội quốc gia nhưng rồi cũng… trớt quớt! Về quê nhà, ông nhạc đưa tôi đến ông thầy thuốc bắc uy tín của gia đình vợ tôi từ lâu. Ông thầy khám lỗ tai đang tanh tanh của tôi rồi phán: Thận sinh tai, tim sinh môi, gan sinh mắt. Rồi đưa cho gói thuốc tán bảo về thổi vào tai là hết bệnh. Về đến nhà, vội thổi vào tai, thuốc thổi vào rát muốn "té… ấy"! Chờ lát sau, vẫn ngứa như… Diễm xưa. Thuốc tróc ra do lũ huyết thanh… tràn về! Vô phương cứu chữa rồi! Ô hô..! Không, người ngay không dể mắc tai ương. Như giác quan tâm linh sai khiến, tôi nhớ lại câu thiệu bệnh của ông lang nhà và tự khám lâm sàng cho mình rồi tự.. yeah..! Mình cũng bị đau thắt lưng do có thời lao động cúi khom. Và nhớ lại toa thuốc của bác sĩ niệu khoa Nguyễn Văn Hiệp (cố phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân) cho toa liền tự xử. Vệ sinh tai giống như lời khuyên cho anh chàng giữ xe. Uống tù tì đúng liều bác sĩ dặn. Rồi hiệu quả của đông tây y kết hợp cộng thêm tính sáng kiến gan dạ. Và tôi sung sướng với kết quả rực rỡ: lưng hết đau âm ỉ, tai khô queo hết ngứa tựa hồ như câu hát: Em đến không hẹn rồi ra đi không giã từ! Đứng một mình trước gương soi, tôi thành kính tự… xá mình một cái...! Độc hại quá!


Ông bạn mình ơi, liệu có dám trộm nghề cũa tôi không? Cái này tôi không có bản quyền, ai có gan thì sử dụng.


Xét cho tận cội nguồn, tôi vẫn còn băn khoăn, khoắc khoải: Có phải chăng chuyện diễm tình hơn cả tiểu thuyêt cũa anh bạn già kính mến đã khiến xui đôi chân tôi lạc đến quán mì sườn và định mệnh hào quang nào đó bắt buộc cho tôi phải làm... bác sĩ?


Dấu hỏi còn để đó…

NGÔ BẢO TOÀN
(Tân An 30-9-2010)
 

 
 


Copyright © 2010 Trung hoc Kien Tuong Homepage